Chỉ thị số 11/2004/CT-UBND ngày 23/06/2004 Tập trung giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Quyết định 139/2002/QĐ-TTg do tỉnh Điện Biên ban hành (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 11/2004/CT-UBND
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Điện Biên
- Ngày ban hành: 23-06-2004
- Ngày có hiệu lực: 23-06-2004
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 26-07-2012
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 2955 ngày (8 năm 1 tháng 5 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 26-07-2012
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 11/2004/CT-UBND | Điện Biên, ngày 23 tháng 6 năm 2004 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TẬP TRUNG GIẢI QUYẾT MỘT SỐ KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC TRONG QUÁ TRÌNH TRIỂN KHAI QUYẾT ĐỊNH 139 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Thực hiện Quyết định số 139/2002/QĐ-TTg ngày 15/10/2002 của Thủ tướng Chính phủ về việc khám chữa bệnh cho người nghèo và Thông tư liên tịch số 14/2002/TTLT/BYT-BTC ngày 16/12/2002 của Bộ Y tế, Bộ Tài chính. UBND tỉnh đã thành lập Quỹ KCB người nghèo và Ban quản lý Quỹ để chỉ đạo các ngành, các cấp triển khai mua thẻ BHYT cho người nghèo và tổ chức KCB cho người nghèo có thẻ BHYT tại các cơ sở KCB trong phạm vi toàn tỉnh kể từ ngày 01/7/2003.
Sau gần một năm triển khai thực hiện đã đạt được những kết quả bước đầu đáng ghi nhận. Nhờ có thẻ BHYT rất nhiều người nghèo đã được KCB kịp thời ngay tại các cơ sở y tế tuyến xã, huyện, tỉnh và tuyến Trung ương, góp phần thiết thực vào việc chăm sóc sức khỏe cho người nghèo, đảm bảo công bằng xã hội, tạo tác động tốt góp phần ổn định chính trị, xã hội. Tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện còn một số khó khăn, vướng mắc cần phải khắc phục, giải quyết ngay trong năm 2004 và phương hướng triển khai trong những năm tiếp theo.
Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định 139, UBND tỉnh Điện Biên yêu cầu các ngành thành viên Ban quản lý Quỹ KCB người nghèo, UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục quán triệt sâu sắc tinh thần Quyết định 139 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư liên tịch số 14 của liên Bộ Y tế, Tài chính và tập trung triển khai thực hiện tốt một số nội dung như sau:
* Sở Y tế: Chủ trì cùng với các ngành thành viên Ban quản lý Quỹ theo chức năng nhiệm vụ và quy định hiện hành cụ thể hóa từng nội dung, nhiệm vụ của từng ngành và hướng dẫn cụ thể các đơn vị trực thuộc tổ chức thực hiện; đảm bảo quản lý điều hành Quỹ thường xuyên, kịp thời hàng năm.
- Chỉ đạo hướng dẫn các cơ sở thanh quyết toán chi phí KCB bằng hình thức thực thanh thực chi (đối với các đối tượng 139 nhưng chưa kịp làm thẻ).
- Chỉ đạo các cơ sở KCB thực hiện nghiêm túc các quy định, quy chế chuyên môn hiện hành; thực hiện đúng chế độ chính sách, quyền lợi của người nghèo khi đi KCB.
- Chỉ đạo Trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố tập huấn kiến thức chuyên môn, đặc biệt kiến thức kê đơn và hồi sức cấp cứu cho tuyến xã.
- Phối hợp với Sở Tài chính và các ngành có liên quan kiểm tra định kỳ tình hình thu và sử dụng Quỹ; hàng quý thẩm định báo cáo quyết toán chi phí KCB của Bảo hiểm Xã hội tỉnh.
- Trong khi chờ Thông tư hướng dẫn đấu thầu thuốc trong các cơ sở KCB, chỉ đạo các cơ sở KCB thực hiện việc cung ứng thuốc theo các quy định hiện hành.
- Phối hợp với Sở Nội vụ, trình UBND tỉnh bổ sung biên chế chuyên trách để quản lý Quỹ KCB người nghèo một cách chặt chẽ và hiệu quả hơn.
* Sở Lao Động - Thương binh và Xã hội: Chủ trì phối hợp với Ban dân tộc tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các ngành liên quan hướng dẫn rà soát đúng đối tượng được thụ hưởng chế độ KCB người nghèo, đảm bảo 100% số đối tượng theo Điều 2 Quyết định số 139 được thụ hưởng chế độ KCB người nghèo; bóc tách từng đối tượng, không để sót, không để thiếu, không để nhầm lẫn đặc biệt trẻ em từ 1 - 6 tuổi để thẩm định tổng hợp trình UBND tỉnh phê duyệt bổ sung kịp thời hàng năm.
* Bảo hiểm Xã hội tỉnh: Chủ trì phối hợp với Sở Y tế, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các ngành liên quan hướng dẫn sử dụng và quản lý thẻ BHYT người nghèo hàng năm theo các quy định hiện hành.
- Phối hợp với Sở Y tế tập huấn chuyên môn nghiệp vụ về sử dụng và quản lý nguồn kinh phí KCB người nghèo cho các cơ sở KCB.
- Chủ trì phối hợp với UBND các huyện, thị, thành phố tổ chức phát hành và cấp phát thẻ BHYT cho các đối tượng 139 được bổ sung; đồng thời phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các cơ sở KCB trong tỉnh thu hồi các thẻ cấp không đúng đối tượng, chưa đúng họ tên, tuổi, địa chỉ, những trường hợp thẻ không còn giá trị sử dụng. Thực hiện tốt việc giám định chi phí khám, chữa bệnh ở các cơ sở KCB.
- Phối hợp với Sở Y tế hướng dẫn các cơ sở KCB sử dụng Quỹ KCB hợp lý, đúng các quy định hiện hành; chấn chỉnh tình trạng sử dụng lạm dụng Quỹ KCB. Thực hiện việc quản lý và sử dụng Quỹ, thanh toán chi phí KCB cho người nghèo có thẻ BHYT với các cơ sở KCB Nhà nước theo quy định BHYT hiện hành; nhưng không thực hiện cơ chế đồng chi trả, người nghèo không phải đóng tiền tạm ứng, không phải nộp bất cứ một khoản gì khi vào điều trị tại các cơ sở KCB.
- Phối hợp với Sở Y tế và các ngành liên quan căn cứ tình hình thực tế của các cơ sở KCB để tính toán và phân bổ lại quỹ KCB ngoại trú, nội trú, chi phí vật tư tiêu hao cho phù hợp với từng tuyến điều trị, từng cơ sở KCB.
* Sở Tài chính
- Chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch Đầu tư, Sở Y tế tham mưu cho UBND tỉnh cân đối bổ sung thêm kinh phí quản lý Quỹ trong kinh phí chi sự nghiệp y tế thường xuyên của Sở Y tế.
- Đảm bảo mức quỹ theo quy định tại Thông tư liên tịch số 14/2002/TTLT/BYT-BTC ngày 16/12/2002 (mức kinh phí tối thiểu 70.000 đồng/người/năm, trong đó ngân sách Nhà nước đảm bảo tối thiểu 75% tổng giá trị của Quỹ).
* Sở Kế hoạch - Đầu tư
- Chủ trì phối hợp với Sở Tài chính, Sở Y tế tham mưu cho UBND tỉnh bổ sung kinh phí nâng cấp và xây mới các Trạm y tế nhằm đáp ứng nhu cầu phục vụ người bệnh cũng như từng bước chuẩn hóa cơ sở vật chất Trạm y tế theo quy định của Bộ Y tế về chuẩn Quốc gia y tế xã, để người nghèo được thụ hưởng các dịch vụ y tế chất lượng.
- Phối hợp với các ngành có liên quan, lồng ghép bằng nhiều hình thức để huy động sự đóng góp, hỗ trợ kinh phí của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cho Quỹ KCB người nghèo của tỉnh.
- Phối hợp với Sở Tài chính bố trí đủ kinh phí cho Quỹ theo quy định tại Thông tư liên tịch số 14/2002/TTLT/BYT-BTC, ngày 16/12/2002.
* UBND các huyện, thị xã, thành phố:
- Chỉ đạo phòng Tổ chức - Lao động TBXH, các phòng, ban chức năng; UBND các xã, phường rà soát đúng đối tượng còn sót, còn thiếu, kể cả đối tượng trẻ em từ 0- 06 tuổi để lập danh sách bổ sung. Chỉ đạo UBND các xã cấp phát thẻ BHYT kịp thời đến tận tay người nghèo.
- Chỉ đạo UBND các xã, các cơ quan thông tin đại chúng phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các ngành liên quan cùng cấp tăng cường công tác tuyên truyền để người nghèo hiểu chế độ chính sách, quyền lợi và nghĩa vụ khi đi KCB.
* Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và Ban dân tộc tỉnh:
Chủ trì phối hợp với Sở Y tế, các cơ quan thông tin đại chúng, các ban ngành liên quan tuyên truyền, huy động sự hỗ trợ đóng góp kinh phí của các tổ chức và cá nhân vào Quỹ KCB người nghèo. Chỉ đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và Ban dân tộc các cấp tăng cường công tác tuyên truyền để người nghèo hiểu chế độ chính sách, quyền lợi và nghĩa vụ khi đi KCB. Tăng cường giám sát việc tổ chức thực hiện KCB cho người nghèo có thẻ BHYT trên địa bàn toàn tỉnh.
Đây là một số nhiệm vụ trọng tâm để triển khai công tác khám, chữa bệnh cho người nghèo có thẻ BHYT đạt được kết quả tốt trong thời gian tới, UBND tỉnh Điện Biên yêu cầu các ngành thành viên Ban quản lý Quỹ, Chủ tịch UBND các huyện, thị, thành phố, thủ trưởng các ban, ngành có liên quan tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN LÂM THỜI |