cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Chỉ thị số 19/2005/CT-UBND ngày 26/05/2005 Tiếp tục vận động toàn dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 19/2005/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh Quảng Bình
  • Ngày ban hành: 26-05-2005
  • Ngày có hiệu lực: 05-06-2005
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 14-01-2016
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 3875 ngày (10 năm 7 tháng 15 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 14-01-2016
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 14-01-2016, Chỉ thị số 19/2005/CT-UBND ngày 26/05/2005 Tiếp tục vận động toàn dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 78/QĐ-UBND ngày 14/01/2016 Công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình ban hành hết hiệu lực thi hành toàn bộ và một phần được rà soát trong năm 2015 (Văn bản hết hiệu lực)”. Xem thêm Lược đồ.

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 19/2005/CT-UBND

Đồng Hới, ngày 26 tháng 5 năm 2005

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TIẾP TỤC VẬN ĐỘNG TOÀN DÂN GIAO NỘP VŨ KHÍ, VẬT LIỆU NỔ, CÔNG CỤ HỖ TRỢ

Trong những năm qua, các cấp, các ngành đã tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị định số 47/CP ngày 12/8/1996 của Chính phủ về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và Chỉ thị 34/2002/CT-UB ngày 11/12/2002 của UBND tỉnh “về tổ chức vận động toàn dân thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ”, đã thu hồi được số lượng lớn vũ khí, vật liệu nổ rơi vãi, trôi nổi, tàng trữ, buôn bán và sử dụng trái phép góp phần giữ vững an ninh trật tự. Thời gian gần đây, do nhiều nguyên nhân khác nhau, tình hình buôn bán, tàng trữ, sử dụng trái pháp luật vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ xảy ra phức tạp, nhất là tình trạng buôn bán, sử dụng vật liệu nổ để đánh bắt thủy sản tái diễn phức tạp, một số người đã dùng vũ khí săn bắn bừa bãi động vật hoang dã... làm ảnh hưởng môi trường sinh thái, một số người do hám lợi, vì mưu sinh tìm kiếm phế liệu đã cưa, phá bom, mìn để lấy thuốc nổ, phế liệu, một số trẻ em chưa nhận thức được tính nguy hiểm của bom, mìn nên đã ném chơi gây nổ làm thiệt hại về người, tài sản. Trong năm 2004 và quý I/2005 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 13 vụ tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ; 9 vụ nổ bom, đầu đạn làm chết 8 người, bị thương 6 người. Đáng chú ý một số đối tượng xấu đã sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ để chống người thi hành công vụ, trả thù cá nhân gây tâm lý lo ngại trong nhân dân.

Để khắc phục tình trạng trên đây, nhằm thu hồi triệt để số vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ còn trôi nổi ngoài xã hội và số vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đã trang bị nhưng nay không còn nhu cầu sử dụng hoặc trang bị không đúng đối tượng, góp phần làm giảm tai nạn, ngăn chặn tình trạng lợi dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ để hoạt động phạm pháp, UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chỉ đạo “tiếp tục vận động toàn dân phát hiện giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ” như sau:

1. Các cơ quan, ban, ngành và chính quyền các cấp trong phạm vi chức năng nhiệm vụ của mình phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội, tăng cường công tác tuyên truyền các quy định của pháp luật về quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đến toàn thể cán bộ, chiến sỹ, học sinh, sinh viên và mọi tầng lớp nhân dân. Đồng thời giáo dục, vận động mọi người có ý thức tự giác giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đang buôn bán, tàng trữ, sử dụng trái phép cho cơ quan Công an hoặc cơ quan Quân sự các cấp; phát hiện và khai báo kịp thời với cơ quan có thẩm quyền về những hành vi buôn bán, tàng trữ, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ rơi vãi, chưa được thu gom, quản lý.

2. Cơ quan Công an chủ trì phối hợp với các ngành, đoàn thể tổ chức lực lượng rà soát, thống kê những tổ chức cá nhân có liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh vũ khí thô sơ (mã tấu, kiếm, dao găm...) và đồ chơi nguy hiểm bị cấm ở từng địa bàn. Trên cơ sở đó phân loại địa bàn, đối tượng trọng điểm để tiến hành các biện pháp tuyên truyền vận động mọi người làm cam kết tự giác giao nộp, không sản xuất, kinh doanh hoặc dùng biện pháp kiên quyết, thu hồi, xử lý theo quy định của pháp luật.

3. Cơ quan Công an, Quân đội và các ngành được trang bị vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ tăng cường rà soát, kiểm tra việc đăng ký, quản lý các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đã được trang bị cho lực lượng mình. Phát hiện những sơ hở, thiết sót để chấn chỉnh, thu hồi triệt để số vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trang bị không đúng đối tượng, hư hỏng hoặc không rõ nguồn gốc. Người được giao bảo quản sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ khi nghỉ hưu, thôi việc, chuyển ngành, chuyển công tác khác hoặc không đủ tiêu chuẩn để quản lý sử dụng theo quy định của pháp luật thì phải nộp lại cho cơ quan, đơn vị được trang bị.

4. Cơ quan Công an, quân đội phải tổ chức tốt việc tiếp nhận, bảo quản và phân loại xử lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ thu hồi được đảm bảo an toàn, đúng quy định của pháp luật. Theo dõi, phối hợp, xử lý bom mìn thu hồi được trong thực hiện dự án MAG - Quảng Bình trên các địa bàn.

5. Báo Quảng Bình, Đài Phát Thanh - Truyền hình và các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ để mọi tầng lớp nhân dân biết và thực hiện nghiêm túc.

6. Thành lập Ban chỉ đạo thực hiện vận động toàn dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ ở các cấp gồm cơ quan Công an, Quân đội và các tổ chức chính trị, xã hội tham gia, do 01 đồng chí Lãnh đạo UBND cùng cấp làm trưởng ban, 01 đồng chí Lãnh đạo Công an cùng cấp làm phó ban. Giao cơ quan Công an làm thường trực Ban chỉ đạo, có trách nhiệm hướng dẫn, theo dõi và tập hợp tình hình, kết quả thực hiện báo cáo UBND tỉnh.

Căn cứ Chỉ thị này, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, các cơ quan TW đóng trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố có kế hoạch cụ thể cho cơ quan, đơn vị, địa phương mình tổ chức thực hiện nghiêm túc./.

 

 

Nơi nhận:
- VP Chính phủ;
- Bộ Công an;
- Cục kiểm tra VB- Bộ Tư pháp;
- Đoàn ĐBQH tỉnh;
- TV Tỉnh ủy;
- TT HĐND tỉnh;
- Ban Pháp chế - HĐND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, tổ chức đoàn thể cấp tỉnh;
- Các cơ quan TW đóng trên địa bàn;
- UBND các huyện, thành phố;
- Các cơ quan thông tin đại chúng ở địa phương;
- Sở Tư pháp (để tự kiểm tra);
- Lưu VT, NCVX.

TM. UBND TỈNH QUẢNG BÌNH
CHỦ TỊCH




Phan Lâm Phương