cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 12/2006/QĐ-UBND ngày 03/03/2006 Ban hành quy chế báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh do Tỉnh Lai Châu ban hành (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 12/2006/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh Lai Châu
  • Ngày ban hành: 03-03-2006
  • Ngày có hiệu lực: 13-03-2006
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 03-09-2011
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 2000 ngày (5 năm 5 tháng 25 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 03-09-2011
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 03-09-2011, Quyết định số 12/2006/QĐ-UBND ngày 03/03/2006 Ban hành quy chế báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh do Tỉnh Lai Châu ban hành (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 22/2011/QĐ-UBND ngày 24/08/2011 Bãi bỏ Quyết định 12/2006/QĐ-UBND về Quy chế báo cáo viên pháp luật do tỉnh Lai Châu ban hành”. Xem thêm Lược đồ.

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LAI CHÂU

--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 12/2006/QĐ-UBND

Lai Châu, ngày 03 tháng 3 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ BÁO CÁO VIÊN PHÁP LUẬT CẤP TỈNH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LAI CHÂU

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2006;

Căn cứ Luật ban hành Văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND ngày 03/12/2004;

Căn cứ Chỉ thị số 02/1998/CT-TTg ngày 07/01/1998 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong giai đoạn hiện nay và Quyết định số 13/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật từ năm 2003 đến năm 2007;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1: Ban hành kèm theo quyết định này Quy chế báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở: Tư pháp, Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn UBND tỉnh, các thành viên Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh, Chủ tịch các huyện, thị xã và các báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Nguyễn Minh Quang

 

QUY CHẾ

BÁO CÁO VIÊN PHÁP LUẬT CẤP TỈNH
(Ban hành kèm theo Quyết định 12/2006/QĐ-UBND ngày 03 tháng 3 năm 2006 của UBND tỉnh)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1: Báo cáo pháp luật

Báo cáo pháp luật là một hoạt động trong công tác tư tưởng, văn hóa của Đảng, được tiến hành bằng lời nói trước những đối tượng xác định, nhằm truyền đạt tinh thần, nội dung pháp luật giúp người nghe hiểu và nâng cao nhận thức về pháp luật, tôn trọng, thực hiện pháp luật một cách đúng đắn, thống nhất.

Điều 2: Báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh

Báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh theo Quy chế này là những người được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận để thực hiện nhiệm vụ báo cáo pháp luật (sau đây gọi tắt là Báo cáo viên).

Điều 3: Yêu cầu đối với công tác báo cáo pháp luật

1. Đúng chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước;

2. Chính xác, phổ thông, dễ hiểu, có sức thuyết phục;

3. Phù hợp với đối tượng được truyền đạt;

4. Tác động tích cực đến người nghe nhằm góp phần tạo niềm tin pháp luật, cổ vũ, động viên cán bộ, nhân dân thực hiện đúng chủ trương đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước.

Điều 4. Phạm vi hoạt động của Báo cáo viên

Báo cáo viên làm việc tại cơ quan, tổ chức nào thì trực tiếp thực hiện báo cáo pháp luật tại cơ quan, tổ chức đó; đồng thời truyền đạt, phổ biên pháp luật cho Báo cáo viên hoặc cán bộ, công chức cơ quan, tổ chức khác khi có yêu cầu.

Điều 5: Phương thức tổ chức hoạt động báo cáo pháp luật

Việc báo cáo pháp luật được tiến hành thường xuyên theo kế hoạch của từng cơ quan, tổ chức đồng thời được thực hiện từng đợt đột xuất theo hướng dẫn của cơ quan tư tưởng- văn hóa, cơ quan Tư pháp và các cơ quan khác có thẩm quyền.

Điều 6. Hình thức hoạt động của Báo cáo viên

- Thông qua các buổi tọa đảm, nói chuyện pháp luật;

- Thông qua các Hội nghị;

- Thông qua các buổi phỏng vấn trên đài phát thanh- truyền hình.

Điều 7. Bảo đảm sự hoạt động có hiệu quả của Báo cáo viên

Sở Tư pháp phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức hữu quan và UBND các huyện, thị xã tham mưu giúp UBND tỉnh xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ Báo cáo viên, bố trí thời gian và tạo điều kiện thuận lợi để Báo cáo viên nâng cao hiệu quả hoạt động của mình.

Chương II

TỔ CHỨC, HOẠT ĐỘNG CỦA BÁO CÁO VIÊN

Điều 8. Nguồn lựa chọn Báo cáo viên

Báo cáo viên được lựa chọn từ cán bộ, công chức, sĩ quan đã và đang làm việc trong các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan tư tưởng- văn hóa, trong các cơ quan tuyên huấn thuộc lực lượng vũ trang, các tổ chức chính trị- xã hội; cán bộ, công chức làm công tác pháp luật và một số báo cáo viên huyện, thị xã.

Điều 9. Tiêu chuẩn của Báo cáo viên

- Gương mẫu thực hiện chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, có phẩm chất chính trị vững vàng, tư cách đạo đức tốt;

- Có uy tín trong công tác, trong sinh hoạt;

- Có kiến thức pháp luật, có khả năng báo cáo pháp luật trước công chúng;

- Tự nguyện, nhiệt tình, có đủ điều kiện về sức khỏe và thời gian để hoàn thành nhiệm vụ báo cáo pháp luật;

- Được cơ quan, tổ chức nơi minh công tác, sinh hoạt giới thiệu.

Điều 10. Thủ tục công nhận báo cáo viên

Sở Tư pháp phối hợp với các cơ quan, tổ chức cùng cấp và UBND huyện, thị xã lựa chọn người co đủ tiêu chuẩn trình Chủ tịch UBND tỉnh quyết định công nhận báo cáo viên.

Trong từng thời kỳ, Sở Tư pháp phối hợp với các cơ quan, tổ chức rà soát, đánh giá hoạt động, đề nghị bổ sung hoặc thay đổi báo cáo viên.

Điều 11. Thẻ báo cáo viên

1. Thẻ báo cáo viên chứng nhận tư cách, năng lực báo cáo về pháp luật của người được cấp thẻ; thẻ báo cáo viên theo mẫu thống nhất của Bộ tư pháp.

2. UBND tỉnh cấp thẻ cho Báo cáo viên cấp tỉnh.

3. Thẻ Báo cáo viên bị thu hồi khi người được cấp thẻ bị xóa tên trong danh sách Báo cáo viên.

Điều 12. Quyền của Báo cáo viên

1. Được cung cấp thông tin, văn bản quy phạm pháp luật và các tài liệu khác cần thiết cho công tác báo cáo pháp luật;

2. Được tham dự các hoạt động học tập, bồi dưỡng nghiệp vụ để nâng cao kiến thức chuyên môn về phổ biến, giáo dục pháp luật;

3. Được sử dụng thẻ báo cáo viên để thực hiện công tác báo cáo pháp luật và tham gia các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật khác;

4. Được hưởng thù lao báo cáo pháp luật theo Thông tư số 63/2005/TT-BTC ngày 05/8/2005 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; cụ thể là 100.000 đồng/buổi.

Điều 13. Nghĩa vụ của Báo cáo viên

1. Chịu trách nhiệm cá nhân về nội dung báo cáo, phải phát ngôn phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, truyền đạt đúng tinh thần văn bản pháp luật, không tiết lộ bí mật nhà nước, không sử dụng thẻ báo cáo viên vào các mục đích khác ngoài mục đích giới thiệu tư cách Báo cáo viên;

2. Luôn học tập chuyên môn, trau dồi nghiệp vụ tuyên truyền, tìm hiểu thực tiễn, thu thập thông tin để nâng cao năng lực phổ biến, giáo dục pháp luật, đảm bảo kế hoạch báo cáo pháp luật đã đề ra, thực hiện có chất lượng các hoạt động báo cáo pháp luật;

3. Thường xuyên giữ mối liên hệ với Sở Tư pháp, cơ quan tư tưởng- văn hóa, báo cáo cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý và Sở Tư pháp về hoạt động của mình, về ý kiến của các đối tượng được báo cáo về pháp luật.

Điều 14. Phố biến văn bản pháp luật mới ban hành

Khi có văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành mà theo sự chỉ đạo cần phổ biến rộng rãi. Sở Tư pháp xây dựng đề cương, chỉ đạo việc phổ biến văn bản.

Dựa vào đề cương được cung cấp, Báo cáo viên xây dựng đề cương chi tiết, sát thực tế để phổ biến cho báo cáo viên cấp dưới, cho cán bộ, công chức trong cơ quan, tổ chức hoặc nhân dân ở địa bàn nơi mình sinh sống.

Điều 15. Trách nhiệm của Sở Tư pháp trong việc tạo điều kiện để Báo cáo viên hoạt động

Sở Tư pháp phối hợp chặt chẽ với cơ quan tư tưởng- văn hóa và các cơ quan, tổ chức hữu quan có trách nhiệm:

1. Xây dựng đội ngũ quản lý hoạt động của Báo cáo viên;

2. Định kỳ 2 tháng 1 lần tổ chức hướng dẫn, bồi dưỡng nghiệp vụ trao đổi kinh nghiệm báo cáo pháp luật, phổ biến giáo dục pháp luật nhằm không ngừng nâng cao trình độ của Báo cáo viên;

3. Cung cấp thông tin, tài liệu, văn bản quy phạm pháp luật cần thiết cho Báo cáo viên;

4. Trao đổi, thống nhất ý kiến với các cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý Báo cáo viên để tạo điều kiện về thời gian, phương tiện hoạt động cho Báo cáo viên;

5. Định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết, thực hiện công tác thi đua khen thưởng trong hoạt động báo cáo pháp luật;

6. Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính dự toán kinh phí trình cấp có thẩm quyền phê duyệt bảo đảm cho các hoạt động trên.

Điều 16. Trách nhiệm của Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành viên Hội đồng phối hợp công tác phổ biên, giáo dục pháp luật tỉnh

1. Phối hợp với Sở Tư pháp xây dựng và quản lý đội ngũ Báo cáo viên;

2. Dự toán kinh phí hàng năm chong công tác báo cáo pháp luật trình cấp có thẩm quyền phê duyệt;

3. Tạo điều kiện để Báo cáo viên thực hiện nhiệm vụ báo cáo pháp luật, chi trả thù lao cho Báo cáo viên.

Chương III

KHEN THƯỞNG VÀ KỶ LUẬT

Điều 17. Khen thưởng

Báo cáo viên có thành tích trong hoạt động phổ biến pháp luật, góp phần vào việc nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân thì được khen thưởng theo quy định chung của Nhà nước.

Điều 18. Kỷ luật

Báo cáo viên vi phạm Quy chế này, không còn đủ tư cách Báo cáo viên thì tùy theo mức độ có thể bị tạm đình chỉ hoạt động báo cáo pháp luật, xóa tên trong danh sách Báo cáo viên và thu hồi thẻ báo cáo viên hoặc bị áp dụng các hình thức kỷ luật theo quy định chung./.