cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 30/2005/QĐ-BYT ngày 17/10/2005 của Bộ trưởng Bộ Y tế Về việc sử dụng thuốc dự trữ lưu thông (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 30/2005/QĐ-BYT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Bộ Y tế
  • Ngày ban hành: 17-10-2005
  • Ngày có hiệu lực: 18-11-2005
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 01-09-2019
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 5035 ngày (13 năm 9 tháng 20 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 01-09-2019
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 01-09-2019, Quyết định số 30/2005/QĐ-BYT ngày 17/10/2005 của Bộ trưởng Bộ Y tế Về việc sử dụng thuốc dự trữ lưu thông (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Thông tư số 12/2019/TT-BYT ngày 28/06/2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế Bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực y tế, liên tịch ban hành”. Xem thêm Lược đồ.

BỘ Y TẾ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 30/2005/QĐ-BYT

Hà Nội, ngày 17 tháng 10 năm 2005 

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC SỬ DỤNG THUỐC DỰ TRỮ LƯU THÔNG

BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ

Căn cứ Nghị định số 49/2003/NĐ-CP ngày 15/5/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;
Căn cứ vào Quyết định số 110/2005/QĐ-TTg ngày 16/5/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch "Dự trữ lưu thông thuốc Quốc gia phục vụ công tác phòng bệnh, chữa bệnh cho nhân dân";
Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý dược Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Vụ trưởng Vụ Điều trị, Vụ trưởng Vụ Pháp chế,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này "Quy chế sử dụng thuốc dự trữ lưu thông".

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng công báo

Điều 3. Các Ông/Bà:Chánh Văn phòng, Chánh Thanh tra, Cục trưởng Cục Quản lý dược Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Vụ trưởng Vụ Điều trị, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, các Vụ, Cục có liên quan, Giám đốc bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ, Giám đốc Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

BỘ TRƯỞNG




Trần Thị Trung Chiến

QUY CHẾ

SỬ DỤNG THUỐC DỰ TRỮ LƯU THÔNG

(Ban hành kèm theo Quyết định số30/2005/QĐ-BYT, ngày 17 tháng 10 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Y tế)

Chương 1:

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng: Quy chế này áp dụng để sử dụng thuốc dự trữ lưu thông cho các cơ sở khám chữa bệnh nhà nước hoặc bán ra thị trường khi có tình trạng thiếu thuốc và biến động giá thuốc, nhằm đảm bảo nhu cầu sử dụng thuốc cho cơ sở khám chữa bệnh và góp phần bình ổn giá thuốc theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Điều 2. Các đơn vị tham gia thực hiện kế hoạch dự trữ lưu thông thuốc gồm các bệnh viện nhà nước: Bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế; Các bệnh viện ngành; Các bệnh viện đa khoa tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là bệnh viện); Các doanh nghiệp dược tham gia công tác dự trữ lưu thông thuốc Quốc gia.

Điều 3. Bộ trưởng Bộ Y tế Quyết định sử dụng thuốc dự trữ lưu thông (sau đây gọi chung là thuốc) trong các trường hợp thiếu thuốc tại bệnh viện, biến động giá thuốc trên thị trường và các trường hợp đặc biệt, khẩn cấp để đáp ứng nhu cầu phòng bệnh và chữa bệnh.

Chương 2:

ĐIỀU KIỆN SỬ DỤNG THUỐC DỰ TRỮ LƯU THÔNG

Điều 4. Thiếu thuốc tại bệnh viện là tình trạng không đủ thuốc điều trị, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác khám chữa bệnh tại bệnh viện.

Các tiêu chí để xác định thiếu thuốc:

-Trên 30% bệnh viện tham gia dự trữ lưu thông thuốc ở trong tình trạng thiếu từ 30% trở lên số thuốc nằm trong Danh mục thuốc dự trữ lưu thông đang sử dụng tại bệnh viện;

-Thời gian thiếu thuốc tối thiểu là 15 ngày.

Điều 5. Biến động giá thuốc là tình trạng giá thuốc tăng bất thường ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc cung ứng thuốc phục vụ công tác phòng bệnh, chữa bệnh;

Các tiêu chí để xác định biến động giá thuốc:

-Khi có từ 30% thuốc trong Danh mục thuốc dự trữ lưu thông tăng giá 20% trở lên so với giá trước khi có biến động;

-Thời gian tăng giá liên tục tối thiểu là 30 ngày trở lên và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác phòng bệnh, chữa bệnh.

Điều 6. Trong trường hợp đặc biệt, khẩn cấp Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định xuất bán thuốc để đáp ứng nhu cầu phòng chữa bệnh.

Chương 3:

QUY TRÌNH SỬ DỤNG THUỐC DỰ TRỮ LƯU THÔNG

Điều 7. Khi xảy ra thiếu thuốc tại bệnh viện và biến động giá thuốc các bệnh viện báo cáo về Bộ Y tế (Vụ Điều trị), các doanh nghiệp báo cáo Bộ Y tế (Cục Quản lý dược Việt Nam) nội dung sau:

- Tình hình và nguyên nhân thiếu thuốc tại bệnh viện hoặc biến động giá thuốc trên thị trường;

- Danh mục thuốc thiếu và thời gian đã xảy ra thiếu thuốc;

- Danh mục thuốc có biến động giá, thời gian và tỉ lệ biến động giá;

- Nhu cầu của bệnh viện về các thuốc thiếu, thuốc biến động giá.

Điều 8. Cục Quản lý dược Việt Nam (thường trực Tổ điều hành công tác dự trữ lưu thông thuốc) báo cáo Bộ trưởng Danh sách bệnh viện được mua thuốc dự trữ lưu thông; Số lượng thuốc dự trữ lưu thông bán cho từng bệnh viện để ra quyết định sử dụng thuốc dự trữ lưu thông.

Điều 9. Đối với các đơn vị khám chữa bệnh nhà nước không trực thuộc Bộ Y tế khi xảy ra thiếu thuốc cần báo cáo nhu cầu cụ thể với Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Bộ, Ngành chủ quản để đề nghị Bộ Y tế giải quyết xuất bán thuốc.

Chương 4:

SỬ DỤNG THUỐC DỰ TRỮ LƯU THÔNG Ở BỆNH VIỆN

Điều 10. Khi xảy ra thiếu thuốc hoặc biến động giá thuốc các bệnh viện phải sử dụng kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước cấp, nguồn được Bảo hiểm Y tế thanh toán, viện phí để mua thuốc thuộc Danh mục thuốc dự trữ lưu thông theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Điều 11. Mua thuốc thường kỳ tại bệnh viện: Sau khi đấu thầu lần đầu trong năm, nếu thuốc trúng thầu nằm trong Danh mục thuốc dự trữ lưu thông quốc gia và chất lương tương đương và giá cao hơn hoặc bằng giá thuốc của doanh nghiệp dự trữ lưu thông bán, nếu có nhu cầu mua bổ sung thì bệnh viện phải mua thuốc của doanh nghiệp dược tham gia dự trữ lưu thông thuốc.

Chương 5:

TRÁCH NHIỆM CÁC CƠ QUAN, ĐƠN VỊ THAM GIA THỰC HIỆN KẾ HOẠCH DỰ TRỮ LƯU THÔNG THUỐC

Điều 12. Các bệnh viện tham gia công tác dự trữ lưu thông thuốc thực hiện các quy định sau:

-Xây dựng hệ thống theo dõi tình hình cung ứng, giá thuốc và sử dụng thuốc trong bệnh viện;

-Thống kê tình hình cung ứng, sử dụng và dự báo thiếu thuốc, biến động giá thuốc với các thuốc thuộc Danh mục thuốc dự trữ lưu thông, báo cáo đột xuất về tình trạng thiếu thuốc và định kỳ 6 tháng một lần về sử dụng thuốc dự trữ lưu thông tại bệnh viện về Bộ Y tế (Vụ Điều trị) để tổng hợp chung, làm cơ sở xây dựng cơ số thuốc dự trữ lưu thông hàng năm.

Điều 13. Các doanh nghiệp dược nhà nước được giao nhiệm vụ dự trữ lưu thông thuốc phải thường xuyên cập nhật diễn biến giá thuốc trong Danh mục thuốc dự trữ lưu thông trên thị trường; Phải đảm bảo đủ cơ số thuốc dự trữ lưu thông, đảm bảo chất lượng và giá thuốc hợp lý để cung ứng cho bệnh viện. Dự báo thiếu thuốc và biến động giá thuốc đột xuất và định kỳ 6 tháng một lần về Bộ Y tế (Cục Quản lý dược Việt Nam).

Điều 14. Vụ Điều trị có trách nhiệm thường xuyên theo dõi, xác định nhu cầu sử dụng thuốc, tình trạng thiếu thuốc của bệnh viện và báo cáo Cục Quản lý dược Việt nam (thường trực Tổ điều hành công tác dự trữ lưu thông thuốc).

Điều 15. Cục Quản lý dược Việt Nam có trách nhiệm thường xuyên cập nhật giá thuốc, theo dõi tình trạng thiếu thuốc, biến động giá thuốc trên thị trường và khả năng cung ứng thuốc trong Danh mục thuốc dự trữ lưu thông. Khi giá thuốc thay đổi đến mức được coi là biến động giá phải báo cáo Bộ trưởng Bộ Y tế ra Quyết định xuất bán thuốc dự trữ lưu thông./.