cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Chỉ thị số 33/2005/CT-UBND ngày 15/11/2005 Tăng cường quản lý Nhà nước đối với Hợp tác xã và Doanh nghiệp ngoài quốc doanh trong giai đoạn hiện nay

  • Số hiệu văn bản: 33/2005/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh Quảng Bình
  • Ngày ban hành: 15-11-2005
  • Ngày có hiệu lực: 25-11-2005
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 25-01-2019
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 4809 ngày (13 năm 2 tháng 4 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 25-01-2019
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 25-01-2019, Chỉ thị số 33/2005/CT-UBND ngày 15/11/2005 Tăng cường quản lý Nhà nước đối với Hợp tác xã và Doanh nghiệp ngoài quốc doanh trong giai đoạn hiện nay bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 249/QĐ-UBND ngày 25/01/2019 Công bố danh mục văn bản hết hiệu lực toàn bộ và một phần do Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình ban hành được rà soát trong năm 2018”. Xem thêm Lược đồ.

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH

--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 33/2005/CT-UBND

Đồng Hới, ngày 15 tháng 11 năm 2005

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI HỢP TÁC XÃ VÀ DOANH NGHIỆP NGOÀI QUỐC DOANH TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY

Từ khi có Chỉ thị 68 /CT-TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá VII) và luật HTX năm 1996, đặc biệt sau khi có Nghị quyết TW 5 (khoá IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể mà nòng cốt là Hợp tác xã ( HTX), các HTX trong các ngành, các lĩnh vực ở tỉnh ta có bước chuyển biến tích cực, số lượng HTX tăng nhanh. Đến nay, toàn tỉnh có 351 HTX; Các HTX chuyển đổi và thành lập mới về cơ bản được tổ chức và hoạt động theo Luật HTX. Năng lực nội tại của các HTX từng bước được nâng lên, phương thức hoạt động được đổi mới phù hợp với yêu cầu phát triển của HTX trong cơ chế thị trường, có sự quản lý định hướng của Nhà nước; đóng góp quan trọng vào phát triển sản xuất, dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mở mang ngành nghề, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, tăng thêm nguồn thu cho ngân sách; xây dựng kết cấu hạ tầng trong nông nghiệp, nông thôn, thực hiện chính sách xã hội, xoá đói, giảm nghèo, góp phần giữ vững an ninh chính trị, an toàn xã hội và thực hiện tốt phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư.

Doanh nghiệp Ngoài quốc doanh (DNNQD) cũng có bước phát triển khá kể từ khi có Luật Doanh nghiệp và Nghị quyết TW 5 (khoá IX) về đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân. Đến nay toàn tỉnh có trên 900 DNNQD. Cùng với các thành phần kinh tế khác, các DNNQD ngày càng có vị trí quan trọng trong thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh; tích cực tham gia vào giải phóng năng lực sản xuất, khai thác các tiềm năng, thế mạnh của địa phương, phát triển ngành nghề và dịch vụ cho xã hội, thực hiện các chương trình kinh tế, xã hội của tỉnh, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập, tham gia thực hiện các chính sách xã hội, góp phần xoá đói giảm nghèo, đóng góp ngân sách Nhà nước ngày càng tăng.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, kinh tế HTX và DNNQD vẫn còn những khó khăn, hạn chế. Phong trào HTX có bước chuyển biến tích cực nhưng chưa mạnh và chưa thực sự vững chắc. Những khó khăn, tồn tại hạn chế của HTX chậm được khắc phục, như: quy mô nhỏ, vốn ít, cơ sở vật chất kỹ thuật nghèo nàn, lạc hậu, sản phẩm đơn điệu, sức cạnh tranh trên thị trường yếu. Một số HTX chuyển đổi mang tính hình thức, chưa đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, chưa xử lý dứt điểm công nợ tồn đọng. Các HTX nông nghiệp chủ yếu làm dịch vụ đầu vào cho sản xuất của hộ xã viên, dịch vụ đầu ra còn hạn chế; nơi có điều kiện chưa mở mang ngành nghề theo hướng kinh doanh tổng hợp. Số lượng các DNNQD còn ít, phần lớn có quy mô nhỏ và ngành nghề SXKD phần nhiều tập trung vào xây dựng cơ bản và thương mại, dịch vụ; số doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất công nghiệp, khai thác, chế biến nông, lâm, thuỷ sản, xuất khẩu, ngành nghề TTCN truyền thống… chiếm tỷ trọng còn thấp, chưa phục vụ đắc lực cho việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thực hiện các chương trình kinh tế, xã hội trọng điểm và chưa tác động mạnh mẽ đến quá trình phân công lại lao động xã hội trong tỉnh. Đa số cán bộ chủ chốt của HTX chưa qua đào tạo cơ bản nên hạn chế về năng lực, trình độ và hiệu quả hoạt động. Công tác quản lý Nhà nước của các sở, ngành chức năng đối với HTX và DNNQD tuy đã có chú trọng hơn, nhưng một số ngành, lĩnh vực, địa bàn chưa được quan tâm thường xuyên, có nơi còn buông lỏng, thiếu hướng dẫn, kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động cũng như giúp đỡ tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX DNNQD.

Để khuyến khích và tạo điều kiện cho HTX và DNNQD khắc phục những hạn chế, tồn tại vừa qua, phát triển mạnh mẽ, đúng hướng, đạt hiệu quả cao, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện tốt các nội dung sau:

1. Tiếp tục quán triệt, triển khai nghị quyết Hội nghị TW 5 (khoá IX) và Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết TW 5 của Tỉnh uỷ Quảng Bình về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân. Phối hợp với Liên minh HTX và các cơ quan liên quan tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, đôn đốc thực hiện Luật HTX năm 2003, các văn bản dưới luật; Luật Doanh nghiệp và các văn bản pháp luật khác có liên quan. Tuyên truyền các mô hình mới, điển hình tiên tiến trong hoạt động SXKD có hiệu quả đến mọi tầng lớp nhân dân. Triển khai các chương trình dự án, kế hoạch phát triển HTX, DNNQD theo từng ngành, lĩnh vực và trên từng địa bàn huyện, thành phố.

2. Hàng năm sở Kế hoạch và Đầu tư, Liên minh HTX chủ trì phối hợp với các ngành, UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, điều hành, nghiệp vụ chuyên môn của HTX và cán bộ quản lý các DNNQD theo kế hoạch Nhà nước.

3. Từng ngành phối hợp với Liên minh HTX và UBND huyện, thành phố hàng năm tổ chức điều tra, khảo sát, đánh giá, phân loại HTX hiện có để có biện pháp củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động. Mỗi huyện, thành phố cần tập trung xây dựng 01 đến 02 HTX tiêu biểu để phổ biến nhân rộng trong những năm tiếp theo.

4. Các ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ được giao hướng dẫn, kiểm tra các HTX và DNNQD thực hiện các quy định của pháp luật về HTX, pháp luật Doanh nghiệp và các pháp luật có liên quan; có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật.

5. Giao cho Sở kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan, UBND các huyện, thành phố và Liên minh HTX có nhiệm vụ thu thập, tổng hợp tình hình kinh tế tập thể và DNNQD; tham mưu, đề xuất chủ trương, chính sách, giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển mạnh hơn DNNQD. Triển khai có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và các chương trình, dự án quốc tế, quốc gia về đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể và DNNQD, xây dựng định hướng chiến lược phát triển HTX giai đoạn 2006- 2010, định hướng đến 2020.

Hàng năm, các sở ban ngành, UBND các huyện, thành phố tổ chức tổng kết, đánh giá tình hình quản lý Nhà nước đối với HTX và DNNQD theo ngành, lĩnh vực và địa bàn; từ đó rút ra những kết quả đạt được, những khó khăn, hạn chế, đề ra phương hướng, giải pháp thực hiện tiếp, nhằm đưa HTX, DNNQD hoạt động đúng hướng, có hiệu quả. Định kỳ 6 tháng, 1 năm, các ngành, UBND các huyện, thành phố báo cáo tình hình HTX và DNNQD về UBND tỉnh qua Sở Kế hoạch và Đầu tư và Liên minh HTX.

6. Các sở, ban, ngành, Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố phối hợp tạo điều kiện cho Liên minh HTX thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình về đại diện, hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các thành viên, phát triển HTX và tham gia xây dựng chính sách pháp luật có liên quan.

Giám đốc các Sở, thủ trưởng các ban ngành cấp tỉnh, Chủ tịch Liên minh HTX, UBND các huyện, thành phố và các tổ chức có liên quan có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện tốt Chỉ thị này.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề gì khó khăn báo cáo về UBND tỉnh để có hướng xử lý, giải quyết kịp thời. Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm phối hợp với Liên minh HTX tỉnh để đôn đốc, theo dõi, hướng dẫn việc thực hiện Chỉ thị này.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Liên minh HTX TW;
- Cục kiểm tra văn bản BTP;
- Thường vụ Tỉnh uỷ, VP TU;
- TT HĐND tỉnh, Ban KTNS HĐND tỉnh;
- Đoàn Đại biểu QH tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh;
- Báo QB, Đài PT-TH QB;
- UBND các huyện, thành phố;
- Lưu: VT, KTTH.

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH




Mai Xuân Thu