cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 32/2006/QĐ-UBND ngày 10/04/2006 Phê duyệt Dự án hỗ trợ đào tạo bậc đại học tại cơ sở giáo dục trong nước và nước ngoài bằng ngân sách nhà nước dành cho học sinh trường trung học phổ thông trên địa bàn thành phố Đà Nẵng (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 32/2006/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Thành phố Đà Nẵng
  • Ngày ban hành: 10-04-2006
  • Ngày có hiệu lực: 20-04-2006
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 24-11-2008
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 949 ngày (2 năm 7 tháng 9 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 24-11-2008
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 24-11-2008, Quyết định số 32/2006/QĐ-UBND ngày 10/04/2006 Phê duyệt Dự án hỗ trợ đào tạo bậc đại học tại cơ sở giáo dục trong nước và nước ngoài bằng ngân sách nhà nước dành cho học sinh trường trung học phổ thông trên địa bàn thành phố Đà Nẵng (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 47/2008/QĐ-UBND ngày 14/11/2008 Phê duyệt Đề án hỗ trợ đào tạo bậc đại học tại cơ sở giáo dục trong nước và ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước dành cho học sinh các trường trung học phổ thông trên địa bàn thành phố Đà Nẵng do Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng ban hành (Văn bản hết hiệu lực)”. Xem thêm Lược đồ.

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 32/2006/QĐ-UBND

Đà Nẵng, ngày 10 tháng 4 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT DỰ ÁN HỖ TRỢ ĐÀO TẠO BẬC ĐẠI HỌC TẠI CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC TRONG NƯỚC VÀ Ở NƯỚC NGOÀI BẰNG NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC DÀNH CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Căn cứ Quyết định số 322/QĐ-TTg ngày 19 tháng 4 năm 2000 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Đề án đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật tại các cơ sở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước;

Căn cứ Quyết định số 117/2004/QĐ-UB ngày 07 tháng 7 năm 2004 của UBND thành phố về việc phê duyệt “Chương trình phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa”;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tại Tờ trình số 639/GD&ĐT/THHC ngày 06 tháng 4 năm 2006 về việc Phê duyệt Dự án hỗ trợ đào tạo bậc đại học tại các cơ sở trong và ngoài nước dành cho học sinh các trường trung học phổ thông trên địa bàn thành phố bằng ngân sách nhà nước,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Dự án hỗ trợ đào tạo bậc đại học tại các cơ sở giáo dục trong nước và ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước dành cho học sinh các trường trung học phổ thông trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Điều 2. Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố là cơ quan thường trực quản lý Dự án; chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan triển khai và chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra thực hiện Dự án này.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế các Quyết định:

- Quyết định số 151/2004/QĐ-UB ngày 06 tháng 9 năm 2004 của UBND thành phố Đà Nẵng về việc phê duyệt Dự án đào tạo bậc đại học tại các cơ sở trong và ngoài nước cho học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn bằng ngân sách nhà nước.

- Quyết định số 50/2005/QĐ-UB ngày 25 tháng 4 năm 2005 của UBND thành phố Đà Nẵng về việc điều chỉnh, bổ sung điểm 8.1, phần II Dự án đào tạo bậc đại học tại các cơ sở trong và ngoài nước cho học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn bằng ngân sách Nhà nước.

- Quyết định số 16/2006/QĐ-UBND ngày 24 tháng 02 năm 2006 của UBND thành phố Đà Nẵng về việc điều chỉnh, bổ sung một số nội dung Dự án đào tạo bậc đại học tại các cơ sở trong và ngoài nước cho học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn bằng ngân sách nhà nước.

Điều 4. Chánh Văn phòng UBND thành phố, Giám đốc các Sở: Giáo dục và Đào tạo, Tài chính, Nội vụ, Ngoại vụ, Khoa học và Công nghệ, Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Kho bạc Nhà nước Đà Nẵng, Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố, Chủ tịch UBND các quận, huyện chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Hoàng Tuấn Anh

 

DỰ ÁN

HỖ TRỢ ĐÀO TẠO BẬC ĐẠI HỌC TẠI CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC TRONG NƯỚC VÀ Ở NƯỚC NGOÀI BẰNG NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC DÀNH CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 32/2006/QĐ-UBND ngày 10 tháng 4 năm 2006 của Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng)

Phần thứ nhất

CĂN CỨ XÂY DỰNG DỰ ÁN

I. Vài nét về thực trạng nguồn nhân lực khoa học và công nghệ và việc đào tạo bậc đại học tại các cơ sở trong và ngoài nước bằng ngân sách nhà nước ở thành phố Đà Nẵng

1. Thực trạng nguồn nhân lực khoa học và công nghệ ở thành phố Đà Nẵng:

Trong những năm qua, kinh tế-xã hội thành phố đã phát triển nhanh và đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Điều đó đã được nêu rõ trong Nghị quyết số 33- NQ/TW ngày 16 tháng 10 năm 2003 của Bộ Chính trị về "Xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước": “Thành phố phát triển khá trên nhiều mặt, trở thành một thành phố cảng biển lớn, là đô thị trung tâm cấp quốc gia, là một trong những trọng điểm phát triển của đất nước, góp phần quan trọng thúc đẩy các tỉnh trong khu vực phát triển và trở thành trung tâm kinh tế-xã hội của các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Thành phố luôn duy trì được nhịp độ phát triển kinh tế khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, các ngành sản xuất và dịch vụ có tốc độ tăng trưởng cao; thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh; thu ngân sách tăng khá, là một trong những địa phương có nguồn thu ngân sách lớn. Đặc biệt, thành phố đã thực hiện tốt chủ trương gắn phát triển kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội, quan tâm đến nhân tố con người, chú trọng đầu tư cho giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ”.

Tuy nhiên, số lượng cán bộ khoa học và công nghệ của thành phố hiện có chưa đáp ứng yêu cầu của công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Tỷ lệ cán bộ khoa học và công nghệ trên số dân còn thấp so với thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và rất thấp so với nhiều quốc gia trong khu vực.

Chất lượng đào tạo cán bộ khoa học và công nghệ, do nhiều nguyên nhân khác nhau, còn hạn chế; cơ cấu ngành nghề chưa cân đối; thiếu nhiều cán bộ khoa học đầu ngành, chuyên gia giỏi, đặc biệt là chuyên gia về công nghệ. Sự phân bố cán bộ khoa học và công nghệ giữa các cơ quan, doanh nghiệp cũng còn nhiều bất hợp lý.

2. Về công tác đào tạo bậc đại học tại các cơ sở trong nước và ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố Đà Nẵng:

Theo chương trình của Chính phủ, hiện nay, việc gửi lưu học sinh đào tạo ở nước ngoài và các trường đại học trọng điểm trong nước chủ yếu chỉ tập trung vào việc đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ, ưu tiên cho các trường đại học, các viện nghiên cứu đầu ngành, các phòng thí nghiệm trọng điểm, các khu công nghệ cao, các cơ quan hoạch định chủ trương, chính sách phát triển kinh tế-xã hội trên phạm vi cả nước. Theo đó, việc đào tạo nhân lực bậc cao cho địa phương chưa được tính đến ở cấp quốc gia.

Những năm trước đây, việc đầu tư kinh phí đào tạo đại học và sau đại học cho học sinh sau khi tốt nghiệp THPT tại các cơ sở đào tạo trong nước chủ yếu do gia đình học sinh đóng góp, bên cạnh nguồn kinh phí định mức còn hạn chế hàng năm của Nhà nước đầu tư cho các cơ sở đào tạo. Số học sinh của thành phố Đà Nẵng đi học đại học ở nước ngoài chủ yếu theo hình thức du học tự túc; số học sinh xin được học bổng của nước ngoài để du học rất hạn chế.

Ngày 06 tháng 9 năm 2004, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 151/2004/QĐ-UB về việc Phê duyệt Dự án đào tạo bậc đại học tại các cơ sở trong

và ngoài nước cho học sinh trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (gọi tắt là Dự án 151). Qua hơn một năm thực hiện Dự án 151, thành phố đã hỗ trợ cho 115 học sinh học đại học bằng ngân sách Nhà nước, trong đó có 26 học sinh đi học đại học ở nước ngoài.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, nhiều nội dung trong Dự án 151 cần sửa đổi để phù hợp với tình hình thực tế của thành phố.

II. Quan điểm chỉ đạo của Trung ương và của thành phố Đà Nẵng về đào tạo nguồn nhân lực

- Trong những văn bản liên quan, Đảng và Nhà nước đã khẳng định: “Nhà nước dành một khoản ngân sách thích đáng để cử người có đức, có tài đi đào tạo những ngành nghề thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ ưu tiên ở những nước có nền khoa học và công nghệ tiên tiến” (Nghị quyết Trung ương 2, khoá VIII).

“Nhà nước dành ngân sách cử người có đủ tiêu chuẩn về phẩm chất, đạo đức và trình độ đi học tập, nghiên cứu ở nước ngoài về những ngành nghề và lĩnh vực then chốt để phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” (Luật Giáo dục 2005).

- Trong những năm vừa qua, thành phố Đà Nẵng đặc biệt quan tâm đến việc phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực khoa học và công nghệ chất lượng cao. Bên cạnh việc phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo theo mục tiêu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, thành phố đã đầu tư rất lớn cho việc xây dựng và tổ chức đào tạo nhân tài, cùng với việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và chế độ đãi ngộ đối với giáo viên, học sinh các trường học, bậc học; đồng thời, đã có chủ trương cho học sinh của các trường THPT đi học đại học bằng ngân sách Nhà nước ở những ngành mà thành phố có nhu cầu, với điều kiện gia đình và học sinh có cam kết sau khi tốt nghiệp về phục vụ tại thành phố.

Chương trình hành động của Thành uỷ thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước” cũng đã xác định “Xây dựng chương trình đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao phù hợp với yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển thành phố trong những năm đến”.

Kết luận số 17/KL-TU ngày 17 tháng 5 năm 2004 của Ban Thường vụ Thành uỷ về thực hiện “Chương trình phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có trình độ cao, đáp ứng nhu cầu của thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá” cũng đã khẳng định quyết tâm trong việc phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá của thành phố. Chương trình được ban hành kèm theo Quyết định số 117/2004/QĐ-UB ngày 07 tháng 7 năm 2004 của UBND thành phố, cũng xác định rõ: “Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, có tay nghề cao cho các ngành kinh tế trọng điểm của thành phố, đặc biệt là các chuyên gia giỏi về quản lý và chuyển giao công nghệ”.

III. Mục đích, yêu cầu của việc xây dựng Dự án

Góp phần phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, khoa học công nghệ, các doanh nhân tài năng, xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học đầu ngành đủ về số lượng, mạnh về chất lượng, ngang tầm đội ngũ cán bộ khoa học, công nghệ trong khu vực và thế giới, có khả năng nghiên cứu, nắm bắt các tiến bộ về khoa học và công nghệ tiến tiến trên thế giới; nghiên cứu, làm chủ công nghệ và thiết bị hiện đại, nghiên cứu đón đầu giải quyết những vấn đề thực tiễn của Đà Nẵng, thực hiện công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá thành phố theo Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Phần thứ hai

NỘI DUNG DỰ ÁN

I. Đối tượng được tham gia xét tuyển đào tạo đại học

Những học sinh thuộc các trường trung học phổ thông do thành phố quản lý, trúng tuyển đại học nguyện vọng 1 vào những ngành mà thành phố có nhu cầu, có lý lịch rõ ràng, có đơn tự nguyện tham gia chương trình đào tạo, gia đình và học sinh có cam kết sau khi tốt nghiệp đại học về phục vụ từ 7 năm trở lên tại thành phố, nếu đạt đầy đủ các tiêu chuẩn quy định, được đăng ký dự tuyển đi học đại học bằng ngân sách của thành phố.

II. Các hình thức đào tạo

Đào tạo chính quy tập trung bậc đại học ở các trường đại học trọng điểm trong nước và các trường đại học có uy tín ở những nước có nền khoa học và công nghệ tiên tiến.

III. Điều kiện xét tuyển đi học đại học

1. Học ở trong nước:

1.1. Trúng tuyển vào đại học trong nước nguyện vọng 1 và phù hợp với ngành học do thành phố quy định.

1.2. Xếp học lực loại giỏi, hạnh kiểm tốt liên tục từ lớp 10 đến lớp 12 hệ phổ thông.

1.3. Thi tốt nghiệp THPT đạt từ loại khá trở lên.

1.4. Đạt từ giải Nhất cấp thành phố trở lên trong kỳ thi học sinh giỏi. Môn đạt giải phải nằm trong các môn thi của khối thi đại học hoặc đạt thủ khoa cấp trường trong kỳ thi tuyển sinh đại học (không tính điểm cộng thêm).

Ngoài ra, những học sinh đạt giải Nhì trong kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố, nếu đỗ tốt nghiệp loại khá trở lên và là con thương binh, liệt sỹ hoặc cán bộ đoàn hay cán bộ lớp tích cực (từ phó bí thư chi đoàn, lớp phó trở lên ở lớp cuối cấp) thì có thể được xét chọn tham gia Dự án.

1.5. Có sức khoẻ tốt.

1.6. Lý lịch gia đình rõ ràng; gia đình và bản thân học sinh chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Nhà nước.

1.7. Tích cực tham gia hoạt động xã hội, đoàn thể, văn nghệ, thể thao; có uy tín đối với tập thể.

2. Học ở nước ngoài:

Những học sinh đã đăng ký tham gia Dự án đảm bảo đầy đủ các điều kiện sau đây thuộc diện được xem xét chọn đi học đại học ở nước ngoài:

2.1. Trúng tuyển vào đại học trong nước nguyện vọng 1 và phù hợp với ngành học do thành phố quy định.

2.2. Xếp học lực loại giỏi, hạnh kiểm tốt liên tục từ lớp 1 đến lớp 12 hệ phổ thông.

2.3. Thi tốt nghiệp THPT đạt từ loại khá trở lên.

2.4. Đạt từ giải Nhất cấp thành phố trở lên trong kỳ thi học sinh giỏi. Môn đạt giải phải nằm trong các môn thi của khối thi đại học hoặc đạt thủ khoa cấp trường trong kỳ thi tuyển sinh đại học (không tính điểm cộng thêm).

2.5. Có khả năng ngoại ngữ theo quy định của cơ sở đào tạo học sinh được cử đi học.

2.6. Có sức khoẻ tốt.

2.7. Lý lịch gia đình rõ ràng; gia đình và bản thân học sinh chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Nhà nước.

2.8. Tích cực tham gia hoạt động xã hội, đoàn thể, văn nghệ, thể thao; có uy tín đối với tập thể.

Ngoài ra, tùy theo chỉ tiêu đào tạo hàng năm, những trường hợp chỉ đạt học lực giỏi, hạnh kiểm tốt từ lớp 6 đến lớp 12 hoặc từ lớp 10 đến lớp 12, nếu có thành tích học tập đặc biệt xuất sắc trong 12 năm học phổ thông, Hội đồng xét tuyển sẽ đề xuất lãnh đạo thành phố xem xét.

IV. Về chỉ tiêu, ngành nghề

Tùy theo nhu cầu đào tạo của thành phố, hàng năm UBND thành phố sẽ quy định danh mục ngành đào tạo và chỉ tiêu đào tạo cho từng ngành học cụ thể.

Trong trường hợp số học sinh tham gia Dự án nhiều hơn chỉ tiêu, các tiêu chuẩn về thành tích học tập (xếp loại học lực, thi tốt nghiệp và giải học sinh giỏi các môn văn hóa) có thể được quy thành điểm; trên cơ sở đó, Hội đồng xét tuyển xét theo điểm từ cao xuống thấp cho đến khi đủ chỉ tiêu. Cách tính điểm cụ thể do Hội đồng xét tuyển đề xuất.

V. Về loại hình đào tạo và xác định trường đào tạo

1. Trong khuôn khổ Dự án, chỉ cho phép học sinh theo học hệ đại học, không cho phép học hệ cao đẳng rồi chuyển lên bậc đại học; không hỗ trợ cho việc đào tạo sau đại học.

2. Sở Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm xác định cơ sở đào tạo, quốc gia đào tạo để gửi học sinh đi học theo ngành nghề và chỉ tiêu của thành phố. Danh mục các quốc gia và cơ sở giáo dục mà thành phố gửi học sinh đi đào tạo sẽ được công bố hàng năm.

VI. Về kinh phí đào tạo

Kinh phí đầu tư cho Dự án được chi cho các nội dung sau:

1. Chi hỗ trợ cho học sinh và công tác quản lý Dự án:

a. Chi hỗ trợ cho học sinh:

- Học phí nộp cho cơ sở đào tạo.

- Học bổng (hỗ trợ việc ăn ở, đi lại, học tập, bảo hiểm và các vấn đề khác cho học sinh).

Dự kiến mức đầu tư kinh phí cho mỗi học sinh như sau:

- Đào tạo tại các trường đại học trọng điểm trong nước: Ngân sách thành phố hỗ trợ được quy định theo các khu vực: Thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Huế, thành phố Đà Nẵng. Mức hỗ trợ từ 10.000.000 VNĐ đến 30.000.000 VNĐ/năm học/học sinh (tính 10 tháng/năm học).

- Đào tạo tại các trường đại học nước ngoài: Ngân sách thành phố hỗ trợ chi phí đào tạo trên cơ sở yêu cầu của từng trường, nhưng tối đa không quá 15.000 USD/năm học/học sinh (tính 10 tháng/năm học) đối với các học sinh đi học tại các nước: Úc, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ; tối đa không quá 10.000 USD/năm học/học sinh (tính 10 tháng/năm học) đối với các học sinh đi học tại Cộng hòa Pháp và các nước còn lại. Phần chi phí vượt quá các mức trên do gia đình học sinh cam kết tự đảm bảo.

Trong trường hợp đặc biệt, Hội đồng xét tuyển có thể đề xuất mức hỗ trợ cao hơn để lãnh đạo thành phố xem xét.

Định mức kinh phí hỗ trợ cho mỗi học sinh nêu trên chỉ tính cho năm thứ nhất và được điều chỉnh cho các năm sau căn cứ vào kết quả học tập và rèn luyện của học sinh tại trường đại học trên nguyên tắc học bổng không bình quân.

Những học sinh thuộc dự án trúng tuyển vào năm thứ nhất thuộc diện nào (trong nước hay ở nước ngoài) thì được hưởng sự hỗ trợ kinh phí theo diện đó. Riêng đối với những học sinh được chọn cử đi học nước ngoài trong quá trình đang học đại học thì kể từ thời điểm đi nước ngoài trở đi được hưởng hỗ trợ theo diện học sinh học nước ngoài.

Đối với học sinh học tại các cơ sở đào tạo đại học theo tín chỉ được thực hiện theo quy định riêng.

b. Chi hỗ trợ công tác quản lý, điều hành dự án: Đi lại liên hệ công tác, hội nghị, khen thưởng; thông tin liên lạc và các vấn đề liên quan khác.

2. Phương thức hỗ trợ kinh phí:

- Việc đầu tư đào tạo học sinh ở bậc đại học từ nguồn ngân sách thành phố được thực hiện theo phương thức trực tiếp đến từng học sinh.

- Học sinh thuộc diện được UBND thành phố đầu tư kinh phí đào tạo đại học phải có cam kết của gia đình và bản thân học sinh là sau khi tốt nghiệp đại học về phục vụ tại thành phố từ 7 năm trở lên. Việc cam kết đó được thực hiện bằng hợp đồng trách nhiệm có sự chứng nhận của cơ quan luật pháp và điều chỉnh bằng pháp luật Nhà nước Việt Nam. Nếu gia đình và học sinh không thực hiện đúng hợp đồng, phải đền bù gấp 5 (năm) lần toàn bộ kinh phí do Nhà nước đầu tư kể từ khi bắt đầu vào học đại học (có tính theo lãi suất lũy tiến cho vay tiêu dùng từng kỳ).

Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Sở Tài chính để có văn bản cụ thể hoá việc tính đền bù này sau khi Dự án được phê duyệt.

3. Dự kiến nguồn ngân sách đào tạo:

Ngân sách chi cho dự án đào tạo bậc đại học tại các cơ sở trong và ngoài nước gồm các nguồn:

- Nguồn từ ngân sách của thành phố.

- Nguồn tài trợ của các tổ chức kinh tế-xã hội, các doanh nghiệp.

- Nguồn tài trợ của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài.

Các nguồn trên được tập hợp thành một quỹ chung, gọi là “Quỹ học bổng đào tạo bậc đại học tại các cơ sở giáo dục trong nước và ở nước ngoài dành cho học sinh các trường THPT trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”.

Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu Uỷ ban nhân dân thành phố Đà Nẵng ban hành Quy chế sử dụng Quỹ học bổng này.

VII. Một số quy định khác

- Việc cử đi học nước ngoài chỉ thực hiện đối với các học sinh có đăng ký tham gia Dự án trước khi nhập học năm thứ nhất bậc đại học.

- Tùy theo chỉ tiêu đào tạo hàng năm, những học sinh đăng ký tham gia dự án chậm hơn thời điểm nêu trên, nhưng vẫn thuộc năm học đầu tiên bậc đại học, nếu có thành tích học tập đặc biệt xuất sắc trong thời gian học phổ thông và đại học hoặc những trường hợp đặc biệt khác, Hội đồng xét tuyển sẽ đề xuất để lãnh đạo thành phố xem xét.

- Đối với học sinh chưa đạt yêu cầu về ngoại ngữ của cơ sở đào tạo ở nước ngoài, được bảo lưu kết quả xét chọn đi học nước ngoài trong thời gian năm thứ nhất bậc đại học để học ngoại ngữ, chi phí học ngoại ngữ do học sinh và gia đình tự lo.

- Những học sinh đạt kết quả xuất sắc trong quá trình học tập ở các cơ sở đào tạo đại học, nếu được cấp học bổng khác, những học sinh này có thể nhận với điều kiện thực hiện đầy đủ những cam kết tại điểm VI.2, Phần thứ hai của Dự án này.

Phần thứ ba

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thành lập Hội đồng xét tuyển học sinh tham gia Dự án đào tạo bậc đại học tại các cơ sở giáo dục trong nước và ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước dành cho học sinh các trường trung học phổ thông trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Thành phần Hội đồng gồm:

- Đại diện lãnh đạo UBND thành phố Đà Nẵng: Chủ tịch Hội đồng.

- Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo: Phó Chủ tịch Thường trực.

- Giám đốc Sở Nội vụ: Phó Chủ tịch.

- Các ủy viên: Giám đốc Sở Ngoại vụ, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, đại diện lãnh đạo Văn phòng UBND thành phố.

- Hiệu trưởng trường THPT chuyên Lê Quý Đôn: Uỷ viên thư ký.

2. Sở Giáo dục và Đào tạo: Là cơ quan thường trực quản lý Dự án, có nhiệm vụ:

- Tổ chức thực hiện Dự án có hiệu quả.

- Đề xuất chọn trường, cơ sở giáo dục để cử học sinh đi học.

- Phối hợp với Sở Nội vụ, trình lãnh đạo thành phố đề xuất chỉ tiêu, ngành nghề và trường đào tạo hàng năm để cử học sinh đi học và công bố cho học sinh đăng ký tham gia Dự án trước kỳ thi tuyển sinh đại học, chậm nhất vào tháng 2 hàng năm.

- Chỉ đạo Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn tổ chức việc theo dõi tình hình học tập và rèn luyện của học sinh trong suốt thời gian học tập cho đến khi tốt nghiệp đại học, về nhận công tác tại thành phố.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính tham mưu Uỷ ban nhân dân thành phố Đà Nẵng ban hành Quy chế quản lý, sử dụng “Quỹ học bổng đào tạo bậc đại học tại các cơ sở giáo dục trong nước và ở nước ngoài dành cho học sinh các trường THPT trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”.

3. Sở Nội vụ:

- Xác định chỉ tiêu và ngành nghề đào tạo từng năm, báo cáo UBND thành phố thông qua vào tháng 12 hàng năm.

- Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo và các ngành liên quan trong việc xây dựng các kế hoạch đào tạo định kỳ hàng năm.

- Tham mưu cho UBND thành phố sử dụng số sinh viên tham gia Dự án sau khi tốt nghiệp đại học, sau đại học trở về công tác tại thành phố Đà Nẵng.

4. Sở Ngoại vụ: Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, tổ chức xúc tiến và liên kết với các cơ sở giáo dục và đào tạo có uy tín ở nước ngoài nhằm giới thiệu học sinh tham gia Dự án.

5. Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước Đà Nẵng: Chịu trách nhiệm bố trí vào dự toán chi ngân sách hàng năm cho Dự án, đảm bảo cấp kinh phí kịp thời cho học sinh được xét chọn tham gia Dự án./.

 

DỰ KIẾN DANH MỤC NGÀNH NGHỀ ĐÀO TẠO

(Dành cho năm học 2006-2007)

1. Công nghệ thông tin

2. Điện tử - Viễn thông

3. Công nghệ sinh học

4. Công nghệ tự động hoá

5. Cơ điện tử - sản xuất tự động

6. Y khoa

7. Dược

8. Kiến trúc

9. Xây dựng (ngành dân dụng và công nghiệp)

10. Giao thông (ngành cầu, đường, vận tải công cộng)

11. Quản lý đô thị, quản lý du lịch, quản lý văn hoá, quản lý giáo dục

12. Quản lý thị trường bất động sản; quản lý thị trường tài chính, quản lý môi trường, quản lý công nghiệp, quản lý dự án

13. Văn hóa - Nghệ thuật

14. Phiên dịch tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nhật Bản, tiếng Hàn Quốc, tiếng Trung Quốc

15. Giáo viên một số môn học theo yêu cầu của ngành giáo dục và đào tạo./.

DỰ KIẾN DANH MỤC CÁC QUỐC GIA ĐỂ CỬ HỌC SINH ĐI ĐÀO TẠO Ở NƯỚC NGOÀI

(Dành cho năm học 2006-2007)

1. Liên bang Nga

2. Trung Quốc

3. Vương quốc Anh

4. Cộng Hoà Pháp

5. Cộng hoà Liên bang Đức

6. Thụy Sỹ

7. Hoa Kỳ

8. Australia

9. Canada

10. Singapore

11. Nhật Bản

12. Hàn Quốc

13. Thái Lan.

14. New Zealand

15. Ấn Độ.