cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Chỉ thị số 10/2005/CT-UB ngày 29/03/2005 Thực hiện biện pháp tháo dở cầu tiêu không hợp vệ sinh, nhà ở vi phạm hành lang sông, kênh, rạch do Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang ban hành (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 10/2005/CT-UB
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh An Giang
  • Ngày ban hành: 29-03-2005
  • Ngày có hiệu lực: 29-03-2005
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 01-07-2010
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 1920 ngày (5 năm 3 tháng 5 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 01-07-2010
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 01-07-2010, Chỉ thị số 10/2005/CT-UB ngày 29/03/2005 Thực hiện biện pháp tháo dở cầu tiêu không hợp vệ sinh, nhà ở vi phạm hành lang sông, kênh, rạch do Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang ban hành (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Chỉ thị số 07/2010/CT-UBND ngày 21/06/2010 Thực hiện các biện pháp tháo dỡ cầu tiêu không hợp vệ sinh, nhà ở vi phạm hành lang sông, kênh, rạch do Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang ban hành (Văn bản hết hiệu lực)”. Xem thêm Lược đồ.

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 10/2005/CT-UB

Long Xuyên, ngày 29 tháng 3 năm 2005

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC THỰC HIỆN CÁC BIỆN PHÁP THÁO DỞ CẦU TIÊU KHÔNG HỢP VỆ SINH, NHÀ Ở VI PHẠM HÀNH LANG SÔNG, KÊNH, RẠCH.

Thực hiện Chỉ thị số: 200/TTg ngày 29 tháng 4 năm 1994 của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm nước sạch và vệ sinh môi trường; UBND tỉnh An Giang đã ban hành nhiều văn bản như: Quyết định số 1582/1999/ QĐ.UB ngày 19/7/1999 quy định về quản lý và bảo vệ môi trường nước mặt nuôi trồng thủy sản; Quyết định số 901/2000/QĐ.UB ngày 27/4/2000 quy định về việc thực hiện các vùng neo, đậu bè; Chỉ thị 12/2002/CT-UB ngày 20/3/2002 về việc đẩy mạnh các biện pháp cấp bách để bảo vệ môi trường và trật tự an toàn giao thông ; Chỉ thị 05/2003/CT-UB ngày 10/3/2003 về việc neo bè, đào ao nuôi cá theo đúng qui hoạch và giữ vệ sinh môi trường. Qua thời gian thực hiện, toàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, đã tháo dở 3.922 cầu tiêu không hợp vệ sinh, di dời 2.526 nhà ở vi phạm hành lang sông, kênh rạch, đồng thời xây mới nhiều nhà máy cung cấp nước sạch trên các khu dân cư.

Tuy nhiên, thời gian gần đây một số nơi, chính quyền địa phương chưa tổ chức thực hiện đầy đủ tinh thần các văn bản nêu trên, buông lỏng công tác quản lý, các cầu tiêu trên sông rạch, ao hầm chưa thực hiện giải tỏa triệt để, chưa có giải pháp cho các hộ gia đình, hộ chăn nuôi cá bè xử lý rác thải, làm cho chất lượng môi trường diễn biến xấu ảnh hưởng đến nếp sống văn minh, tạo ra hình ảnh không tốt dưới mắt du khách đến An Giang.

Để đảm bảo tốt môi trường, phục vụ cho việc phát triển bền vững, Ủy ban nhân dân tỉnh Chỉ thị các ngành, các cấp thực hiện một số nội dung chủ yếu sau đây :

1- Giải tỏa triệt để tất cả các cầu tiêu bắt trên ao nuôi cá, trên sông, kênh rạch (kể cả nơi xa xôi hẻo lánh); thực hiện tháo dở nhà trên hành lang sông, kênh, rạch đã tháo dở trước đây nay tái cất :

1.1- Tùy tình hình thực tế từng nơi, từng vùng Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn (gọi tắt là UBND xã) tổ chức tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân tự tháo dở tất cả cầu tiêu không hợp vệ sinh trên sông, kinh, rạch, hầm cá ... chưa dở hoặc tái cất. Thời gian thực hiện từ nay cho đến 30/4/2005. Sau 30/4/2005 tổ chức ra quân đồng loạt, kiểm tra tháo dở những nơi chưa chấp hành thực hiện tháo dở ; thực hiện xong báo cáo kết quả cho Ủy ban nhân dân huyện, thị, thành phố (gọi tắt là UBND cấp huyện). UBND cấp huyện tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả và báo cáo về UBND tỉnh trước ngày 15/5/2005.

1.2- Thực hiện giải tỏa triệt để nhà đã tháo dở tái cất vi phạm hành lang sông, kênh, rạch.

UBND xã, phường, thị trấn phải phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm việc cất mới nhà trong phạm vi hành lang sông, kênh, rạch (kể cả nhà tạm). Việc cấp phép xây dựng phải thực hiện đúng qui hoạch đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Những nơi chưa có qui hoạch chi tiết, chưa có khu dân cư vượt lũ cũng không để cất nhà vi phạm hành lang sông, kênh, rạch; hành lang lộ giới; hành lang an toàn lưới điện ...

Trình tự tiến hành: UBND cấp huyện ra Thông báo yêu cầu các đối tượng vi phạm tự tháo dở, nếu không chấp hành UBND cấp huyện ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính và buộc tháo dở; nếu hết thời gian đương sự không chấp hành thì ra Quyết định cưỡng chế hành chính tháo dở.

2- Xây dựng Đề án xoá nhà xây cất vi phạm hành lang sông, kênh, rạch gắn với chương trình cụm, tuyến dân cư vượt lũ. Tiến hành rà soát lại việc tổ chức thực hiện về quản lý và bảo vệ môi trường mặt nước nuôi trồng thủy sản và quy hoạch các vùng neo đậu bè.

2.1- Giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Khoa học Công nghệ và Sở Tài chính tiến hành khảo sát, xây dựng Đề án xoá nhà xây cất vi phạm hành lang sông, kênh, rạch trên phạm vi toàn tỉnh - gắn với chương đưa dân về các cụm, tuyến dân cư vượt lũ trình UBND tỉnh phê duyệt trước ngày 30/6/2005.

2.2- Giao cho UBND các huyện, thị, thành phố tiến hành kiểm tra việc thực hiện các quy định về quản lý và bảo vệ môi trường nước mặt nuôi trồng thủy sản được quy định tại Quyết định số 1582/1999/QĐ.UB ngày 19/7/1999 và việc thực hiện các vùng neo, đậu bè quy định tại Quyết định số 901/2000/QĐ.UB ngày 27/4/2000 của UBND tỉnh An Giang. Qua rà soát, kiểm tra nếu phát hiện vi phạm tiến hành xử lý vi phạm theo pháp luật hiện hành và báo cáo kết quả về Sở Tài nguyên và Môi trường trước ngày 15/6/2005. Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tổ chức kiểm tra đánh giá kết quả thực hiện của cấp huyện và tổng hợp báo cáo về UBND tỉnh trước ngày 30/6/2005.

3- Các chủ phương tiện sản xuất, kinh doanh neo, đậu trên mặt nước khác như: sà lan xăng dầu, ghe hàng mua bán tạp hóa, tàu chuyên chở hàng hóa, tàu du lịch, nhà bè mua bán, nhà nổi... nếu có người ở thường xuyên phải thực hiện đúng vùng neo đậu theo qui hoạch, qui định đã công bố. Nhất thiết phải trang bị cầu vệ sinh tự hoại ; rác thải phải thu gom xử lý theo quy định của từng vùng. Nghiêm cấm tuyệt đối vứt rác thải xuống sông, kênh, rạch.

Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tiến hành kiểm tra phát hiện các cơ sở, Doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, chế biến thải các chất thải chưa qua xử lý xuống dòng nước phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật hiện hành và đình chỉ hoạt động cho đến khi xây dựng, lắp đặt xong hệ thống xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn.

Sở Kế hoạch và Đầu tư và UBND các huyện, thị, thành phố khi cấp giấy phép hoạt động sản xuất, kinh doanh cho các cơ sở, doanh nghiệp phải đảm bảo các điều kiện về đánh giá tác động môi trường và cam kết thực hiện an toàn vệ sinh môi trường.

4- Giao cho Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cùng UBND các huyện, thị, thành phố, tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị này và báo cáo kết quả về UBND tỉnh.

Báo An Giang, Đài phát thanh truyền hình An Giang có trách nhiệm đăng tải, phổ biến rộng rãi nội dung Chỉ thị này và các văn bản có liên quan đã nêu trên các phương tiện thông tin đại chúng để mọi người thông suốt.

Quá trình tổ chức thực hiện có khó khăn, vướng mắc báo cáo về UBND tỉnh để xử lý kịp thời.

Phòng Kinh tế thuộc Văn phòng UBND tỉnh có trách nhiệm theo dõi diễn biến quá trình thực hiện báo cáo thường xuyên cho UBND tỉnh.

 

 

Nơi nhận:
- TT.TU, TT.HĐND;
- CT, PCT UBND tỉnh;
- Cục Kiểm tra văn bản Bộ TP;
- Các Sở, ban, ngành, DNNN;
- UBMTTQ và đoàn thể cấp tỉnh;
- Cấp uỷ,HĐND,UBND cấp huyện;
- Chánh, Phó VP.UB tỉnh;
- Phòng TH,KT,VX, NC;
- Lưu.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phạm Kim Yên