Quyết định số 623/2006/QĐ-TTCP ngày 31/03/2006 Ban hành chương trình hành động của Thanh tra chính phủ thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng và Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí do Tổng Thanh tra ban hành
- Số hiệu văn bản: 623/2006/QĐ-TTCP
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Thanh tra Chính phủ
- Ngày ban hành: 31-03-2006
- Ngày có hiệu lực: 15-04-2006
- Tình trạng hiệu lực: Đang có hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 6797 ngày (18 năm 7 tháng 17 ngày)
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
THANH TRA CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 623/2006/QĐ-TTCP | Hà Nội, ngày 31 tháng 3 năm 2006 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA THANH TRA CHÍNH PHỦ THỰC HIỆN LUẬT PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG VÀ THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ
TỔNG THANH TRA
Căn cứ Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005 ngày 29/11/2005;
Căn cứ Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí ngày 29/11/2005;
Căn cứ Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng và thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí;
Theo đề nghị của Chánh Văn phòng Thanh tra Chính phủ;
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình hành động của Thanh tra Chính phủ thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng, Thủ trưởng đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ, Chánh thanh tra bộ, ngành, Chánh thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
| TỔNG THANH TRA |
CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG
CỦA THANH TRA CHÍNH PHỦ THỰC HIỆN LUẬT PHÒNG CHỐNG THAM NHŨNG VÀ THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 623/QĐ-TTCP ngày 31 tháng 3 năm 2006 của Tổng thanh tra)
I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU CỦA CHƯƠNG TRÌNH
1. Mục tiêu
- Nâng cao ý thức, trách nhiệm và sự chuyển biến mạnh mẽ về công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tham nhũng và ý thức tiết kiệm trong lao động và sinh hoạt của cán bộ, công chức, viên chức ngành Thanh tra.
- Làm cơ sở cho các tổ chức thanh tra xây dựng kế hoạch hành động thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; đưa công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thành nhiệm vụ thường xuyên của các tổ chức thanh tra Nhà nước.
2. Yêu cầu
- Xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật được Thủ tướng Chính phủ giao về hd1 thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng có chất lượng, đúng thời hạn.
- Cụ thể hóa nhiệm vụ và các biện pháp phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong thi hành công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành Thanh tra.
- Thực hiện ngay và có hiệu quả một số giải pháp, nhiệm vụ tạo chuyển biến về phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
II. NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG
1. Xây dựng các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng
a/ Thanh tra Chính phủ chủ trì soạn thảo trình Chính phủ ban hành (trong tháng 5/2006) các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng: Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng, Nghị định về kê khai tài sản và Nghị định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Cục chống tham nhũng thuộc Thanh tra Chính phủ.
b/ Rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo (xong trong năm 2006):
Sửa đổi, bổ sung Quy chế hoạt động của đoàn thanh tra cho phù hợp với Luật Thanh tra, đảm bảo rõ trách nhiệm của của Trưởng đoàn, các thành viên trong đoàn thanh tra; mối quan hệ giữa người quyết định thanh tra với đoàn thanh tra trong quá trình tiến hành cuộc thanh tra…
- Xây dựng và ban hành Quy tắc, chuẩn mực ứng xử, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức ngành Thanh tra trong thi hành nhiệm vụ.
- Xây dựng và ban hành Quy chế về chế độ làm việc của Thanh tra Chính phủ (quy định về trách nhiệm, phạm vi giải quyết công việc, quan hệ công tác của các vụ, đơn vị, trình tự giải quyết các công việc của Lãnh đạo của Thanh tra Chính phủ…)
- Sửa đổi, bổ sung Quy chế về chế độ thông tin, báo cáo công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo của ngành Thanh tra.
- Xây dựng và ban hành quy chế về việc lập và quản lý hồ sơ thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
- Xây dựng và ban hành Quy chế chi tiêu nội bộ, quản lý và sử dụng tài sản công của Thanh tra Chính phủ.
- Rà soát toàn bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, chống tham nhũng, đề nghị Tổng thanh tra kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền loại bỏ ngay những quy định không phù hợp với Luật phòng, chống tham nhũng, Luật Thanh tra, Luật Khiếu nại, tố cáo, trước hết tập trung rà soát những quy định về thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp và hoạt động thanh tra chuyên ngành.
c/ Chuẩn bị báo cáo trình Chính phủ về việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về chống thanh nhũng (trong quý II/2006).
2. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
- Thanh tra Chính phủ tổ chức quán triệt các quy định của Luật Phòng chống tham nhũng, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và Chương trình hành động của Chính phủ cho cán bộ chủ chốt của Ngành và cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan Thanh tra Chính phủ (trong quý II/2006); phối hợp với các cơ quan báo, đài phát thanh, truyền hình Trung ương tuyên truyền, phổ biến các Luật trên đây.
- Các tổ chức thanh tra bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức quán triệt các Luật trên đây cho cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, đơn vị; phối hợp với cơ quan tư pháp, đài phát thanh, truyền hình, các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các Luật trên đây trong phạm vi các tầng lớp nhân dân ở địa phương.
- Thanh tra Chính phủ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Học viên hành chính Quốc gia, các trường bồi dưỡng cán bộ của các bộ, ngành đưa nội dung phòng, chống thanh nhũng vào chương trình đào tạo, bồi dưỡng (trong năm 2006 và các năm tiếp theo).
3/ Phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương trong việc thực hiện Chương trình hành động chống thanh nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
- Thanh tra Chính phủ, các tổ chức Thanh tra Nhà nước phải xem xét, giải quyết kịp thời và trả lời khi nhận được yêu cầu, đề nghị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, các cơ quan báo chí khi có thông tin về tham nhũng trong cơ quan, đơn vị mình hoặc liên quan đến trách nhiệm quản lý của mình.
- Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm xây dựng quy định cụ thể về việc phát huy vai trò của quần chúng nhân dân trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo nhằm phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh mọi hành vi tham nhũng.
4. Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ thanh tra kinh tế - xã hội, giải quyết khiếu nại, tố cáo gắn với công tác phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
a/ Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành có liên quan thành lập một số đoàn liên ngành kiểm tra việc thực hiện Luật Khiếu nại, tố cáo ở những địa phương có nhiều đơn thư vượt cấp, đơn khiếu nại quyết định giải quyết cuối cùng và kiểm tra việc giải quyết các đơn tố cáo hành vi tham nhũng. Phấn đấu trong năm 2006 giải quyết cơ bản các vụ việc khiếu kiện kéo dài.
b/ Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ Kế hoạch thanh tra kinh tế - xã hội trong năm 2006 và những năm tiếp theo tập trung vào 4 lĩnh vực trọng tâm: đầu tư xây dựng cơ bản; quản lý, sử dụng đất đai; quản lý thu – chi ngân sách và quản lý tài sản công gắn với thanh tra việc thực thi chức trách công vụ đối với một số lĩnh vực nhạy cảm, được dư luận quan tâm. Đặc biệt trung thanh tra các công trình, dự án dư luận bức xúc, có dấu hiệu tiêu cực, các doanh nghiệp lớn thuộc các ngành xây dựng, nông nghiệp, thủy lợi nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư, chống đầu tư dàn trải, nợ đọng vốn đầu tư xây dựng cơ bản, thực hành tiết kiệm, chống thất thoát, lãng phí.
c/ Chủ trì, phối hợp với các bộ: Nội vụ, Công an, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường tổ chức thanh tra việc thực thi công vụ ở một số lĩnh vực: quản lý nhà, đất; cấp phép đầu tư, xây dựng; thuế, hải quan; đăng kiểm, đăng ký phương tiện giao thông, cấp giấy phép lái xe cơ giới; đăng ký hộ tịch, hộ khẩu và một số vụ việc vụ thể được nhân dân, công luận phản ánh.
d/ Chủ trì cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng thành lập các đoàn thanh tra liên ngành của Chính phủ để tiến hành thanh tra một số công trình, dự án trọng điểm của các bộ, ngành, địa phương, đơn vị có sử dụng nguồn vốn lớn của Nhà nước, vốn vay, tài trợ của nước ngoài, trong đó tập trung vào các công trình, dự án thuộc lĩnh vực giao thông, thủy lợi (theo tinh thần Công điện số 496/CĐ-TTg ngày 28/3/2006 của Thủ tướng Chính phủ).
đ/ Chỉ đạo các bộ, ngành, thành phố tổ chức thực hiện nghiêm túc các kết luận của cơ quan thanh tra, kiểm tra, công bố công khai kết luận thanh tra, kiểm tra và kết quả xử lý. Đồng thời tập trung kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra, kiểm tra đã có chỉ đạo xử lý của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến tham nhũng, tiêu cực, báo cáo Thủ tướng Chính phủ vào cuối quý II/2006.
e/ Phối hợp với Bộ phận thường trực giúp việc Ban chỉ đạo Trung ương tổng hợp, báo cáo tình hình thực hiện chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng ở các bộ ngành, địa phương trước ngày 30/9/2006, trình Thủ tướng báo cáo tại kỳ họp cuối năm của Quốc hội.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Căn cứ mục tiêu, yêu cầu và nội dung Chương trình hành động của Thanh tra Chính phủ và chương trình hành động của bộ, ngành, địa phương, Thanh tra bộ, ngành, Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng, triển khai kịp thời kế hoạch hành động thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí của tổ chức thanh tra cấp mình. Đồng thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền xây dựng và thực hiện chương trình hành động của cấp ủy, thủ trưởng cùng cấp có hiệu quả. Nội dung chương trình hành động phải cụ thể, thiết thực, có trọng tâm, trọng điểm và bảo đảm tính khả thi.
Thanh tra Chính phủ yêu cầu Thanh tra bộ, ngành, Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện Chương trình hành động của đơn vị mình về Thanh tra Chính phủ (trước ngày 15/9/2006) để Thanh tra Chính phủ tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện chương trình hành động trong ngành Thanh tra.