Quyết định số 1181/2006/QĐ-UB ngày 07/03/2006 Về cơ chế đầu tư và quản lý sau đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp chợ trên địa bàn thành phố Hà Nội do Ủy ban nhân dân Thành phố Hà nội ban hành (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 1181/2006/QĐ-UB
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Thành phố Hà Nội
- Ngày ban hành: 07-03-2006
- Ngày có hiệu lực: 22-03-2006
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 09-06-2012
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 2271 ngày (6 năm 2 tháng 21 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 09-06-2012
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1181/2006/QĐ-UB | Hà Nội, ngày 07 tháng 03 năm 2006 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH “QUY ĐỊNH VỀ CƠ CHẾ ĐẦU TƯ VÀ QUẢN LÝ SAU ĐẦU TƯ XÂY DỰNG, CẢI TẠO NÂNG CẤP CHỢ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI”
UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân;
Căn cứ Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14/1/2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ;
Căn cứ Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07/02/2005 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình;
Căn cứ Quyết định số 559/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển chợ đến năm 2010;
Căn cứ Thông tư số 06/2003/TT-BTM ngày 15/8/2003 của Bộ Thương mại hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Ban Quản lý chợ ; Thông tư số 07/2003/TT-BKH ngày 11/9/2003 của Bộ Kế hoạch & Đầu tư hướng dẫn lập các dự án quy hoạch phát triển và đầu tư xây dựng chợ; Thông tư số 67/2003/TT-BTC ngày 11/7/2003 của Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế tài chính áp dụng cho Ban quản lý chợ, doanh nghiệp kinh doanh khai thác và quản lý chợ và các văn bản quy định khác có liên quan;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Thương mại tại Tờ trình số 1558 /TTr-STM, ngày 05 tháng 8 năm 2005,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định về cơ chế đầu tư và quản lý sau đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp chợ trên địa bàn Thành phố Hà nội”.
Điều 2: Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký.
Điều 3: Chánh văn phòng Uỷ ban nhân dân Thành phố, Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành thành phố, Giám đốc Kho bạc Nhà nước Thành phố, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các quận, huyện, phường, xã, thị trấn và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
| TM. UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI |
QUY ĐỊNH
VỀ CƠ CHẾ ĐẦU TƯ VÀ QUẢN LÝ SAU ĐẦU TƯ XÂY DỰNG, CẢI TẠO, NÂNG CẤP CHỢ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1811/2006/QĐ-UB ngày 07/03/2006 của Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội)
Chương 1:
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1: Mục đích, yêu cầu:
1. Đảm bảo việc sử dụng ngân sách Nhà nước để đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp các chợ trên địa bàn Thành phố theo đúng quy định và đạt hiệu quả cao.
2. Đảm bảo tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý theo phân cấp của Uỷ ban nhân dân Thành phố.
Điều 2: Phạm vi và đối tượng áp dụng:
1. Quy định này áp dụng đối với các chợ trên địa bàn Thành phố Hà Nội được đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp bằng 100% hoặc một phần nguồn vốn ngân sách Nhà nước theo Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14/1/2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ và Quyết định số 142/2004/QĐ-UB ngày 09/9/2004 của Uỷ ban nhân dân thành phố ban hành “Quy định về quy hoạch phát triển, đầu tư xây dựng và quản lý chợ trên địa bàn Thành phố Hà Nội” cũng như các văn bản pháp luật khác có liên quan đến hoạt động phát triển và quản lý chợ.
2. Quy định này không áp dụng đối với các chợ được đầu tư xây dựng bằng 100% vốn đầu tư của doanh nghiệp.
Điều 3: Giải thích từ ngữ về loại hình chợ:
1. Chợ loại 1, loại 2, loại 3 là chợ đạt các tiêu chuẩn được quy định tại Điều 3 Quyết định 142/2004/QĐ-UB ngày 09/9/2004 của Uỷ ban nhân dân Thành phố về việc ban hành “Quy định về quy hoạch phát triển, đầu tư xây dựng và quản lý chợ trên địa bàn Thành phố Hà Hội.
2. Chợ đầu mối nông sản thực phẩm là chợ chủ yếu tập trung lượng hàng hoá lớn về nông sản thực phẩm để chế biến, đóng gói, giao dịch mua bán hàng hoá, tiếp tục phân phối tới các chợ và các kênh lưu thông khác.
Điều 4: Các nguyên tắc cơ bản:
1. Trình tự thủ tục đầu tư: Căn cứ vào Quy chế quản lý đầu tư xây dựng và các văn bản hiện hành của Nhà nước và Thành phố.
2. Hình thức đầu tư: Đầu tư xây dựng mới và đầu tư cải tạo, nâng cấp chợ (trên nền diện tích chợ cũ hoặc mở rộng).
Chương 2:
CƠ CHẾ VỀ ĐẦU TƯ XÂY DỰNG, CẢI TẠO NÂNG CẤP CHỢ
Điều 5: Đầu tư xây dựng mới, xây dựng lại chợ:
1. Ngân sách Thành phố (bao gồm nguồn vốn ngân sách Thành phố, ngân sách quận, huyện) hỗ trợ đối với các chợ đầu mối nông sản thực phẩm, chợ loại 1 và các chợ loại 2 ở vị trí trọng điểm về kinh tế – xã hội của Thành phố hoặc quận, huyện được xây dựng theo quy hoạch của Thành phố , mức hỗ trợ như sau:
- Hỗ trợ toàn bộ phần hạ tầng kỹ thuật ngoài tường rào, bao gồm: Hệ thống cấp thoát nước, hệ thống cấp điện, đường giao thông và chiếu sáng.
- Hỗ trợ 100% kinh phí chuẩn bị đầu tư và giải phóng mặt bằng.
- Hỗ trợ 30% hạ tầng kỹ thuật trong tường rào, bao gồm: Tôn nền, san nền, xây tường rào, hệ thống cấp thoát nước, hệ thống đường điện.
2. Đối với các chợ loại 3 xây dựng theo quy hoạch của Thành phố ở các cụm xã vùng sâu vùng xa thuộc các Chương trình phát triển kinh tế- xã hội, xoá đói, giảm nghèo (thuộc danh mục B Nghị định 51/CP về khuyến khích đầu tư trong nước. Áp dụng các xã nghèo): Ngân sách Thành phố xem xét đầu tư 100% vốn hoặc hỗ trợ trên 50% tổng số vốn đầu tư cho việc xây dựng mới và xây dựng lại chợ.
Điều 6: Đầu tư cải tạo và nâng cấp chợ.
Ngân sách Thành phố hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần kinh phí cải tạo, nâng cấp đối với những chợ do quận, huyện là chủ đầu tư, thông qua ngân sách cấp cho quận, huyện hàng năm trên cơ sở đề án được các cấp có thẩm quyền phê duyệt theo phân cấp của Thành phố.
Điều 7: Cơ chế sử dụng đất:
Thành phố sẽ xem xét miễn hoặc giảm tiền thuê đất (ưu đãi đầu tư) đối với từng dự án cụ thể căn cứ theo các quy định của Chính phủ và của Thành phố.
Điều 8: Quy trình thực hiện đầu tư:
1. Hình thức đầu tư:
- Đối với chợ xây dựng mới, xây dựng lại: Căn cứ Nghị định số 66/2003/NĐ-CP ngày 12/6/2003 sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị định số 14/2000/NĐ-CP ngày 05/5/2000 và Nghị định số 88/1999/NĐ-CP ngày 01/9/1999 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế đấu thầu, Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07/02/2005 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình và các Thông tư hướng dẫn kèm theo.
- Đối với chợ cải tạo, nâng cấp do Uỷ ban nhân dân quận, huyện làm chủ đầu tư thì Uỷ ban nhân dân quận, huyện lập dự án trình cấp có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt.
2. Thẩm quyền thẩm định và phê duyệt: Theo quy định của Nhà nước về quản lý đầu tư và xây dựng và theo phân cấp hoặc uỷ quyền của UBND Thành phố tại thời điểm áp dụng.
Chương 3:
QUẢN LÝ SAU ĐẦU TƯ XÂY DỰNG, CẢI TẠO, NÂNG CẤP CHỢ
Điều 9: Mô hình quản lý:
1. Các chợ đầu mối, chợ loại 1, chợ loại 2 có vị trí trọng điểm về kinh tế-xã hội của Thành phố, quận, huyện (Khoản 1, Điều 5, Quy định này), Uỷ ban nhân dân Thành phố giao doanh nghiệp Nhà nước hoặc Uỷ ban nhân dân quận, huyện cử đại diện tham gia công ty Cổ phần quản lý phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
2. Chợ loại 3 ở các xã vùng sâu, vùng xa (thuộc Khoản 2, Điều 5, Quy định này), Uỷ ban nhân dân Thành phố giao Uỷ ban nhân dân huyện tổ chức đấu thầu lựa chọn doanh nghiệp quản lý kinh doanh khai thác chợ. Toàn bộ số tiền khấu hao được chuyển về ngân sách huyện để hoàn vốn đầu tư ban đầu (thời gian khấu hao do Uỷ ban nhân dân huyện quyết định).
Điều 10: Quy định đấu giá địa điểm kiốt, sạp hàng đối với chợ xây dựng mới:
1. Đối tượng tham gia đấu giá: Tất cả các tổ chức, cá nhân (gọi tắt là thương nhân) có nhu cầu kinh doanh dịch vụ tại chợ. Uu tiên người có hộ khẩu trên địa bàn, gia đình chính sách, người tham gia ứng trước tiền thuê địa điểm kinh doanh để xây dựng chợ.
2. Mức giá cho thuê kiốt, quầy, sạp: Chủ đầu tư xây dựng phương án, có thoả thuận của Sở Tài chính hoặc Uỷ ban nhân dân các quận, huyện (tuỳ từng loại chợ theo phân cấp quản lý của Thành phố) trước khi đưa ra tổ chức đấu giá, mức giá cho thuê được tính trên cơ sở tổng mức đầu tư và giá mặt bằng chung của loại chợ cùng loại trên địa bàn.
3. Thời gian cho thuê kiốt, quầy, sạp: Do chủ đầu tư quyết định nhưng thời gian thuê một lần không quá 10 năm đối với kiôt, 5 năm đối với quầy sạp.
4. Trình tự thủ tục đấu giá:
a/ Thông báo công khai tại quận, huyện, xã, phường và trên các phương tiện thông tin đại chúng (Các báo, đài phát thanh, truyền hình Trung ương và Hà nội), các nội dung chính về việc đấu giá cho thuê diện tích kiốt, sạp hàng (địa điểm, thời gian, đối tượng, thủ tục nộp hồ sơ ...) trước 30 ngày và thông báo các hồ sơ hợp lệ được phép tham gia đấu giá trước 10 ngày kể từ ngày bắt đầu đấu giá.
b/ Quy định về mức tiền đặt cọc, chi phí đấu giá, hồ sơ mẫu và các quy định khác trong việc nộp hồ sơ, tham gia đăng ký, thời hạn đấu giá. Tiền đặt cọc không được dưới 10% giá khởi điểm đấu giá kiốt, quầy, sạp.
c/ Thương nhân tham gia đấu giá thuê địa điểm kinh doanh nộp tiền mua hồ sơ theo mẫu quy định của Hội đồng đấu giá và chi phí đấu giá, tiền đặt cọc theo mức giá do Hội đồng đấu giá quy định.
5/ Nguyên tắc đấu giá:
a/ Đến hết thời gian đăng ký đấu giá theo quy định đấu giá. Hội đồng đấu giá sẽ công bố các hồ sơ hợp lệ để xét cho phép các tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá.
b/ Tổ chức đấu giá bằng hình thức bỏ phiếu kín cho đến lúc thương nhân trả giá thuê cao nhất. Giá thuê phải trên giá sàn quy định.
c/ Trường hợp ô kinh doanh nào chỉ có duy nhất một thương nhân đăng ký đấu giá theo quy định thì Hội đồng đấu giá xét quyết định cho thương nhân đó được thuê diện tích kinh doanh theo giá sàn.
Điều 11: Quy định đấu giá địa điểm kiốt, sạp hàng đối với chợ xây dựng lại:
1. Đối với trường hợp chưa hết hợp đồng, sau khi xây dựng xong, doanh nghiệp quản lý chợ bố trí, sắp xếp cho thương nhân tiếp tục kinh doanh đến hết hợp đồng. Trường hợp cần phải thay đổi vị trí kinh doanh, doanh nghiệp quản lý chợ thoả thuận cụ thể với thương nhân và quyết định theo thẩm quyền.
2. Đối với trường hợp hết hợp đồng, tiến hành một trong hai phương án:
Phương án 1: Nếu thương nhân có nhu cầu tiếp tục kinh doanh, doanh nghiệp quản lý chợ yêu cầu thương nhân ký lại hợp đồng theo mức giá đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt (Uỷ ban nhân dân các quận, huyện quản lý chợ trên địa bàn).
Phương án 2: Trường hợp thương nhân không có nhu cầu hoặc không chấp nhận mức giá cho thuê mới thì tiến hành thực hiện đấu giá, trình tự và nguyên tắc đấu giá như đối với chợ xây mới.
Điều 12: Quản lý hoạt động kinh doanh:
1. Doanh nghiệp quản lý kinh doanh khai thác chợ sau khi tiếp nhận chợ, thực hiện các nội dung sau:
- Xây dựng cơ cấu tổ chức bộ máy quản lý chợ. Thực hiện chế độ tài chính áp dụng cho các loại mô hình tổ chức theo các quy định hiện hành của Nhà nước.
- Làm thủ tục ký hợp đồng cho thuê diện tích và sắp xếp chỗ ngồi kinh doanh theo quy hoạch từng ngành hàng kinh doanh trong chợ ngay sau khi thương nhân trúng giá và đã nộp đủ số tiền thuê theo quy định của Hội đồng đấu giá.
- Xây dựng nội quy chợ trình cấp thẩm quyền phê duyệt và quản lý việc kinh doanh theo đúng nội quy đã quy định.
2. Thương nhân kinh doanh trong chợ có trách nhiệm:
- Ký hợp đồng thuê địa điểm kinh doanh và thực hiện đúng cam kết trong hợp đồng. Thực hiện thủ tục mua bán, sang nhượng kiôt, quầy sạp theo quy định. Không được tự ý thay đổi chủ hợp đồng, thay đổi địa điểm kinh doanh, sử dụng điểm kinh doanh vào mục đích khác ngoài nội dung đã ghi trong hợp đồng.
- Thanh toán đầy đủ và đúng hạn các khoản tiền theo hợp đồng, thực hiện kinh doanh theo đúng nội quy chợ.
Chương 4:
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 13: Sở Thương mại có trách nhiệm:
1. Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ngành Thành phố, Uỷ ban nhân dân quận huyện xây dựng Dự án điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cải tạo phát triển mạng lưới chợ trên địa bàn Thành phố Hà Nội đến 2010, định hướng 2020 trình Uỷ ban nhân dân Thành phố phê duyệt.
2. Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ngành Thành phố hướng dẫn Uỷ ban nhân dân quận, huyện xây dựng kế hoạch ngắn hạn và dài hạn về xây mới, xây dựng lại, cải tạo, nâng cấp chợ bằng nguồn vốn ngân sách đầu tư theo quy hoạch; thẩm định kế hoạch của các quận, huyện trình Uỷ ban nhân dân Thành phố xem xét, quyết định.
3. Tham gia Hội nghị tư vấn thẩm định dự án đầu tư xây dựng đối với các dự án đầu tư xây mới, xây dựng lại, cải tạo, nâng cấp chợ thuộc thẩm quyền Thành phố thẩm định và phê duyệt.
4. Hướng dẫn, giám sát và kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh, khai thác và quản lý chợ thực hiện đúng các quy định của pháp luật sau khi đưa vào khai thác và trong suốt quá trình hoạt động của chợ.
Điều 14: Sở Kế hoạch-Đầu tư có trách nhiệm:
1. Chủ trì, phối hợp với với Sở Tài chính, Sở Thương mại xem xét bố trí kế hoạch vốn đầu tư đối với các chợ xây dựng mới, xây dựng lại, cải tạo, nâng cấp theo quy hoạch của Thành phố bằng nguồn vốn ngân sách.
2. Chủ trì Hội nghị tư vấn thẩm định dự án đầu tư xây dựng mới, xây dựng lại, cải tạo, nâng cấp các chợ, trình UBND Thành phố xem xét, phê duyệt theo thẩm quyền và theo phân cấp của Thành phố.
Điều 15: Sở Tài chính có trách nhiệm:
1. Hướng dẫn triển khai thực hiện các quy định về tài chính đối với cơ chế đầu tư và quản lý sau đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp chợ trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
2. Tham gia Hội nghị tư vấn thẩm định dự án đầu tư xây dựng đối với các dự án đầu tư xây mới, xây dựng lại, cải tạo, nâng cấp chợ thuộc thẩm quyền Thành phố thẩm định và phê duyệt.
Điều 16: Uỷ ban nhân dân các quận, huyện có trách nhiệm:
1. Hàng năm căn cứ vào quy hoạch và kế hoạch của Uỷ ban nhân dân Thành phố, Uỷ ban nhân dân các quận, huyện có trách nhiệm xây dựng kế hoạch các dự án xây dựng mới, xây dựng lại các chợ và các dự án cải tạo, nâng cấp chợ trên địa bàn theo quy hoạch của thành phố gửi các Sở: Thương mại, Kế hoạch-Đầu tư, Tài chính xem xét trình Uỷ ban nhân dân Thành phố phê duyệt; xây dựng kế hoạch vốn đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp chợ bằng nguồn vốn ngân sách đối với những dự án được Thành phố phê duyệt.
2. Xét duyệt dự án theo phân cấp hoặc theo uỷ quyền của Thành phố, chấp hành các quy định của Nhà nước và Thành phố về Quy định quản lý đầu tư và xây dựng.
3. Ra Quyết định thành lập Hội đồng đấu giá, ban hành các quy định về đấu giá và chủ trì Hội đồng đấu giá kiôt, quầy, sạp đối với những chợ xây mới, xây dựng lại.
4. Theo dõi, giúp đỡ doanh nghiệp kinh doanh khai thác chợ trên địa bàn tổ chức quản lý kinh doanh chợ sau xây dựng, cải tạo, nâng cấp hoạt động có hiệu quả.
Điều 17: Uỷ ban nhân dân phường, xã, thị trấn có trách nhiệm:
1. Hàng năm lập các dự án cải tạo nâng cấp chợ đối với các chợ loại 3 trên địa bàn trình Uỷ ban nhân dân quận, huyện phê duyệt.
2. Giám sát và chỉ đạo việc cải tạo các chợ loại 3 được đầu tư bằng vốn ngân sách (nếu được Uỷ ban nhân dân quận, huyện giao nhiệm vụ) đúng theo quy định của Chính phủ và thành phố về Quy định quản lý đầu tư và xây dựng; tạo điều kiện cho doanh nghiệp kinh doanh khai thác quản lý chợ sau cải tạo hoạt động có hiệu quả.
Điều 18: Điều khoản thi hành:
1. Thủ trưởng các Sở, Ngành Thành phố, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các quận, huyện, phường, xã, thị trấn, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quy định này.
2. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc hoặc Chính phủ ban hành văn bản quy phạm pháp luật mới có liên quan đến nội dung của Quy định này, Sở Thương mại có trách nhiệm phối hợp với các ngành, các cấp đề xuất những nội dung cần sửa đổi, bổ sung, thay thế trình Uỷ ban nhân dân Thành phố xem xét, quyết định.