cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Chỉ thị số 37/2004/CT-TTg ngày 08/11/2004 Về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 09/1998/NQ-CP và Chương trình phòng, chống tội phạm của Chính phủ đến năm 2010 (Tình trạng hiệu lực không xác định)

  • Số hiệu văn bản: 37/2004/CT-TTg
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Cơ quan ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Ngày ban hành: 08-11-2004
  • Ngày có hiệu lực: 30-11-2004
  • Tình trạng hiệu lực: Không xác định
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 37/2004/CT-TTg

Hà Nội, ngày 08 tháng 11 năm 2004

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TIẾP TỤC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 09/1998/NQ-CP VÀ CHƯƠNG TRÌNH QUỐC GIA PHÒNG, CHỐNG TỘI PHẠM CỦA CHÍNH PHỦ ĐẾN NĂM 2010

Ngày 31 tháng 7 năm 1998, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 09/1998/NQ-CP về tăng cường công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới; Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 138/1998/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm. Qua 5 năm thực hiện các văn bản trên, chúng ta đã đạt được những kết quả quan trọng: từng bước nâng cao nhận thức của toàn xã hội về trách nhiệm đấu tranh phòng, chống tội phạm; tạo lập cơ chế phối hợp đồng bộ, phát huy được sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân tham gia phòng, chống tội phạm; từng bước kiềm chế sự gia tăng của các loại tội phạm, làm giảm một số loại tội phạm nghiêm trọng; giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, tình hình tội phạm còn diễn biến phức tạp trên tất cả các lĩnh vực hình sự, kinh tế, ma tuý và đã xuất hiện các loại tội phạm mới như lợi dụng công nghệ tin học, sử dụng thẻ tín dụng giả để lừa đảo rút tiền qua hệ thống máy ATM của ngân hàng.... Bên cạnh đó, tình hình thế giới và khu vực thời gian tới còn diễn biến phức tạp, khó lường. Tuy chúng ta đang có nhiều thuận lợi, điều kiện và thời cơ để phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn to lớn, có tác động đến tình hình trật tự an ninh trong nước.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 09/CP và Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm từ nay đến năm 2010, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung thực hiện các mục tiêu, yêu cầu và chủ trương, biện pháp công tác lớn sau đây:

I. VỀ MỤC TIÊU, YÊU CẦU

1. Giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trong mọi tình huống, tạo ra môi trường xã hội ổn định phục vụ công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Giữ vững kỷ cương pháp luật, sự nghiêm minh của pháp chế xã hội chủ nghĩa.

2. Phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của các cấp ủy Đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền các cấp và sự tham mưu tích cực, nòng cốt của lực lượng Công an nhân dân, đưa công tác phòng, chống tội phạm trở thành một trong những nhiệm vụ thường xuyên của các cấp, các ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị và các địa phương.

3. Tiếp tục kiềm chế sự gia tăng của tội phạm năm sau giảm hơn năm trước, trước mắt làm giảm đáng kể các loại tội phạm nghiêm trọng, như tội phạm có tổ chức hoạt động xuyên quốc gia, có tính quốc tế, tội phạm xâm hại trẻ em, buôn bán phụ nữ, tội phạm về ma tuý, tội phạm tham nhũng, buôn lậu, gian lận thương mại, tội phạm lợi dụng công nghệ cao...

II. CÁC CHỦ TRƯƠNG, BIỆN PHÁP

1. Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 09/CP, Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của các Bộ, ngành, đơn vị, địa phương; kết hợp với thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02 tháng 01 năm 2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư pháp trong thời gian tới và Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá IX) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

2. Nâng cao năng lực quản lý điều hành của các Bộ, ngành, địa phương, đặc biệt trong các lĩnh vực: đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản, xuất nhập khẩu, quản lý ngân sách ..., tăng cường thanh tra, kiểm tra khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong các cơ chế chính sách quản lý kinh tế - xã hội, không để cho tội phạm lợi dụng hoạt động, hạn chế tối đa tham nhũng, tiêu cực. Hoàn thiện quy chế phối hợp, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nghị quyết liên tịch, Chương trình hành động đã ký kết giữa các Bộ, ngành, đoàn thể trong phòng, chống tội phạm.

3. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Nghị quyết số 09/CP và Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm để mọi người dân nhận thức đầy đủ và tự giác thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội; kịp thời biểu dương những gương người tốt, việc tốt và các điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân phòng, chống tội phạm.

4. Tăng cường lực lượng, phương tiện, kinh phí cho các cơ quan bảo vệ pháp luật, xây dựng các cơ quan này thật sự trong sạch, vững mạnh bảo đảm thực hiện có hiệu quả Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm.

5. Nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở, trước hết là nâng cao vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng, hiệu lực quản lý của chính quyền, sự tham gia tích cực của các đoàn thể quần chúng ở xã, phường, thị trấn và vai trò tham mưu tích cực của công an xã, phường, thị trấn. Tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong phòng, chống tội phạm, nhất là các mô hình nhân dân tự quản, tự phòng. Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, tạo điều kiện cho nhân dân tham gia phòng, chống tội phạm trở thành phong trào thực sự của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

6. Tiếp tục thực hiện 4 đề án của Chương trình là: "Phát động toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm; cảm hoá, giáo dục, cải tạo người phạm tội tại gia đình và cộng đồng dân cư"; "Xây dựng và hoàn thiện pháp luật về phòng, chống tội phạm, tăng cường tuyên truyền giáo dục pháp luật và trách nhiệm công dân về bảo vệ an ninh trật tự"; "Đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm có tổ chức, tội phạm hình sự nguy hiểm và tội phạm có tính quốc tế"; "Đấu tranh phòng, chống các loại tội xâm hại trẻ em; tội phạm trong lứa tuổi chưa thành niên". Nghiên cứu, xây dựng trình Chính phủ bổ sung một số đề án, dự án, chương trình hành động nhằm tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc mới nổi lên về an ninh trật tự và nâng cao năng lực hoạt động phòng, chống tội phạm. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu tội phạm học và khoa học phòng, chống tội phạm. Nâng cao chất lượng công tác nắm tình hình, nghiên cứu dự báo tình hình tội phạm trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

7. Sử dụng đồng bộ các biện pháp giáo dục phòng ngừa, ngăn chặn, trấn áp, truy tố và xét xử kịp thời các loại tội phạm nghiêm trọng như: tội phạm có tổ chức, tội phạm ma tuý, tham nhũng, buôn lậu, các loại tội phạm hình sự nguy hiểm, tội phạm xâm hại trẻ em.... Tiếp tục mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm trên các tuyến, địa bàn trọng điểm; truy bắt các đối tượng truy nã; mở rộng các trung tâm cai nghiện ma tuý, trung tâm dạy nghề sau cai nghiện... Nâng cao tỷ lệ điều tra, khám phá và xử lý nghiêm minh tội phạm.

8. Tiếp tục bổ sung hoàn thiện các văn bản pháp luật có liên quan đến công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, đảm bảo thực hiện có hiệu quả Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự.

9. Tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng, chống tội phạm, nhất là với tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol), Hiệp hội Cảnh sát các nước Đông Nam á (Aseanapol), các nước láng giềng, khu vực ASEAN và các nước có quan hệ truyền thống. Thực hiện có hiệu quả các hiệp định, hiệp ước tương trợ tư pháp về hình sự, hợp tác quốc tế trong phòng, chống tội phạm đã ký kết với các nước, các tổ chức quốc tế nhằm chủ động phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả các loại tội phạm xuyên quốc gia, có tính quốc tế, tội phạm khủng bố.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân các địa phương kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm. Tổ chức thực hiện Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm theo cơ chế quản lý, điều hành chương trình mục tiêu quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 59/2004/QĐ-TTg ngày 09 tháng 4 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ.

2. Căn cứ trách nhiệm đã được phân công trong Nghị quyết số 09/CP, Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm và những yêu cầu nhiệm vụ trong Chỉ thị này, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng kế hoạch cụ thể chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 09/CP và Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm đến năm 2010 đồng thời gửi Thường trực Ban Chỉ đạo 138/CP để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

3. Đề nghị Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội, thành viên của Mặt trận tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp chính quyền trong công tác vận động nhân dân, hội viên, thành viên tham gia phòng, chống tội phạm thực hiện Nghị quyết số 09/CP, Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm trong giai đoạn đến năm 2010.

4. Đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao có kế hoạch phối hợp chặt chẽ với các cơ quan bảo vệ pháp luật thuộc Chính phủ đẩy mạnh công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm một cách kịp thời và nghiêm minh, thực hiện tốt Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02 tháng 01 năm 2002 của Bộ Chính trị về một số vấn đề trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới.

5. Trước mắt từ nay đến hết năm 2005:

a) Bộ Công an chủ trì, phối hợp các Bộ, ngành xây dựng trình Chính phủ phê duyệt bổ sung các đề án:

- Phòng, chống các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao.

- Tăng cường năng lực giáo dục, dạy nghề cho phạm nhân trong các trại giam.

- Xây dựng Trung tâm thông tin tội phạm.

- Tăng cường năng lực của cơ quan điều tra các cấp trong điều tra khám phá các loại án kinh tế, hình sự, ma tuý.

b) Các đơn vị, địa phương tổ chức nhân rộng những mô hình, điển hình tiên tiến đã đem lại hiệu quả cao trong phòng, chống tội phạm.

c) Đề nghị Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các Bộ: Tư pháp, Công an tổ chức tổng kết các đề án của Chương trình, xây dựng kế hoạch tiếp tục thực hiện giai đoạn 2006 - 2010; sơ kết rút kinh nghiệm việc thực hiện các nghị quyết liên tịch, Chương trình phối hợp hành động giữa các Bộ, ngành trong phòng, chống tội phạm; triển khai chương trình hành động phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em.

d) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì cùng các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất Chính phủ ban hành Quy định về chế độ, chính sách đối với những người có công, bị thương, bị hy sinh trong phòng, chống tội phạm. Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng chương trình bảo vệ người tố giác tội phạm, người làm chứng, người bị hại trong vụ án hình sự.

6. Hàng quý, năm các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có báo cáo kết quả gửi về Ban Chỉ đạo Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm của Chính phủ (qua Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 138/CP) để tổng hợp, báo cáo Chính phủ.

7. Bộ Công an có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, tổng hợp tình hình và thường xuyên báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện Chỉ thị này.

 

 

Phan Văn Khải

(Đã ký)