cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Chỉ thị số 31/2005/CT-UBND ngày 09/11/2005 Tăng cường công tác dân vận

  • Số hiệu văn bản: 31/2005/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh Quảng Bình
  • Ngày ban hành: 09-11-2005
  • Ngày có hiệu lực: 19-11-2005
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 25-01-2019
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 4815 ngày (13 năm 2 tháng 10 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 25-01-2019
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 25-01-2019, Chỉ thị số 31/2005/CT-UBND ngày 09/11/2005 Tăng cường công tác dân vận bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 249/QĐ-UBND ngày 25/01/2019 Công bố danh mục văn bản hết hiệu lực toàn bộ và một phần do Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình ban hành được rà soát trong năm 2018”. Xem thêm Lược đồ.

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH

--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 31/2005/CT-UBND

Đồng Hới, ngày 09 tháng 11 năm 2005

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC DÂN VẬN

Thực hiện Chỉ thị số 18/2000/CT-TTg ngày 21 tháng 9 năm 2000 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác dân vận; trong những năm qua, đặc biệt là những năm gần đây các cấp, các ngành trong tỉnh đã phối hợp ngày càng tốt hơn với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp và các tổ chức thành viên để cùng làm tốt công tác dân vận theo quan điểm quần chúng của Đảng và làm theo lời dạy của Bác Hồ trong bài báo “Dân vận” ngày 15 tháng 10 năm 1949: “Tất cả cán bộ chính quyền, tất cả cán bộ đoàn thể và tất cả hội viên của các tổ chức nhân dân (Liên Việt, Liên Minh…) đều phải phụ trách dân vận”. Chính vì vậy, nhiều chính sách, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, triển khai các quy chế dân chủ ở cơ sở đã phát huy được quyền làm chủ của nhân dân, được nhân dân đồng tình ủng hộ.

Tuy nhiên, do nhận thức chưa đầy đủ và sâu sắc về tầm quan trọng của công tác dân vận, nên không ít cán bộ, công chức còn chưa đi sâu sát và chú ý lắng nghe ý kiến của nhân dân; tác phong làm việc của cán bộ, công chức còn quan liêu, cửa quyền, nặng về biện pháp mệnh lệnh, hành chính, áp đặt, coi nhẹ việc vận động, thuyết phục. Việc phối hợp của các cơ quan quản lý Nhà nước với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên cùng cấp ở một số cơ sở trong công tác dân vận còn chưa cụ thể, hiệu quả chưa cao.

Để tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 18/2000/CT-TTg ngày 21 tháng 9 năm 2000 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác dân vận và lời dạy của Bác Hồ về công tác dân vận, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:

1. Thủ trưởng các sở, ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi quyền hạn của mình:

- Phải tiếp tục chỉ đạo và có kế hoạch thường xuyên tuyên truyền và giáo dục nhận thức về công tác dân vận. Nhân ngày “Ngày dân vận” 15 tháng 10 hàng năm, cần tăng cường chỉ đạo, triển khai học tập bài báo “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nghị quyết dân vận của Đảng và bài “Nhớ ngày 15 tháng 10” của đồng chí Lê Khả Phiêu nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam nhằm tạo ra những chuyển biến mới trong nhận thức và hành động về công tác dân vận.

- Nâng cao năng lực quản lý Nhà nước, sửa đổi lề lối làm việc theo hướng dân chủ hóa và công khai hóa, chống quan liêu, cửa quyền, tham nhũng. Thực hiện nghiêm chỉnh các quy chế dân chủ ở cơ sở; cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, rà soát, bãi bỏ những văn bản trái pháp luật, không đúng thẩm quyền, những thủ tục hành chính rườm rà gây phiền hà cho nhân dân; khi triển khai các chính sách, các chương trình, dự án phải tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân, tiếp thu những ý kiến đóng góp của nhân dân làm cho các chính sách, các chương trình, dự án phù hợp với thực tiễn, lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân, được nhân dân đồng tình ủng hộ.

- Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý nghiêm minh những hành vi sách nhiễu, ức hiếp nhân dân, xâm phạm lợi ích chính đáng của nhân dân, giải quyết kịp thời các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân.

2. Cán bộ, công chức phải có chương trình đi cơ sở, bám sát thực tiễn, gặp gỡ, tiếp xúc với dân, lắng nghe ý kiến và tâm tư nguyện vọng của nhân dân, tuyên truyền giải thích chính sách pháp luật của Nhà nước.

3. Các phương tiện thông tin đại chúng cần có các chuyên đề về công tác dân vận và chính quyền làm công tác dân vận; thông tin kịp thời và dành thời lượng thích đáng để giới thiệu, tuyên truyền về công tác dân vận; kịp thời biểu dương các cá nhân, tập thể làm tốt công tác dân vận.

4. Thủ trưởng các sở, ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp cần tăng cường phối hợp với các cơ quan của Đảng, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân các cấp và các đoàn thể chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp trong việc xây dựng và thực hiện công tác dân vận.

Căn cứ Chỉ thị này, Thủ trưởng các sở, ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện.

Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Ban Dân vận Tỉnh ủy theo dõi, đôn đốc thực hiện Chỉ thị này và định kỳ báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh./.

 

 

Nơi nhận:
- TV Tỉnh ủy;
- TT HĐND, UBND tỉnh;
- Ban dân vận Tỉnh ủy;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Lưu VT, NV.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Phan Lâm Phương