Quyết định số 04/2006/QĐ-UBND ngày 13/01/2006 Về Quy định việc chăn nuôi, ấp trứng, vận chuyển, giết mổ, mua bán, sử dụng và sản phẩm gia cầm trên địa bàn tỉnh Bắc Giang do Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang ban hành (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 04/2006/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Bắc Giang
- Ngày ban hành: 13-01-2006
- Ngày có hiệu lực: 23-01-2006
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 09-11-2010
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 1751 ngày (4 năm 9 tháng 21 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 09-11-2010
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 04/2006/QĐ-UBND | Bắc Giang, ngày 13 tháng 01 năm 2006 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ VIỆC CHĂN NUÔI, ẤP TRỨNG, VẬN CHUYỂN, GIẾT MỔ, MUA BÁN, SỬ DỤNG GIA CẦM VÀ SẢN PHẨM GIA CẦM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC GIANG.
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC GIANG
Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND được Quốc hội nước Cộng xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Pháp lệnh Thú y, Nghị định số 33/2005/NĐ-CP Nghị định 129/2005/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2005 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực thú y của Thủ tướng chính phủ;
Căn cứ quyết định số 3065/QĐ - BNN ngày 07 tháng 11 năm 2005 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về điều kiện chăn nuôi, ấp trứng, vận chuyển, giết mổ, buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm;
Căn cứ Thông tư hướng dẫn số 85/2005/TT-BNN ngày 23 tháng 12 năm 2005 của Bộ trưởng bộ Nông nghiệp và PTNT về việc kiểm dịch vận chuyển, giết mổ, buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm;
Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và PTNT tại Công văn số 05/CV - SNN - CN ngày 05 tháng 01 năm 2006 về việc đề nghị ban hành Quy định về việc chăn nuôi, ấp trứng, vận chuyển, giết mổ, mua bán, sử dụng gia cầm và sản phẩm gia cầm trên địa bàn tỉnh Bắc Giang,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này "Quy định về việc chăn nuôi, ấp trứng, vận chuyển, giết mổ, mua bán, sử dụng gia cầm và sản phẩm gia cầm trên địa bàn tỉnh Bắc Giang"
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký.
Điều 3. Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các cơ quan thuộc UBND tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan căn cứ quyết định thi hành./.
| TM. UBND TỈNH |
QUY ĐỊNH
VỀ VIỆC CHĂN NUÔI, ẤP TRỨNG, VẬN CHUYỂN, GIẾT MỔ, MUA BÁN, SỬ DỤNG GIA CẦM VÀ SẢN PHẨM GIA CẦM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC GIANG.
(Ban hành kèm theo Quyết định số 04/2006/QĐ – UBND ngày 12 tháng 01 năm 2006 của UBND tỉnh Bắc Giang)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Đối tượng áp dụng
Quy định các hoạt động chăn nuôi, ấp trứng, vận chuyển, giết mổ, mua bán, sử dụng gia cầm và sản phẩm gia cầm của các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.
Điều 2. Phạm vi áp dụng
1. Việc chăn nuôi các loại gia cầm, các loại chim (gọi chung là gia cầm).
2. Việc ấp trứng các loại gia cầm.
3. Việc vận chuyển các loại gia cầm, sản phẩm gia cầm.
4. Việc giết mổ các loại gia cầm.
5. Việc mua bán các loại gia cầm, sản phẩm gia cầm.
6. Việc sử dụng gia cầm, sản phẩm gia cầm.
Chương II
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 3. Về việc chăn nuôi gia cầm
1. Điều kiện pháp lý.
Tổ chức, cá nhân chăn nuôi gia cầm quy mô từ 200 con trở lên, phải đăng ký với cơ quan thú y để thẩm định điều kiện vệ sinh thú y. Khi có đủ điều kiện vệ sinh thú y do cơ quan thú y xác nhận và các điều kiện khác theo quy định của Pháp lệnh Giống vật nuôi, Pháp lệnh Thú y mới được sản xuất, kinh doanh.
2. Yêu cầu về địa điểm, cơ sở vật chất, thiết bị, dụng cụ chăn nuôi.
a. Khu vực chăn nuôi phải có tường hoặc hàng rào bao quanh, chuồng trại chăn nuôi phải xây dựng phù hợp cho từng loại gia cầm; phải nuôi tách biệt các loại gia cầm, không nhốt chung gia cầm với gia súc, gia cầm ốm với gia cầm khỏe mạnh; lối ra vào khu chăn nuôi phải có hố khử trùng tiêu độc; đối với chăn nuôi trang trại phải có hố khử trùng tiêu độc cho người và phương tiện vận chuyển.
b. Chăn nuôi nhỏ ở hộ gia đình, chuồng nuôi phải cách biệt với nhà ở; chăn nuôi gia trại và chăn nuôi trang trại phải cách xa khu dân cư, bệnh viện, trường học, chợ, công sở bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y và an toàn sinh học theo chỉ dẫn của cơ quan thú y.
c. Cơ sở chăn nuôi phải có nơi cách ly xử lý gia cầm ốm, chết, chất thải theo hướng dẫn của cơ quan thú y.
d. Dụng cụ chăn nuôi phải được vệ sinh, khử trùng tiêu độc sau mỗi lần sử dụng. Chuồng nuôi và khu vực xung quanh chuồng nuôi phải được vệ sinh, khử trùng, tiêu độc định kỳ và thực hiện phòng, chống dịch bệnh theo quy định của cơ quan thú y.
e. Nghiêm cấm việc chăn nuôi gia cầm trong nội thành.
3. Yêu cầu về con giống.
Giống gia cầm nuôi phải nằm trong danh mục giống vật nuôi được phép sản xuất kinh doanh quy định tại Quyết định số 67/2005/QĐ-BNN ngày 31/10/2005 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; giống phải có nguồn gốc rõ ràng do tự ấp hoặc mua từ các cơ sở giống đã được kiểm dịch, tiêm phòng các bệnh nguy hiểm theo quy định của thú y, đặc biệt là bệnh cúm gia cầm.
Điều 4. Về việc ấp trứng
1. Điều kiện pháp lý.
Tổ chức, cá nhân kinh doanh ấp trứng gia cầm phải đăng ký với cơ quan thú y để thẩm định điều kiện vệ sinh thú y. Khi đủ điều kiện vệ sinh thú y do cơ quan thú y trên địa bàn xác nhận và các điều kiện khác theo quy định của Pháp lệnh Giống vật nuôi, Pháp lệnh Thú y mới được sản xuất, kinh doanh; không được ấp trứng, sản xuất con giống, nuôi mới vịt, ngan, ngỗng và chim cút trong thời gian cấm.
2. Yêu cầu về địa điểm, cơ sở vật chất, thiết bị, dụng cụ.
a. Địa điểm của cơ sở ấp trứng thủ công phải cách biệt với nhà ở; địa điểm của cơ sở ấp trứng công nghiệp phải cách xa khu dân cư, trường học, bệnh viện, chợ, công sở theo chỉ dẫn của cơ quan thú y. Phải có tường hoặc hàng rào bao quanh cơ sở ấp trứng, có nơi xử lý gia cầm con chết, trứng hỏng, vỏ trứng và chất thải khác.
b. Có đủ nguồn nước sạch, lối ra vào cơ sở ấp trứng phải có hố khử trùng tiêu độc, phải có các thiết bị khử trùng tiêu độc cho người và phương tiện vận chuyển.
c. Dụng cụ ấp trứng phải được vệ sinh, khử trùng tiêu độc trước và sau mỗi lần sử dụng. Trong và ngoài nhà xưởng ấp trứng phải được vệ sinh, khử trùng, tiêu độc định kỳ và thực hiện phòng, chống dịch bệnh.
3. Yêu cầu về chất lượng trứng.
Trứng phải có nguồn gốc rõ ràng từ các cơ sở giống đã đăng ký và được cơ quan thú y kiểm dịch, khi xuất bán ra khỏi cơ sở phải được phu tiêu độc, khử trùng.
Điều 5. Về việc vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm.
1. Vận chuyển gia cầm sống.
Gia cầm sống chỉ được vận chuyển khi đủ các điều kiện sau:
a. Gia cầm phải khỏe mạnh, có nguồn gốc từ các cơ sở chăn nuôi, các hộ chăn nuôi tại vùng không có dịch và có giấy kiểm dịch của cơ quan thú y.
b. Đối với gia cầm thuộc diện tiêm phòng vắc xin cúm, khi vận chuyển phải bảo đảm các quy định sau: có giấy chứng nhận tiêm vắc xin cúm gia cầm; gia cầm chưa được tiêm phòng đầy đủ các mũi tiêm hoặc chưa đến tuổi tiêm phòng, khi vận chuyển đến địa phương khác để nuôi tiếp, cơ quan thú y nơi xuất phát phải thông báo cho cơ quan thú y nơi tiếp nhận biết để tổ chức theo dõi giám sát và tiêm phòng theo quy định. Vận chuyển gia cầm từ vùng chưa tiêm phòng đến vùng đã tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm, cơ quan thú y nơi tiếp nhận gia cầm phải tổ chức quản lý, theo dõi và tiêm phòng cho đàn gia cầm theo quy định.
c. Đối với gia cầm để làm giống, khi vận chuyển đến nơi tiếp nhận, cơ quan thú y nơi tiếp nhận gia cầm phải tổ chức tiêm và cấp giấy chứng nhận tiêm phòng.
2. Vận chuyển thịt gia cầm.
Thịt gia cầm chỉ được vận chuyển khi đủ các điều kiện sau:
a. Thịt gia cầm vận chuyển phải có nguồn gốc từ gia cầm khỏe mạnh, có giấy kiểm dịch của cơ quan thú y.
b. Được giết mổ tại cơ sở giết mổ có giấy chứng nhận bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y. Có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan thú y khi vận chuyển ra khỏi địa bàn huyện, thành phố.
3. Vận chuyển trứng gia cầm.
a. Có nguồn gốc từ các cơ sở chăn nuôi, các hộ chăn nuôi tại vùng không có dịch và có giấy chứng nhận kiểm dịch của thú y.
b. Phải được đựng trong dụng cụ đã được vệ sinh, khử trùng tiêu độc trước và sau khi vận chuyển.
4. Vận chuyển lông vũ và phân gia cầm.
Lông vũ và phân gia cầm khi vận chuyển, phải được lấy từ gia cầm khỏe mạnh, có nguồn gốc từ các cơ sở chăn nuôi, các hộ chăn nuôi từ vùng không có dịch. Được bao gói và khử trùng tiêu độc trước khi vận chuyển. Có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan thú y khi vận chuyển ra khỏi địa bàn huyện, thành phố.
5. Phương tiện vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia cầm.
a. Phương tiện vận chuyển thô sơ, phải bảo đảm yêu cầu vệ sinh, không để phát tán gia cầm chết, phân, lông, chất thải của gia cầm sống, nước dịch của gia cầm đã giết thịt và sản phẩm gia cầm ra môi trường bên ngoài. Phương tiện, các dụng cụ, vật tư liên quan đến vận chuyển phải vệ sinh, khử trùng tiêu độc trước và sau mỗi lần vận chuyển.
b. Xe vận chuyển chuyên dùng theo quy định sau:
Mặt trong của thùng xe chứa sản phẩm động vật phải bằng vật liệu không gỉ, phẳng, nhẵn, không thấm nước; dễ vệ sinh, khử trùng, tiêu độc;
Cấu trúc, trang bị đáp ứng được yêu cầu về nhiệt độ với từng loại sản phẩm động vật trong suốt thời gian vận chuyển;
Không xếp lẫn thịt với phủ tạng hoặc các sản phẩm động vật khác khi vận chuyển;
Sau khi bốc dỡ phải được vệ sinh, khử trùng.
Điều 6. Về việc giết mổ gia cầm
1. Yêu cầu đối với gia cầm đem giết mổ.
a. Gia cầm phải khỏe mạnh, không bị bệnh, có nguồn gốc từ vùng không có dịch; có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan thú y.
b. Sau khi tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm ít nhất 14 ngày.
c. Gia cầm giết mổ, kinh doanh phải được sự kiểm soát của cơ quan thú y.
2. Điều kiện đối với cơ sở giết mổ gia cầm.
a. Qui định về việc giết mổ gia cầm tập trung.
Yêu cầu về địa điểm: Vị trí cơ sở giết mổ tập trung phải theo quy định của chính quyền địa phương; nghiêm cấm việc giết mổ gia cầm trong nội thành.
Yêu cầu về cơ sở vật chất, thiết bị, lao động: khu vực giết mổ phải có khu bẩn, khu sạch riêng biệt; lối ra, vào cơ sở giết mổ phải có hố khử trùng tiêu độc, có hệ thống khử trùng tiêu độc đảm bảo vệ sinh thú y; có khu cách ly gia cầm ốm, khu xử lý gia cầm bệnh, sản phẩm gia cầm không đủ tiêu chuẩn; có hệ thống xử lý chất thải, nước thải đảm bảo vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường;
Có nhà xưởng, thiết bị, dụng cụ, kho bảo quản sản phẩm bảo đảm các điều kiện vệ sinh;
Có nơi vệ sinh, tắm rửa và thay quần áo cho người tham gia giết mổ;
Người giết mổ gia cầm phải được khám sức khỏe định kỳ và được trang bị bảo hộ theo quy định;
Có đủ nước sạch đạt tiêu chuẩn dùng để giết mổ;
Thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc hàng ngày trang thiết bị, dụng cụ, cơ sở giết mổ theo hướng dẫn của cơ quan thú y.
Quy định về thú y: Tất cả các cơ sở giết mổ phải được cơ quan thú y thẩm định và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y.
b. Quy định về việc giết mổ gia cầm tại các chợ ngoại thành.
Được phép của chính quyền địa phương và được cơ quan thú y thực hiện kiểm soát giết mổ. Được bố trí ở khu vực riêng biệt phía cuối chợ, có lối đi riêng biệt để nhập gia cầm, cách biệt với các ngành hàng khác, nơi tiếp giáp với các ngành hàng khác phải có tường hoặc các biện pháp che kín; thiết bị, dụng cụ đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y; có đủ nước sạch dùng để giết mổ; có nơi thu gom chất thải và nơi xử lý chất thải, chất thải phải được xử lý bằng vôi bột hoặc hóa chất trước khi được thu gom đến nơi xử lý. Nơi giết mổ, trang thiết bị, dụng cụ phải được vệ sinh, khử trùng tiêu độc hàng ngày theo hướng dẫn của cơ quan thú y.
Người giết mổ phải được trang bị dụng cụ, bảo hộ lao động cần thiết.
c. Quy định về việc giết mổ gia cầm tại các hộ gia đình để sử dụng hoặc kinh doanh trong địa bàn các xã, thị trấn.
Phải giết mổ ở nơi bảo đảm vệ sinh thú y, dùng nước sạch để giết mổ, dùng vôi bột hoặc hóa chất để xử lý chất thải. Sau khi giết mổ xong phải vệ sinh sạch sẽ nơi giết mổ.
Điều 7. Về việc mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm.
1. Yêu cầu đối với gia cầm, sản phẩm gia cầm đem mua bán.
a. Chỉ được mua bán gia cầm, sản phẩm gia cầm rõ nguồn gốc, không mắc bệnh và đã được kiểm dịch thú y.
b. Chỉ được phép bán trên thị trường các loại thịt gia cầm, sản phẩm gia cầm đã được đóng dấu "Kiểm soát giết mổ" hoặc dán tem vệ sinh thú y hợp lệ, được bao gói trong túi ni lông và để trong thùng lạnh hoặc tủ kính; trong thời gian bán, các sản phẩm đó không được biến chất.
2. Yêu cầu địa điểm, phương tiện, trang bị lao động cho việc mua bán.
a. Gia cầm và sản phẩm gia cầm chỉ được buôn bán, tiêu thụ tại những nơi quy định của chính quyền địa phương; nơi này cách biệt với ngành hàng khác; gia cầm sống phải cách biệt với nơi bán sản phẩm gia cầm. Trong khu vực buôn bán, gia cầm phải được nhốt và phải có nơi thu gom, xử lý chất thải. Vệ sinh tiêu độc, khử trùng khu vực buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm sau mỗi ngày giao dịch mua bán.
b. Nơi bán thịt gia cầm, sản phẩm gia cầm phải có quầy hàng hoặc ô che, có biển hiệu ghi rõ: "Quầy bán thực phẩm an toàn".
c. Mặt bàn bày bán thịt bọc bằng hợp kim không gỉ hoặc vật liệu khác nhưng không gây ảnh hưởng đến chất lượng thịt, không có kẽ nứt, dễ vệ sinh, dễ bày bán đảm bảo hợp vệ sinh, khử trùng tiêu độc hàng ngày theo quy định.
d. Người bán thịt và các sản phẩm gia cầm phải đủ tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Y tế, khi bán hàng phải mặc quần áo bảo hộ sạch sẽ.
Điều 8. Về việc sử dụng gia cầm, sản phẩm gia cầm
1. Chỉ sử dụng thịt gia cầm, sản phẩm gia cầm được giết mổ tại các cơ sở được phép và được đem bán tại các quầy bán thực phẩm an toàn.
2. Chỉ sử dụng các gia cầm, sản phẩm gia cầm có chứng nhận kiểm dịch, có dấu kiểm dịch, có dán tem chứng nhận của cơ quan thú y.
3. Tại thành phố Bắc Giang chỉ sử dụng gia cầm giết mổ tại các lò giết mổ gia cầm tập trung, đã được cơ quan thú y thẩm định.
Chương III
QUY ĐỊNH VỀ XỬ LÝ VI PHẠM
Điều 9. Các hình thức xử lý, xử phạt
Phạt cảnh cáo, phạt tiền, tước quyền sử dụng có thời hạn hoặc không có thời hạn các loại giấy phép, chứng chỉ hành nghề; tịch thu, tiêu hủy tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm; buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm, lây lan dịch.
Điều 10. Thẩm quyền xử phạt
Các cơ quan, các cấp chính quyền có đủ thẩm quyền xử phạt các vi phạm trong lĩnh vực này như sau:
1. Công an nhân dân.
2. Quản lý thị trường.
3. Thanh tra chuyên ngành.
4. Chủ tịch UBND các cấp.
Điều 11. Xử phạt vi phạm về việc chăn nuôi gia cầm, vi phạm về việc ấp trứng gia cầm.
Thực hiện theo Điều 8, 9 Nghị định 129/2005/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2005 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực thú y của Thủ tướng Chính phủ.
Điều 12. Xử phạt vi phạm về việc vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia cầm, vi phạm về việc giết mổ gia cầm, vi phạm về việc mua bán gia cầm, sản phẩm gia cầm
Thực hiện theo điều 10, 11, 13, 14, 15 Nghị định 129/2005/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2005 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực thú y của Thủ tướng Chính phủ.
Chương IV
TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CẤP, CÁC NGÀNH
Điều 13. UBND các huyện, thành phố
Có trách nhiệm chỉ đạo chặt chẽ các việc chăn nuôi, ấp trứng, vận chuyển, giết mổ, mua bán, sử dụng gia cầm đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm với các nhiệm vụ sau:
1. Chỉ đạo chăn nuôi gia cầm.
a. Thông báo nội dung Quy định này đến các hộ chăn nuôi gia cầm.
b. Yêu cầu các hộ, trang trại, gia đình chăn nuôi gia cầm thực hiện các biện pháp vệ sinh thú y và an toàn sinh học.
c. Kết hợp với cơ quan thú y thẩm định điều kiện chăn nuôi gia cầm.
d. Có hồ sơ theo dõi số lượng trang trại, gia trại, quy mô chăn nuôi gia cầm.
e. Tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, kiểm soát vận chuyển gia cầm; phát hiện dịch bệnh, tiêu hủy gia cầm và sản phẩm gia cầm có nguồn gốc từ địa phương đang có dịch, không xác định rõ được nguồn gốc.
g. Chỉ cho phép nhập, xuất gia cầm khi có giấy kiểm dịch của cơ quan thú y.
h. Xây dựng quỹ hỗ trợ, phương tiện, vật tư cho công tác phòng chống dịch.
i. Tổ chức tiêm vắc xin cúm gia cầm; vệ sinh, tiêu độc, khử trùng định kỳ.
k. Yêu cầu cam kết cụ thể đối với mọi người chăn nuôi, kinh doanh gia cầm.
2. Tổ chức địa điểm giết mổ, kinh doanh mua bán.
a. Qui định các địa điểm cụ thể giết mổ, kinh doanh, mua bán gia cầm, sản phẩm gia cầm. Chỉ đạo, phối hợp với cơ quan thú y thẩm định địa điểm, điều kiện giết mổ, kinh doanh gia cầm và sản phẩm gia cầm để đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh thú y. Tổ chức các chợ mua bán gia cầm phù hợp điều kiện địa phương.
b. Thành lập các tổ kiểm tra, xử lý các gia cầm, sản phẩm gia cầm lưu thông không đúng nội dung hướng dẫn này. Xử lý, xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm.
c. Chỉ đạo kiểm tra thường xuyên điều kiện vệ sinh thú y đối với điểm giết mổ và kinh doanh gia cầm và sản phẩm gia cầm.
3. Quy định cụ thể địa điểm các điểm kiểm dịch, các điểm bán thực phẩm an toàn theo khu vực dân cư, phù hợp với điều kiện địa phương.
Điều 14. Sở Nông nghiệp & PTNT
1. Kiểm soát chặt chẽ việc chăn nuôi, vận chuyển, buôn bán gia cầm sống, sản phẩm gia cầm trên địa bàn quản lý và xuất ra khỏi địa bàn.
2. Kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y cơ sở chăn nuôi, ấp trứng, giết mổ, chế biến gia cầm, nơi mua bán gia cầm, sản phẩm gia cầm trên địa bàn theo sự chỉ đạo của chính quyền địa phương.
3. Phối hợp với các cơ quan chức năng, xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm những quy định về điều kiện chăn nuôi, ấp trứng, vận chuyển, giết mổ, mua bán gia cầm, sản phẩm gia cầm và các quy định khác của Pháp lệnh thú y.
4. Hướng dẫn các tiêu chuẩn kỹ thuật về chuồng trại chăn nuôi, nơi ấp trứng, điểm giết mổ và nơi kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm đúng các tiêu chuẩn vệ sinh thú y cho các hộ chăn nuôi, kinh doanh.
5. Xử lý các trường hợp không đảm bảo vệ sinh thú y.
6. Cấp giấy chứng nhận kiểm dịch, đóng dấu kiểm soát, dán tem vệ sinh thú y gia cầm, sản phẩm gia cầm đủ tiêu chuẩn. Thực hiện thu phí và lệ phí theo quy định.
7. Khi thi hành nhiệm vụ phải đeo biển hiệu kiểm dịch viên.
Điều 15. Sở Thương mại - Du lịch
1. Xây dựng quy hoạch cơ sở giết mổ gia cầm tập trung; tổ chức địa điểm tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm cho từng địa bàn trong tỉnh.
2. Thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát thị trường lưu thông gia cầm và sản phẩm gia cầm đúng các quy định cụ thể trên.
Điều 16. Với các Sở, ban ngành khác.
1. Sở Tài chính.
Bố trí kinh phí kịp thời hỗ trợ chăn nuôi, giết mổ gia cầm tập trung và công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm của các cơ quan chức năng.
2. Công an tỉnh.
Lập kế hoạch, bố trí lực lượng phối hợp với các ngành Nông nghiệp, Thương mại - Du lịch trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về các hoạt động chăn nuôi, ấp trứng, kinh doanh, giết mổ, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm.
3. Sở kế hoạch - Đầu tư
Thẩm định các dự án, chương trình đầu tư cho các hoạt động thú y, chăn nuôi, giết mổ tập trung.
4. Sở Văn hóa - Thể thao, Báo Bắc Giang, Đài phát thanh và Truyền hình tỉnh.
Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn bằng nhiều hình thức để mọi người dân hiểu, tự giác thực hiện các quy định về các hoạt động chăn nuôi, ấp trứng, kinh doanh, giết mổ, vận chuyển, mua bán, sử dụng gia cầm, sản phẩm gia cầm.
5. Các tổ chức chính trị xã hội, các Đoàn thể, các hội nghề nghiệp.
Tuyên truyền sâu rộng đến từng thành viên hộ gia đình và tổ chức, hiểu và tự giác thực hiện những quy định về các hoạt động chăn nuôi, ấp trứng, kinh doanh, giết mổ, vận chuyển, mua bán và sử dụng gia cầm, sản phẩm gia cầm.
Trên đây là bản Quy định về việc chăn nuôi, ấp trứng,vận chuyển, giết mổ, mua bán, sử dụng gia cầm và sản phẩm gia cầm trên địa bàn tỉnh Bắc Giang; trong quá trình tổ chức thực hiện Quy định này, nếu có khó khăn, vướng mắc các cấp, các ngành, đơn vị báo cáo bằng văn bản về UBND tỉnh để xem xét, sửa đổi, bổ sung./.