cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 01/2006/QĐ-BYT ngày 09/01/2006 của Bộ trưởng Bộ Y tế Quy định chế độ báo cáo và mẫu báo cáo về vệ sinh an toàn thực phẩm

  • Số hiệu văn bản: 01/2006/QĐ-BYT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Bộ Y tế
  • Ngày ban hành: 09-01-2006
  • Ngày có hiệu lực: 01-03-2006
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 15-02-2021
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 5465 ngày (14 năm 11 tháng 25 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 15-02-2021
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 15-02-2021, Quyết định số 01/2006/QĐ-BYT ngày 09/01/2006 của Bộ trưởng Bộ Y tế Quy định chế độ báo cáo và mẫu báo cáo về vệ sinh an toàn thực phẩm bị bãi bỏ, thay thế bởi Thông tư số 29/2020/TT-BYT ngày 31/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế Sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành, liên tịch ban hành”. Xem thêm Lược đồ.

BỘ Y TẾ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 01/2006/QĐ-BYT

Hà Nội, ngày 09 tháng 01 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH “QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ BÁO CÁOVÀ MẪU BÁO CÁO VỀ VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM

BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ

Căn cứ Nghị định số 49/2003/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;
Căn cứ Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm số 12/2003/PL-UBTVQH 11 ngày 26 tháng 7 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 163/2004/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2004 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm ;
Xét đề nghị của Cục trưởng Cục An toàn Vệ sinh thực phẩm – Bộ Y tế
,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định chế độ báo cáo và mẫu báo cáo về vệ sinh an toàn thực phẩm”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 3. Các Ông (Bà): Chánh Văn phòng, Chánh Thanh tra, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Thủ trưởng các đơn vị liên quan trực thuộc Bộ Y tế, Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG





Trịnh Quân Huấn


 

BỘ Y TẾ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
******

 

QUY ĐỊNH

CHẾ ĐỘ BÁO CÁO VÀ MẪU BÁO CÁO VỀ VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 01/2006/QĐ-BYTNgày 09 tháng 01 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Y tế)

Chương 1:

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định chế độ báo cáo, biểu mẫu thống kê báo cáo về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Sở Y tế, Trung tâm YTDP tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Viện: Dinh dưỡng, Pasteur Nha Trang, Vệ sinh Y tế công cộng TP Hồ Chí Minh, Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên.

Phòng Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng (YTDP) quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, Trạm Y tế xã, phường, thị trấn.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Quy chế này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Cơ sở là bất cứ toà nhà hay khu vực nào để xử lý thực phẩm, kể cả khu vực xung quanh, dưới sự kiểm soát của cùng một ban quản lý.

2. Cơ sở sản xuất thực phẩm là cơ sở chế biến, sơ chế, sản xuất, mọi hoạt động về bảo quản, bao gói và bao gói lại, có thể thay đổi hoặc không thay đổi dạng sản phẩm.

3. Cơ sở kinh doanh thực phẩm là cơ sở tổ chức buôn bán thực phẩm để thu lời lãi, không có dịch vụ ăn uống tại chỗ (ví dụ: các cửa hàng bán rau quả, đường sữa, thịt, cá, bánh kẹo, gạo...).

4. Cơ sở dịch vụ ăn uống là các cơ sở chế biến, xử lý thực phẩm để bán cho khách ăn uống ngay tại chỗ (ví dụ: các cửa hàng ăn, nhà hàng, khách sạn, quán ăn, bếp ăn tập thể, căng-tin, quán cà phê, trà, quán rượu, bia, nước giải khát, quán kem...).

Chương 2:

CHẾ ĐỘ BÁO CÁO NGỘ ĐỘC THỰC PHẨM

Điều 4. Khai báo ngộ độc thực phẩm (NĐTP)

Khi bị NĐTP hoặc phát hiện NĐTP, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm khai báo ngay cho cơ sở Y tế (Trạm Y tế xã, phường, thị trấn, Phòng Y tế hoặc Trung tâm Y tế dự phòng (YTDP) quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh).

Sở Y tế hoặc Trung tâm YTDP tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Viện (Dinh dưỡng, Pasteur Nha Trang, Vệ sinh Y tế công cộng TP Hồ Chí Minh, Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên), Cục An toàn vệ sinh thực phẩm hoặc Uỷ ban nhân dân (UBND) địa phương nơi gần nhất để có biện pháp phòng ngừa, khắc phục kịp thời. Nội dung khai báo theo Mẫu số 1 ban hành kèm theo Quy định này.

Điều 5. Báo cáo khẩn

Bất kỳ vụ NĐTP nào (có ít nhất 2 người mắc), các cơ quan Y tế nơi xảy ra ngộ độc thực phẩm phải báo cáo khẩn (chậm nhất 24 giờ kể từ khi phát hiện) cho cơ quan Y tế cấp trên trực tiếp. Báo cáo theo Mẫu số 2 ban hành kèm theo Quy định này.

Điều 6. Báo cáo khẩn cấp

Đối với vụ NĐTP hàng loạt (từ 50 người mắc trở lên) hoặc vụ NĐTP có 1 người tử vong các cơ quan Y tế nơi xảy ra ngộ độc thực phẩm đều phải báo cáo khẩn cấp (báo cáo ngay bằng phương thức nhanh nhất) cho cơ quan Y tế cấp trên trực tiếp và báo cáo vượt cấp về Cục An toàn vệ sinh thực phẩm theo Mẫu số 2 ban hành kèm theo Quy định này.

Điều 7. Báo cáo trong quá trình xảy ra ngộ độc

Trong quá trình xảy ra NĐTP, các cơ quan Y tế nơi xảy ra NĐTP phải duy trì báo cáo hàng ngày theo Mẫu số 2 ban hành kèm theo Quy định này.

Điều 8. Báo cáo kết thúc vụ ngộ độc

Khi vụ NĐTP đã kết thúc, các cơ quan Y tế nơi xảy ra ngộ độc thực phẩm phải báo cáo với cơ quan Y tế cấp trên trực tiếp khi có ít nhất 2 người mắc và báo cáo vượt cấp về Cục An toàn vệ sinh thực phẩm khi có từ 50 người mắc trở lên hoặc có ít nhất 1 người chết theo Mẫu số 2 ban hành kèm theo Quy định này.

Điều 9. Báo cáo thống kê về ngộ độc thực phẩm

Trạm Y tế xã, phường, thị trấn, Phòng Y tế quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh và Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải lập sổ thống kê NĐTP theo Mẫu số 3 ban hành kèm theo Quy định này.

Điều 10. Báo cáo định kỳ ngộ độc thực phẩm

Trạm Y tế xã, phường, thị trấn, Phòng Y tế quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh và Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, định kỳ 6 tháng (chốt sổ vào ngày 30/6 hằng năm) và 1 năm (chốt sổ vào ngày 31/12 hằng năm), phải báo cáo định kỳ NĐTP lên cơ quan quản lý Y tế cấp trên trực tiếp theo Mẫu số 4 ban hành kèm theo Quy định này.

1. Trạm Y tế xã, phường, thị trấn gửi báo cáo lên tuyến trên từ ngày 01 - 05 tháng 7 hằng năm (đối với báo cáo 6 tháng) và từ ngày 1 - 5 tháng 1 của năm sau (đối với báo cáo 1 năm).

2. Phòng Y tế quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh gửi báo cáo lên tuyến trên từ ngày 05 - 10 tháng 7 hằng năm (đối với báo cáo 6 tháng) và từ ngày 5 - 10 tháng 01 của năm sau (đối với báo cáo 1 năm).

3. Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo lên tuyến trên từ ngày 10 - 15 tháng 7 hằng năm (đối với báo cáo 6 tháng) và từ ngày 10 - 15 tháng 1 của năm sau (đối với báo cáo 1 năm).

Chương 3:

BÁO CÁO CÔNG TÁC VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM

Điều 11. Báo cáo Tháng hành động vì chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm (CLVSATTP)

Sau khi kết thúc Tháng hành động vì CLVSATTP trong vòng 5 ngày, các cơ quan Y tế phải gửi báo cáo lên cơ quan Y tế cấp trên trực tiếp kết quả triển khai thực hiện Tháng hành động vì CLVSATTP theo Mẫu số 5 ban hành kèm theo Quy định này.

Điều 12. Báo cáo định kỳ công tác vệ sinh an toàn thực phẩm

Trạm Y tế xã, phường, thị trấn, Phòng Y tế quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh và Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương định kỳ 6 tháng (chốt sổ vào ngày 30/6 hằng năm) và 1 năm (chốt sổ vào ngày 31/12 hằng năm) phải gửi báo cáo công tác vệ sinh an toàn thực phẩm lên cơ quan Y tế cấp trên trực tiếp.

1. Trạm Y tế xã, phường, thị trấn gửi báo cáo lên tuyến trên từ ngày 01 - 05 tháng 7 hàng năm (đối với báo cáo 6 tháng) và từ ngày 01 - 05 tháng 1 năm sau (đối với báo cáo 1 năm) theo Mẫu số 6 ban hành kèm theo Quy định này.

2. Phòng Y tế quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh báo cáo lên tuyến trên từ ngày 05 - 10 tháng 7 hàng năm (đối với báo cáo 6 tháng) và từ ngày 05 - 10 tháng 1 của năm sau (đối với báo cáo 1 năm) theo Mẫu số 7 ban hành kèm theo Quy định này.

3. Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo lên tuyến trên từ ngày 10 - 15 tháng 7 hằng năm (đối với báo cáo 6 tháng) và từ ngày 10 - 15 tháng 1 của năm sau (đối với báo cáo 1 năm) theo Mẫu số 8 ban hành kèm theo Quy định này.

Chương 4:

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 13. Cục An toàn vệ sinh thực phẩm có trách nhiệm hướng dẫn và đôn đốc thực hiện Quy định này cho các tuyến và các cơ quan có liên quan trong phạm vi cả nước.

Điều 14. Sở Y tế có trách nhiệm hướng dẫn và đôn đốc thực hiện Quy định này trong phạm vi tỉnh, thành phố quản lý.

Điều 15. Phòng Y tế có trách nhiệm hướng dẫn và đôn đốc thực hiện Quy định này trong phạm vi quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh quản lý.

 

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG





Trịnh Quân Huấn

 

 

FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN