Quyết định số 270/2005/QĐ-TTg ngày 31/10/2005 của Thủ tướng Chính phủ Về việc tổ chức huy động, quản lý và sử dụng nguồn tiền gửi tiết kiệm bưu điện
- Số hiệu văn bản: 270/2005/QĐ-TTg
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Ngày ban hành: 31-10-2005
- Ngày có hiệu lực: 22-11-2005
- Tình trạng hiệu lực: Đang có hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 6941 ngày (19 năm 0 tháng 6 ngày)
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 270/2005/QĐ-TTG | Hà Nội, ngày 31 tháng 10 năm 2005 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC TỔ CHỨC HUY ĐỘNG, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG NGUỒN TIỀN GỬI TIẾT KIỆM BƯU ĐIỆN
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam số 06/1997/QH10 ngày 12 tháng 12 năm 1997 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều một số điều của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam số 10/2003/QH11 ngày 17 tháng 6 năm 2003;
Căn cứ Luật các Tổ chức tín dụng số 07/1997/QH10 ngày 12 tháng 12 năm 1997 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các Tổ chức tín dụng số 20/2004/QH11 ngày 15 tháng 6 năm 2004;
Căn cứ Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông số 43/2002/PL-UBTVQH10 ngày 25 tháng 5 năm 2002;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
1. Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam được:
a) Tổ chức dịch vụ tiết kiệm bưu điện nhằm huy động nguồn tiền nhàn rỗi của dân cư để bổ sung nguồn vốn cho đầu tư phát triển, nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác theo chủ trương của Chính phủ;
b) Cung ứng một số dịch vụ ngân hàng theo quy định tại Luật các Tổ chức tín dụng số 07/1997/QHX ngày 12 tháng 12 năm 1997 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các Tổ chức tín dụng số 20/2004/QH11 ngày 15 tháng 6 năm 2004.
Điều 2.
1. Tổ chức thực hiện dịch vụ tiết kiệm bưu điện được huy động vốn của dân cư thông qua các hình thức sau:
a) Nhận tiền gửi tiết kiệm không kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn;
b) Phát hành chứng chỉ tiền gửi và giấy tờ có giá khác theo quy định của pháp luật;
2. Lãi suất huy động tiết kiệm bưu điện phải đảm bảo phù hợp với lãi suất thị trường và phù hợp với mặt hàng lãi suất tại từng thời điểm.
3. Tổng công ty Bưu chính Viễn thông chuyển vốn cho Quỹ Hỗ trợ phát triển và Ngân hàng Chính sách xã hội theo mức lãi suất trái phiếu Chính phủ cùng kỳ hạn, phát hành theo phương thức đấu thầu gần nhất trong tháng. Trường hợp trong tháng không có đợt phát hành trái phiếu Chính phủ cùng loại, Quỹ Hỗ trợ phát triển và Ngân hàng Chính sách xã hội làm việc cụ thể với Tổng công ty Bưu chính Viễn thông để xác định mức lãi suất trái phiếu Chính phủ của tháng đó do Bộ Tài chính thông báo cho Quỹ Hỗ trợ phát triển và Ngân hàng Chính sách xã hội.
Điều 3. Nguồn vốn tiết kiệm bưu điện được tập trung, điều chỉnh qua tài khoản tiền gửi của Dịch vụ tiết kiệm bưu điện mở tại các ngân hàng thương mại và được sử dụng như sau:
1. Giữ lại một phần để đảm bảo chi trả thường xuyên.
2. Chuyển vốn để Qũy Hỗ trợ phát triển và Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay theo chủ trương của Chính phủ.
3. Mua, mua lại giấy tờ có giá do Chính phủ, Kho bạc Nhà nước phát hành, trái phiếu chính quyền địa phương, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, tín phiếu kho bạc; mua lại trái phiếu do Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ Hỗ trợ phát triển phát hành.
Điều 4. Tổ chức thực hiện dịch vụ bưu điện cung ứng các dịch vụ sau:
1. Được cung cấp cho khách hàng các loại hình dịch vụ thanh toán sau:
a) Cung ứng các phương tiện thanh toán: séc rút tiền mặt, thẻ rút tiền tự động, thẻ thanh toán ghi nợ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
b) Dịch vụ thu hộ, chi hộ;
c) Mở tài khoản cá nhân.
2. Được thu phí khi cung ứng dịch vụ thanh toán. Mức phí do Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam quy định và niêm yết công khai.
3. Được làm dịch vụ chuyển tiền mặt, chuyển kiều hối.
4. Được làm đại lý, nhận ủy thác phát hành trái phiếu và các loại hình dịch vụ đại lý tài chính khác khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.
Điều 5.
1. Tổ chức thực hiện dịch vụ tiết kiệm bưu điện được mở tài khoản tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các ngân hàng thương mại để thực hiện các dịch vụ nêu trên theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
2. Tổ chức thực hiện dịch vụ tiết kiệm bưu điện có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ về thuế theo quy định của pháp luật hiện hành.
3. Tổ chức thực hiện dịch vụ tiết kiệm bưu điện không phải tham gia bảo hiểm tiền gửi.
Điều 6.
1. Bộ Tài chính có trách nhiệm hướng dẫn, giám sát, kiểm tra việc thực hiện cơ chế chuyển giao, tiếp nhận, sử dụng và hoàn trả nguồn vốn tiết kiệm bưu điện giữa Tổng công ty Bưu chính Viễn thông với Quỹ Hỗ trợ phát triển và Ngân hàng Chính sách xã hội; thông báo mức trần lãi suất huy động trái phiếu Chính phủ hàng tháng cho Quỹ Hỗ trợ phát triển và Ngân hàng Chính sách xã hội; thực hiện quản lý nhà nước về tài chính đối với dịch vụ tiết kiệm bưu điện trong Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam.
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp kế hoạch chuyển vốn của dịch vụ tiết kiệm bưu điện cho Quỹ Hỗ trợ phát triển và Ngân hàng Chính sách xã hội báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước hàng năm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và giao lưu cho Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam thực hiện.
3. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có trách nhiệm:
a) Cấp phép, kiểm tra, thanh tra đối với hoạt động cung ứng dịch vụ ngân hàng của Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam.
b) Giám sát, kiểm tra việc huy động vốn, lãi suất huy động, chuyển tiền và công tác an toàn kho quỹ của hệ thống dịch vụ tiết kiệm bưu điện.
c) Xem xét chấp thuận mức bảo đảm chi trả thường xuyên của dịch vụ tiết kiệm bưu điện.
d) Hỗ trợ Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam đào tạo và bồi dưỡng về nghề nghiệp tiết kiệm cho các nhân viên bưu điện làm dịch vụ tiết kiệm và dịch vụ thanh toán.
4. Bộ Bưu chính, Viễn thông có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước đối với mạng bưu chính công cộng mà Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam sử dụng để cung cấp dịch vụ tiết kiệm. Kiểm tra, giám sát đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ tiết kiệm bưu điện trên mạng bưu chính công cộng để đảm bảo các hoạt động này không ảnh hưởng đến việc cung cấp và sử dụng dịch vụ bưu chính công ích.
5. Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam có trách nhiệm phối hợp với Qũy Hỗ trợ phát triển và Ngân hàng Chính sách xã hội lập và thống nhất kế hoạch chuyển vốn hàng năm báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính; tổ chức cung cấp dịch vụ tiết kiệm bưu điện và một số dịch vụ ngân hàng theo các quy định tại Quyết định này và Quy chế tổ chức hoạt động của Tổng công ty Bưu chính, Viễn thông Việt Nam; bảo đảm sử dụng vốn an toàn, hiệu quả và chi trả đầy đủ, kịp thòi, thuận tiện (cả gốc là lãi) cho người gửi tiền; xây dựng các quy định về an toàn và tổ chức kiểm soát nội bộ; chấp hành đầy đủ chế độ thông tin báo cáo và chịu sự kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
6. Quỹ hỗ trợ phát triển và Ngân hàng Chính sách xã hội có trách nhiệm phối hợp với Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam thống nhất kế hoạch chuyển giao vốn hàng năm, tiếp nhận và sử dụng nguồn vốn tiết kiệm bưu điện theo đúng chủ trương của Chính phủ; thu hồi vốn cho vay và hoàn trả đầy đủ cả vốn và lãi khi trái phiếu đến hạn.
Điều 7. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Quyết định này thay thế Quyết định số 215/1998/QĐ-TTg ngày 04 tháng 11 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ.
Bộ trưởng Bộ Tài chính, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Bưu chính, Viễn thông có trách nhiệm hướng dẫn thi hành Quyết định này.
Điều 8. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quản lý và Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |