cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 614/2006/QĐ-UBND ngày 06/03/2006 Quy định cụ thể về bảo đảm an toàn công trình lân cận, vệ sinh môi trường trong xây dựng công trình tại đô thị trên địa bàn tỉnh Phú Thọ

  • Số hiệu văn bản: 614/2006/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh Phú Thọ
  • Ngày ban hành: 06-03-2006
  • Ngày có hiệu lực: 16-03-2006
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 28-02-2019
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 4732 ngày (12 năm 11 tháng 22 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 28-02-2019
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 28-02-2019, Quyết định số 614/2006/QĐ-UBND ngày 06/03/2006 Quy định cụ thể về bảo đảm an toàn công trình lân cận, vệ sinh môi trường trong xây dựng công trình tại đô thị trên địa bàn tỉnh Phú Thọ bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 417/QĐ-UBND ngày 28/02/2019 Công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ trong kỳ hệ thống hóa 2014-2018”. Xem thêm Lược đồ.

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ THỌ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 614/2006/QĐ-UBND

Việt Trì, ngày 06 tháng 3 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH CỤ THỂ MỘT SỐ ĐIỂM VỀ BẢO ĐẢM AN TOÀN CÔNG TRÌNH LÂN CẬN, VỆ SINH MÔI TRƯỜNG TRONG XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH TẠI CÁC ĐÔ THỊ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH PHÚ THỌ

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH PHÚ THỌ

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26/11/2003; và Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07/02/2005 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình;

Căn cứ Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng; và các quy định pháp luật khác có liên quan;

Căn cứ Văn bản số 1249/BXD-GĐ ngày 16/8/2004 của Bộ Xây dựng yêu cầu UBND các tỉnh ban hành quy chế về bảo đảm an toàn công trình lân cận và vệ sinh môi trường trong quá trình xây dựng công trình mới tại các đô thị;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng tại Văn bản số: 111/SXD-KTGĐ ngày 27/2/2006;

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định cụ thể một số điểm về bảo đảm an toàn công trình lân cận, vệ sinh môi trường trong xây dựng công trình tại các đô thị trên địa bàn tỉnh Phú Thọ”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký ban hành; Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Xây dựng và các sở, ban, ngành có liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; Chủ tịch UBND các phường, thị trấn căn cứ Quyết định thi hành.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Ngô Đức Vượng

 

QUY ĐỊNH

CỤ THỂ MỘT SỐ ĐIỂM VỀ BẢO ĐẢM AN TOÀN CÔNG TRÌNH LÂN CẬN, VỆ SINH MÔI TRƯỜNG TRONG XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH TẠI CÁC ĐÔ THỊ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH PHÚ THỌ
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 614/2006/QĐ-UBND ngày 06 tháng 3 năm 2006 của UBND tỉnh Phú Thọ)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Văn bản này quy định cụ thể một số điểm về bảo đảm an toàn công trình lân cận, vệ sinh môi trường trong quá trình xây dựng công trình tại các đô thị trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân là người sở hữu vốn (gọi chung là Chủ đầu tư) cùng các bên tham gia hoạt động xây dựng công trình (bao gồm công trình mới, nâng cấp, cải tạo công trình cũ) tại các đô thị, không phân biệt nguồn vốn, loại hình công trình; và các chủ công trình lân cận đều phải thực hiện đúng các nội dung của quy định này.

2. Các nội dung không nêu tại quy định này được thực hiện theo Luật Xây dựng và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong quy định này một số từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Công trình lân cận: Bao gồm các công trình liền kề và những công trình xây dựng khác nằm trong phạm vi bị ảnh hưởng do quá trình xây dựng công trình mới gây ra.

2. Khái niệm “bị ảnh hưởng”, “mất an toàn công trình lân cận” là các hiện tượng chuyển vị xê dịch ngang, bị lún, nứt quá giới hạn cho phép (theo tiêu chuẩn kỹ thuật), gây ô nhiễm môi trường, do quá trình thi công xây dựng công trình gần đó gây nên.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Mục 1. BẢO ĐẢM AN TOÀN CÔNG TRÌNH LÂN CẬN

Điều 4. Thực hiện khảo sát trước khi thiết kế công trình

1. Chủ đầu tư, tổ chức tư vấn xây dựng khi lập dự án, thiết kế công trình phải thực hiện khảo sát địa hình, địa chất của khu vực công trình, các công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình ngầm có trong mặt bằng thi công và nền móng các công trình lân cận.

2. Lập hồ sơ hiện trạng công trình lân cận cần có xác nhận của chủ công trình lân cận đó. Trường hợp chủ sở hữu công trình lân cận không đồng ý cho khảo sát, chủ đầu tư mời UBND phường, thị trấn xác nhận, hoặc mời các cơ quan có liên quan tham gia (đối với công trình có quy mô lớn).

3. Hồ sơ khảo sát được thực hiện bằng hình thức lập biên bản hiện trạng, lập sơ đồ (đối với trường hợp công trình đơn giản), đo vẽ lập bản đồ, chụp ảnh, khoan thăm dò.

4. Có phương án, biện pháp cụ thể để bảo vệ an toàn công trình lân cận khi phải đào, khoan thăm dò hoặc thực hiện các công việc chuyên môn khác.

Điều 5. Trách nhiệm nhà thầu thiết kế công trình

1. Khi thiết kế công trình, nhà thầu thiết kế phải lựa chọn phương án thiết kế bảo đảm an toàn cho bản thân công trình và bảo đảm an toàn công trình lân cận.

2. Trường hợp phải di chuyển các công trình ngầm, các công trình hạ tầng kỹ thuật hiện có trong khu vực xây dựng phải có đấu nối, khôi phục bảo đảm sự làm việc bình thường của các công trình đó.

Điều 6. Trách nhiệm Chủ đầu tư khi xây dựng công trình

1. Có biện pháp cụ thể để bảo đảm an toàn trong quá trình thi công xây dựng và an toàn cho công trình lân cận.

2. Thông báo ngày khởi công xây dựng công trình bằng văn bản cho UBND phường nơi xây dựng công trình với thời gian ít nhất 7 ngày (bảy) trước khi khởi công công trình.

3. Kiểm tra biện pháp bảo đảm an toàn của nhà thầu thi công công trình. Dừng xây dựng công trình và yêu cầu khắc phục hậu quả khi nhà thầu thi công vi phạm các quy định về chất lượng công trình, gây mất an toàn công trình lân cận.

4. Khi phá dỡ công trình cũ để giải phóng mặt bằng, hoặc để cải tạo nâng cấp công trình phải thực hiện theo quy định tại Điều 86, Luật Xây dựng; trước khi phá dỡ công trình nhà từ 2 tầng trở lên, chủ đầu tư phải tổ chức lập biện pháp thi công phá dỡ cụ thể, bảo đảm an toàn trong thi công và an toàn cho công trình lân cận.

Biện pháp phá dỡ phải được chủ đầu tư và chủ công trình lân cận thông qua đồng ý. Khi phá dỡ công trình có quy mô lớn (từ 4 tầng trở lên) phải có ý kiến của chuyên gia, hoặc cơ quan tư vấn thiết kế.

5. Bồi thường thiệt hại cho công trình lân cận do lỗi mình gây ra.

Điều 7. Trách nhiệm của Chủ công trình lân cận

1. Chủ các công trình lân cận có trách nhiệm hợp tác và cung cấp các tài liệu nền móng, các chỉ số kỹ thuật cần thiết của công trình đang sử dụng theo đề nghị của chủ công trình chuẩn bị xây dựng mới hay công trình cải tạo, nâng cấp liền kề, để bảo đảm an toàn sau này.

Trường hợp các chủ công trình lân cận không thiện chí, từ chối hợp tác, hoặc gây cản trở việc khảo sát, cũng như thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho công trình lân cận, thì khi xảy ra ảnh hưởng xấu, mất an toàn công trình lân cận do việc xây dựng công trình mới gây nên các chủ công trình lân cận đó không được xem xét giải quyết bồi thường.

2. Chủ công trình lân cận có quyền từ chối yêu cầu của chủ đầu tư xây dựng công trình khi các biện pháp bảo đảm an toàn do chủ đầu tư, nhà thầu thi công công trình mới liền kề đưa ra không có tính khả thi, hay có ảnh hưởng mất an toàn công trình lân cận. Trường hợp này có quyền đề nghị các cơ quan liên quan, cơ quan cấp phép để giải quyết.

3. Trường hợp khi xây dựng nhà ở lần đầu nằm trong khu dân cư nhà liên kế có nhu cầu trong tương lai làm nhà cao tầng (4, 5 tầng trở lên) do điều kiện giai đoạn đầu chỉ làm nhà một, hay 2 tầng thì giải pháp móng công trình phải thiết kế và thi công ngay từ đầu có đủ khả năng chịu lực cho số tầng dự kiến sau này để bảo đảm an toàn cho công trình lân cận.

Điều 8. Trách nhiệm nhà thầu thi công

1. Khi xây dựng công trình mới, nâng cấp công trình cũ nhà thầu thi công phải lập biện pháp thi công cụ thể để bảo đảm an toàn công trình lân cận. Biện pháp đó phải được chủ đầu tư công trình và chủ công trình lân cận chấp thuận đồng ý. Trường hợp các bên không thống nhất với giải pháp đã nêu phải mời các chuyên gia, hoặc cơ quan chuyên môn tham gia giải quyết.

2. Thực hiện và tuân thủ đúng biện pháp thi công đã được chấp thuận để bảo đảm an toàn công trình lân cận. Trường hợp thay đổi biện pháp đó phải được sự đồng ý của chủ đầu tư công trình và chủ công trình lân cận.

3. Trường hợp trong quá trình thi công xây dựng nếu phát sinh các yếu tố bất lợi ngoài dự kiến ban đầu, thì các bên tham gia hoạt động xây dựng phải trao đổi với các chủ công trình lân cận biết và báo cáo cơ quan cấp phép, cơ quan quản lý xây dựng chuyên ngành theo phân cấp để có biện pháp xử lý giải quyết cho phù hợp. Nhà thầu thi công không được tự ý tiếp tục xây dựng khi chưa có biện pháp ngăn chặn, hạn chế ảnh hưởng đến an toàn công trình lân cận.

4. Trường hợp vì nguyên nhân bất khả kháng không thể khắc phục được ảnh hưởng xấu tới sự an toàn công trình lân cận thì các bên tham gia hoạt động xây dựng công trình báo cáo cấp có thẩm quyền, cơ quan cấp phép xem xét giải quyết.

5. Thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho người, thiết bị, máy móc và công trình đang xây dựng, công trình ngầm và an toàn cho công trình lân cận trong quá trình thi công xây dựng.

6. Thực hiện các biện pháp cần thiết nhằm hạn chế thiệt hại về người và tài sản khi xảy ra mất an toàn trong lao động thi công xây dựng công trình.

Thực hiện quy định an toàn lao động theo tiêu chuẩn TCVN 5308-91, an toàn điện theo tiêu chuẩn TCVN 4086-95, phòng cháy nổ TCVN 3254-89 và các tiêu chuẩn xây dựng liên quan khác trong quá trình thi công.

7. Khi thi công móng cọc công trình trong đô thị, nơi có công trình lân cận cấm thi công đóng cọc bằng các loại búa máy để tránh gây rung động ảnh hưởng an toàn (lún, nứt) công trình lân cận.

Mục 2. BẢO ĐẢM VỆ SINH MÔI TRƯỜNG TRONG XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH

Điều 9. Trách nhiệm của nhà thầu thi công về bảo đảm vệ sinh môi trường (không khí, nước, chất thải rắn, tiếng ồn) trong thi công xây dựng

Trong quá trình thi công xây dựng công trình, nhà thầu thi công xây dựng có trách nhiệm:

1. Tại khu vực công trường thi công phải bố trí nhà vệ sinh phù hợp hướng gió, thoát nước, bảo đảm vệ sinh môi trường phù hợp với hạ tầng kỹ thuật nơi xây dựng.

2. Trong công trường xây dựng phải có giải pháp bố trí hệ thống thoát nước thi công không để chảy tự do, tiêu nước triệt để.

3. Xe vận chuyển vật liệu xây dựng, phế thải xây dựng, bùn, đất, chất thải sinh hoạt phải được che đậy kín, đảm bảo không rơi vãi khi vận chuyển trên đường. Các phương tiện cơ giới khi ra khỏi công trường phải được vệ sinh, đảm bảo không gây bẩn ra đường phố.

4. Sau mỗi đợt chuyển vật liệu xây dựng, tổ chức thi công xây dựng phải thu gom vật liệu, vệ sinh trả lại hè, đường phố, lối đi sạch cho khu vực.

5. Phế thải xây dựng được thu gom và đổ đúng nơi quy định của đô thị, không được thu gom phế thải xây dựng lẫn với các loại phế thải khác.

6. Khi thi công xây dựng các công trình dân dụng (nhà công cộng, nhà ở) cao từ 2 tầng trở lên cấm đổ phế thải xây dựng rơi tự do từ trên cao xuống gây bụi ô nhiễm môi trường không khí đô thị; phế thải xây dựng khi chuyển từ trên cao xuống phải được đóng bao đựng trong thùng, hoặc vận chuyển trong đường ống kín.

7. Trong xây dựng công trình và vận hành thiết bị thi công không được vượt quá giới hạn cho phép về tiếng ồn tại các khu công cộng và dân cư theo tiêu chuẩn cho phép về tiếng ồn TCVN 5949-1995.

8. Trong quá trình thi công xây dựng công trình nhà thầu xây dựng phải bồi thường thiệt hại do lỗi mình gây ra, kể cả trong khi vận chuyển vật liệu, phế thải xây dựng.

Điều 10. Trách nhiệm của Chủ đầu tư công trình về vệ sinh môi trường trong xây dựng công trình

1. Kiểm tra biện pháp bảo đảm vệ sinh môi trường của nhà thầu thi công xây dựng công trình, đôn đốc thực hiện và thực hiện theo điều 9, 10 Quy định này.

2. Dừng thi công xây dựng công trình và yêu cầu khắc phục hậu quả khi nhà thầu thi công vi phạm các quy định không bảo đảm vệ sinh môi trường.

3. Chậm nhất là 30 ngày sau khi kết thúc xây dựng, Chủ đầu tư và nhà thầu xây dựng công trình phải tháo dỡ xong toàn bộ nhà tạm (nếu có), sửa chữa những chỗ hư hỏng của đường, hè, cống rãnh do quá trình thi công gây nên.

4. Đối với công trình hạ tầng kỹ thuật (cấp điện, cấp nước, thoát nước) công trình xây dựng, cải tạo hè, đường ngay sau khi xây dựng xong toàn bộ, hoặc từng phần (đối với công trình xây dựng theo tuyến) chủ đầu tư, nhà thầu thi công phải san lấp, trả lại mặt bằng nguyên trạng như ban đầu, bảo đảm an toàn giao thông và vệ sinh môi trường trong khu vực.

5. Bồi thường thiệt hại cho công trình lân cận do lỗi mình gây ra.

Chương III

XỬ LÝ VI PHẠM VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 11. Giải quyết mất an toàn, hư hỏng công trình lân cận

1. Chủ đầu tư xây dựng công trình phải chịu trách nhiệm đối với việc mất an toàn, hư hỏng các công trình lân cận nếu nguyên nhân được xác định do thi công công trình mới gây ra.

2. Khi phát hiện có sự hư hỏng công trình lân cận, chủ đầu tư công trình (bên gây hại) chủ động mời Chủ công trình bị hư hỏng (bên bị hại) 2 bên tự thoả thuận thống nhất phương án, mức bồi thường, biện pháp sửa chữa khắc phục hậu quả.

3. Nếu 2 bên không tự thoả thuận thống nhất, giải quyết được, bên bị hại có đơn gửi tới chính quyền địa phương để giải quyết.

4. Bên bị hại hoặc gây hại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của cơ quan đã giải quyết thì có quyền khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết tiếp theo, hoặc khởi kiện tại toà án theo quy định pháp luật.

5. Thanh tra chuyên ngành xây dựng, cùng UBND cấp huyện, xã, phường, thị trấn, có trách nhiệm phối hợp giải quyết, xử lý khiếu nại theo chức năng, nhiệm vụ và yêu cầu của cơ quan chủ trì giải quyết.

Điều 12. Xử lý vi phạm

1. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động xây dựng công trình nếu có hành vi vi phạm các nội dung bản quy định này, tùy theo tính chất và mức độ lỗi vi phạm mà chịu xử lý kỷ luật, xử lý hành chính.

Nếu hành vi vi phạm gây thiệt hại ngoài bị xử phạt vi phạm hành chính, còn phải bồi thường cho bên bị thiệt hại theo quy định pháp luật.

2. Mức xử phạt, thẩm quyền xử phạt thực hiện theo qui định hiện hành của Nhà nước về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị và quản lý sử dụng nhà; xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Điều 13. Tổ chức thực hiện

1. Tất cả các hoạt động thi công xây dựng công trình mới, nâng cấp, cải tạo công trình cũ, vận chuyển vật liệu xây dựng trên địa bàn các đô thị đều phải chịu sự thanh tra, kiểm tra của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

2. UBND các huyện, thành thị, Sở Xây dựng và các Sở quản lý chuyên ngành có trách nhiệm tổ chức thực hiện, kiểm tra và phối hợp giải quyết theo thẩm quyền.

3. UBND phường, thị trấn có trách nhiệm thực hiện và tuyên truyền, phổ biến Quy định này; kiểm tra lập hồ sơ vi phạm đề xuất ý kiến xử lý đối với những trường hợp vượt quá thẩm quyền trình UBND huyện, thành thị xem xét giải quyết.

4. Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, tổng hợp tình hình quản lý, thực hiện Quy định này.

Điều 14. Trong quá trình thực hiện Quy định này nếu có vướng mắc yêu cầu phản ánh bằng văn bản về Sở Xây dựng; Sở Xây dựng có trách nhiệm tổng hợp báo cáo UBND tỉnh xem xét, bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp.