cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 1604/2005/QĐ-TCHQ ngày 30/09/2005 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Về tổ chức thi cấp chứng chỉ nghiệp vụ khai hải quan cho nhân viên đại lý làm thủ tục hải quan (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 1604/2005/QĐ-TCHQ
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Tổng cục Hải quan
  • Ngày ban hành: 30-09-2005
  • Ngày có hiệu lực: 30-09-2005
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 03-01-2017
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 4113 ngày (11 năm 3 tháng 8 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 03-01-2017
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 03-01-2017, Quyết định số 1604/2005/QĐ-TCHQ ngày 30/09/2005 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Về tổ chức thi cấp chứng chỉ nghiệp vụ khai hải quan cho nhân viên đại lý làm thủ tục hải quan (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 01/QĐ-TCHQ ngày 03/01/2017 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Công bố Danh mục Quyết định của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ban hành quy trình, quy chế theo thẩm quyền đã hết hiệu lực”. Xem thêm Lược đồ.

TỔNG CỤC HẢI QUAN
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 1604/2005/QĐ-TCHQ

Hà Nội, ngày 30 tháng 09 năm 2005 

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC HẢI QUAN VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ VỀ TỔ CHỨC THI CẤP CHỨNG CHỈ NGHIỆP VỤ KHAI HẢI QUAN CHO NHÂN VIÊN ĐẠI LÝ LÀM THỦ TỤC HẢI QUAN

TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC HẢI QUAN

Căn cứ Luật Hải quan ngày 29/6/2001;
Căn cứ Nghị định số 96/CP ngày 02/3/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Hải quan;
Căn cứ Nghị định số 79/2005/NĐ-CP ngày 16/6/2005 của Chính phủ quy định về điều kiện đăng ký và hoạt động của đại lý Hải quan;
Căn cứ Thông tư số 73/2005/TT-BTC ngày 5/9/2005 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 79/2005/NĐ-CP ngày 16/6/2005 của Chính phủ quy định về điều kiện đăng ký và hoạt động của đại lý làm thủ tục hải quan;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Giám sát, quản lý về Hải quan, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ
,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1: Ban hành kèm theo quyết định này bản Quy chế về tổ chức thi cấp chứng chỉ khai hải quan cho nhân viên đại lý làm thủ tục hải quan.

Điều 2: Chánh Văn phòng Tổng cục, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Thủ trưởng các đơn vị thuộc cơ quan Tổng cục Hải quan, Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Hải quan và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

QUY CHẾ

VỀ TỔ CHỨC THI CẤP CHỨNG CHỈ NGHIỆP VỤ KHAI HẢI QUAN CHO NHÂN VIÊN ĐẠI LÝ LÀM THỦ TỤC HẢI QUAN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1604/QĐ-TCHQ ngày 30 tháng 9 năm 2005 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan)

Điều 1. Bản quy chế này áp dụng đối với các kỳ thi cấp Chứng chỉ nghiệp vụ khai hải quan cho nhân viên đại lý làm thủ tục hải quan.

Điều 2. Những người dự thi cấp chứng chỉ nghiệp vụ khai hải quan phải có đủ các điều kiện sau đây:

1. Đáp ứng điều kiện quy định tại điểm 2 phần II Thông tư số 73/2005/TT-BTC ngày 5/9/2005 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 79/2005/NĐ-CP ngày 16/6/2005 của Chính phủ quy định về điều kiện đăng ký và hoạt động của đại lý làm thủ tục hải quan;

2. Có công văn của doanh nghiệp cử đi thi;

3. Đã hoàn thành khoá đào tạo nghiệp vụ khai hải quan do cơ quan có thẩm quyền tổ chức; Nếu tham dự khoá đào tạo nghiệp vụ khai hải quan do Tổng cục Hải quan tổ chức thì phải tham dự ít nhất 80% thời gian đào tạo của từng nội dung;

4. Phải nộp đủ lệ phí thi theo quy định.

Điều 3. Hội đồng thi cấp Chứng chỉ nghiệp vụ khai hải quan (sau đây gọi tắt là Hội đồng thi) được thành lập theo quyết định của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, hoạt động cho mỗi một kỳ thi và tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

Hội đồng thi được sử dụng con dấu của Tổng cục Hải quan trong thời gian hoạt động của Hội đồng thi.

Điều 4. Thành phần của Hội đồng thi có 5 hoặc 7 người, bao gồm:

1. Chủ tịch Hội đồng: là 1 Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan;

2. Phó Chủ tịch Hội đồng: là 1 hoặc 2 lãnh đạo cấp Vụ, Cục thuộc Tổng cục Hải quan;

3. Thư ký Hội đồng: là 1 công chức thuộc cơ quan Tổng cục Hải quan;

4. Các uỷ viên Hội đồng: là lãnh đạo hoặc công chức Hải quan thuộc các Vụ, Cục chức năng liên quan thuộc Tổng cục Hải quan.

Điều 5. Hội đồng thi có nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

1. Hướng dẫn thể lệ, quy chế thi, hồ sơ cần thiết của người dự thi, nội dung thi, các tài liệu nghiên cứu, tham khảo trước khi thi cho người dự thi (gọi là thí sinh);

2. Thành lập Ban coi thi, Ban chấm thi và chỉ đạo hoạt động của các Ban coi thi, Ban chấm thi theo đúng quy chế;

3. Thông báo kế hoạch tổ chức thi cho thí sinh;

4. Nhận và xem xét hồ sơ dự thi, lập danh sách người đủ điều kiện dự thi;

5. Tổ chức việc ra đề, chọn đề thi đảm bảo đúng nội dung hướng dẫn thi và yêu cầu của khoá đào tạo nghiệp vụ khai hải quan;

6. Lập danh sách kết quả thi và thông báo cho doanh nghiệp cử người dự thi biết kết quả thi của thí sinh;

7. Tổ chức việc phúc tra kết quả thi nếu thí sinh có khiếu nại trong vòng 15 ngày kể từ ngày nhận được thông báo về kết quả thi;

8. Báo cáo kết quả thi với Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan để xem xét, cấp chứng chỉ nghiệp vụ khai hải quan.

Điều 6. Nhiệm vụ, quyền hạn của các thành viên Hội đồng thi:

1. Chủ tịch Hội đồng:

1.1. Có trách nhiệm tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của Hội đồng thi quy định tại Điều 5 quy chế này và chỉ đạo quá trình thi;

1.2. Quy định nội quy thi.

1.3. Quyết định thành lập Ban coi thi, Ban chấm thi và chỉ định thành viên của các Ban này;

1.4. Phân công nhiệm vụ cho từng thành viên của Hội đồng thi;

1.5. Tổ chức việc ra đề thi và lựa chọn đề thi với thời gian thi viết 60 phút cho mỗi môn thi theo đúng quy định, đảm bảo tuyệt đối bí mật;

1.6. Duyệt danh sách thí sinh dự thi; thông báo kết quả thi và báo cáo kết quả thi với Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan như quy định tại Điều 5.

2. Phó Chủ tịch Hội đồng:

2.1. Giúp Chủ tịch Hội đồng thi chuẩn bị, tổ chức thực hiện nhiệm vụ của Hội đồng thi và điều hành công việc do Chủ tịch Hội đồng thi phân công;

2.2. Hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra quá trình coi thi, chấm thi;

2.3. Cùng với Chủ tịch Hội đồng thi xem xét và công bố kết quả thi.

3. Thư ký Hội đồng:

3.1. Tổ chức việc tiếp nhận hồ sơ của người xin dự thi;

3.2. Tổ chức hướng dẫn cho thí sinh ôn thi trước khi thi;

3.3. Tập hợp các đề thi, đáp án báo cáo Chủ tịch Hội đồng thi;

3.4. Tổ chức việc thu nhận bài thi và tài liệu có liên quan; đánh mã phách, rọc phách bài thi, làm thủ tục chuyển giao cho Ban chấm thi;

3.5. Tổ chức thu nhận bài chấm thi, khớp phách, lập bảng điểm và lập danh sách kết quả thi báo cáo Hội đồng thi;

3.6. Chuẩn bị hồ sơ, tài liệu cho Hội đồng thi và ghi biên bản các cuộc họp của Hội đồng;

3.7. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Chủ tịch Hội đồng thi phân công.

4. Các uỷ viên Hội đồng thực hiện nhiệm vụ do Chủ tịch Hội đồng thi phân công.

Điều 7. Nhiêm vụ Ban coi thi và Ban chấm thi:

1. Ban coi thi có Trưởng ban và những người coi thi (gọi là giám thị) có nhiệm vụ:

1.1. Tổ chức, sắp xếp và phân công giám thị tại các phòng thi và giám thị ở bên ngoài phòng thi (giám thị biên), bố trí bảo vệ nơi tổ chức thi; bố trí thí sinh vào phòng thi;

1.2. Tiếp nhận đề thi, phát đề thi, thu bài thi, bàn giao bài thi theo đúng quy chế;

1.3. Lập biên bản những trường hợp vi phạm quy chế thi báo cáo Chủ tịch Hội đồng thi xem xét, giải quyết;

1.4. Trưởng Ban coi thi có quyền tạm đình chỉ việc coi thi của giám thị hoặc tạm đình chỉ việc thi của thí sinh nếu thấy có căn cứ vi phạm quy chế thi và báo cáo ngay với Chủ tịch Hội đồng thi để xem xét, quyết định;

1.5. Giám thị phòng thi có trách nhiệm coi thi tại phòng thi hoặc bên ngoài phòng thi theo phân công, kiểm tra thẻ dự thi, chứng minh thư hoặc giấy tờ tuỳ thân của thí sinh, phổ biến quy chế thi, phát giấy thi, đề thi, thu nộp bài thi theo quy định; tổng hợp tình hình phòng thi và lập biên bản những trường hợp vi phạm quy chế thi, báo cáo Trưởng ban coi thi.

2. Ban chấm thi có Trưởng ban và những người chấm thi (gọi là giám khảo) có nhiệm vụ:

2.1. Trao đổi, thảo luận, thống nhất đáp án, thang điểm đã được Chủ tịch Hội đồng thi quy định trước khi chấm;

2.2. Bố trí người chấm thi theo nguyên tắc mỗi bài thi (viết), mỗi bàn thi vấn đáp (nếu có) phải có 2 giám khảo chấm thi độc lập theo thang điểm 10;

Khi khớp điểm giữa 2 giám khảo, nếu có sự chênh lệch không quá 1 điểm thì điểm của bài thi là trung bình cộng điểm chấm của 2 giám khảo, nếu chênh lệch trên 1 điểm thì 2 giám khảo trao đổi để thống nhất điểm cho bài thi, nếu không thống nhất được thì báo cáo Trưởng ban chấm thi quyết định;

2.3. Phát hiện bài thi vi phạm quy chế báo cáo Hội đồng;

2.4. Thu nhận bài thi đã chấm, bàn giao bài thi và kết quả thi cho Thư ký Hội đồng;

2.5. Giữ bí mật kết quả điểm thi;

2.6. Tổ chức phúc tra bài thi theo yêu cầu của Chủ tịch Hội đồng thi.

Điều 8. Người đạt yêu cầu thi, được Hội đồng thi đề nghị Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cấp Chứng chỉ nghiệp vụ khai hải quan là người có đủ điều kiện dự thi và phải đạt từ 5 điểm trở lên cho mỗi môn thi./.