Quyết định số 1208/2006/QĐ-UBND ngày 29/06/2006 Quy định trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực đất đai do Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng ban hành
- Số hiệu văn bản: 1208/2006/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Cao Bằng
- Ngày ban hành: 29-06-2006
- Ngày có hiệu lực: 09-07-2006
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 30-01-2021
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 5319 ngày (14 năm 6 tháng 29 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 30-01-2021
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1208/2006/QĐ-UBND | Cao Bằng, ngày 29 tháng 06 năm 2006 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH TRÌNH TỰ, THỦ TỤC GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP TRONG LĨNH VỰC ĐẤT ĐAI.
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH CAO BẰNG
Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng Nhân Dân và Ủy ban Nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2006.
Căn cứ Luật Đất đai năm 2003;
Căn cứ luật khiếu nại, tố cáo (Đã sửa đổi bổ xung năm 2004 và 2005);
Căn cứ nghị định số 184/2004/NĐ-CP ngày 29 tháng 10 năm 2004 của Chính Phủ về thi hành luật Đất Đai;
Xét đề nghị của sở Tài nguyên và Môi trường tại số 94/TTr- TNMT ngày 08 tháng 06 năm 2006.
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Ban hành kèm theo quyết định này quy định trình tự thủ tục giải quyết tranh chấp, khiếu nại trong lĩnh vực Đất đai.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế cho quyết định số 207/QĐ-UB- NL ngày 26 tháng 05 năm 1994 của UBND Tỉnh ban hành. Quyết định tạm thời về quản lý, sử dụng và giải quyết đất đai.
Điều 3. Chánh văn phòng UBND Tỉnh ; Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành có liên quan; Chủ tịch UBND các Huyện, Thị xã và Người sử dụng đất trên địa bàn tỉnh chịu trách nhiệm thi hành quyết định nay./.
Nơi nhận : | TM. UBND TỈNH CAO BẰNG |
QUY ĐỊNH
VỀ TRÌNH TỰ, THỦ TỤC GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP, KHIẾU NẠI TRONG LĨNH VỰC ĐẤT ĐAI
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 1208 /2006/QĐ-UBND ngày 29 tháng 06 năm 2006 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Cao Bằng)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định này được áp dụng trong việc giải quyết các tranh chấp về quyền sử dụng đất giữa cá nhân, hộ gia đình, tổ chức, cộng đồng dân cư; các khiếu nại về quyết định hành chính, hành vi hành chính trong lĩnh vực đất đai
Trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất; khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính trong lĩnh vực đất đai.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Đối tượng áp dụng Quy định này bao gồm:
1. Tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư, các cơ sở tôn giáo được nhà nước giao đất, cho thuê đất hoặc công nhận quyền sử dụng đất trên phạm vi tỉnh Cao Bằng.
2. Các khiếu nại đối với quyết định hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; các hành vi hành chính của cán bộ, công chức khi giải quyết công việc trong lĩnh vực đất đai.
Điều 3. Người tranh chấp, người khiếu nại phải là người có quyền và lợi ích hợp pháp trực tiếp liên quan đến vụ việc và có đủ năng lực pháp luật, năng lực hành vi theo quy định của Bộ luật Dân sự.
Người tranh chấp, người khiếu nại có nghĩa vụ phải cung cấp tài liệu giấy tờ liên quan đến quyền sử dụng đất của mình và trực tiếp thực hiện việc khiếu nại theo quy định của pháp luật. Nếu không thể tự mình thực hiện được thì có thể uỷ quyền cho người khác theo quy định của pháp luật.
Điều 4. Những bảo đảm cho người sử dụng đất
1. Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã được giao theo quy định của Nhà nước cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
2. Việc giải quyết khiếu nại, tranh chấp đất đai phải căn cứ vào pháp luật về đất đai tại thời điểm xảy ra các quan hệ đất đai dẫn đến khiếu nại, tranh chấp đất đai.
Điều 5. Nguyên tắc trong giải quyết tranh chấp, khiếu nại về đất đai
1. Giải quyết các tranh chấp, khiếu nại về đất đai phải đảm bảo nguyên tắc không làm rũ rối tình hình; đảm bảo ổn định đời sống và phát triển kinh tế- xã hội; giữ vững tình tình đoàn kết xóm, làng, khu phố.
2. Các tranh chấp đất đai đều phải được tiến hành hoà giải từ tổ hoà giải ở thôn, xóm, khu phố trước khi đưa ra xem xét tại Uỷ ban nhân dân cấp xã. Việc hoà giải tranh chấp đất đai là trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi có đất đang tranh chấp.
Chương II
TRÌNH TỰ, THỦ TỤC GIẢI QUYẾT CÁC TRANH CHẤP VỀ QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT
Điều 6. Hoà giải tranh chấp đất đai
1. Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự nguyện và chủ động gặp gỡ nhau để hoà giải hoặc thông qua tổ hoà giải tại ở thôn, xóm, khu phố.
2. Nếu việc hoà giải ở cơ sở không thành thì các bên tranh chấp có quyền gửi đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đến Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là Uỷ ban nhân dân cấp xã) nơi có đất đang tranh chấp.
3. Trong thời hạn không quá 30 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn Uỷ ban nhân dân cấp xã phải thành lập Hội đồng tư vấn tiến hành hoà giải vụ việc.
Thành phần tham gia Hội đồng tư vấn gồm có:
a) Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch UBND cấp xã là chủ tịch Hội đồng;
b) Đại diện Mặt trận Tổ quốc Việt nam cấp xã;
c) Đại diện Hội nông dân Việt nam cấp xã;
d) Tổ trưởng tổ dân phố đối với khu vực đô thị; trưởng thôn, bản đối với khu vực nông thôn.
e) Cán bộ Địa chính, cán bộ Tư pháp cấp xã.
Sự có của các bên tranh chấp là điều kiện bắt buộc trong một cuộc hoà giải.
Điều 7. Trình tự, thủ tục hoà giải
1. Trước khi tiến hành hoà giải, cán bộ địa chính cấp xã phải thẩm tra xác minh tính giá trị pháp lý các tư liệu, tài liệu, giấy tờ liên quan đến quyền sử dụng đất đối với phần đất đang tranh chấp. Các bên đương sự có nghĩa vụ cung cấp các giấy tờ tài liệu, chứng cứ chứng minh về nguồn gốc khu đất, quá trình quản lý và sử dụng, việc thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước.
2. Trong quá trình tiến hành hoà giải phải lập biên bản hoà giải ghi đầy đủ các ý kiến, các tài liệu, chứng cứ đã được các bên tranh chấp xuất trình, diện tích đất đang tranh chấp đã có hay chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (bìa đỏ) hoặc một trong các loại giấy theo quy định tại khoản 1, 2 và 5 của Điều 50 Luật Đất đai năm 2003.
Trong trường hợp hoà giải thành thì bắt buộc phải có đủ chữ ký của các bên tranh chấp (nếu người tranh chấp không biết biết chữ thì cho điểm chỉ).
Trường hợp hoà giải không hành thì không bắt buộc phải có đầy đủ chữ ký của các bên tranh chấp.
Biên bản hoà giải thành được gửi cho các bên tranh chấp và được lưu giữ tại Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp.
3. Đối với trường hợp hoà giải thành mà làm thay đổi hiện trạng, ranh giới sử dụng đất, chủ sử dụng đất thì Uỷ ban nhân dân cấp xã gửi biên bản hoà giải thành đến Phòng tài nguyên và Môi trường đối với trường hợp tranh chấp đất đai giữa hộ gia đình, cá nhân cộng đồng dân cư với nhau; gửi đến Sở tài nguyên và Môi trường đối với các trường hợp khác.
Cơ quan tài nguyên và Môi trường, có trách nhiệm trình Uỷ ban nhân dân cùng cấp quyết định công nhận quyền sử dụng đất theo nội dung biên bản hoà giải thành và cấp mới giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
4. Trường hợp hoà giải không thành, thì Uỷ ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm giải thích, hướng dẫn các bên tranh chấp gửi đơn đến Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền (đối với các tranh chấp về quyền sử dụng đất chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) hoặc gửi đơn đến Toà án nhân dân (đối với các tranh chấp về quyền sử dụng đất đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật đất đai năm 2003 và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất).
5. Trường hợp không tiến hành hoà giải được tại UBND cấp xã do một trong các bên đương sự đã được UBND cấp xã mời đến lần thứ ba nhưng vẫn vắng mặt không có lý do chính đáng, thì UBND cấp xã lập biên bản hoà giải không thành và hướng dẫn cho bên đương sự có mặt gửi đơn đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết theo như quy định tại khoản 4 điều 7 của quy định này.
Điều 8. Các tranh chấp về quyền sử dụng đất thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án nhân dân
1. Các tranh chấp mà đương sự đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (bìa đỏ) do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp đối với mọi loại đất hoặc có một trong các loại giấy theo quy định tại khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật Đất đai năm 2003;
2. Các tranh chấp về tài sản gắn liền với đất.
Tài sản gắn liền với đất bao gồm: Nhà ở, nhà bếp, nhà tắm, nhà vệ sinh, giếng nước, nhà để ô tô, nhà thờ, tường xây làm hàng rào gắn với nhà ở, các công trình xây dựng trên đất được giao để sử dụng vào mục đích sản xuất, kinh doanh như nhà xưởng, kho tàng, hệ thống tưới tiêu nước, chuồng trại chăn nuôi hay vật liệu kiến trúc khác trên đất hoặc trên đất có các tài sản khác như cây lấy gỗ, cây lấy lá, cây ăn quả, cây công nghiệp hay các cây lâu năn khác gắn liền với đất đó.
3. Các tranh chấp về hợp đồng chuyển đổi, hợp đồng chuyển nhượng, hợp đồng cho thuê, hợp đồng cho thuê lại quyền sử dụng đất; thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; hợp đồng thế chấp, hợp đồng bảo lãnh, hợp đồng góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất và các loại tranh chấp khác theo quy định của pháp luật.
Điều 9. Các tranh chấp về quyền sử dụng đất thuộc thẩm quyền giải quyết của Uỷ ban nhân dân cấp huyện, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh.
Tranh chấp đất đai trong trường hợp các bên tranh chấp không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật Đất đai năm 2003.
1. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau;
2. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất giữa tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt nam định cư ở nước ngoài, tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài với nhau hoặc giữa tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt nam định cư ở nước ngoài, tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư.
Điều 10. Trình tự giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất
1. Trường hợp hoà giải không thành thì các bên đương sự gửi đơn kèm những tài liệu liên quan khu đất đang tranh chấp đến Uỷ ban nhân dân cấp huyện đối với những vụ việc thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện; gửi đến Uỷ ban nhân dân tỉnh đối với những vụ việc thuộc thẩm quyền của Uỷ ban nhân dân tỉnh.
2. Trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết của Uỷ ban nhân dân huyện thì các bên tranh chấp có quyền gửi đơn xin giải quyết tranh chấp đất đai đến Uỷ ban nhân dân tỉnh.
3. Trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết của Uỷ ban nhân dân tỉnh (đối với các vụ việc thuộc thẩm quyền của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh giải quyết lần đầu) thì các bên tranh chấp có quyền gửi đơn xin giải quyết tranh chấp đất đai đến Bộ tài nguyên và Môi trường;
4. Khi nhận được đơn đúng thẩm quyền, UBND huyện (thị) giao cho phòng ban chức năng tiến hành thẩm tra xác minh vụ việc. Kết thúc thẩm tra xác minh, cơ quan được giao thẩm tra có trách nhiệm lập báo cáo bằng văn bản trình UBND huyện (thị) xem xét ra quyết định giải quyết khiếu nại tranh chấp đất đai.
Tuỳ thuộc vào điều kiện thực tế từng địa phương, Uỷ ban nhân dân cấp huyện có thể thành lập Hội đồng tư vấn giúp Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xem xét giải quyết các vụ tranh chấp, khiếu nại về đất đai trước khi ban hành quyết định giải quyết.
Điều 11. Các căn cứ để giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất
1. Chứng cứ chứng minh về nguồn gốc khu đất đang tranh chấp:
- Các giấy tờ theo quy định tại khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật Đất đai năm 2003;
- Giấy tờ, sổ sách kê khai đưa đất đai vào hợp tác xã nông nghiệp. Trường hợp một bên tranh chấp có lý do chính đáng cho nội dung không thực hiện được việc kê khai đất đai vào hợp tác xã nông nghiệp trước đây, thì phải xem xét cụ thể để kết luận tính hợp pháp, hợp lý của người đứng tên kê khai vào hợp tác xã nông nghiệp đối với diện tích đất đai đang có tranh chấp.
2. Chứng cứ chứng minh về quá trình quản lý và sử dụng:
- Người quản lý sử dụng trước khi thành lập hợp tác xã nông nghiệp;
- Người quản lý sử dụng sau khi hợp tác xã nông nghiệp giải thể;
3. Kết quả hoà giải tại thôn, xóm, khu phố và tại Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi có đất đang tranh chấp;
4. Diện tích đất thực tế mà các bên tranh chấp đang quản lý, sử dụng ngoài diện tích đất đang có tranh chấp; bình quân diện tích đất cho một nhân khẩu tại địa phương nơi có đất đang tranh chấp;
5. Sự phù hợp của hiện trạng sử dụng thửa đất đang tranh chấp với quy hoạch sử dụng đất chi tiết đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;
6.Việc thực hiện nghĩa vụ của người sử dụng đất đối với nhà nước (nghĩa vụ tài chính, thuế, kê khai, đăng ký);
7. Nhu cầu sử dụng đất và điều kiện sử dụng đất của các bên tranh chấp đất đai;
8. Chính sách ưu đãi người có công của Nhà nước.
Chương III
GIẢI QUYẾT CÁC KHIẾU NẠI ĐỐI VỚI QUYẾT ĐỊNH HÀNH CHÍNH, HÀNH VI HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC ĐẤT ĐAI
Điều 12. Các quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại.
1. Các quyết định hành chính trong quản lý đất đai gồm:
a) Quyết định giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, trưng dụng đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất;
b) Quyết định bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư;
c) Quyết định cấp hoặc thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (bìa đỏ);
d) Quyết định gia hạn thời hạn sử dụng đất.
2. Hành vi hành chính trong quản lý đất đai bị khiếu nại là hành vi của cán bộ, công chức nhà nước khi giải quyết công việc thuộc phạm vi quy định của khoản 1 điều của điều này.
Điều 13. Trình tự giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính trong quản lý đất đai thuộc thẩm quyền của Uỷ ban nhân dân cấp huyện, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh.
Cơ quan nhận được đơn phải có trách nhiệm xem xét phân loại xử lý, giải quyết theo đúng quy định của Luật khiếu nại, tố cáo và quy định tại điều 163, điều 164 của Nghị định 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai năm 2003. Trường hợp không thuộc thẩm quyền giải quyết thì trả lại đơn và hướng dẫn người có đơn gửi đơn đến cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết theo đúng quy định của Luật khiếu nại, tố cáo.
Chương IV
GIẢI QUYẾT MỘT SỐ TRƯỜNG HỢP CỤ THỂ
Điều 14. Các trường hợp Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất và không xem xét giải quyết khiếu nại việc đòi lại đất mà Nhà nước đã giao cho người khác sử dụng theo chính sách ruộng đất trước ngày 15 tháng 10 năm 1993
1. Đất đã bị chính quyền Cách mạng tịch thu, trưng thu, trưng mua trước và sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã giao cho tổ chức, cá nhân, hộ gia đình sử dụng;
2. Đất đã hiến tặng cho Nhà nước, cho hợp tác xã, cho các tổ chức khác, cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng;
3. Đất đã kê khai vào hợp tác xã nông nghiệp, sau đó hợp tác xã giao cho cơ quan Nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang, các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân quản lý, sử dụng;
4. Đất mà Nhà nước đã giao cho người khác để làm đất ở; ruộng đất đã bị thu hồi để giao cho người khác hoặc điều chỉnh cho người khác khi giải quyết tranh chấp ruộng đất.
Điều 15. Đối với đất Nhà nước mượn
Các trường hợp đòi lại đất đai có nguồn gốc là của hộ gia đình, cá nhân trước đây đã cho cơ quan, đơn vị, tổ chức của Nhà nước mượn thì được giải quyết theo quy định tại Điều 116 của Luật Đất đai năm 2003 và Điều 112 của Nghị định 181/2004/NĐ-CP của Chính phủ.
Điều 16. Đất vùng vành đai biên giới
Đối với những khu vực vành đai biên giới được rà phá mìn vật cản đưa vào sản xuất, xây dựng nhà ở để xoá xóm trắng biên giới và bảo vệ biên giới, Nhà nước đã giao đất cho người khác theo chính sách hiện hành thì chủ cũ không có quyền đòi lại.
Điều 17. Đất khai hoang, phục hoá
1. Người nào muốn khai hoang, phục hoá đất đai phải xin phép Uỷ ban nhân dân các cấp. Nếu trước đây tự ý khai hoang, phục hoá thì nay phải kê khai đăng ký.
2. Người khai hoang, phục hoá, có công tôn tạo đang sử dụng vào mục đích nông nghiệp, lâm nghiệp hoặc làm nhà ở mà không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất chi tiết đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thì người đó được xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Điều 18. Đối với đất bãi bồi ven sông, suối
1. Đất bãi bồi ven sông, suối đều thuộc quyền quản lý của Nhà nước, Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi có đất có trách nhiệm quản lý, bảo vệ.
2. Người nào muốn sử dụng bãi bồi ven sông suối phải xin phép và chỉ được sử dụng khi có sự đồng ý của Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền. Chế độ quản lý sử dụng đất bãi bồi ven sông, suối thực hiện theo quy định tại điều 80, Luật Đất đai năm 2003.
3. Không công nhận quyền sử dụng đất hợp pháp cho các đối tượng tự ý bao chiếm sử dụng đất bãi bồi ven sông, suối.
4. Các diện tích bãi bồi ven sông, suối đã có người sử dụng thì người nào có công tôn tạo nay tiếp tục được phép sử dụng vào mục đích tăng gia sản xuất, làm vườn, trồng cây hàng năm trên đất đó, không được trồng cây lâu năm, không được xây dựng nhà ở, nhà xưởng hoặc các công trình kiến trúc khác. Khi Nhà nước thu hồi sẽ không được bồi thường về đất, chỉ được bồi thường về hoa màu và hỗ trợ công tôn tạo, bảo vệ đất theo chính sách tại thời điểm mà Nhà nước thu hồi đất.
Điều 19. Trường hợp tranh chấp trong nội bộ gia đình, dòng tộc
Nội bộ họ hàng, gia tộc phải tự dàn xếp, hoà giải với nhau, việc hoà giải phải được thể hiện bằng biên bản. Nếu không tự thoả thuận được thì làm đơn gửi UBND xã, phường, thị trấn để được xem xét giải quyết theo trình tự quy định tại chương II của bản quy định này.
Điều 20. Đối với hành vi lấn chiếm đất đai và tự ý bao chiếm đất công
Không công nhận quyền sử dụng và xử phạt vi phạm hành chính theo quy định hiện hành đối với các hành vi lấn chiếm đất đai và tự ý bao chiếm đất công.
Thời gian sử dụng đất của hành vi lấn chiếm đất đai và tự ý bao chiếm đất công không được coi là căn cứ chứng minh quyền sử dụng đất.
Chương V
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 21. Các Sở, Ban, Ngành chức năng liên quan của tỉnh; Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã; Uỷ ban nhân dân các phường, xã, thị trấn chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện quy định này.