Chỉ thị số 08/2004/CT-BYT ngày 21/10/2004 Về tăng cường công tác phòng chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi rút (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 08/2004/CT-BYT
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Cơ quan ban hành: Bộ Y tế
- Ngày ban hành: 21-10-2004
- Ngày có hiệu lực: 21-10-2004
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 07-10-2008
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 1447 ngày (3 năm 11 tháng 22 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 07-10-2008
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
BỘ Y TẾ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 08/2004/CT-BYT | Hà Nội, ngày 21 tháng 10 năm 2004 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG BỆNH VIÊM ĐƯỜNG HÔ HẤP CẤP DO VI RÚT
Theo thông báo của Tổ chức Y tế Thế giới, hiện nay một số bệnh truyền nhiễm gây dịch vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp: Sốt xuất huyết, Ebola, Tả, Cúm, đặc biệt là SARS và Cúm A - H5N1. Bệnh xảy ra rải rác ở hầu hết các quốc gia của 5 châu lục. Tại một số nước trong khu vực, dịch cúm gia cầm vẫn tiếp tục ghi nhận. Tại Thái Lan, từ đầu năm đến nay đã ghi nhận 16 trường hợp mắc, trong đó có 11 trường hợp tử vong do vi rút cúm A - H5N1.
Tại Việt Nam, theo báo cáo của các địa phương, tình hình dịch viêm đường hô hấp cấp do vi rút tiếp tục diễn biến phức tạp. Từ đầu năm đến nay (01/10/2004) ghi nhận 27 trường hợp mắc, trong đó có 20 trường hợp tử vong, đặc biệt trong các tháng 8, 9/2004, tại các tỉnh Hà Tây, Hậu Giang, Trà Vinh, Hà Nội đã ghi nhận 9 trường hợp viêm phổi do vi rút có liên quan đến dịch cúm ở gia cầm, trong đó có 4 trường hợp xét nghiệm dương tính với vi rút cúm A - H5N1 và đã tử vong. Vì vậy, nguy cơ bùng phát dịch viêm đường hô hấp cấp do vi rút trong mùa Đông - Xuân tới là rất lớn.
Để khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống dịch, không để dịch lan rộng, kéo dài, Bộ trưởng Bộ Y tế Chỉ thị:
1. Giám đốc Sở Y tế các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ưng
a) Tham mưu cho Ủy ban nhân dân Tỉnh/Thành phố tăng cường các hoạt động của Ban chỉ đạo phòng chống dịch SARS và cúm gia cầm trên người tại các cấp ở địa phương.
b) Phối kết hợp chặt chẽ với cơ quan thú y trong công tác kiểm tra, giám sát tình hình dịch cúm gia cầm đến tận thôn, ấp, xã, phường, hộ gia đình. Sử dụng rộng rãi Cloramin B để khử trùng, tẩy uế, xử lý triệt để ổ dịch. Có biện pháp phòng hộ cho cán bộ y tế và những người trực tiếp tham gia xử lý ổ dịch tại địa phương, cơ sở.
c) Đối với các địa phương có cửa khẩu quốc tế, cần kiểm tra chặt chẽ khách nhập cảnh từ các vùng đang có dịch, vùng có ổ dịch cũ, không để dịch bệnh xâm nhập.
d) Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc giám sát chặt chẽ các trường hợp viêm đường hô hấp cấp do vi rút tại khu vực có dịch cúm gia cầm, phát hiện sớm, điều trị kịp thời theo đúng "Hướng dẫn chẩn đoán, xử trí và phòng lây nhiễm viêm đường hô hấp cấp nặng do vi rút" ban hành theo Quyết định số 158/2004/QĐ-BYT ngày 19/01/2004 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
e) Tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân thực hiện 4 biện pháp phòng chống dịch cúm gia cầm lây sang người ban hành kèm theo Công văn số 1156/DP/AIDS-DT ngày 02/8/2004 của Bộ Y tế.
f) Cân đối kinh phí, đảm bảo đủ thuốc, hóa chất, vật tư chuyên dụng dự trữ để phục vụ cho công tác phòng chống dịch cũng như trang bị phòng hộ cá nhân cho cán bộ trực tiếp tham gia điều tra và xử lý ổ dịch, điều trị bệnh nhân.
g) Thường xuyên báo cáo Ủy ban nhân dân Tỉnh/Thành phố về tình hình dịch bệnh và các hoạt động phòng chống dịch triển khai tại địa phương, thực hiện nghiêm túc Quy chế thông tin, báo cáo bệnh truyền nhiễm gây dịch ban hành kèm theo Quyết định số 4880/2002/QĐ-BYT ngày 06/12/2002 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
2. Các Viện: Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh, Pasteur Nha Trang, Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên
a) Chỉ đạo các địa phương tăng cường các hoạt động giám sát phát hiện, chẩn đoán xác định nguyên nhân gây bệnh, nguồn lây, chủ động triển khai các biện pháp kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây dịch. Tổ chức các lớp tập huấn phòng chống dịch cho các địa phương trong khu vực phụ trách.
b) Dự trữ hóa chất khử khuẩn, thiết bị, vật tư chuyên dụng, triển khai các hoạt động chống dịch, sẵn sàng hỗ trợ địa phưng khi có dịch.
3. Cục Y tế dự phòng và Phòng chống HIV/AIDS - Bộ Y tế
a) Tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Y tế trong việc chỉ đạo công tác phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do vi rút trên phạm vi toàn quốc và các bệnh dịch khác trong mùa Đông - Xuân 2004 - 2005.
b) Trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra các địa phương, đơn vị thuộc hệ y tế dự phòng triển khai các biện pháp phòng chống dịch.
4. Vụ Điều trị - Bộ Y tế
a) Tiếp tục chỉ đạo tập huấn cho cán bộ hệ điều trị, kiểm tra công tác điều trị bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi rút trong phạm vi cả nước.
b) Chỉ đạo các Viện/Bệnh viện trực thuộc Bộ, bệnh viện Tỉnh/Thành phố chuẩn bị đầy đủ thuốc, trang thiết bị hồi sức cấp cứu và các phương tiện cần thiết để sẵn sàng tiếp nhận, cấp cứu và điều trị bệnh nhân.
c) Xây dựng phác đồ cấp cứu, điều trị, hướng dẫn các cơ sở điều trị trong cả nước thực hiện.
5. Vụ Kế hoạch - Tài chính - Bộ Y tế
Tổng hợp và điều phối các nguồn lực từ ngân sách nhà nước, các tổ chức trong và ngoài nước tài trợ cho công tác phòng chống dịch.
6. Các đơn vị khác trực thuộc Bộ Y tế
Phối hợp với các đơn vị có liên quan trong việc tổ chức phòng chống dịch khi có yêu cầu trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao.
Nhận được Chỉ thị này, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ, Giám đốc Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai ngay các hoạt động trên và báo cáo kết quả về Bộ Y tế.
| BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ |