Quyết định số 54/2005/QĐ-UBND ngày 14/10/2005 Phê duyệt Đề án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích-danh thắng tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2006-2010 (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 54/2005/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Quảng Bình
- Ngày ban hành: 14-10-2005
- Ngày có hiệu lực: 24-10-2005
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 30-12-2011
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 2258 ngày (6 năm 2 tháng 8 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 30-12-2011
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 54/2005/QĐ-UBND | Đồng Hới, ngày 14 tháng 10 năm 2005 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN BẢO TỒN, TÔN TẠO VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI TÍCH - DANH THẮNG TỈNH QUẢNG BÌNH GIAI ĐOẠN 2006-2010
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH
- Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
- Căn cứ Luật Di sản Văn hoá năm 2001 và Nghị định số 92/2002/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản Văn hoá;
- Căn cứ kết luận của Thường vụ Tỉnh uỷ tại Thông báo số 1370/TB-TU ngày 06 tháng 5 năm 2005 về kết luận phiên họp Thường vụ Tỉnh uỷ lần thứ 94;
- Theo đề nghị của Giám đốc Sở Văn hoá - Thông tin Quảng Bình tại Tờ trình số 51/TT-SVHTT ngày 29 tháng 9 năm 2005.
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Phê duyệt Đề án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích - danh thắng tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2006-2010 kèm theo Quyết định này.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Văn hoá - Thông tin, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành có liên quan, UBND các huyện, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
ĐỀ ÁN
BẢO TỒN, TÔN TẠO VÀ PHÁT HUY TÁC DỤNG DI TÍCH - DANH THẮNG Ở QUẢNG BÌNH GIAI ĐOẠN 2005 – 2010
(Ban hành kèm theo Quyết định số 54/2005/QĐ-UBND ngày 14 tháng 10 năm 2005 của UBND tỉnh)
Di tích lịch sử - văn hóa là công trình xây dựng, địa điểm và các di vật, cổ vật, bảo vật Quốc gia thuộc công trình địa điểm đó có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học.
Danh thắng là cảnh quan thiên nhiên hoặc địa điểm có sự kết hợp giữa cảnh quan thiên nhiên với công trình kiến trúc có giá trị lịch sử, thẩm mỹ, khoa học.
Cả Di tích - Danh thắng đều chứa đựng các giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học và thể hiện rõ nét bản sắc vùng, miền, dân tộc.
Di tích - Danh thắng là một phần Di sản tồn tại dưới dạng vật thể gắn kết với hệ sinh thái, với môi trường tự nhiên.
Luật Di sản Văn hóa đã khẳng định: "Di sản Văn hóa Việt Nam là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, là một bộ phận của di sản văn hóa nhân loại, có vai trò to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của nhân dân ta". Vì vậy, Đảng và Nhà nước đã xác định Bảo tồn và phát huy tác dụng Di tích - Danh lam thắng cảnh là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành Văn hóa nói riêng và của toàn xã hội nói chung trước mắt cũng như lâu dài.
PHẦN I
THỰC TRẠNG TÌNH HÌNH DI TÍCH - DANH THẮNG CỦA QUẢNG BÌNH THỜI GIAN QUA
1. Đặc điểm Di tích - Danh thắng ở Quảng Bình
Tính đến cuối năm 2004, theo thống kê, toàn tỉnh có hơn 150 di tích - danh thắng và địa điểm được xác định có dấu hiệu di tích.
Đến nay, toàn tỉnh có 68 di tích - danh thắng đã được cấp có thẩm quyền công nhận (trong đó có 42 di tích đã được công nhận và xếp loại di tích cấp Quốc gia; 26 di tích đã được công nhận là di tích cấp tỉnh). Về loại hình di tích - danh thắng của Quảng Bình khá phong phú. Trong tổng số 68 di tích đã được công nhận, có đủ cả 4 loại hình, đó là: Di tích kiến trúc nghệ thuật (tổng số là 5 di tích); di tích khảo cổ (có 11); di tích lịch sử (45) và 4 khu danh thắng, trong đó là danh thắng Phong Nha - Kẻ Bàng được xếp loại là Di sản thiên nhiên thế giới. Đặc biệt ở Quảng Bình có một đặc điểm ít địa phương có, đó là: Ngay trong lòng Di sản thiên nhiên thế giới còn chứa đựng nhiều di tích lịch sử cấp Quốc gia là các điểm di tích trọng điểm thuộc di tích đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Bên cạnh tiềm năng, điều này cũng gây khó khăn cho công tác bảo vệ.
. Di tích - Danh thắng ở Quảng Bình được phân bổ rộng, đều khắp các địa phương trong tỉnh, xét về số lượng cũng như loại hình, nhưng tính tập trung không cao, khó cho việc khai thác, phát huy tác dụng phục vụ du lịch.
. Do phải trải qua 2 cuộc chiến tranh tàn khốc, nhất là trong chiến tranh phá hoại của không quân và Hải quân Mỹ, cộng với thời tiết khắc nghiệt, và một phần do ý thức con người nên di tích - danh thắng ở tỉnh ta bị hư hỏng nặng nề phải tốn nhiều thời gian, công sức và tiền bạc để phục hồi, tôn tạo và phát huy tác dụng. Do hạn chế của việc khoanh vùng di tích (trước khi có Luật Di sản) nên thực trạng sử dụng đất của di tích đến nay gặp nhiều khó khăn (khoanh vùng quá rộng, không có bản đồ chi tiết, không có hồ sơ cấp đất pháp lý).
2. Công tác điều tra, tổng kiểm kê và lập hồ sơ di tích
2.1. Việc đã làm được
Trong những năm qua, toàn tỉnh đã tiến hành điều tra, tổng kiểm kê trên 150 di tích - danh thắng. Căn cứ vào quá trình nghiên cứu, xây dựng hồ sơ, đến nay tỉnh ta đã có 42 di tích cấp Quốc gia, 26 di tích cấp tỉnh được quyết định công nhận. Trong hàng chục di tích - danh thắng còn lại sẽ từng bước chuẩn bị xây dựng hồ sơ xét công nhận, như: Di tích phong trào Cần Vương; di tích trận địa Nguyễn Viết Xuân; đồi 37; các di tích thuộc loại hình văn hóa Chăm; di tích Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh; di tích địa đạo Văn La; di tích địa điểm bắn rơi chiếc máy bay thứ 3.000 trên đất Quảng Bình.
2.2. Việc xây dựng hồ sơ di tích những năm qua về cơ bản đã thực hiện đúng yêu cầu đặt ra, tuy vậy vẫn còn nhiều hạn chế
- Khi lập hồ sơ di tích, chưa lường hết tốc độ phát triển kinh tế - xã hội nên khoanh vùng quá rộng, ảnh hưởng đến quy hoạch kinh tế - xã hội của từng địa phương có di tích.
- Không tổ chức cắm mốc chỉ giới; không bàn giao hồ sơ, tài liệu, biên bản làm việc đầy đủ cho các bên liên quan gây không ít khó khăn cho việc bảo vệ di tích - danh thắng.
- Một số địa phương chạy theo phong trào lập hồ sơ để được công nhận di tích, trong khi chưa hội đủ các yếu tố cần thiết; chưa có căn cứ khoa học, mạnh ai nấy làm nhằm hy vọng vào sự đầu tư của tỉnh, của Trung ương.
3. Công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy tác dụng di tích - danh thắng thời gian qua ở tỉnh ta
3.1. Những việc đã làm được
Thời gian qua, tính từ năm 1994, nhờ sự quan tâm đầu tư bằng nguồn vốn Chương trình mục tiêu chống xuống cấp di tích của Bộ, một số nguồn kinh phí của tỉnh. Toàn tỉnh đã phục hồi, tôn tạo được nhiều di tích - danh thắng.
Trong tổng số 68 di tích đã được công nhận, số lượng di tích - danh thắng được bảo tồn, tôn tạo như sau:
- Huyện Minh Hóa: 1/3 di tích
- Huyện Tuyên Hóa: 1/4 di tích
- Huyện Quảng Trạch: 11/21 di tích
- Huyện Bố Trạch: 7/9 di tích
- Thành phố Đồng Hới: 9/14 di tích
- Huyện Quảng Ninh: 5/9 di tích
- Huyện Lệ Thủy: 4/10 di tích
Như vậy, tính từ năm 1994 (khi Nhà nước có chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu Quốc gia) đến năm 2004, tỉnh ta đã đầu tư bảo tồn, tôn tạo, dựng bia biển được 38/68 di tích. Có di tích chỉ đầu tư ít (30 - 50 triệu đồng chủ yếu là dựng bia, biển) nhưng cũng có di tích được đầu tư tương đối lớn, từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng (như Đình Kim Bảng, Đền Liễu Hạnh công chúa, Đình làng Lý Hòa, tượng đài Mẹ Suốt, Cổng cửa Đông, thành Đồng Hới). Tổng ngân sách để bảo tồn, tôn tạo di tích trên địa bàn tỉnh Quảng Bình từ 1994 đến 2004 là 17.237,8 triệu đồng, bình quân mỗi năm là 1.438,1 triệu đồng. Trong đó, ngân sách từ Trung ương là 16.152 triệu đồng, ngân sách tỉnh là 1.085 triệu đồng và các nguồn khác.
Nhờ được tu bổ, tôn tạo kịp thời, nhiều di tích đã trở thành những sản phẩm văn hóa phục vụ thiết thực nhu cầu tham quan, du lịch, nhu cầu phục vụ sinh hoạt văn hóa cho cộng đồng; một số di tích nằm trong tuyến tham quan du lịch, sau khi được đầu tư, tôn tạo, đã thu hút được nhiều khách du lịch trong nước và nước ngoài đến tham quan, góp phần đáng kể trong việc giáo dục truyền thống cho nhân dân và tăng thu cho du lịch như cụm di tích Xuân Sơn - Phong Nha; cụm di tích Hoành Sơn quan và Đền Liễu Hạnh Công chúa; cụm di tích Quảng Bình Quan, tượng đài Mẹ Suốt; cụm di tích Lăng mộ và Nhà thờ Nguyễn Hữu Cảnh; nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
3.2. Mặt chưa làm được:
- Một số di tích danh thắng bảo tồn, tôn tạo chưa đúng với các quy định của Nhà nước, chất lượng trùng tu di tích chưa cao, còn gây nhiều tranh cãi (như Đình Kim Bảng, Bia chiến khu Trung Thuần, Đền Liễu Hạnh Công chúa và nhất là Cầu và Cổng cửa Đông); trong bảo tồn, tôn tạo chưa thực sự mang tính khoa học, chưa xứng tầm di tích, nhiều khi chưa tôn trọng lịch sử; tính bền vững chưa cao.
- Một số di tích - danh thắng bảo tồn, tôn tạo chưa đúng với các quy định của Bộ VHTT, phải sửa chữa nhiều lần gây thêm tốn kém như Đình Kim Bảng; chất lượng kém như khu lăng mộ Nguyễn Hữu Cảnh. Các bia biển ghi dấu di tích - danh thắng đa phần mang tính nhỏ, lẻ thiếu thống nhất kể cả hình thức và nội dung.
- Một số di tích sau khi được bảo tồn, tôn tạo, dựng bia biển chưa có phương án sử dụng, chưa có hướng bàn giao, phân cấp quản lý và phát huy tác dụng theo phương châm xã hội hóa, nên tác dụng còn hạn chế. Tình trạng ôm đồm đó đã dẫn đến hệ quả: Di tích bị xâm hại, bị xuống cấp nhanh chóng; chưa tạo được sức mạnh đồng bộ từ Trung ương, tỉnh; từ cơ quan quản lý Nhà nước đến nhân dân trong việc kêu gọi góp công, góp của để bảo tồn, tôn tạo và sử dụng di tích.
- Nguồn vốn đầu tư hàng năm cho bảo tồn di tích còn rất thấp (so với nhu cầu cấp thiết phải đầu tư) chủ yếu đầu tư bằng nguồn vốn chương trình mục tiêu Quốc gia, chưa phát huy hiệu quả năng lực xã hội hóa trong trùng tu, tôn tạo di tích nên nhìn chung các di tích vẫn nằm trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Nguồn vốn đầu tư, về cơ bản chỉ được đầu tư cho hạng mục di tích gốc, mà chưa quan tâm đúng mức đến các hạng mục phụ trợ khác như cơ sở hạ tầng kỹ thuật nhằm giúp khai thác di tích có hiệu quả hơn.
4. Công tác quản lý Nhà nước về di tích - danh thắng
4.1. Việc đã làm được:
Trong những năm qua, kể từ khi Pháp lệnh Bảo vệ Di tích - Danh thắng ra đời, và nhất là từ ngày Quốc hội ban hành Luật Di sản Văn hóa; Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật, công tác quản lý Nhà nước về Di sản đã được từng bước quan tâm; UBND tỉnh và Sở Văn hóa - Thông tin đã ban hành nhiều văn bản để hướng dẫn các địa phương, đơn vị thực hiện. Nhờ vậy, về cơ bản, di tích - danh thắng trên địa bàn tỉnh ta được gìn giữ, bảo vệ tương đối tốt. Việc vi phạm di tích - danh thắng đã từng bước được ngăn chặn. Vai trò quản lý Nhà nước của ngành được tăng cường, phát huy, biểu hiện là di tích -danh thắng đều được tỉnh quan tâm đưa vào quy hoạch xây dựng, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
4.2. Hạn chế:
- Tuy vậy, về quản lý Nhà nước di tích - danh thắng, thời gian qua còn nhiều yếu kém, thậm chí còn có biểu hiện buông lỏng; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục Luật Di sản Văn hóa chưa được quan tâm đúng mức, chưa đến được với đa số nhân dân; chưa có sự phân cấp rõ ràng, do vậy việc quản lý trực tiếp các di tích còn thiếu trách nhiệm.
- Công tác quản lý về Di sản của ngành VHTT và một vài địa phương chưa quan tâm đúng mức cũng như nhận thức của nhân dân trong tỉnh, của các ngành, các cấp đối với sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa chưa thực sự sâu sắc, đồng bộ, chưa phát huy tính năng động của các địa phương, của nhân dân, còn nặng tính trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của Trung ương, của tỉnh. Tình trạng lấn chiếm phạm vi bảo vệ của di tích vẫn còn xảy ra, chưa được phát hiện và ngăn chặn kịp thời, điển hình như Đình Hòa Ninh, Hồ thành Đồng Hới và nhiều nơi khác.
PHẦN II
ĐỊNH HƯỚNG BẢO TỒN, TÔN TẠO, VÀ PHÁT HUY TÁC DỤNG DI TÍCH - DANH THẮNG Ở QUẢNG BÌNH
1. Cơ sở pháp lý và khoa học để xây dựng định hướng
- Căn cứ vào Nghị quyết TW5 (khóa VIII) của Đảng về "Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc"; Luật Di sản Văn hóa và Nghị định số 92/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật; Luật Đất đai năm 2003 và Nghị định hướng dẫn thi hành Luật; các Quyết định của Bộ trưởng Bộ VH-TT về phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa và danh thắng đến năm 2020; Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết TW5 của Tỉnh ủy Quảng Bình; Chương trình phát triển văn hóa - xã hội của tỉnh và một số văn bản pháp lý khác có liên quan đến lĩnh vực di tích - danh thắng.
- Căn cứ vào các hướng dẫn (khoa học) lập hồ sơ di tích do Bộ Văn hóa -Thông tin ban hành và được các cơ quan hữu quan thẩm định.
2. Quan điểm
- Nhà nước (bao gồm cả Trung ương và tỉnh) tập trung đầu tư cho các di tích - danh thắng đặc biệt và các di tích - danh thắng có giá trị quan trọng, có hiệu quả khai thác lớn để phục vụ cho nền kinh tế tỉnh nhà; các di tích đang trong thời kỳ xuống cấp nghiêm trọng, cần bảo tồn ngay.
- Bảo tồn, tôn tạo di tích - danh thắng phải tôn trọng lịch sử, khoa học và gắn với cảnh quan môi trường, sinh thái.
- Đầu tư tập trung cho các di tích - danh thắng nằm trong các cụm, tuyến du lịch để tạo được các sản phẩm du lịch văn hóa - sinh thái phục vụ du khách.
- Thực hiện từng bước, tiến tới đẩy mạnh xã hội hóa việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy tác dụng di tích - danh thắng; khuyến khích các thành phần kinh tế và nhân dân tham gia bảo tồn, tôn tạo và sử dụng giá trị của di tích - danh thắng.
3. Mục đích
a) Chống xuống cấp di tích; bảo tồn, tôn tạo và phát huy tác dụng của di tích mang tính bền vững, lâu dài, đồng bộ.
b) Giáo dục ý thức giữ gìn, bảo quản di tích - danh thắng cho cán bộ và nhân trong tỉnh.
c) Góp phần phát triển du lịch, tạo nguồn thu, tạo việc làm cho xã hội, thúc đẩy nền kinh tế - xã hội tỉnh nhà phát triển.
d) Giới thiệu rộng rãi các giá trị chứa đựng trong các di tích - danh thắng đến với công chúng trong và ngoài tỉnh, du khách quốc tế, qua đó giáo dục lòng tự hào dân tộc, truyền thống yêu nước cho nhân dân, cán bộ, thanh niên, học sinh.
4. Quy hoạch phân vùng di tích
Trên cơ sở các quan điểm, mục đích của Đề án được nêu, việc lựa chọn, khoanh vùng quy hoạch bảo tồn, trùng tu, tôn tạo di tích - danh thắng như sau:
Cụm I: Khu Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng và các di tích trọng điểm tuyến đường Trường Sơn nằm trong vùng di sản và phụ cận (hang động Phong Nha, bến phà Nguyễn Văn Trỗi; bến phà Xuân Sơn, hang 8 TNXP; Cầu Trà Ang; khu vực Sở chỉ huy Binh trạm 14, Bộ Tư lệnh 559; Sân bay Khe Gát; Đèo Đá Đẽo...
Cụm II: Các di tích thuộc thành phố Đồng Hới, trong đó chủ đạo là di tích thành cổ Đồng Hới; các địa điểm Bác Hồ về thăm Quảng Bình năm 1957; cửa biển Nhật Lệ; Quảng Bình quan; di tích khảo cổ học Bàu Tró, làng gốm Mỹ Cương...
Cụm III: Các di tích - danh thắng gắn với Đèo Ngang và vùng phụ cận phía Bắc tỉnh: Hoành Sơn quan; Đền Liễu Hạnh công chúa; làng chiến đấu Cảnh Dương; làng chiến đấu Cự Nẫm và các di tích Đình, Đền ở Bố Trạch, Quảng Trạch. Các di tích danh thắng gắn với Đá Nhảy - Lý Hòa; Đình Lý Hòa.
Cụm IV: Các di tích thuộc Tuyên - Minh Hóa gồm: Hang Chỉ huy Sở 559 ở Hóa Thanh, Hóa Tiến; Đình Kim Bảng; các di tích thuộc đường 12A ở Dân Hóa; hang lèn Đại Hòa; lăng mộ Đề đốc Lê Trực, bãi Đức; di tích phong trào Cần Vương...
Cụm V: Các di tích thuộc địa bàn huyện Quảng Ninh: Bến phà Quán Hàu; nhà nhóm Thôn Trung; phà Long Đại; núi Thần Đinh; Địa đạo Văn La; Võ Thắng quan; nhà thờ Nguyễn Hữu Cảnh; các di tích trụ sở Chỉ huy 559 ở Hiền Ninh.
Cụm VI: Bao gồm một số di tích lịch sử - cách mạng gắn với vùng du lịch sinh thái Bang như: Lăng mộ Nguyễn Hữu Cảnh, Hoàng Hối Khanh; Tổng trạm thông tin A72 (thuộc Đoàn 559); Miếu thần hoàng Mỹ Thổ; Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp; di tích Xuân Bồ; di tích trận địa Nữ pháo binh Ngư Thủy, hệ thống di tích đường 10, 16 thuộc di tích đường Hồ Chí Minh...
5. Xác định di tích - danh thắng trọng điểm cần bảo tồn, tôn tạo bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước
Tiêu chí để phân loại một số di tích - danh thắng trọng điểm là:
Các di tích có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, khoa học có khả năng khai thác du lịch, kích thích sự tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm cho nhân dân địa phương; một số di tích quan trọng đang ở trong tình trạng xuống cấp không có khả năng huy động vốn ngoài ngân sách; các di tích có nhu cầu đầu tư vốn lớn trên 1 tỷ đồng.
+ Trước hết, đó là cụm di tích Quốc gia đặc biệt quan trọng thuộc hệ di tích đường Hồ Chí Minh trên địa bàn tỉnh ta, đặc biệt chú trọng đầu tư các di tích nằm trong vùng Phong Nha - Kẻ Bàng (Di sản Thiên nhiên Thế giới) để phục vụ du lịch. Cụ thể cụm di tích: Bến phà Xuân Sơn - Phong Nha; Bến phà Nguyễn Văn Trỗi; Cầu Trà Ang; Hang 8 TNXP; Sân bay Khe Gát, hệ thống các điểm di tích của Binh trạm 14 thuộc Bộ Tư lệnh 559 từ km 4,5 - 16,5 đường 20 Quyết Thắng.
Nguồn vốn cơ bản đầu tư cho cụm di tích này do Nhà nước bố trí qua dự án (khả thi) của Bộ Quốc phòng và Bộ Văn hóa - Thông tin.
+ Tập trung đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách (Trung ương và của tỉnh) cho một số di tích - danh thắng tại địa bàn thành phố Đồng Hới và một số vùng phụ cận để phục vụ cho công tác du lịch văn hóa - lịch sử - sinh thái hiện tại và trong tương lai đáp ứng nhiệm vụ kinh tế - xã hội địa phương.
Cụ thể là các di tích, danh thắng: Thành Đồng Hới; các địa điểm ghi dấu Bác Hồ về thăm Quảng Bình năm 1957; Cửa biển Nhật Lệ; Khu Giao tế Đức Ninh; Lũy Đào Duy Từ; Địa đạo Văn La; Hầm trú ẩn và làm việc của Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình trong chiến tranh chống Mỹ.
Cụm di tích này cơ bản sẽ đầu tư bằng nguồn vốn Chương mục tiêu của Quốc gia đến 2010 là cơ bản.
+ Bảo tồn khu nhà ở và gấp rút sưu tầm bổ sung hiện vật nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp gắn với hệ thống di tích lịch sử cách mạng thuộc khu vực Lệ Thủy như: Di tích trận địa pháo binh Ngư Thủy; trận chiến thắng Xuân Bồ; vụ thảm sát Mỹ Trạch; các di tích đường Hồ Chí Minh gắn với khu du lịch sinh thái Bang (đường 10, đường 16).
+ Đầu tư và mở tuyến tham quan du lịch lịch sử ở các trọng điểm trên đường 12A (Cha Lo, Đồi Nguyễn Viết Xuân, Đồi 37, Ngã 3 Khe Ve) với các điểm di tích của phong trào Cần Vương ở Minh Hóa.
+ Kêu gọi đầu tư (các dự án) vào danh thắng Đá Nhảy để phục vụ du lịch; bảo quản thường xuyên hệ thống di tích kiến trúc Đình, Chùa hiện có ở Quảng Bình. Vốn bảo tồn, tôn tạo cho loại hình di tích Đình, Chùa cơ bản là xã hội hóa, huy động từ trong dân và các tổ chức xã hội.
6. Nội dung và danh mục đầu tư giai đoạn 2005 - 2010
a) Nội dung đầu tư:
- Ngân sách Nhà nước tập trung đầu tư bảo tồn, tôn tạo các hạng mục di tích gốc, hạ tầng thuộc di tích, các công trình phục vụ khách tham quan di tích, cảnh quan thiên nhiên và văn hóa phi vật thể gắn với di tích. Các hạng mục ngoài khu vực di tích do các ngành khác và địa phương đảm nhiệm đầu tư.
- Phân kỳ đầu tư theo nguyên tắc:
+ Ưu tiên đầu tư các di tích đang thực hiện dang dở, hoặc đã được thiết kế, quy hoạch; các di tích mang tính đồng bộ tạo ra sản phẩm "du lịch văn hóa hoàn chỉnh".
+ Bố trí vốn đầu tư phù hợp với tiến độ thi công công trình di tích.
b) Danh mục và nguồn vốn đầu tư: (xem phụ lục kèm theo).
PHẦN III
GIẢI PHÁP VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
I. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
1. Một số cơ chế, chính sách cụ thể
- Hàng năm, tỉnh bố trí một nguồn kinh phí thuộc ngân sách tỉnh (ngoài phần đầu tư của Trung ương) cho lĩnh vực bảo tồn, tôn tạo và phát huy tác dụng di tích - danh thắng.
- Có chính sách sử dụng đất đai trong khu vực, điểm, vị trí di tích, phù hợp với các quy định của pháp luật về đất đai và di sản văn hóa. Nhanh chóng tiến hành việc cắm mốc giới di tích; khoanh vùng bảo vệ di tích và phân định rõ trách nhiệm bảo vệ di tích - danh thắng bằng giải pháp phân cấp quản lý.
- Các di tích lịch sử - văn hóa và danh thắng không thuộc tiêu chí trọng điểm giai đoạn 2006 - 2010, sẽ được tiếp tục đầu tư, tôn tạo trong những năm tiếp theo.
- Khuyến khích khai thác, sử dụng các nguồn vốn địa phương, tộc họ, các thành phần kinh tế, các nguồn đầu tư vào việc tôn tạo, bảo vệ và phát huy giá trị của di tích, có sự quản lý của Nhà nước theo quy định của Luật Di sản Văn hóa và các văn bản pháp luật có liên quan.
2. Nhanh chóng xem xét, quyết định phân cấp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị của di tích - danh thắng theo hướng
- Tỉnh tập trung quản lý một số di tích có giá trị khoa học và lịch sử lớn mang tầm quốc gia và khu vực.
- Phân cấp cho huyện, thành phố quản lý các di tích quốc gia còn lại và các di tích do UBND tỉnh ra Quyết định công nhận.
- Phân cấp cho xã, phường, thị trấn quản lý các di tích Đình, Chùa, Miếu, di tích tín ngưỡng, tôn giáo (thuộc địa bàn cơ sở mình).
Danh mục phân cấp, quản lý UBND tỉnh sẽ chỉ đạo và có quyết định cụ thể theo đề nghị của Sở Văn hóa - Thông tin.
3. Tăng cường nguồn lực (bao gồm nguồn lực về con người và kinh phí) cho việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy tác dụng của di tích. Có chính sách để đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác bảo tồn - bảo tàng có chuyên môn nghiệp vụ cao. Tăng đầu tư ngân sách hàng năm cho việc bảo tồn, tôn tạo di tích bằng nhiều nguồn vốn của Trung ương, của địa phương, các thành phần kinh tế và các nguồn khác.
4. Đẩy mạnh phương châm xã hội hóa di tích - danh thắng
- Các địa phương, đơn vị, thành phần kinh tế, phối hợp với cơ quan chuyên môn (ngành VH-TT) cùng tiến hành lập hồ sơ di tích - danh thắng trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Giao quyền bảo vệ, khai thác và phát huy tác dụng của di tích - danh thắng cho các địa phương, các cơ quan đơn vị phù hợp trên cơ sở phân cấp quản lý, đảm bảo các quy định hiện hành của Nhà nước.
- Vận động nhân dân lập Ban (Hội) bảo vệ di tích ở địa phương, cơ sở mình. Từng bước hình thành quỹ bảo tồn di tích - danh thắng và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn theo đúng quy định của Nhà nước.
5. Tăng cường vai trò quản lý Nhà nước về di tích - danh thắng của cơ quan chuyên ngành cũng như các cấp chính quyền địa phương, xử lý nghiêm các tổ chức cá nhân cố tình vi phạm Luật di sản văn hóa, xâm lấn làm huỹ hoại đến di tích - danh thắng theo luật định.
6. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục ý thức bảo vệ gìn giữ di tích -danh thắng cho cán bộ, nhân dân trong tỉnh bằng nhiều biện pháp phối hợp đồng bộ và thông qua hoạt động của các ban, ngành, đoàn thể, mặt trận, cơ quan, đơn vị, các cấp chính quyền.
II. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Trên cơ sở các nội dung Đề án, UBND tỉnh phân công trách nhiệm cho các ngành, các địa phương thực hiện các nhiệm vụ sau:
1. Sở Văn hóa - Thông tin
- Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố tổ chức triển khai thực hiện đề án.
- Lập kế hoạch vốn đầu tư hàng năm cho các dự án tu bổ, tôn tạo di tích -danh thắng trình UBND tỉnh và Bộ Văn hóa - Thông tin, Bộ Kế hoạch và Đầu tư quyết định đầu tư.
- Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về di tích - danh thắng theo Luật Di sản Văn hóa và các văn bản hiện hành của Bộ Văn hóa - Thông tin và của tỉnh.
- Tham mưu phân cấp quản lý di tích - danh thắng theo thẩm quyền.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Văn hóa - Thông tin tổ chức khai thác và bố trí, huy động các nguồn vốn đầu tư, cũng như cân đối vốn hàng năm cho các dự án trùng tu, tôn tạo di tích trọng điểm giai đoạn 2005 - 2010.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Văn hóa - Thông tin và các sở, ngành liên quan xây dựng cơ chế chính sách chuyên ngành cho việc thực hiện Đề án.
3. Sở Thương mại - Du lịch: Chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa - Thông tin xây dựng, điều chỉnh quy hoạch các tuyến, điểm tham quan du lịch gắn với khai thác hệ thống di tích lịch sử - văn hóa của tỉnh.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Văn hóa -Thông tin lồng ghép vốn hạ tầng cơ sở du lịch hàng năm phù hợp với việc bảo tồn, khai thác di tích.
4. Sở Tài nguyên và Môi trường: Phối hợp với Sở Văn hóa - Thông tin và chính quyền các địa phương trong việc đề xuất phương án khoanh vùng bảo vệ di tích phù hợp; cấp phép sử dụng đất di tích - danh thắng cũng như tạo quỹ đất cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm phát huy tác dụng của di tích - danh thắng trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
5. Sở Xây dựng: Chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa - Thông tin và các ban, ngành hữu quan trong việc xây dựng định mức đặc thù cho bảo tồn, tôn tạo di tích - danh thắng.
6. Báo Quảng Bình, Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Bình: Có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về mục đích, ý nghĩa và trách nhiệm của công dân và toàn xã hội trong việc bảo vệ, tôn tạo và phát huy giá trị của các di tích - danh thắng.
Các sở, ban, ngành hữu quan và UBND các huyện, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình để phối hợp và tổ chức thực hiện Đề án có hiệu quả.
Sở Văn hóa - Thông tin giúp UBND tỉnh theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá và định kỳ báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện Đề án này./.
DANH MỤC
DỰ ÁN TRÙNG TU, TÔN TẠO DI TÍCH - DANH THẮNG
(Thuộc vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia)
Đơn vị tính: Triệu đồng
TT | Danh mục công trình | Địa điểm | Thời gian KC-HT | Năng lực thiết kế | Tổng mức đầu tư | Thực hiện 2001-2005 | Giai đoạn 2006 - 2010 | |||||
2006 | 2007 | 2008 | 2009 | 2010 | 5 năm | |||||||
| Tổng cộng |
|
|
| 51.700 | 13.500 | 8.900 | 13.350 | 6.050 | 7.800 | 2.100 | 38.000 |
I | Công trình chuyển tiếp |
|
|
| 34.100 | 13.500 | 8.100 | 12.500 |
|
|
| 20.600 |
1 | Bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử Thành Đồng Hới | Đồng Hới | 2004-2006 |
| 31.500 | 12.000 | 7.000 | 12.000 |
|
|
| 19.500 |
2 | Tượng đài Nữ pháo binh Ngư Thủy | Lệ Thủy | 2005-2006 |
| 2.600 | 1.500 | 1.100 |
|
|
|
| 1.100 |
II | Công trình xây dựng mới |
|
|
| 17.600 |
| 800 | 850 | 6.050 | 7.800 | 2.100 | 17.600 |
1 | Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh | Đồng Hới | 2008-2009 |
| 12.000 |
|
|
| 5.000 | 7.000 |
| 12.000 |
2 | Trận địa pháo binh Quang Phú | nt | 2006 |
| 50 |
| 50 |
|
|
|
| 50 |
3 | Sở Chỉ huy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Bình | nt | 2006 |
| 50 |
| 50 |
|
|
|
| 50 |
4 | Cửa Nhật lệ | nt | 2007 |
| 100 |
|
| 100 |
|
|
| 100 |
5 | Chiến khu Thuận Đức | nt | 2008 |
| 50 |
|
|
| 50 |
|
| 50 |
6 | Nhà lao Đồng Hới | nt | 2008 |
| 50 |
|
|
| 50 |
|
| 50 |
7 | Những điểm Bác Hồ thăm Đồng Hới | nt | 2010 |
| 200 |
|
|
|
|
| 200 | 200 |
8 | Địa đạo Văn La | nt | 2006 |
| 100 |
| 100 |
|
|
|
| 100 |
9 | Danh thắng núi Thần Đinh | nt | 2006-2007 |
| 1.000 |
| 500 | 500 |
|
|
| 1.000 |
10 | Lăng mộ Lê Sỹ | nt | 2008 |
| 100 |
|
|
| 100 |
|
| 100 |
11 | Thôn chiến đấu Hiển Lộc | nt | 2008 |
| 50 |
|
|
| 50 |
|
| 50 |
12 | Phục hồi một đoạn Lũy Đào Duy Từ | nt | 2010 |
| 400 |
|
|
|
|
| 400 | 400 |
13 | Xã chiến đấu Hưng Đạo | Lệ Thủy | 2006 |
| 50 |
| 50 |
|
|
|
| 50 |
14 | Lăng mộ Võ Xuân Cẩn | nt | 2009 |
| 50 |
|
|
|
| 50 |
| 50 |
15 | Ga Kẻ Rấy | Bố Trạch | 2008 |
| 100 |
|
|
| 100 |
|
| 100 |
16 | Danh thắng Lý Hòa | Bố Trạch | 2008 |
| 200 |
|
|
| 200 |
|
| 200 |
17 | Đình Tượng Sơn | Quảng Trạch | 2007 |
| 200 |
|
| 200 |
|
|
| 200 |
18 | Hoành Sơn Quang | nt | 2007 |
| 50 |
|
| 50 |
|
|
| 50 |
19 | Đình Lộc Hiển | nt | 2008 |
| 100 |
|
|
| 100 |
|
| 100 |
20 | Đình La Hà | nt | 2009 |
| 100 |
|
|
|
| 100 |
| 100 |
21 | Đình Thuận Bài | nt | 2009 |
| 100 |
|
|
|
| 100 |
| 100 |
22 | Di tích Trung Thôn | nt | 2009 |
| 100 |
|
|
|
| 100 |
| 100 |
23 | Chùa Ngọa Cương | nt | 2010 |
| 100 |
|
|
|
|
| 100 | 100 |
24 | Đền Truy Viễn Đường | nt | 2010 |
| 100 |
|
|
|
|
| 100 | 100 |
25 | Lăng mộ Nguyễn Hàm Ninh | nt | 2010 |
| 100 |
|
|
|
|
| 100 | 100 |
26 | Hang lèn Đại Hòa | Tuyên Hóa | 2006 |
| 50 |
| 50 |
|
|
|
| 50 |
27 | Di tích Bãi Đức | nt | 2009 |
| 50 |
|
|
|
| 50 |
| 50 |
28 | Di tích Cần Vương | Minh Hóa | 2010 |
| 500 |
|
|
|
|
| 500 | 500 |
29 | Đền liệt sĩ các TNXP Đồi 37 | Đường 12A | 2008 |
| 500 |
|
|
| 500 |
|
| 500 |
5000 | Di tích các điểm thuộc đường Hồ Chí Minh (đường 10, 16, 12A) | Dọc đường Hồ Chí Minh | 2009-2010 |
| 100.000 |
|
|
|
| 50.000 | 50.000 | 100.000 |