cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 06/2006/QĐ-UBND ngày 18/01/2006 Về giải phóng mặt bằng để xây dựng tuyến đường giao thông theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” do tỉnh Quảng Trị ban hành (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 06/2006/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh Quảng Trị
  • Ngày ban hành: 18-01-2006
  • Ngày có hiệu lực: 01-01-2006
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 05-08-2008
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 947 ngày (2 năm 7 tháng 7 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 05-08-2008
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 05-08-2008, Quyết định số 06/2006/QĐ-UBND ngày 18/01/2006 Về giải phóng mặt bằng để xây dựng tuyến đường giao thông theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” do tỉnh Quảng Trị ban hành (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 28/2008/QĐ-UBND ngày 25/08/2008 Về Phương án giải phóng mặt bằng để xây dựng tuyến đường giao thông theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” do tỉnh Quảng Trị ban hành”. Xem thêm Lược đồ.

UBND TỈNH QUẢNG TRỊ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 06/2006/QĐ-UBND

Đông Hà, ngày 18 tháng 01 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC GIẢI PHÓNG MẶT BẰNG ĐỂ XÂY DỰNG CÁC TUYẾN ĐƯỜNG GIAO THÔNG THEO PHƯƠNG CHÂM “NHÀ NƯỚC VÀ NHÂN DÂN CÙNG LÀM”

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG TRỊ

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Đất đai ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 197/2004/NĐ-CP ngày 03/12/2004 của Chính phủ về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất;

Căn cứ Nghị quyết số 6.5/2005/NQ-HĐND ngày 15/12/2005 của HĐND tỉnh Quảng Trị khóa V kỳ họp thứ 6 nhiệm kỳ 2004-2009 V/v Bổ sung, điều chỉnh Nghị quyết 7e của HĐND tỉnh khóa IV về giải phóng mặt bằng để xây dựng các tuyến đường giao thông theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Phương án giải phóng mặt bằng để xây dựng các tuyến đường giao thông theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.

Giám đốc Sở Tài chính chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch & Đầu tư hướng dẫn cụ thể những nội dung, biểu mẫu để các đơn vị, các cấp, các ngành liên quan tổ chức thực hiện.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2006 và thay thế Quyết định số 701/2002/QĐ-UB ngày 15/4/2002 của UBND tỉnh Quảng Trị về phê duyệt chương trình giải phóng mặt bằng để xây dựng cơ sở hạ tầng theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Tài chính, Kế hoạch & Đầu tư, Tài nguyên & Môi trường, Xây dựng, Giao thông - Vận tải, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã; Thủ trưởng các Ban ngành, Đoàn thể các tổ chức, đơn vị, các đối tượng liên quan, chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 2;
- Bộ Tài chính;
- Cục Kiểm tra VB - Bộ Tư pháp;
- TV/Tỉnh ủy; TT/HĐND tỉnh
- UBMTTQVN tỉnh
- Chủ tịch, các PCT
- Các PVP, CV
- Lưu VT, TM

TM. UBND TỈNH QUẢNG TRỊ
CHỦ TỊCH




Lê Hữu Phúc

 

PHƯƠNG ÁN

GIẢI PHÓNG MẶT BẰNG ĐỂ XÂY DỰNG CÁC TUYẾN ĐƯỜNG GIAO THÔNG THEO PHƯƠNG CHÂM “NHÀ NƯỚC VÀ NHÂN DÂN CÙNG LÀM”
(Kèm theo Quyết định số 06/2006/QĐ-UBND ngày 18/01/2006 của UBND tỉnh Quảng Trị)

Phần 1.

ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI ĐIỀU CHỈNH, ĐIỀU KIỆN, CƠ CHẾ VÀ PHƯƠNG ÁN TRIỂN KHAI

I. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI ĐIỀU CHỈNH

1. Đối tượng điều chỉnh: Tất cả các đối tượng có đất và tài sản trên đất bị ảnh hưởng khi giải phóng mặt bằng (GPMB) để thực hiện dự án xây dựng các tuyến đường giao thông.

2. Phạm vi điều chỉnh: Các công trình, dự án xây dựng các tuyến đường giao thông được đầu tư bằng nguồn vốn do địa phương phê duyệt dự án và quản lý đầu tư trên địa bàn toàn tỉnh (gồm nguồn vốn đầu tư xây dựng và vốn có tính chất đầu tư xây dựng) và xây dựng các tuyến đường nội thôn để thực hiện “Bê tông hóa giao thông nông thôn”.

Khuyến khích các công trình, dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn thuộc các nguồn vốn khác áp dụng giải phóng mặt bằng theo phương án này.

II. ĐIỀU KIỆN VÀ CƠ CHẾ THỰC HIỆN

1. Điều kiện để thực hiện:

Tất cả các dự án thuộc phạm vi điều chỉnh của phương án có tối thiểu 80% số đối tượng bị ảnh hưởng thống nhất theo phương án GPMB này thì sẽ được triển khai thực hiện.

Trường hợp các đối tượng còn lại thuộc phạm vi điều chỉnh của phương án chưa thống nhất thì tiếp tục vận động thuyết phục, nếu không đồng tình thì thực hiện cưỡng chế theo quy định của pháp luật.

2. Cơ chế thực hiện:

2.1. Về phía Nhà nước:

+ Xây dựng chương trình, mục tiêu phát triển công trình cơ sở hạ tầng theo từng giai đoạn. Các cơ quan chức năng và các cấp chính quyền chủ động đề xuất, xử lý những công việc liên quan theo thẩm quyền.

+ UBND trình HĐND các cấp bố trí nguồn vốn đầu tư xây dựng và vốn có tính chất đầu tư xây dựng trong kỳ từ các nguồn (Ngân sách, tín dụng ưu đãi, tài trợ …) cho các tuyến đường giao thông để chủ động và đáp ứng tiến độ GPMB theo tinh thần nghị quyết HĐND. Việc dự kiến bố trí nguồn vốn phải có thời gian sớm tối thiểu là 12 tháng trước khi tổ chức GPMB giai đoạn 1.

+ Để có định hướng cho sự phát triển sau này, tránh những thiệt hại về tiền của nhà nước và nhân dân và để ngăn chặn tình trạng xây cất, trồng cây dài ngày lấn chiếm lòng lề đường, các cơ quan chức năng và UBND các huyện, thị xã phải sớm làm công tác quy hoạch và xác định mốc giới để công bố công khai với nhân dân biết. Trong khi chưa có kế hoạch bố trí vốn đầu tư, tỉnh khuyến khích và đồng tình việc tự nguyện giải tỏa của các hộ dân hai bên đường theo mốc giới để làm thông thoáng giao thông đi lại.

2.2. Về phía nhân dân (đối tượng thuộc diện điều chỉnh của Phương án):

+ Những đối tượng bị ảnh hưởng cần nhận thức và thực hiện tốt chủ trương của tỉnh, xác định được quyền lợi và trách nhiệm của mình để GPMB được nhanh, góp phần thực hiện đúng tiến độ của dự án. Những đối tượng bị ảnh hưởng còn ở lại chỗ cũ sẽ hưởng lợi lâu dài về kinh tế - xã hội do dự án đem lại đồng thời không phải đóng góp trực tiếp bằng tiền nên trước mắt không ảnh hưởng hoặc ảnh hưởng không đáng kể về cuộc sống.

+ Những đối tượng bị ảnh hưởng khi thực hiện dự án mà phải giải tỏa nhà ở trong khi đất còn lại vẫn đủ làm nhà nếu không muốn làm nhà lại tại vị trí cũ thì nhà nước thu hồi phần đất còn lại và thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định.

+ Khi dự án đủ điều kiện triển khai GPMB giai đoạn 2, nếu những đối tượng bị ảnh hưởng còn lại đã được vận động nhiều mà vẫn không thống nhất thì nhà nước thu hồi toàn bộ đất để chỉnh trang đô thị và thực hiện bồi thường, tái định cư theo quy định hiện hành cho những đối tượng này.

III. PHƯƠNG ÁN TRIỂN KHAI

1. Tổ chức thực hiện:

1.1. UBND huyện, Thị xã tổ chức Quán triệt Nghị quyết số 6.5/2005/NQ-HĐND ngày 15/12/2005 của HĐND tỉnh đồng thời tập huấn nghiệp vụ phương án GPMB cho các cấp, các ngành để triển khai thống nhất, đồng bộ; Phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể cung cấp vận động nhân dân hiểu và làm theo Nghị quyết.

1.2. Đài Phát thanh truyền hình Quảng Trị, Báo Quảng Trị tổ chức công tác tuyên truyền Nghị quyết của HĐND tỉnh, Quyết định của UBND tỉnh và phản ánh kết quả thực hiện định kỳ, đột xuất trên các phương tiện thông tin đại chúng.

1.3. Các đại biểu HĐND tỉnh, HĐND huyện, thị xã trên địa bàn huyện, thị xã có trách nhiệm giám sát chỉ đạo, theo dõi UBND các cấp, tham gia các phiên họp với dân, cùng UBND các cấp trên địa bàn tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh.

2. Công tác triển khai:

2.1. Các Sở Tài chính, Kế hoạch & Đầu tư và các Sở chuyên ngành liên quan theo chức năng nhiệm vụ của đơn vị mình ban hành, hoàn chỉnh các văn bản, biểu mẫu hướng dẫn thực hiện.

2.2. UBND các huyện, thị xã phối hợp với các ngành chức năng xác định và công bố quy hoạch chi tiết và mốc giới GPMB các công trình cơ sở hạ tầng trên địa bàn đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

2.3. UBND các huyện, thị xã chọn danh mục cơ sở hạ tầng để triển khai giải phóng mặt bằng giai đoạn 1 theo tinh thần Nghị quyết của HĐND tỉnh đồng thời xác định những công trình đủ điều kiện (tối thiểu 80% đối tượng bị ảnh hưởng thống nhất) để chuyển Ban quản lý dự án đề nghị phê duyệt dự án và bố trí vốn đầu tư.

2.4. Các ngành chức năng, UBND các huyện, thị xã, UBND phường, xã, thị trấn và các Ban quản lý dự án có trách nhiệm thẩm định, kiểm tra hồ sơ GPMB giai đoạn 1 để trình hoặc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình cơ sở hạ tầng theo thẩm quyền.

2.5. Trình tự triển khai: (Được tiến hành theo 2 giai đoạn):

Giai đoạn 1: Hồ sơ GPMB giai đoạn 1 gồm:

+ Quy hoạch chi tiết đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

+ Biên bản họp dân kèm theo chữ ký với tỷ lệ tối thiểu 80% các đối tượng bị ảnh hưởng tự nguyện thống nhất GPMB theo tinh thần Nghị quyết.

+ Tờ trình của chủ đầu tư, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn gửi cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư theo phân cấp.

Giai đoạn 2: Sau khi đã được phê duyệt dự án và ghi kế hoạch vốn đầu tư sẽ tiến hành GPMB theo nội dung và các bước tại phần II, III, IV dưới đây.

Phần 2.

PHƯƠNG ÁN BỒI THƯỜNG, HỖ TRỢ, TÁI ĐỊNH CƯ (GIAI ĐOẠN 2)

I. ĐỐI TƯỢNG, NGUYÊN TẮC BỒI THƯỜNG HỖ TRỢ, TÁI ĐỊNH CƯ

A. Đối tượng:

Các quy định về bồi thường và hỗ trợ dưới đây chỉ áp dụng với các đối tượng bị ảnh hưởng còn sinh sống tại vị trí cũ sau khi dự án hoàn thành.

Những đối tượng di dời đến khu tái định cư hoặc tự di dời thì áp dụng chính sách bồi thường, hỗ trợ theo quy định tại Nghị định 197/2004/NĐ-CP ngày 03/12/2004 của Chính phủ về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (gọi là giá trị bồi thường, hỗ trợ hiện hành).

B. Nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư

1. Bồi thường đất: Chỉ tính bồi thường cho các loại đất có đủ điều kiện để được bồi thường theo quy định tại Điều 8 Nghị định 197/2004/NĐ-CP ngày 03/12/2004 của Chính phủ về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Mức bồi thường như sau:

1.1. Đất ở: Đất ở được bồi thường bằng tiền.

* Đơn giá bồi thường đất ở theo quy định hiện hành của UBND tỉnh công bố tại thời điểm.

* Diện tích đất ở được bồi thường;

a. Đối với những dự án xây dựng đường giao thông mới mở:

- Nếu diện tích đất ở bị thu hồi lớn hơn diện tích đất ở theo hạn mức quy định của UBND tỉnh tại khu vực bị thu hồi thì chỉ bồi thường phần diện tích chênh lệch lớn hơn mức quy định đó; Trường hợp diện tích đất ở bị thu hồi nhỏ hơn hoặc bằng diện tích đất ở theo hạn mức quy định của UBND tỉnh tại khu vực bị thu hồi đó thì không bồi thường.

b. Đối với những dự án xây dựng đường giao thông dựa trên các tuyến đường đã có sẵn:

- Nếu diện tích đất ở bị thu hồi lớn hơn 50% diện tích đất ở theo hạn mức quy định của UBND tỉnh tại khu vực bị thu hồi thì bồi thường phần diện tích chênh lệch lớn hơn đó. Trường hợp diện tích đất bị thu hồi nhỏ hơn hoặc bằng 50% diện tích đất ở theo hạn mức quy định của UBND tỉnh tại khu vực bị thu hồi thì không bồi thường.

* Diện tích đất ở không bồi thường tại điểm a, b này gọi là diện tích đất đóng góp (Sđg).

c. Những thửa đất ở thuộc góc của hai đường giao nhau (giữa đường dự án và đường khác đã được xếp loại đường trong quyết định phân loại đường của UBND tỉnh) thì ngoài việc tính bồi thường như trên còn được tính thêm 50% phần diện tích Sđg.

1.2. Đất nông nghiệp và đất vườn ao trong đất ở, đất vườn ao trong đất nông nghiệp: Được bồi thường bằng đất cùng hạng, nếu không có quỹ đất thì bồi thường bằng tiền theo giá quy định của UBND tỉnh công bố theo thời điểm, mức diện tích bồi thường như sau:

a. Đối với đất nông nghiệp:

Diện tích tính bồi thường là phần diện tích thu hồi vượt trên 30% tổng diện tích đất nông nghiệp hiện có của đối tượng bị ảnh hưởng (bao gồm tất cả các thửa đất nông nghiệp hiện có). Những đối tượng có diện tích thu hồi ≤ 30% tổng diện tích đất nông nghiệp hiện có thì không bồi thường. Riêng đối với đất lúa nước vùng bản, xã miền núi, diện tích bồi thường là diện tích thu hồi.

b. Đất vườn ao trong đất ở bồi thường theo loại đất tại thời điểm thu hồi, trường hợp tại thời điểm thu hồi chưa xác định loại đất thì phần đất vườn bị thu hồi đủ điều kiện xác định đất ở (trong cùng một thửa đất có nhà ở thuộc khu dân cư) thì được tính toán như đất ở để bồi thường; nếu không đủ điều kiện để xác định là đất ở thì được tính toán như đất nông nghiệp để bồi thường.

c. Đất vườn ao trong đất nông nghiệp (đất nông nghiệp có vườn ao), đất vườn, ao, đất nông nghiệp không cùng thửa với đất ở: Được tính toán như đất nông nghiệp để bồi thường.

1.3 Các loại đất khác: Không bồi thường.

2. Bồi thường tài sản:

Tài sản chỉ được bồi thường theo đúng nguyên tắc quy định tại Điều 18 Nghị định số 197/2004/NĐ-CP ngày 03/12/2004 của Chính phủ về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất.

2.1. Nhà ở: Nhà ở là nhà sử dụng để ở, sinh hoạt, bố trí các phương tiện, tiện nghi phục vụ cho ở và sinh hoạt cho gia đình, cá nhân (đối với hộ độc thân) và được chính quyền địa phương xác nhận nhà hợp pháp.

Nhà ở phải di dời trong khuôn viên đất hiện có được tính bồi thường, hỗ trợ theo quy định hiện hành.

Nhà ở bị cắt xén được tính bồi thường theo quy định cho phần diện tích bị cắt xén và hỗ trợ cải tạo mặt tiền như sau:

* Diện tích nhà cắt xén được bồi thường:

a. Đối với nhà có kết cấu chịu lực bằng khung bê tông cốt thép hoặc khung sắt thì phần diện tích cắt xén được tính đến khung chịu lực tiếp theo;

b. Đối với nhà có kết cấu tường chịu lực hoặc kết cấu kết hợp khung chịu lực và tường chịu lực thì diện tích cắt xén tính đến bước khung hoặc tường chịu lực gần vệt giải tỏa nhất.

c. Đối với nhà xây mái ngói hoặc tôn nếu vệt giải tỏa cắt ngang vì kèo làm thay đổi kết cấu chịu lực thì được tính như sau:

- Nếu vệt giải tỏa cắt mất kết cấu chịu lực đỡ vì kèo thì tính toàn bộ nhà.

- Nếu vệt giải tỏa không cắt kết cấu chịu lực đỡ vì kèo thì tính đến vệt cắt xén.

d. Đối với nhà xây mái ngói hoặc tôn nếu vệt giải tỏa song song theo vì kèo thì diện tích cắt xén tính đến vì kèo tiếp theo của nhà;

e. Đối với nhà không có vì kèo thì tính diện tích cắt xén như sau:

- Nhà xây, mái lợp ngói tính cộng thêm chấn động 1m từ điểm cắt sâu nhất;

- Nhà xây, mái lợp tôn tính cộng thêm chấn động 0,5 m từ điểm cắt sâu nhất;

Những nhà xây thuộc điểm e này nếu diện tích bồi thường trên đây chiếm trên 30% diện tích xây dựng toàn bộ của ngôi nhà thì tính toàn bộ diện tích ngôi nhà đó.

f. Các dạng nhà còn lại nếu bị cắt xén thì diện tích cắt xén tính đến vệt giải tỏa.

i. Trường hợp đặc biệt, tuy ngôi nhà thuộc diện bồi thường một phần do cắt xén nhưng công năng sử dụng của phần nhà còn lại không đáp ứng cho sinh hoạt gia đình và việc sử dụng các công trình kế cận phía sau phần nhà còn lại không thể được thì Hội đồng GPMB đề xuất trình thẩm định để báo cáo UBND các cấp (cấp phê duyệt phương án bồi thường) quyết định bồi thường phần diện tích cho phù hợp.

* Mức hỗ trợ cải tạo mặt tiền:

- Nhà bị cắt xén có trang trí và ốp mặt tiền: Tính bằng diện tích mặt cắt đứng của ngôi nhà theo vệt giải tỏa nhân với đơn giá 500.000 đồng/m2.

- Nhà bị cắt xén không trang trí và ốp mặt tiền: Tính bằng diện tích mặt cắt đứng của ngôi nhà theo vệt giải tỏa nhân với đơn giá 300.000 đồng/m2.

- Nhà làm việc, vật kiến trúc của cơ quan hành chính, sự nghiệp, các tổ chức Đảng, Đoàn thể và của doanh nghiệp bồi thường như nhà ở, vật kiến trúc của hộ gia đình, cá nhân. Trường hợp nhà bị cắt xén chỉ hỗ trợ chi phí cải tạo mặt tiền.

2.2. Tường rào, cổng, quán kinh doanh, chuồng trại gia súc:

- Loại xây, đúc: Hỗ trợ 50% giá trị bồi thường hiện hành.

- Các loại khác: Không bồi thường mà hộ gia đình, cá nhân tự di dời.

2.3. Đình chùa, miếu thờ, lăng, mộ: Bồi thường 100% giá trị bồi thường hiện hành. Các loại am thờ không bồi thường mà các hộ gia đình, cá nhân tự di dời.

2.4. Điện nước sinh hoạt, điện thoại: Giếng nước đang sử dụng: Bồi thường 100% giá trị hiện hành; Điện sinh hoạt, nước máy, điện thoại: hỗ trợ chi phí nhân công di dời, làm lại và vật tư hao hụt.

2.5. Cây cối, hoa màu:

- Các loại cây công nghiệp, cây ăn quả dài ngày: Hỗ trợ 50% giá trị bồi thường hiện hành. Các đối tượng thuộc các bản, xã thuộc Chương trình 135 theo Quyết định 135/1998/QĐ-TTg ngày 31/7/1998 của Thủ tướng Chính phủ thì bồi thường 100% giá trị bồi thường hiện hành.

- Các loại cây khác: Không bồi thường, hỗ trợ.

2.6. Các loại vật kiến trúc khác: Hộ gia đình, cá nhân tự di dời.

3. Các khoản hỗ trợ:

3.1. Những đối tượng đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau khi thu hồi để xây dựng công trình được cấp có thẩm quyền thu hồi đất có trách nhiệm cấp giấy mới không thu lệ phí.

3.2. Những đối tượng không phải di dời nhà ở nhưng khi hoàn thành dự án mà nền nhà bị cao hoặc thấp hơn mặt đường trên 1m đồng thời vừa cách chân hoặc đỉnh ta luy đường ≤ 2m thì được xét hỗ trợ kinh phí xây dựng kè và đường lên xuống.

3.3. Hỗ trợ cho hộ gia đình thực sự có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn: Sau khi thực hiện xong dự án nếu có hộ gia đình thực sự có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn do thực hiện dự án thì Hội đồng GPMB huyện, thị xã trình UBND (cấp phê duyệt phương án bồi thường) xem xét, giải quyết, hỗ trợ một khoản kinh phí nhất định nhưng tổng mức bồi thường, hỗ trợ và hỗ trợ thêm không quá 100% mức bồi thường, hỗ trợ theo quy định hiện hành.

II. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH:

Bước 1:  Ban quản lý dự án làm việc với các cơ quan chức năng để đo đạc lập bản đồ địa chính, thẩm định, lập thủ tục thu hồi đất trình cấp có thẩm quyền quyết định thu hồi đất và giao đất cho dự án.

Bước 2: Hội đồng GPMB huyện, thị xã kiểm kê thực địa số lượng đất, tài sản, lập sơ đồ hiện trạng, xác định chất lượng nhà (nếu cần) cho từng đối tượng bị ảnh hưởng.

Bước 3: Hội đồng GPMB huyện, thị xã hoàn chỉnh số liệu kiểm kê, niêm yết tại trụ sở phường, xã hoặc gửi về từng đối tượng bị ảnh hưởng để các đối tượng kiểm tra, đối chiếu (nếu có sai sót thì điều chỉnh) trong thời gian 3 ngày và lập biên bản thu niêm yết.

Bước 4: Căn cứ vào biên bản kiểm kê, Hội đồng giải phóng mặt bằng dự thảo áp giá bồi thường, đề nghị hỗ trợ cho từng đối tượng sau đó lập phương án trình thẩm định theo phân cấp.

Danh mục kiểm kê, áp giá niêm yết gồm 2 phần:

- Phần 1: Số lượng, giá trị đất, tài sản nhân dân đóng góp.

- Phần 2: Số lượng, giá trị đất, tài sản bồi thường và kinh phí hỗ trợ.

Sau thẩm định, Hội đồng giải phóng mặt bằng công bố, niêm yết giá trị bồi thường, hỗ trợ tại trụ sở UBND phường, xã, thị trấn. Trường hợp các hộ có kiến nghị thì Hội đồng giải phóng mặt bằng giải thích tại chỗ nguyên tắc, cách tính áp giá.

Sau thời hạn niêm yết 3 ngày Hội đồng GPMB tập hợp phiếu cam kết nhận tiền bồi thường, hỗ trợ và cam kết bàn giao mặt bằng, lập biên bản thu niêm yết và tổng hợp báo cáo UBND huyện, thị xã để trình phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ theo phân cấp.

Những hộ chưa ký phiếu cam kết nhận tiền sau khi Hội đồng GPMB đã giải thích trực tiếp mà vẫn không chấp thuận thì UBND các huyện, thị xã xem xét lại và trả lời bằng văn bản lần đầu. Trường hợp vẫn cố tình không chấp hành thì giải quyết theo quy định hiện hành của nhà nước về GPMB.

Bước 5: Chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ:

- Niêm yết công khai Quyết định phê duyệt phương án bồi thường tại trụ sở của phường, xã.

- Tổ chi trả kinh phí bồi thường, hỗ trợ gồm: Ban quản lý dự án, đại diện Hội đồng GPMB, đại diện UBND phường, xã, thị trấn. Thực hiện chi trả tiền đến đâu lập biên bản bàn giao mặt bằng đến đó.

Bước 6: Sau khi hoàn thành công việc GPMB, UBND phường, xã, thị trấn xem xét lại một lần nữa nếu có những hộ bị giải tỏa thật sự có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn thì báo cáo Hội đồng GPMB huyện, thị xã trình UBND (cấp phê duyệt phương án bồi thường) xem xét, giải quyết, hỗ trợ theo Điểm 3.3 mục 1 trên đây.

Bước 7: Hội đồng GPMB các huyện, thị xã lập sổ báo cáo danh sách trình UBND huyện, thị xã cấp giấy chứng nhận sự đóng góp của từng hộ gia đình, cá nhân cho việc GPMB xây dựng công trình.

Phần 3.

TUYÊN TRUYỀN VẬN ĐỘNG PHỐI HỢP VÀ PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM

I. TUYÊN TRUYỀN VẬN ĐỘNG:

UBND các huyện, thị xã báo cáo với cấp Ủy Đảng phối hợp Ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể cùng cấp lập kế hoạch, tổ chức tuyên truyền phổ biến tập trung chủ trương và các văn bản liên quan về GPMB để xây dựng công trình dự án theo phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm.

Mỗi công trình, dự án khi thực hiện GPMB giai đoạn 1, UBND các huyện, thị xã phải chỉ đạo trực tiếp UBND xã, phường, thị trấn, khu phố, thôn, bản tổ chức họp dân phổ biến chủ trương, nội dung, mục tiêu, ý nghĩa, hiệu quả của dự án. Dự kiến kế hoạch triển khai và lập danh sách ký cam kết của các hộ gia đình, cá nhân liên quan thống nhất GPMB để xây dựng công trình theo phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm.

Danh sách phải lập rõ họ tên và chữ ký đại diện từng đối tượng (mỗi gia đình cử 1 người đại diện). Kèm theo danh sách, có biên bản cuộc họp vận động.

II. PHỐI HỢP GIỮA CÁC CẤP, BAN, NGÀNH:

- Các cấp chính quyền từ huyện, thị xã đến xã, phường, thị trấn căn cứ quy hoạch chi tiết đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và khả năng bố trí vốn để chủ động triển khai phương án GPMB giai đoạn 1.

- Các cơ quan: Kế hoạch đầu tư, Tài chính, các Ban quản lý dự án phải có kế hoạch dự kiến và thông báo công khai khả năng về nguồn vốn trong thời gian đã quy định cho các danh mục công trình để UBND huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn chủ động tổ chức GPMB giai đoạn 1 và lựa chọn dự án GPMB giai đoạn 2.

- Việc công bố niêm yết về khối lượng và giá trị khi GPMB giai đoạn 2 phải dân chủ, có sự tham gia của các cơ quan chức năng để giải thích, vận động tại chỗ, lập văn bản theo đúng quy định.

- Công trình của các cơ quan, đoàn thể, công trình công cộng bị ảnh hưởng sẽ giải tỏa trước.

- Đơn vị thi công phải báo cáo, sắp xếp tiến độ để GPMB đến đâu, thi công đến đó. Ban quản lý dự án chỉ đạo phối kết hợp thi công đồng bộ các hạng mục công trình (Đường, điện, nước, vỉa hè…) tránh sự chồng chéo gây lãng phí.

III. PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM: Các cơ quan, ban ngành ngoài việc trực tiếp tham gia các Hội đồng GPMB, thẩm định phải chuyên trách công việc theo sự phân công trách nhiệm sau:

1. UBND phường, xã, thị trấn:

- Tổ chức tuyên truyền, vận động, giải thích, tổ chức họp dân GPMB cả 2 giai đoạn.

- Phối hợp kiểm tra tính hợp pháp về nhà, đất và chịu trách nhiệm về các nội dung xác nhận về nhà, đất đồng thời tham gia giải quyết khiếu nại, cưỡng chế (nếu có).

2. Hội đồng giải phóng mặt bằng huyện, thị xã:

Chủ trì đo đạc kiểm kê, niêm yết khối lượng, giá trị và giải thích vận động, phối hợp trả tiền bồi thường, hỗ trợ, bàn giao mặt bằng, giải quyết khiếu nại, lập dự toán chi phí cho công tác thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.

3. Ban quản lý dự án:

Phối hợp với chính quyền địa phương trong tất cả các giai đoạn, bước công việc. Cung cấp hồ sơ thu hồi đất, giao đất để có cơ sở thực hiện công tác GPMB. Tham gia công bố chứng chỉ quy hoạch, bàn giao mốc giới theo quy định.

Tham gia các công việc của Hội đồng GPMB, quản lý, chi trả kinh phí bồi thường, hỗ trợ và chi phí phục vụ công tác GPMB theo quy định.

4. UBND huyện, thị xã:

- Công bố quy hoạch công khai cho nhân dân trên địa bàn biết để thực hiện.

- Xác nhận, xử lý những vấn đề vướng mắc về nhà, đất theo thẩm quyền.

- Trả lời kiến nghị của đối tượng bị ảnh hưởng bằng văn bản theo đề nghị của Hội đồng giải phóng mặt bằng, giải quyết khiếu nại tố cáo theo thẩm quyền.

- Đề xuất sắp xếp quỹ đất theo quy hoạch phục vụ tái định cư.

5. Cơ quan Tài nguyên môi trường:

- Thẩm định hồ sơ về đất, lập thủ tục trình UBND cấp có thẩm quyền quyết định thu hồi đất, giao đất. Thẩm định các nội dung về quy mô, tính hợp pháp và các tiêu chí về đất để tính bồi thường về đất.

- Phối hợp với cơ quan quản lý về xây dựng, UBND huyện, thị xã lập quỹ đất cho tái định cư, tham gia giải quyết khiếu nại liên quan về đất.

6. Cơ quan quản lý về xây dựng:

- Thẩm định về hạng nhà, cấp nhà, chất lượng nhà, tính hợp pháp về nhà và các công trình công cộng, các công trình và vật kiến trúc khác.

- Phối hợp với UBND các huyện, thị xã, cơ quan Tài nguyên môi trường lập quỹ đất tái định cư, tham gia giải quyết khiếu nại liên quan đến nhà cửa, vật kiến trúc.

7. Cơ quan Tài chính:

- Chủ trì thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ theo quy định để trình UBND cấp có thẩm quyền phê duyệt theo phân cấp đồng thời hướng dẫn biểu mẫu của các bước tiến hành trong quá trình triển khai.

- Đề xuất bổ sung, sửa đổi chính sách, mức giá trình UBND tỉnh xem xét quyết định khi cần thiết;

- Giám sát kinh phí bồi thường, quản lý chi phí giải phóng mặt bằng theo quy định của nhà nước.

8. Văn phòng UBND tỉnh: Tham gia các cuộc gọi, trực tiếp phản ánh, đề xuất biện pháp chỉ đạo, các chính sách GPMB kịp thời báo cáo UBND tỉnh xem xét giải quyết.

9. Các cơ quan có thẩm quyền được phân cấp trình hoặc phê duyệt dự án (UBND tỉnh, Sở Kế hoạch đầu tư, UBND các huyện, thị xã, UBND phường, xã, thị trấn) có trách nhiệm thẩm định, kiểm tra hồ sơ GPMB giai đoạn 1 để trình hoặc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình CSHT theo thẩm quyền.

Phần 4.

GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI VÀ XỬ LÝ VI PHẠM - KHEN THƯỞNG

I. GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI: Giải quyết khiếu nại theo trình tự, thủ tục pháp luật về khiếu nại tố cáo. Mọi trường hợp khiếu nại được Hội đồng GPMB cấp huyện, thị xã nghiên cứu giải thích cho đối tượng bằng văn bản. Trường hợp sau khi đã có văn bản trả lời, giải thích mà đối tượng bị ảnh hưởng vẫn không thống nhất thì đơn khiếu nại có nội dung thuộc trách nhiệm của ngành, cấp nào thì ngành, cấp đó trực tiếp giải quyết và có quyết định trả lời cho người khiếu nại theo đúng thẩm quyền.

Trong khi chờ giải quyết khiếu nại, người bị thu hồi đất vẫn phải chấp hành quyết định thu hồi đất, giao đất đúng kế hoạch và thời gian đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định.

Các đối tượng trong diện giải tỏa cố tình không chấp hành giải tỏa, bàn giao mặt bằng làm trở ngại tiến độ thi công thì sẽ bị xử lý và cưỡng chế theo quy định của pháp luật.

II. KHEN THƯỞNG:

Những hộ gia đình, cá nhân thực hiện tốt công tác GPMB đảm bảo tiến độ của Hội đồng GPMB và Ban Quản lý dự án đề ra sẽ được UBND huyện, thị xã cấp giấy chứng nhận sự đóng góp đồng thời những đối tượng thuộc diện dưới đây được hưởng chế độ khen thưởng như sau:

- Thưởng 6% giá trị đất và tài sản bị giải tỏa khi giá trị đóng góp dưới 50 triệu đồng.

- Thưởng 8% giá trị đất và tài sản bị giải tỏa khi giá trị đóng góp 50 triệu đồng trở lên.

Mức thưởng tối đa không quá 5 triệu đồng cho một đối tượng, chỉ tính thưởng trong trường hợp mức đóng góp tài sản và đất có giá trị từ 5 triệu đồng trở lên.

Hội đồng GPMB huyện, thị xã phối hợp ban QLDA quy định tiến độ GPMB lập danh sách, hồ sơ các đối tượng chấp hành tốt tiến độ GPMB để trình phương án thưởng./.