Chỉ thị số 23/2004/CT-UB ngày 21/07/2004 Về tăng cường công tác đăng ký giao dịch bảo đảm trên địa bàn tỉnh An Giang do Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang ban hành
- Số hiệu văn bản: 23/2004/CT-UB
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Cơ quan ban hành: Tỉnh An Giang
- Ngày ban hành: 21-07-2004
- Ngày có hiệu lực: 21-07-2004
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 30-09-2020
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 5915 ngày (16 năm 2 tháng 15 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 30-09-2020
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 23/2004/CT-UB | Long Xuyên, ngày 21 tháng 07 năm 2004 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC ĐĂNG KÝ GIAO DỊCH BẢO ĐẢM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG
Trong thời gian qua, hoạt động đăng ký giao dịch bảo đảm trên địa bàn tỉnh An Giang bước đầu đi vào nề nếp và đạt được kết qủa nhất định. Tuy nhiên việc tổ chức triển khai thực hiện Nghị định số 08/2000/NĐ-CP ngày 10/3/2000 của Chính phủ về đăng ký giao dịch bảo đảm chưa đồng bộ, nhất là tổ chức đăng ký thế chấp, bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất cho các cá nhân, hộ gia đình tại Ủy ban nhân dân cấp xã. Việc hướng dẫn bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ đăng ký giao dịch bảo đảm cho cán bộ làm công tác chuyên môn chưa được thực hiện kịp thời và đúng lúc. Các giao dịch bảo đảm đã đăng ký là nguồn thông tin quan trọng để các bên xem xét, quyết định đầu tư, xác lập các giao dịch dân sự, kinh tế, đặc biệt đối với hoạt động tín dụng ngân hàng và công tác quản lý nhà nước về các loại tài sản có liên quan đến một số cơ quan nhưng chưa được khai thác, sử dụng triệt để. Chính vì vậy mà hoạt động đăng ký giao dịch bảo đảm chưa thực sự phát huy hết ý nghĩa và vai trò thực tế.
Nhằm khắc phục những hạn chế nêu trên; đồng thời tiếp tục thực hiện Nghị định số 08/2000/NĐ-CP ngày 10/3/2000 của Chính phủ về đăng ký giao dịch bảo đảm và Chỉ thị số 21/2003/CT-TTg ngày 02/10/2003 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác đăng ký giao dịch bảo đảm; Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:
1- Sở Tư pháp phối hợp với các sở, ban ngành tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thị, thành phố xây dựng kế hoạch, tổ chức hội nghị triển khai thực hiện Nghị định số 08/2000/NĐ-CP của Chính phủ về đăng ký giao dịch bảo đảm và các văn bản có liên quan.
Biên soạn tài liệu, đề cương, tổ chức tập huấn và bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ làm công tác đăng ký giao dịch bảo đảm.
Phối hợp với Trung tâm lưu trữ tỉnh xây dựng cơ sở dữ liệu về đăng ký giao dịch bảo đảm phục vụ nhu cầu tìm hiểu thông tin về giao dịch bảo đảm cho tổ chức và cá nhân.
2- Sở Tài nguyên & Môi trường phối hợp với Sở Tư pháp thực hiện việc đăng ký giao dịch bảo đảm bao gồm cả thế chấp, bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất và thực hiện chế độ báo cáo định kỳ sáu tháng, hàng năm về Sở Tư pháp để nơi đây tổng hợp.
3- Sở Nội vụ phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên & Môi trường và Ủy ban nhân dân các huyện, thị, thành phố xây dựng các chức danh, tiêu chuẩn đăng ký viên cho các cơ quan đơn vị đăng ký giao dịch bảo đảm.
4- Ủy ban nhân dân các huyện, thị, thành phố có nhiệm vụ bố trí cán bộ, phương tiện làm việc cho Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn trong phạm vi biên chế được giao và dự toán ngân sách nhà nước hàng năm, bảo đảm cho cơ quan này thực hiện tốt nhiệm vụ đăng ký và cung cấp thông tin về thế chấp, bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất theo thẩm quyền.
Chỉ đạo cơ quan chuyên môn kiểm tra việc thực hiện đăng ký, cung cấp thông tin về thế chấp, bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; thực hiện chế độ báo cáo định kỳ sáu tháng và hàng năm cho Sở Tư pháp về đăng ký, thế chấp và bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất.
Phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên & Môi trường thực hiện rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về giao dịch bảo đảm, đăng ký giao dịch bảo đảm để kiến nghị cấp có thẩm quyền kiểm tra, xử lý văn bản trái pháp luật; thường xuyên bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác đăng ký thế chấp, bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất.
5- Ngân hàng nhà nước Việt Nam chi nhánh An Giang có nhiệm vụ kiểm tra việc tuân thủ pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm của cá nhân, tổ chức tín dụng thuộc quyền quản lý; chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng cường tìm hiểu thông tin về giao dịch bảo đảm tại các cơ quan có thẩm quyền đăng ký, cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm trước khi quyết định nhận tài sản để bảo đảm các khoản vay.
6- Sở Tư pháp, Ngân hàng nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh An Giang, Sở Tài nguyên & Môi trường, Ủy ban nhân dân các huyện, thị, thành phố có nhiệm vụ nâng cao kiến thức pháp luật về giao dịch bảo đảm, đăng ký giao dịch bảo đảm cho cán bộ công chức hoạt động trong lĩnh vực có liên quan; phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về giao dịch bảo đảm, về mục đích, ý nghĩa, nội dung của hoạt động đăng ký, cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm trong các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp và trong nhân dân.
7- Giám đốc các Sở, ban ngành tỉnh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp chịu trách nhiệm thi hành chỉ thị này và báo cáo Sở Tư pháp về kết quả thực hiện.
Sở Tư pháp có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện chỉ thị này và thường kỳ sáu tháng báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Tư pháp,/,
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG |