cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 23/2006/QĐ-UBND ngày 13/04/2006 Ban hành các biện pháp nâng cao chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp

  • Số hiệu văn bản: 23/2006/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh Đồng Tháp
  • Ngày ban hành: 13-04-2006
  • Ngày có hiệu lực: 23-04-2006
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 12-04-2019
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 4737 ngày (12 năm 11 tháng 27 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 12-04-2019
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 12-04-2019, Quyết định số 23/2006/QĐ-UBND ngày 13/04/2006 Ban hành các biện pháp nâng cao chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 306/QĐ-UBND-HC ngày 12/04/2019 Công bố kết quả hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp ban hành trong kỳ hệ thống hóa 2014-2018”. Xem thêm Lược đồ.

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 23/2006/QĐ-UBND

Thị xã Cao Lãnh, ngày 13 tháng 4 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH CÁC BIỆN PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG THÁP

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG THÁP

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16 ngày 12 tháng 2004 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng;

Căn cứ Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07 tháng 02 năm 2005 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành các biện pháp nâng cao chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp như sau:

I. Các biện pháp nâng cao chất lượng công trình xây dựng

1. Nâng cao năng lực của chủ thể tham gia hoạt động xây dựng

a) Nâng cao năng lực của chủ đầu tư, hoàn thành sắp xếp kiện toàn các Ban Quản lý dự án

- Để đẩy mạnh công tác quản lý và nâng cao trách nhiệm của chủ đầu tư, người quyết định đầu tư cần phải lựa chọn các đơn vị có đủ điều kiện năng lực làm chủ đầu tư và quyết định hình thức quản lý dự án phù hợp với năng lực của từng chủ đầu tư. Trường hợp chủ đầu tư không có đủ điều kiện năng lực thì phải thuê các tổ chức đủ điều kiện năng lực để tư vấn quản lý dự án.

- Chủ đầu tư phải tổ chức tốt khâu giám sát thi công. Công tác giám sát phải được thực hiện bởi những cán bộ giám sát chuyên nghiệp có năng lực, kinh nghiệm và đạo đức nghề nghiệp.

- Hoạt động giám sát của ban quản lý dự án là một hoạt động độc lập theo quy định của pháp luật để các sản phẩm được giao giám sát phải là sản phẩm chất lượng cao với giá thành hợp lý. Cán bộ giám sát phải có chứng chỉ hành nghề giám sát theo quy định.

- Kiện toàn, sắp xếp lại các Ban Quản lý dự án trong Tỉnh, giải thể các Ban Quản lý dự án không đủ điều kiện năng lực, thành lập các Ban Quản lý dự án chuyên nghiệp hoạt động theo mô hình tư vấn quản lý dự án.

b) Nâng cao năng lực các tổ chức tư vấn và thi công xây dựng công trình trong Tỉnh

- Tổ chức tập huấn cho các tổ chức tư vấn và thi công xây dựng công trình về các tiêu chuẩn, quy phạm trong xây dựng, các yêu cầu về quy trình thi công, nghiệm thu, thanh toán… để các tổ chức này đặc biệt là các doanh nghiệp mới thành lập có điều kiện tiếp cận với các quy định của ngành.

- Có chế độ khuyến khích các tổ chức tư vấn và thi công xây dựng xây dựng hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn ISO, đăng ký sản phẩm thiết kế và thi công công trình chất lượng cao: cộng thêm điểm trong thang điểm kỹ thuật chọn danh sách ngắn khi xét thầu, ưu tiên chọn thầu khi có giá dự thầu tương đương với các nhà thầu khác...

- Định kỳ tổ chức tổng kết, tuyên dương các nhà thầu có thành tích tốt trong hoạt động xây dựng và nhân rộng mô hình nhà thầu có nhiều sản phẩm thiết kế, công trình đạt chất lượng tốt, nhà thầu áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ mới vào quá trình thi công để đẩy nhanh tiến độ thi công hoặc hạ giá thành công trình.

- Thực hiện thi tuyển kiến trúc đối với các công trình theo quy định phải thi tuyển kiến trúc và khuyến khích đối với các công trình có yêu cầu kiến trúc khác để có được những đồ án thiết kế có chất lượng cao.

- Kiểm tra thường xuyên năng lực hoạt động của các nhà thầu để đánh giá đúng năng lực của nhà thầu và nhằm tạo điều kiện cho nhà thầu hoàn chỉnh năng lực thực tế của mình.

c) Nâng cao năng lực hoạt động của Trung tâm kiểm định chất lượng công trình xây dựng, Trung tâm quy hoạch đô thị và nông thôn để 2 đơn vị này thực sự trở thành chỗ dựa của cơ quan quản lý Nhà nước về chất lượng công trình

- Trung tâm Kiểm định chất lượng công trình xây dựng:

+ Tăng cường lực lượng cán bộ chuyên môn kỹ thuật có trình độ, kinh nghiệm, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực của các cá nhân làm công tác kiểm định, thẩm tra thiết kế và dự toán xây dựng công trình vừa hoạt động trợ giúp cơ quan quản lý Nhà nước về chất lượng vừa thực hiện dịch vụ kiểm tra được chất lượng của sản phẩm thiết kế, chất lượng của vật liệu đưa vào công trình, chất lượng của công trình xây dựng cho chủ đầu tư, các đơn vị thi công xây dựng vừa nâng cao được uy tín của Trung tâm trong lĩnh vực tư vấn về chất lượng công trình.

+ Đầu tư và khai thác có hiệu quả các thiết bị phục vụ cho công tác kiểm định.

- Trung tâm Quy hoạch Đô thị và Nông thôn:

Tăng cường lực lượng cán bộ chuyên môn kỹ thuật có trình độ, kinh nghiệm; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực của các cá nhân làm công tác tư vấn lập quy hoạch xây dựng; lập dự án đầu tư, khảo sát, thiết kế kỹ thuật và lập dự toán đầu tư xây dựng công trình nhằm tạo ra những sản phẩm thiết kế xây dựng, quy hoạch chất lượng cao; làm tư vấn phản biện các đồ án thiết kế quy hoạch, kiến trúc; xây dựng các thiết kế mẫu áp dụng trong Tỉnh.

2. Về cơ chế chính sách

a) Xây dựng hoàn chỉnh hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn để thực thi Luật Xây dựng

- Căn cứ Luật Xây dựng và các văn bản dưới Luật để xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn cho phù hợp với tình hình thực tế của Tỉnh.

- Xây dựng và ban hành văn bản hướng dẫn như một quyển cẩm nang ngắn gọn, dễ hiểu về trình tự thủ tục đầu tư xây dựng từ lúc chuẩn bị đầu tư cho đến kết thúc dự án đưa vào sử dụng.

b) Thu hút và đào tạo nguồn nhân lực

- Liên kết với các trường Đại học mở các lớp đại học theo hình thức tại chức đối với các chuyên ngành mà Tỉnh còn thiếu: Kỹ sư đô thị, Kiến trúc sư, Kỹ sư điện, Kỹ sư giao thông. Cấp kinh phí đào tạo từ ngân sách đối với các đối tượng là công chức nhà nước, cán bộ ở các Ban Quản lý dự án.

- Khuyến khích, tạo điều kiện để các cá nhân hoạt động xây dựng nâng cao trình độ sau đại học, nâng cao trình độ tin học, ngoại ngữ… trước mắt đối với các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị tư vấn.

- Liên hệ với Bộ, các Trường Đại học, các Trường đào tạo cán bộ ngành Xây dựng... để mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng cho từng đối tượng:

+ Giám sát thi công xây dựng công trình.

+ Chủ đầu tư (đến cấp xã)

- Xây dựng chính sách đào tạo công nhân kỹ thuật xây dựng, mở các khóa tập huấn về an toàn lao động.

3. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng

- Nâng cao chất lượng công tác thẩm định ở các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện thẩm định dự án đầu tư xây dựng, thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế bản vẽ thi công.

- Nâng cao chất lượng công tác đấu thầu nhằm lựa chọn được nhà thầu có năng lực. Thành lập trang Web về đấu thầu của Tỉnh, lập và công khai danh sách các nhà thầu vi phạm trong đấu thầu, thi công công trình kém chất lượng gây thất thoát trong xây dựng lên các phương tiện thông tin đại chúng và đề xuất Ủy ban nhân dân Tỉnh cấm tham gia vào các hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh trong một khoảng thời gian nhất định tùy mức độ vi phạm.

- Tăng cường công tác thanh tra kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước về chất lượng công trình, kiểm tra công tác nghiệm thu của chủ đầu tư.

- Thực hiện nghiêm việc chứng nhận chất lượng phù hợp của công trình trước khi nghiệm thu bàn giao đưa công trình vào sử dụng đối với những công trình bắt buộc theo quy định. Khuyến khích việc áp dụng chứng nhận chất lượng công trình đối với các công trình khác.

- Thực hiện nghiêm công tác giám sát, đánh giá đầu tư, cần kết hợp công tác giám sát, đánh giá đầu tư với công tác giám sát của cộng đồng. Nâng cao vai trò của giám sát cộng đồng và phải có Quy chế về giám sát cộng đồng.

- Nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra:

+ Tổ chức hoạt động Thanh tra Sở Xây dựng theo đúng quy định của Nghị định số 46/2005/NĐ-CP ngày 06 tháng 4 năm 2005 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thanh tra Xây dựng và Thông tư Liên tịch số 10/2005/TTLT/BXD-BNV ngày 22 tháng 6 năm 2005 của Bộ Xây dựng và Bộ Nội vụ Hướng dẫn về nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và biên chế của Thanh tra Xây dựng ở địa phương.

+ Triển khai rộng rãi và thực hiện nghiêm Nghị định số 126/2004/NĐ-CP ngày 26 tháng 5 năm 2004 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong hoạt động xây dựng, quản lý công trình hạ tầng đô thị và quản lý sử dụng nhà.

- Thực hiện tốt việc quản lý năng lực hoạt động của tổ chức hoạt động xây dựng, quản lý hành nghề của các cá nhân hoạt động xây dựng.

4. Thực hiện có hiệu quả việc phát động, tổ chức đăng ký công trình chất lượng cao và trở thành phong trào rộng rãi trong toàn Tỉnh

Ngoài việc ban hành cơ chế chính sách nhằm khuyến khích, biểu dương các doanh nghiệp hoạt động xây dựng đạt chất lượng cao cần có kế hoạch tổ chức việc đăng ký công trình chất lượng cao trở thành phong trào rộng rãi trong toàn Tỉnh.

5. Tổ chức hội thảo, tổng kết

Tổ chức các hội thảo khoa học về công tác tư vấn thiết kế, về chất lượng công trình, về các loại vật liệu mới… Nâng cao vai trò của các hội nghề nghiệp như Hội Xây dựng, Hội Kiến trúc sư để tập hợp, tư vấn, phản biện cho các đồ án kiến trúc quan trọng cũng như hướng dẫn, trao đổi giữa các hội viên cho công tác thiết kế và đầu tư xây dựng.

Tổ chức các hội nghị tập huấn cho chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn, doanh nghiệp xây dựng về các chế độ chính sách pháp luật mới có liên quan đến xây dựng nhằm tạo điều kiện cho những người tham gia hoạt động xây dựng kịp thời nắm bắt và tuân thủ các quy định của pháp luật.

Tổ chức hội nghị tổng kết về chất lượng công trình hàng năm để có những nhận định thực tế của cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị tư vấn, đơn vị thi công về công tác quản lý chất lượng công trình, cũng như những kinh nghiệm rút ra trong quá trình tổ chức thực hiện.

Tổ chức theo dõi, phân tích tình hình chất lượng hoạt động và có tổng kết, tuyên dương các nhà thầu có thành tích tốt trong hoạt động xây dựng và có nhân rộng mô hình nhà thầu tiên tiến, nhà thầu có nhiều công trình đạt chất lượng tốt, nhà thầu áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ mới vào quá trình thi công để đẩy nhanh tiến độ thi công hoặc hạ giá thành công trình.

II. Lộ trình thực hiện các giải pháp

Lộ trình thực hiện đề án thực hiện như sau:

- Hoàn chỉnh hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hướng dẫn của Tỉnh có liên quan đến chất lượng công trình theo Luật Xây dựng trong quý II năm 2006.

- Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các ngành có liên quan xây dựng cẩm nang về trình tự thủ tục thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình của Tỉnh.

- Kiện toàn và đưa Thanh tra Sở Xây dựng hoạt động theo quy chế mới trong quý III năm 2006.

- Xây dựng kế hoạch nâng cao năng lực các tổ chức tư vấn đầu tư xây dựng và doanh nghiệp thi công xây dựng trong năm 2006.

- Củng cố hoạt động của các Hội nghề nghiệp: Hội kiến trúc sư, Hội Xây dựng.

- Hàng năm tổ chức Hội nghị tổng kết về chất lượng công trình.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Giao cho Giám đốc Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan tổ chức triển khai, hướng dẫn, theo dõi và kiểm tra việc thi hành Quyết định này.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban, ngành Tỉnh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Trương Ngọc Hân