Chỉ thị số 18/2004/CT-UB ngày 13/08/2004 Về tăng cường chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện 6 Chương trình trọng tâm và 6 Công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 18/2004/CT-UB
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Lâm Đồng
- Ngày ban hành: 13-08-2004
- Ngày có hiệu lực: 13-08-2004
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 20-08-2012
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 2929 ngày (8 năm 0 tháng 9 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 20-08-2012
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 18/2004/CT-UB | ĐàLạt, ngày 13 tháng 08 năm 2004 |
CHỈ THỊ
V/V TĂNG CƯỜNG CHỈ ĐẠO, TỔ CHỨC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN 6 CHƯƠNG TRÌNH TRỌNG TÂM VÀ 6 CÔNG TRÌNH TRỌNG ĐIỂM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG
Tại Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh uỷ lần thứ 28 (khoá VII) và Hội nghị kiểm điểm giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội VII Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng, Tỉnh uỷ đã xác định 6 công trình trọng điểm và 6 chương trình trọng tâm để tập trung chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế để đẩy nhanh tốc độ tăng GDP, gắn với việc chuyển dịch mạnh về cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng ngành dịch vụ du lịch, công nghiệp - xây dựng và nông nghiệp công nghệ cao trong tổng giá trị GDP, đồng thời nâng cao hiệu quả sức cạnh tranh của nền kinh tế của tỉnh nhà.
Sáu công trình trọng điểm, gồm: Dự án mở rộng nâng cấp Cảng hàng không Liên Khương; Dự án xây dựng đường cao tốc Dầu Giây - Đà Lạt; Dự án xây dựng đường ĐT.723 (nâng lên quốc lộ nối Đà Lạt - Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà); Khu Công nghiệp Lộc Sơn (Bảo Lộc); Khu Du lịch hồ Tuyền Lâm và Khu Du lịch Đan Kia - Suối Vàng.
Sáu chương trình trọng tâm, gồm: Chương trình phát triển nông nghiệp (gồm chương trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao và chương trình phát triển thuỷ lợi gắn với thuỷ điện vừa và nhỏ); Chương trình phát triển giao thông; Chương trình phát triển du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch hội nghị hội thảo; Chương trình phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; Chương trình xoá đói giảm nghèo, giải quyết việc làm gắn với các vấn đề bức xúc trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Chương trình khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực.
Thực hiện các chủ trương nêu trên của Tỉnh uỷ và UBND tỉnh, thời gian qua, các cấp, các ngành đã có cố gắng trong việc thực hiện các công việc liên quan về công tác chuẩn bị đầu tư các công trình trọng điểm, tất cả các công trình đã đi vào triển khai công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng, thu hút đầu tư...; các chương trình trọng tâm đã được nghiên cứu xây dựng, đến nay đã phê duyệt 5 chương trình, một số chương trình đã được tổ chức thực hiện việc qui hoạch, lập các tiểu dự án và phân bổ vốn triển khai thực hiện theo kế hoạch tiến độ. Kết quả bước đầu của việc triển khai thực hiện các công trình trọng điểm và các chương trình trọng tâm đã tạo được khí thế và động lực tích cực, góp phần tăng trưởng kinh tế của tỉnh, được các cấp, các ngành và nhân dân đồng tình hưởng ứng.
Tuy nhiên, tiến độ thực hiện nhìn chung còn chậm. Các ngành chức năng liên quan và các địa phương chưa vào cuộc quyết liệt, chưa kịp thời cụ thể hoá nội dung các chương trình để tổ chức thực hiện; việc thực hiện các công việc liên quan như chuẩn bị đầu tư các công trình, công tác đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư, giải quyết các thủ tục về đầu tư xây dựng...thực hiện chưa tốt và chưa kịp thời. Tinh thần trách nhiệm của một số cán bộ công chức trong tổ chức thực hiện còn hạn chế...
Để khắc phục tình hình trên và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình trọng điểm và các chương trình trọng tâm, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Chỉ thị:
1. Giám đốc các Sở, ban ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị, thành phải tổ chức quán triệt đến cán bộ, công chức và nhân dân về ý nghĩa quan trọng của các công trình trọng điểm và các chương trình trọng tâm của tỉnh trong việc thúc đẩy nền kinh tế của tỉnh phát triển nhằm nâng cao nhận thức trong tổ chức thực hiện. Trên cơ sở các chương trình trọng tâm đã được UBND tỉnh phê duyệt, trong tháng 8 năm 2004, Giám đốc các Sở, ngành chức năng và Chủ tịch UBND các huyện, thị phải hoàn thành việc xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể để tổ chức triển khai thực hiện.
2. Các ngành chức năng liên quan được UBND tỉnh giao nhiệm vụ chính để tổ chức thực hiện các chương trình trọng tâm và theo dõi triển khai thực hiện các công trình trọng điểm phải phân công một đồng chí lãnh đạo và phân công cán bộ thường xuyên theo dõi, trực tiếp chỉ đạo, tổ chức triển khai và chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về kết quả thực hiện.
Chủ tịch UBND các huyện, thị có công trình trọng điểm trên địa bàn quản lý chịu trách nhiệm chỉ đạo toàn diện những công việc có liên quan. Tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động cán bộ và nhân dân hưởng ứng, chấp hành các chính sách của nhà nước khi triển khai thực hiện đầu tư xây dựng các công trình; đặc biệt, chú trọng thực hiện tốt công tác đền bù giải phóng mặt bằng, tổ chức tái định cư. Nơi nào để vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án, công trình, Chủ tịch UBND cấp huyện, thị nơi đó phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh.
3. UBND các huyện, thị phải báo cáo xin ý kiến cấp uỷ địa phương để vừa tổ chức thực hiện tốt các công trình trọng điểm, các chương trình trọng tâm của tỉnh, đồng thời xác định các công trình trọng điểm, các chương trình trọng tâm của riêng địa phương mình để tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện (các công trình trọng điểm xác định ở địa phương có thể là công trình do các Bộ ngành Trung ương hoặc của tỉnh, hoặc của huyện làm chủ đầu tư).
4. Các ngành, đơn vị chức năng liên quan và UBND các huyện, thị đặc biệt chú trọng công tác cải cách thủ tục hành chính trong việc xử lý, giải quyết các thủ tục, công việc có liên quan đến các công trình trọng điểm và các chương trình trọng tâm. Yêu cầu về thời gian thẩm định, phê duyệt mọi hồ sơ, thủ tục liên quan là không quá 10 ngày, nếu có vướng mắc phải báo cáo kịp thời để UBND tỉnh xem xét, có hướng chỉ đạo giải quyết. Tinh thần chỉ đạo chung là tập trung hoàn thành càng sớm càng tốt. Ngoài ra, phải cải cách các thủ tục hành chính liên quan để tập trung đẩy mạnh lĩnh vực thu hút đầu tư trên các địa bàn trong tỉnh.
5. Về trách nhiệm cụ thể của một số Sở, ngành:
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: khẩn trương hoàn thành qui hoạch các khu nông nghiệp công nghệ cao ở các địa phương; tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện dự án qui hoạch Khu nông nghiệp công nghệ cao ở xã Đạ Sar, Đạ Cháy, huyện Lạc Dương; hoàn thành sớm qui hoạch các điểm rừng nghèo kiệt gắn với phát triển chăn nuôi; làm việc với đơn vị tư vấn để hoàn chỉnh qui hoạch thuỷ điện vừa và nhỏ gắn với phát triển thuỷ lợi, du lịch.
- Sở Giao thông Vận tải: khẩn trương tổ chức thực hiện hoàn thành việc điều chỉnh qui hoạch phát triển giao thông vận tải toàn tỉnh; làm việc với Tổng công ty tư vấn giao thông vận tải - Bộ GTVT để hoàn thành sớm BCNCTKT Dự án đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương; phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan có biện pháp để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và thi công xây dựng đường cao tốc đoạn Liên Khương - chân đèo Prenn; đôn đốc các đơn vị tư vấn, các nhà thầu đẩy nhanh việc hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành toàn tuyến ĐT.723 từ Đà Lạt đến ranh giới tỉnh Khánh Hoà.
- Sở Du Lịch và Thương mại: khẩn trương tổ chức thực hiện hoàn thành việc điều chỉnh qui hoạch tổng thể phát triển du lịch toàn tỉnh, qui hoạch các Khu Du lịch dưới tán rừng; qui hoạch chi tiết và lập dự án đầu tư Khu Du lịch văn hoá Lang Biang, Khu Du lịch Cam Ly - Măng Lin, Khu Du lịch hồ thuỷ điện Đại Ninh, Đa Nhim...; chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt công tác xúc tiến đầu tư thương mại; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, giải quyết kịp thời các khó khăn vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án Khu Du lịch hồ Tuyền Lâm, Đan Kia - Suối Vàng, các dự án xây dựng siêu thị, trung tâm thương mại...
- Sở Công nghiệp: tập trung chỉ đạo, hướng dẫn và đôn đốc các địa phương hoàn thành qui hoạch các cụm, điểm công nghiệp trong năm 2004 để sớm lập dự án đầu tư, đền bù giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng hạ tầng và kêu gọi đầu tư. Phối hợp chặt chẽ với các Sở, ban ngành, các địa phương liên quan để kiểm tra, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện công tác đền bù giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng và thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp Lộc Sơn (Bảo Lộc), Phú Hội (Đức Trọng).
- Sở Kế hoạch và Đầu tư: tiếp tục nghiên cứu, đề xuất Tỉnh uỷ, UBND tỉnh điều chỉnh cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư; cùng với các ngành liên quan tổ chức các cuộc hội thảo giới thiệu về chính sách ưu đãi đầu tư để thu hút ngày càng nhiều dự án đầu tư vào 6 chương trình trọng tâm, 6 công trình trọng điểm của tỉnh. Trong xây dựng kế hoạch kinh tế - xã hội hàng năm của tỉnh, phải đặc biệt chú trọng đề xuất tập trung nguồn lực cho tổ chức thực hiện các chương trình trọng tâm, các công trình trọng điểm.
- Ban Dân tộc Miền núi, Sở Lao động Thương binh và Xã hội và các sở ngành liên quan, trên cơ sở chương trình xóa đói giảm nghèo gắn với giải quyết những vấn đề bức xúc trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và kết luận chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về tiếp tục đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị và giữ vững an ninh quốc phòng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số để xây dựng các đề án tổ chức thực hiện cụ thể, trước mắt là các đề án về giải quyết đất ở, đất sản xuất, nhà ở, cung cấp nước sạch theo tinh thần Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg ngày 20/7/2004 của Thủ tướng Chính phủ và các đề án đã được UBND tỉnh phê duyệt; tăng cường kiểm tra, nắm vững tình hình ở cơ sở, kịp thời tham mưu đề xuất Tỉnh uỷ, UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc đặt ra.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các Sở, ban ngành, đơn vị chức năng và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã Bảo Lộc, thành phố Đà Lạt tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc các nội dung Chỉ thị này./.
| CHỦ TỊCH UBND TỈNH LÂM ĐỒNG |