cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Chỉ thị số 25/2004/CT-UB ngày 30/07/2004 Về tiếp tục kiện toàn, củng cố về tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh An Giang do Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang ban hành (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 25/2004/CT-UB
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh An Giang
  • Ngày ban hành: 30-07-2004
  • Ngày có hiệu lực: 30-07-2004
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 26-03-2015
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 3891 ngày (10 năm 8 tháng 1 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 26-03-2015
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 26-03-2015, Chỉ thị số 25/2004/CT-UB ngày 30/07/2004 Về tiếp tục kiện toàn, củng cố về tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh An Giang do Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang ban hành (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Chỉ thị số 06/2015/CT-UBND ngày 16/03/2015 Củng cố tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh An Giang”. Xem thêm Lược đồ.

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 25/2004/CT-UB

Long Xuyên, ngày 30 tháng 07 năm 2004 

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TIẾP TỤC KIỆN TOÀN, CỦNG CỐ VỀ TỔ CHỨC, NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG HÒA GIẢI Ở CƠ SỞ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG

Hoạt động hòa giải cơ sở trên địa bàn tỉnh An Giang đã được hình thành rất sớm ; sau khi Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh Tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở đã tạo cơ sở pháp lý cho việc kiện toàn về tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở. Đến nay, An Giang đã xây dựng được 1.137 tổ hòa giải với 5.397 thành viên; hằng năm các tổ hòa giải đã nhận và đưa ra hòa giải trên 10.000 vụ, việc; tỷ lệ hòa giải thành trên 70%, đã góp phần quan trọng thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương, giải quyết kịp thời, tại chổ những vi phạm pháp luật và tranh chấp trong nội bộ nhân dân, gìn giữ tình làng nghĩa xóm, xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, nâng cao ý thức pháp luật của cộng đồng.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, phong trào hòa giải ở cơ sở phát triển chưa toàn diện. Ngoài những địa phương có phong trào hòa giải mạnh, tỷ lệ hòa giải thành cao, vẫn còn nhiều địa phương phong trào hòa giải cơ sở phát triển chậm, các tổ hòa giải hoạt động yếu, tỷ lệ hòa giải thành đạt thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ của công tác hòa giải ở cơ sở đặt ra. Để tiếp tục kiện toàn, củng cố về tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh An Giang, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:

1- Sở Tư pháp phối hợp với các Sở, Ban ngành, Đoàn thể có liên quan, cùng với Ủy ban nhân dân các huyện, thị, thành phố hướng dẫn thực hiện các quy định về tổ chức và hoạt động hòa giải ở địa phương ; tổ chức tốt cuộc thi "Hòa giải viên giỏi từ cơ sở đến cấp tỉnh" và tổng kết 5 năm thực hiện Pháp lệnh Tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở.

Tổ chức các lớp tập trung bồi dưỡng kiến thức về đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ hòa giải cho đội ngũ làm công tác hòa giải cơ sở.

Sơ kết, tổng kết công tác hoà giải báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Tư pháp.

2- Ủy ban nhân dân huyện, thị, thành phố chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn tăng cường, củng cố, bổ sung thành viên cho tổ hòa giải đảm bảo tiêu chuẩn, trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật.

Tạo điều kiện, hỗ trợ kinh phí cho việc kiện toàn tổ chức, bồi dưỡng nghiệp vụ, sơ kết, tổng kết, thi đua khen thưởng nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động hòa giải ở địa phương ; bảo đảm nguồn kinh phí thực hiện thống nhất trong toàn tỉnh theo Quyết định số 2564/QĐ-CTUB ngày 12 thàng 12 năm 2003 của Chủ tịch UBND tỉnh An Giang về việc điều chỉnh mức chi hỗ trợ công tác hòa giải ở cơ sở.

3- Phòng Tư pháp các huyện, thị, thành phố có trách nhiệm hướng dẫn các Ban Tư pháp xã triển khai thực hiện các quy định về công tác hòa giải ở địa phương.

Cung cấp tài liệu nghiệp vụ cho các Tổ hòa giải; sơ kết, tổng kết công tác hòa giải của Tổ; báo cáo công tác hòa giải với Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn và cơ quan Tư pháp cấp trên; tổ chức phong trào thi đua trong công tác hòa giải ở địa phương.

4- Sở Tư pháp phối hợp với Hội đồng thi đua khen thưởng của tỉnh xây dựng quy chế về thi đua, khen thưởng trong công tác hòa giải và tổ chức triển khai thực hiện quy chế.

5- Sở Văn hóa - Thông tin, Đài Phát thanh truyển hình An Giang, Báo An Giang đẩy mạnh tuyên truyền về thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở. Đưa tin về kết quả hoạt động hòa giải ở cơ sở; giới thiệu những thành tích xuất sắc và những kết quả đạt được trong công tác hòa giải cơ sở.

Yêu cầu thủ trưởng các Sở, ban ngành cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị, thành phố tổ chức thực hiện tốt chỉ thị này. Trong quá trình thực hiện nếu có vấn đề phát sinh hoặc vướng mắc thì phản ánh kịp thời về Sở Tư pháp để nơi đây tổng hợp, báo cáo và đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xử lý.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Đảm