cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 267/2005/QĐ-TTg ngày 31/10/2005 của Thủ tướng Chính phủ Về chính sách dạy nghề đối với học sinh dân tộc thiểu số nội trú

  • Số hiệu văn bản: 267/2005/QĐ-TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Ngày ban hành: 31-10-2005
  • Ngày có hiệu lực: 22-11-2005
  • Tình trạng hiệu lực: Đang có hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 6942 ngày (19 năm 7 ngày)
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 267/2005/QĐ-TTG

Hà Nội, ngày 31 tháng 10 năm 2005 

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ CHÍNH SÁCH DẠY NGHỀ ĐỐI VỚI HỌC SINH DÂN TỘC THIỂU SỐ NỘI TRÚ

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Quy định chính sách và tổ chức dạy nghề đối với học sinh dân tộc thiểu số nội trú với các nội dung sau:

1. Đối tượng.

Là học sinh tốt nghiệp các trường trung học cơ sở dân tộc nội trú và trung học phổ thông dân tộc nội trú, kể cả nội trú dân nuôi được cử tuyển học nghề nội trú, trong đó ưu tiên con em các dân tộc thiểu số ở khu vực đặc biệt khó khăn.

2. Hình thức tổ chức học nghề.

Học nghề nội trú tại các cơ sở dạy nghề công lập có đủ điều kiện dạy nghề nội trú được áp dụng cho những nghề với thời gian đào tạo từ 3 tháng trở lên.

3. Chính sách.

a) Học sinh học nghề thuộc đối tượng quy định tại khoản 1, trong thời gian học nghề theo hình thức quy định tại khoản 2 Điều này được hưởng học bổng, trợ cấp xã hội và các chính sách khác như học sinh trung học phổ thông dân tộc nội trú.

b) Những học sinh học nghề thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 không có điều kiện học nghề theo hình thức quy định tại khoản 2 Điều này thì được học nghề theo chính sách dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn quy định tại Quyết định số 81/2005/QĐ-TTg ngày 18 tháng 4 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ.

c) Các cơ sở dạy nghề thực hiện dạy nghề cho đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này được cấp:

- Kinh phí thực hiện chính sách nội trú đối với học sinh học nghề quy định tại điểm a khoản 3 Điều này;

- Kinh phí dạy nghề.

Điều 2. Nguồn, quản lý và sử dụng kinh phí

1. Nguồn kinh phí thực hiện do ngân sách địa phương đảm bảo từ nguồn kinh phí chi thường xuyên sự nghiệp giáo dục – đào tạo và dạy nghề được giao hàng năm. Trong thời kỳ ổn định ngân sách địa phương niên độ 2005 – 2006, ngân sách trung ương hỗ trợ dạy nghề cho học sinh dân tộc thiểu số nội trú.

2. Việc quản lý, sử dụng, thanh quyết toán theo quy định hiện hành của Luật Ngân sách nhà nước.

Điều 3. Tổ chức thực hiện

1. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm:

a) Quy định mức chi phí dạy nghề cho học sinh dân tộc thiểu số nội trú phù hợp với khả năng ngân sách và điều kiện của địa phương.

b) Xây dựng kế hoạch dạy nghề đối với học sinh dân tộc thiểu số nội trú, cân đối ngân sách hàng năm, chỉ đạo và tổ chức thực hiện.

c) Lựa chọn nghề đào tạo và giao nhiệm vụ cho một số cơ sở có đủ điều kiện dạy nghề nội trú học sinh dân tộc thiểu số.

d) Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện ở địa phương, đảm bảo chính sách được thực hiện đúng mục đích, đúng đối tượng.

đ) Báo cáo định kỳ các cơ quan liên quan theo quy định hiện hành.

2. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch, tổng hợp kế hoạch; chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn thực hiện, kiểm tra đánh giá tình hình thực hiện dạy nghề đối với học sinh dân tộc thiểu số nội trú.

3. Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp kế hoạch, dự toán ngân sách dạy nghề đối với học sinh dân tộc thiểu số nội trú, trình Chính phủ giao kế hoạch và dự toán ngân sách cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Điều 4. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 5. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH;
- Văn phòng Quốc hội;
- Toà án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Học viện hành chính quốc gia;
- VPCP: BTCN, TBCN, các PCN, BNC,
Ban điều hành 112,
Người phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ,
Các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, VX (5b), HL.

KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG




Phạm Gia Khiêm