cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Chỉ thị số 11/2005/CT-UBND ngày 21/06/2005 Về thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ do tỉnh Lâm Đồng ban hành (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 11/2005/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh Lâm Đồng
  • Ngày ban hành: 21-06-2005
  • Ngày có hiệu lực: 01-07-2005
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 08-02-2013
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 2779 ngày (7 năm 7 tháng 14 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 08-02-2013
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 08-02-2013, Chỉ thị số 11/2005/CT-UBND ngày 21/06/2005 Về thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ do tỉnh Lâm Đồng ban hành (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 259/QĐ-UBND ngày 08/02/2013 Công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật đến hết ngày 31/12/2012 hết hiệu lực thi hành do tỉnh Lâm Đồng ban hành”. Xem thêm Lược đồ.

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 11/2005/CT-UBND

Đà Lạt, ngày 21 tháng 6 năm 2005

 

CHỈ THỊ

V/V THU HỒI VŨ KHÍ, VẬT LIỆU NỔ, CÔNG CỤ HỖ TRỢ

Thời gian gần đây, tình hình an ninh chính trị, an toàn xã hội có liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ diễn biến hết sức phức tạp; tình trạng buôn bán, vận chuyển trái phép vật liệu nổ để sử dụng vào mục đích đánh bắt thuỷ sản, khai thác khoáng sản, đào khoan giếng... đã xảy ra làm chết và bị thương nhiều người, đáng chú ý là bọn tội phạm và các phần tử xấu lợi dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, vũ khí thô sơ, dao lê, kiếm mác để gây án giải quyết mâu thuẫn, trả thù lẫn nhau, gây tâm lý do ngại trong nhân dân. Chỉ tính riêng năm 2004, toàn quốc đã xảy ra 274 vụ có liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ làm chết và bị thương 248 người và thiệt hại nhiều tài sản khác; bên cạnh đó nhiều người do mưu sinh, hám lợi buôn bán phế liệu cưa phá đạn pháo, bom mìn lấy thuốc nổ đã gây ra nhiều tai nạn do cháy nổ. Việc sử dụng súng săn để săn bắn bừa bãi làm cạn kiệt nguồn động vật hoang dã quí hiếm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. ở địa phương Lâm Đồng, việc vận chuyển, buôn bán trái phép vật liệu nổ với số lượng lớn và việc sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ không đúng mục đích cũng như sử dụng vật liệu nổ để trả thù nhau, đào khoan giếng làm chết và bị thương nhiều người cũng đã xảy ra.

Để đảm bảo quản lý được chặt chẽ số vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đang sử dụng hợp pháp cũng như thu hồi triệt để số vũ khí, công cụ hỗ trợ, vật liệu nổ còn trôi nổi ngoài xã hội hoặc đã trang bị nhưng nay đã bị hư hỏng, không còn nhu cầu sử dụng hoặc trang bị không đúng đối tượng nhằm đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, phục vụ tốt cho việc xây dựng, phát triển du lịch nói riêng và kinh tế-xã hội ở địa phương nói chung, bảo vệ tuyệt đối an toàn cho Đại hội Đảng các cấp; uỷ ban Nhân dân tỉnh chỉ thị cho UBND các huyện, Thị xã Bảo Lộc, Thành phố Đà Lạt, lực lượng vũ trang, các cơ quan ban ngành, đoàn thể đóng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng thực hiện tốt các nội dung công tác sau đây:

1/ UBND các huyện, Thị xã Bảo Lộc, Thành phố Đà Lạt chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn, các ban, ngành, đoàn thể, nòng cốt là lực lượng công an nhân dân ở địa phương có kế hoạch tổ chức cho nhân dân ở từng cụm dân cư, khu phố, thôn xóm... học tập nắm vững và tự giác chấp hành nghiêm túc Nghị định 47/CP ngày 12/8/1996 của Chính phủ về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; Chỉ thị 406/TTg ngày 8/8/1994 của Thủ tướng Chính phủ về cấm sản xuất, buôn bán, đốt các loại pháo và các văn bản pháp luật khác có liên quan, tập trung vào những hộ, những người kinh doanh, buôn bán phế liệu sắt vụn, lò rèn sản xuất vũ khí thô sơ, dao lê, kiếm mác, những người chuyên đi đào khoan giếng thuê, đào đãi khoáng sản trái phép, những mặt hàng tạp hoá, đồ chơi trẻ em nguy hiểm. Phát động phong trào quần chúng tự giác giao nộp các loại vũ khí, vật liệu nổ còn rơi vãi, tàng trữ trong nhân dân, tích cực phát hiện đấu tranh, tố giác các đối tượng cố tình buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, các loại pháo và đồ chơi trẻ em nguy hiểm.

2/ Lực lượng vũ trang Quân đội và Công an phải có kế hoạch, biện pháp quản lý các loại vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ đã được trang bị trong lực lượng, quản lý, bảo vệ các kho chứa vũ khí, khí tài, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.. . không để xảy ra các trường hợp mất mát, thất thoát các loại vũ khí, khí tài, chất nổ, chất cay dự trữ phục vụ công tác sẵn sàng chiến đấu.

Việc trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ cho các lực lượng khác phải thực hiện theo đúng qui định tại Nghị định 47/CP của Chính phủ. Tổ chức kiểm tra trang bị các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ theo hệ quản lý. Kiên quyết thu hồi triệt để các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ đã trang bị cho cá nhân, đơn vị không cần thiết sử dụng hoặc không đúng đối tượng trang bị. Thường xuyên trao đổi tình hình trang bị sử dụng các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ mà ngành mình đã trang bị cho các lực lượng ở cơ sở để phối hợp theo dõi quản lý được chặt chẽ, thống nhất theo từng địa bàn quản lý hành chính.

3/ Các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp làm kinh tế của Quân đội được phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp phải tuyệt đối chấp hành nghiêm chỉnh những qui định của pháp luật hiện hành về sử dụng, lưu trữ, vận chuyển chất nổ công nghiệp trong sản xuất, kinh doanh. Phải đảm bảo tuyệt đối an toàn trong quá trình vận chuyển, lưu trữ, sử dụng các loại vật liệu nổ công nghiệp, không để xảy ra các trường hợp rủi ro, mất mát, thất thoát, tai nạn trong quá trình sử dụng; đặc biệt chú ý bảo vệ nghiêm ngặt, chặt chẽ những kho vật liệu nổ xây dựng trong vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc. Nghiêm chỉnh tuân thủ việc kiểm tra, hướng dẫn của các cơ quan chức năng quản lý Nhà nước theo qui định của pháp luật.

4/ Sở Du lịch-Thương Mại, Chi cục Quản lý Thị trường tỉnh chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường, Ban quản lý chợ ở các địa phương phối hợp cùng các lực lượng có liên quan như Cảnh sát kinh tế, Cảnh sát trật tự, Cảnh sát khu vực, Công an phụ trách xã... tập trung kiểm tra, kiểm soát các địa bàn công cộng, các khu thương mại, chợ và các hộ kinh doanh, buôn bán để phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời mọi trường hợp vận chuyến, sản xuất, buôn bán, tàng trữ các loại pháo, dao lê, kiếm mác, các loại đồ chơi trẻ em nguy hiểm.. .

5/ Công an tỉnh tổ chức lực lượng Cảnh sát giao thông, Cảnh sát trật tự, Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội phối hợp với Kiểm soát quân sự thường xuyên tuần tra, kiểm soát trên các phương tiện giao thông công cộng, nơi tập trung đông người như bến xe, chợ, khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ.. . kịp thời phát hiện, xử lý những trường hợp vận chuyển, sử dụng các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, các loại pháo, các loại vũ khí thô sơ như giáo mác, kiếm lê, các đồ chơi trẻ em nguy hiểm không có giấy phép vận chuyển, sử dụng... Chỉ đạo Công an các địa phương phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đoàn thể và làm nòng cốt trong phong trào phát động quần chúng thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ... mở đợt tổng kiểm tra rà soát việc trang bị quản lý vũ khí, công cụ hỗ trợ, vật liệu nổ của các cơ quan, đơn vị được trang bị, sử dụng trên địa bàn toàn tỉnh để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh những trường hợp buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng và làm thất thoát các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ theo qui định của pháp luật. Kiên quyết không để xảy ra các trường hợp sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ thô sơ hoạt động phạm tội, gây rối trật tự an toàn xã hội ở địa phương, bảo vệ tuyệt đối an toàn các ngày lễ lớn năm 2005 và Đại hội Đảng các cấp.

6/ Các cơ quan Báo Lâm Đồng, Đài Phát thanh-Truyền hình, Đài truyền thanh-truyền hình các huyện, Thị xã Bảo Lộc, Thành phố Đàlạt tăng cường tuyên truyền sâu rộng các văn bản Nhà nước về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đến từng hộ gia đình, cá nhân để tạo nên phong trào toàn dân tự giác giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ./-

 

 

T.M UBND TỈNH LÂM ĐỒNG
CHỦ TỊCH




Huỳnh Đức Hoà