Chỉ thị số 11/2005/CT-BGD&ĐT ngày 04/04/2005 Về tăng cường chỉ đạo thi và tuyển sinh (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 11/2005/CT-BGD&ĐT
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Cơ quan ban hành: Bộ Giáo dục và Đào tạo
- Ngày ban hành: 04-04-2005
- Ngày có hiệu lực: 25-04-2005
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 14-06-2010
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 1876 ngày (5 năm 1 tháng 21 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 14-06-2010
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
CHỈ THỊ VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CHỈ ĐẠO THI VÀ TUYỂN SINH Nghị quyết số 37/2004/QH11 ngày 03 tháng 12 năm 2004 của Quốc hội khoá XI về giáo dục xác định: "tiếp tục cải tiến công tác thi cử theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả, thiết thực". Trong năm qua, công tác chỉ đạo, thực hiện thi và tuyển sinh đã có nhiều tiến bộ, được dư luận đồng tình. Tuy nhiên, so với yêu cầu, công tác này vẫn còn một số hạn chế, bất cập cần được khắc phục. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu thủ trưởng các đơn vị trong cơ quan Bộ, giám đốc các sở giáo dục và đào tạo, các đại học, học viện, hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp thực hiện nghiêm túc Quy chế thi và tuyển sinh, bảo đảm tính chính xác, trung thực, nghiêm minh, công bằng, khách quan trong thi cử. Trong năm 2005 và một số năm tới, cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ sau đây: 1. Tập trung mọi nỗ lực để chuẩn bị thật chu đáo cho các kì thi: Thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện chương trình, kế hoạch giảng dạy, học tập; tổ chức tốt việc ôn tập cho học sinh. Bố trí cán bộ, nhà giáo đủ tiêu chuẩn tham gia các khâu của công tác thi, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về tài chính và cơ sở vật chất, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho các kì thi. Tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý, nhà giáo được giao nhiệm vụ thực hiện công tác thi để nắm vững Quy chế; làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi Quy chế và các quy định về thi, tuyển sinh trên các phương tiện thông tin đại chúng. 2. Nâng cao chất lượng và hiệu quả các kì thi và tuyển sinh; tổ chức thi, tuyển sinh gọn nhẹ, thiết thực, đảm bảo đánh giá đúng trình độ, năng lực của người học; khắc phục những thiếu sót, ngăn ngừa và xử lý nghiêm các hiện tượng tiêu cực, các hành vi gian dối, góp phần hạn chế và tiến tới chấm dứt việc dạy thêm, học thêm tràn lan; khắc phục bệnh chạy theo thành tích trong thi cử. 3. Tổ chức tốt các khâu ra đề thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo, xét duyệt kết quả thi, xét duyệt trúng tuyển và lưu trữ hồ sơ thi. Tiếp tục cải tiến việc ra đề thi theo hướng kiểm tra kiến thức cơ bản, năng lực vận dụng kiến thức của người học và phù hợp với nội dung chương trình, thời gian quy định cho từng môn thi của các kì thi nói chung. Chuẩn bị điều kiện để từng bước thực hiện thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tốt nghiệp bổ túc trung học phổ thông chung một đề thi và cấp một loại văn bằng. 4. Công tác coi thi vẫn còn là khâu yếu nhất trong các kì thi, cần có các biện pháp kiên quyết để khắc phục. Thực hiện nghiêm việc cấm thí sinh mang tài liệu, vật dụng trái phép vào khu vực thi. 5. Chỉ đạo chặt chẽ công tác kiểm tra, thanh tra: chủ động phát hiện để kịp thời xử lý các sai phạm; tăng cường thanh tra coi thi và chấm thi; giải quyết tốt các khiếu nại, tố cáo về thi, tuyển sinh. Các cơ quan quản lý giáo dục, Ban chỉ đạo thi và tuyển sinh các cấp có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các hành vi vi phạm Quy chế thi và tuyển sinh. Chuẩn bị mọi mặt và có kế hoạch cụ thể để từ năm 2006 triển khai thi theo phương pháp trắc nghiệm kết hợp tự luận, tiến tới tổ chức một kì thi chung để xét tốt nghiệp trung học phổ thông, bổ túc trung học phổ thông và tuyển sinh vào đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp. Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các Bộ, Ngành liên quan tăng cường chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện tốt công tác thi, tuyển sinh, đồng thời tổ chức phổ biến rộng rãi để mọi người biết và ủng hộ chủ trương về thi, tuyển sinh. Chỉ thị này được phổ biến đến tất cả các cơ quan quản lý giáo dục, các cơ sở giáo dục để thực hiện. Thủ trưởng các đơn vị trong cơ quan Bộ Giáo dục và Đào tạo, giám đốc các sở giáo dục và đào tạo, giám đốc các đại học, học viện, hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp chịu trách nhiệm triển khai Chỉ thị. Cán bộ, nhà giáo, học sinh, sinh viên toàn ngành cần quán triệt đầy đủ và nghiêm túc thực hiện Chỉ thị này. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vướng mắc, cần báo cáo kịp thời về Bộ Giáo dục và Đào tạo (Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục)./.
|