cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Chỉ thị số 15/2005/CT-UBND ngày 13/09/2005 Về tăng cường công tác xây dựng, quản lý, khai thác, sử dụng tủ sách pháp luật tỉnh Phú Thọ (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 15/2005/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh Phú Thọ
  • Ngày ban hành: 13-09-2005
  • Ngày có hiệu lực: 13-09-2005
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 06-08-2013
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 2884 ngày (7 năm 10 tháng 29 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 06-08-2013
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 06-08-2013, Chỉ thị số 15/2005/CT-UBND ngày 13/09/2005 Về tăng cường công tác xây dựng, quản lý, khai thác, sử dụng tủ sách pháp luật tỉnh Phú Thọ (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 1953/QĐ-UBND ngày 06/08/2013 Công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ ban hành đến ngày 30/6/2013 đã hết hiệu lực pháp luật”. Xem thêm Lược đồ.

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ THỌ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 15/2005/CT-UBND

Việt Trì, ngày 13 tháng 9 năm 2005

 

CHỈ THỊ

V/V TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC XÂY DỰNG, QUẢN LÝ, KHAI THÁC, SỬ DỤNG TỦ SÁCH PHÁP LUẬT

Thực hiện Quyết định 1067/QĐ-TTg ngày 25/11/1998 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 10/6/1998, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1200/QĐ-UB Về việc xây dựng, quản lý, khai thác và sử dụng tủ sách pháp luật trên địa bàn tỉnh. Qua 7 năm thực hiện quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh, công tác xây dựng, quản lý, khai thác và sử dụng tủ sách pháp luật đã thu được kết quả quan trọng: Hệ thống tủ sách pháp luật ở các cấp chính quyền, các cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn tỉnh đã hình thành, từng bước được củng cố và phát huy hiệu quả tích cực phục vụ công tác quản lý Nhà nước của các cấp chính quyền nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị, nhận thức, hiểu biết pháp luật cho các tầng lớp nhân dân.

Bên cạnh kết quả đã đạt được, công tác xây dựng, quản lý, khai thác, sử dụng tủ sách pháp luật còn những bất cập: Hệ thống tủ sách pháp luật chưa thật đồng bộ, nhiều nơi còn mang tính hình thức, chất lượng chưa cao; số lượng đầu sách chưa nhiều, không được bổ sung thường xuyên nên nhiều loại đã lạc hậu; thiếu những đầu sách có nội dung liên quan trực tiếp đến đời sống thường ngày của người dân; việc quản lý, khai thác, sử dụng tủ sách pháp luật còn hạn chế, chưa thu hút đông đảo các đối tượng tham gia.

Nguyên nhân của những hạn chế trên là do nhận thức của các cấp chính quyền một số địa phương, cơ quan, đơn vị trong công tác này chưa thật đầy đủ, chưa có sự quan tâm chỉ đạo, đầu tư thoả đáng; cán bộ được giao quản lý tủ sách pháp luật chưa làm tốt vai trò tham mưu giúp thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong việc tổ chức thực hiện công tác xây dựng tủ sách pháp luật; chưa có hình thức, biện pháp phù hợp trong quá trình khai thác sử dụng tủ sách pháp luật.

Để tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng, quản lý, khai thác, sử dụng tủ sách pháp luật, UBND tỉnh yêu câù các ngành, các địa phương thực hịên tốt một số nhiệm vụ sau:

1. Tiếp tục tổ chức quán triệt, nâng cao nhận thức trong cấp ủy, chính quyền địa phương, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trường học về mục đích, ý nghĩa, tác dụng của việc xây dựng tủ sách pháp luật; xác định rõ trách nhiệm thường xuyên và phải coi đây là một nhiệm vụ thường xuyên của ngành, địa phương, đơn vị mình. Từ đó có kế hoạch quan tâm đầu tư thoả đáng cho việc xây dựng tủ sách, góp phần tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức pháp luật của cán bộ và nhân dân.

2. Hàng năm, các ngành, các cấp chủ động bố trí ngân sách đảm bảo chi cho công tác xây dựng tủ sách pháp luật; củng cố tủ sách đảm bảo xây dựng theo mẫu thống nhất, đúng quy cách; chủ động bổ sung số đầu sách và số lượng sách pháp luật phù hợp với yêu cầu thực tế của địa phương, cơ quan, đơn vị.

3. Tổ chức tốt việc quản lý, khai thác, sử dụng tủ sách pháp luật, có hình thức, biện pháp hữu hiệu nhằm duy trì, củng cố, phát huy hiệu quả tủ sách pháp luật; mở rộng đối tượng phạm vi phục vụ, đặc biệt là những xã miền núi, vùng sâu, vùng xa; cần có hình thức đưa sách đến các khu dân cư, tạo điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận với pháp luật.

Các ngành: Tư pháp, Văn hoá - Thông tin, Bưu điện phát huy hiệu quả mô hình phối hợp giữa ba thiết chế văn hoá; Thư viện, điểm Bưu điện văn hoá xã, tủ sách pháp luật để thực hiện luân chuyển sách, báo, tài liệu pháp luật nhằm tạo sức lôi cuốn, thu hút đông đảo đối tượng tham gia đọc, nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật; thí điểm xây dựng mô hình tủ sách pháp luật ở khu dân cư, tổ dân phố, xóm, tổ hoà giải, tổ liên gia hoặc các đình chùa, nhà thờ tôn giáo.

4. Trong năm 2005, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học phải tiến hành xây dựng xong tủ sách pháp luật của cơ quan, đơn vị mình. Ngành Giáo dục và Đào tạo có kế hoạch chỉ đạo thống nhất việc xây dựng tủ sách pháp luật ở tất cả các trường học trên địa bàn tỉnh.

5. Sở Tư pháp chủ trì phối hợp với Sở Văn hoá - Thông tin, Bưu điện tỉnh xây dựng kế hoạch hướng dẫn tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ phụ trách tủ sách pháp luật, cán bộ thư viện và điểm Bưu điện văn hoá xã, đảm bảo cho việc lưu trữ, quản lý, khai thác, sử dụng tủ sách pháp luật một cách hiệu quả. UBND huyện, thành, thị chỉ đạo các cơ quan chuyên môn cùng cấp tổ chứ tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý tủ sách pháp luật của các cơ quan, đơn vị, xã, phường, thị trấn trên địa bàn.

Sở Tư pháp có trách nhiệm thông báo thường xuyên danh mục sách, văn bản pháp luật mới, cần thiết bổ sung cho tủ sách pháp luật và là đầu mối cung cấp sách pháp luật trên cơ sở đăng ký của các đơn vị để trang bị thống nhất cho tủ sách pháp luật.

6. Giao Sở Tư pháp hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các ngành, các cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện chỉ thị này. Định kỳ 6 tháng, một năm báo cáo UBND tỉnh và Bộ Tư pháp.

           

 

 

TM.UỶ BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Ngô Đức Vượng