cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Chỉ thị số 06/2004/CT-BYT ngày 26/08/2004 Về đảm bảo công tác y tế phục vụ Hội nghị cấp cao ASEM 5 (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 06/2004/CT-BYT
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Cơ quan ban hành: Bộ Y tế
  • Ngày ban hành: 26-08-2004
  • Ngày có hiệu lực: 26-08-2004
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 07-10-2008
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 1503 ngày (4 năm 1 tháng 13 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 07-10-2008
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 07-10-2008, Chỉ thị số 06/2004/CT-BYT ngày 26/08/2004 Về đảm bảo công tác y tế phục vụ Hội nghị cấp cao ASEM 5 (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 31/2008/QĐ-BYT ngày 22/08/2008 của Bộ trưởng Bộ Y tế Công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Y tế ban hành đến ngày 31 tháng 12 năm 2007 đã hết hiệu lực pháp luật”. Xem thêm Lược đồ.

BỘ Y TẾ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 06/2004/CT-BYT

Hà Nội, ngày 26 tháng 08 năm 2004

 

CHỈ THỊ 

VỀ ĐẢM BẢO CÔNG TÁC Y TẾ PHỤC VỤ HỘI NGHỊ CẤP CAO ASEM 5

BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ

Hội nghị cấp cao các nước Á- Âu lần thứ 5 (ASEM 5) được Việt Nam tổ chức sẽ diễn ra trong tháng 10 năm 2004 tại Thủ đô Hà Nội, với sự tham dự của nhiều Đoàn Nguyên thủ Quốc gia. Đây là Hội nghị chính trị quan trọng nhất của nước ta trong năm 2004.

Để thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao về công tác chuẩn bị, phục vụ Hội nghị ASEM 5, nhằm tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm và tổ chức thường trực cấp cứu, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Đại biểu tham dự Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ thị:

1.Đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh

a) Tăng cường công tác kiểm tra vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh và giám sát dịch tễ đặc biệt là các bệnh dịch cúm gia cầm, SARS, sốt xuất huyết … để phát hiện sớm, xử lý kịp thời những trường hợp mắc đầu tiên tại các tuyến, các cửa khẩu, nhà ga sân bay quốc tế, khu vực Hội trường và phòng họp Hội nghị.

b) Đảm bảo vệ sinh môi trường, cung cấp nước sạch, không để có ruồi, muỗi, chuột, dán, các loại côn trùng trung gian truyền bệnh trong khu vực nhà hàng, khách sạn phục vụ Hội nghị tại Hà Nội và các tỉnh có các Đoàn quốc tế tới thăm và làm việc.

c) Tổ chức thường trực phòng dịch và thực hiện nghiêm túc việc thông tin, báo cáo dịch theo Quyết định số 4880/2002/QĐ-BYT ngày 6/12/2002 của Bộ trưởng Bộ Y tế. Riêng trong thời gian diễn ra Hội nghị phải thực hiện báo cáo công tác phòng chống dịch hàng ngày.

d) Đảm bảo nhân lực, trang thiết bị, thuốc, hoá chất và các phương tiện cần thiết để sẵn sàng xử lý các vấn đề liên quan đến vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh.

Công tác vệ sinh môi trường, giám sát dịch phải được tiến hành liên tục, trước, trong và sau Hội nghị.

Cục Y tế dự phòng và Phòng chống HIV/AIDS có kế hoạch chỉ đạo, tổ chức tập huấn chuyên môn và kiểm tra, đôn đốc các đơn vị thực hiện tốt những nhiệm vụ trên.

2.Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm

a) Ban chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 08/1999/CT-TTg ngày 15/4/1999 của Thủ tướng Chính phủ tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi tắt là các tỉnh) chỉ đạo Sở Y tế phối hợp với các Ban ngành có liên quan tăng cường kiểm tra công tác vệ sinh an toàn thực phẩm từ khâu thu mua nguyên liệu ban đầu đến quá trình vận chuyển, bảo quản, chế biến và sử dụng thực phẩm. Đẩy mạnh các hoạt động đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thức ăn đường phố, gắn với phong trào xây dựng gia đình, làng, khu phố văn hoá- sức khỏe.

b) Các nhà hàng, khách sạn phục vụ Hội nghị ASEM 5 phải cam kết thực hiện nghiêm túc các qui định về vệ sinh cơ sở, có nguồn cung cấp thực phẩm sạch và an toàn, vệ sinh trong quá trình chế biến thực phẩm, vệ sinh trang thiết bị, dụng cụ chế biến, chế độ khám sức khỏe và vệ sinh cá nhân, chế độ kiểm thực để đảm bảo an toàn thực phẩm cho các Đoàn khách quốc tế tham dự Hội nghị.

c) Tổ chức giám sát việc kiểm thực 3 bước (trước khi nhập nguyên liệu, thực phẩm, trước khi chế biến và trước khi ăn) tại các nhà hàng trong suốt thời gian phục vụ Hội nghị; chuẩn bị và sẵn sàng xử trí khi xảy ra ngộ độc thực phẩm hàng loạt và các bệnh lây truyền qua thực phẩm. Mọi trường hợp ngộ độc (nếu có) phải được xử trí và báo cáo kịp thời.

Cục An toàn vệ sinh thực phẩm có trách nhiệm chỉ đạo, tuyên truyền, hướng dẫn, tập huấn chuyên môn và kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện của các đơn vị, địa phương, kể cả trước, trong và sau thời gian Hội nghị.

3. Đảm bảo công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Đại biểu và dự phòng, xử trí thảm họa

a) Có kế hoạch đảm bảo công tác thường trực cấp cứu để bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho Quan chức, cán bộ, nhân viên các Đoàn đại biểu trong nước và quốc tế, khách mời, phóng viên các nước tại các địa điểm tổ chức các hoạt động của Hội nghị, tại nơi lưu trú của các đoàn và xây dựng các phương án ứng phó trong trường hợp xảy ra thảm hoạ, ngộ độc hàng loạt.

b) Đảm bảo đủ cơ số thuốc, trang thiết bị, dụng cụ và phương tiện vận chuyển tại các điểm thường trực cấp cứu. Các cán bộ, nhân viên y tế được lựa chọn tham gia phục vụ phải đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, có tinh thần trách nhiệm, nêu cao tính chủ động và hợp tác tốt trong thời gian phục vụ.

c) Các Bệnh viện trên địa bàn Hà Nội phải chuẩn bị đầy đủ nhân lực, cơ sở vật chất, giường bệnh để sẵn sàng tiếp nhận người bệnh và sẵn sàng tham gia cấp cứu khi có lệnh điều động.

Vụ Điều trị có trách nhiệm chỉ đạo kiểm tra các bệnh viện thực hiện các yêu cầu theo điều động của Ban Điều hành công tác Y tế phục vụ Hội nghị ASEM 5; tổ chức tập huấn chuyên môn, chuẩn bị cơ số thuốc, máu, trang thiết bị y tế và phương tiện vận chuyển; xây dựng các phương án để đảm bảo sẵn sàng đối phó với các tình huống có thể xảy ra.

4.Trách nhiệm triển khai thực hiện

Ban Điều hành công tác Y tế phục vụ Hội nghị ASEM 5 là đầu mối kiểm tra, theo dõi và báo cáo Bộ trưởng trong quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị này.

Vụ Điều trị, Cục Y tế dự phòng và phòng chống HIV/AIDS, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm chịu trách nhiệm chỉ đạo, theo dõi thực hiện theo chức năng nhiệm vụ được phân công. Các Vụ, Cục, Văn phòng, Thanh tra Bộ kết hợp chỉ đạo thực hiện những nội dung công việc có liên quan.

Sở Y tế Hà Nội và các tỉnh, thành phố có cửa khẩu đón khách quốc tế và có  đoàn đại biểu các nước tới thăm, làm việc có trách nhiệm xây dựng kế hoạch trình UBND tỉnh, thành phố phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện, để bảo đảm các yêu cầu về vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm và công tác cấp cứu, dự phòng, xử trí tai nạn, thảm họa tại địa phương như qui định tại điểm 1, 2 và 3 của Chỉ thị này.

Sở Y tế các tỉnh nơi không diễn Hội nghị cần tiếp tục duy trì và phát huy kết quả trong công tác vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh và vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường chỉ đạo công tác giám sát dịch tễ, không để dịch bệnh lây lan; phát động phong trào vệ sinh môi trường, làm sạch đẹp, đường phố đồng thời sẵn sàng chi viện hỗ trợ chuyên môn khi được điều động.

Thời gian tổ chức Hội nghị ASEM 5 đang đến gần, vì vậy, các đơn vị phải khẩn trường tổ chức triển khai thực hiện. Ban Điều hành công tác Y tế phục vụ Hội nghị ASEM 5 chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra và báo cáo Bộ trưởng Bộ Y tế về kết quả thực hiện Chỉ thị này cho đến khi kết thúc Hội nghị.

 

 

BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ 

 

 

 

 

Trần Thị Trung Chiến