Quyết định số 888/2005/QĐ-NHNN ngày 16/06/2005 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Về việc mở, thành lập và chấm dứt hoạt động sở giao dịch, chi nhánh, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp của ngân hàng thương mại (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 888/2005/QĐ-NHNN
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Ngân hàng Nhà nước
- Ngày ban hành: 16-06-2005
- Ngày có hiệu lực: 12-07-2005
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 30-05-2008
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 1053 ngày (2 năm 10 tháng 23 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 30-05-2008
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 888/2005/QĐ-NHNN | Hà Nội; ngày 16 tháng 6 năm 2005 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ VIỆC MỞ, THÀNH LẬP VÀ CHẤM DỨT HOẠT ĐỘNG SỞ GIAO DỊCH, CHI NHÁNH, VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN, ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CỦA NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI
THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Luật các tổ chức tín dụng ngày 12/12/1997; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 17/6/2003; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng ngày 15/6/2004;
Căn cứ Nghị định số 52/2003/NĐ-CP ngày 19/5/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ các Ngân hàng và tổ chức tín dụng phi ngân hàng,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định về việc mở, thành lập và chấm dứt hoạt động sở giao dịch, chi nhánh, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp của ngân hàng thương mại”.
Điều 2.Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo. Các văn bản sau đây hết hiệu lực thi hành:
1. Quyết định số 90/2001/QĐ-NHNN ngày 07/2/2001 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành Quy định về việc mở , thành lập và chấm dứt hoạt động sở giao dịch, chi nhánh, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp của ngân hàng thương mại;
2. Chỉ thị số 05/2001/CT-NHNN ngày 20/6/2001 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc cho vay ngoài địa bàn của các tổ chức tín dụng Việt Nam.
Điều 3. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ các Ngân hàng và tổ chức tín dụng phi ngân hàng, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc (Giám đốc) các ngân hàng thương mại có trách nhiệm thi hành Quyết định này.
| Lê Đức Thuý (Đã ký) |
QUY ĐỊNH
VỀ VIỆC MỞ, THÀNH LẬP VÀ CHẤM DỨT HOẠT ĐỘNG SỞ GIAO DỊCH, CHI NHÁNH, VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN, ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CỦA NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI
(Ban hành theo Quyết định số 888/2005/QĐ-NHNN ngày 16 tháng 6 năm 2005 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước)
Chương 1:
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1.Quy định này áp dụng đối với các ngân hàng thương mại hoạt động tại Việt Nam, gồm:
Ngân hàng thương mại nhà nước,
Ngân hàng thương mại cổ phần.
Điều 2.Trong Quy định này, những từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1- Sở giao dịch, chi nhánh của ngân hàng thương mại là đơn vị phụ thuộc, có con dấu, được thực hiện một số chức năng, nhiệm vụ hoạt động ngân hàng theo uỷ quyền của ngân hàng thương mại.
2- Văn phòng đại diện của ngân hàng thương mại là đơn vị phụ thuộc, có con dấu, thực hiện nhiệm vụ đại diện theo uỷ quyền của ngân hàng thương mại. Văn phòng đại diện không được thực hiện hoạt động kinh doanh.
3- Đơn vị sự nghiệp của ngân hàng thương mại là đơn vị phụ thuộc, có con dấu, thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng công nghệ ngân hàng, đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ thuật cho người lao động của ngân hàng thương mại và thực hiện các nhiệm vụ khác do ngân hàng thương mại giao phù hợp với quy định của pháp luật.
Điều 3.
1- Ngân hàng thương mại phải xây dựng và ban hành Quy chế quản lý nội bộ về hoạt động sở giao dịch, chi nhánh phù hợp với quy mô tổ chức và hoạt động của ngân hàng thương mại. Nội dung Quy chế này phải đảm bảo những nguyên tắc cơ bản sau:
a. Thiết lập hệ thống quản lý trực tuyến (online) giữa trụ sở chính với sở giao dịch, chi nhánh trên cơ sở đảm bảo an toàn, chính xác, hiệu quả cho các hoạt động giao dịch và cập nhật thông tin báo cáo về tình hình hoạt động của các đơn vị phụ thuộc, cũng như yêu cầu của công tác quản lý, giám sát.
b. Quy định về đảm bảo an toàn trong giao dịch, kho quỹ và điều chuyển tiền, quản lý và lưu giữ chứng từ, yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và các quy định hiện hành liên quan.
c. Quy định cụ thể Quy chế kiểm soát nội bộ của ngân hàng thương mại đảm bảo yêu cầu về kiểm soát nội bộ đối với toàn bộ hoạt động của các sở giao dịch, chi nhánh.
d. Quy định cụ thể về hệ thống thông tin quản lý rủi ro nhằm đảm bảo trụ sở chính của ngân hàng thương mại kiểm soát được các loại rủi ro trong hoạt động tại các sở giao dịch, chi nhánh.
đ. Quy định chế độ quản lý Tài sản Nợ - Tài sản Có đối với sở giao dịch, chi nhánh.
e. Quy định rõ ràng các chức năng, nhiệm vụ, phạm vi được uỷ quyền và tiêu chuẩn đối với người điều hành, kiểm soát nội bộ tại sở giao dịch, chi nhánh.
g. Những quy định khác theo yêu cầu quản lý giám sát của từng ngân hàng thương mại.
2- Ngân hàng thương mại tự quyết định việc phân cấp chi nhánh nhưng phải tuân thủ theo những nguyên tắc cơ bản quy định tại Khoản 1 Điều này để đảm bảo hoạt động của chi nhánh an toàn và hiệu quả.
Chương 2:
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Mục 1: MỞ SỞ GIAO DỊCH, CHI NHÁNH, VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN TRONG NƯỚC, THÀNH LẬP ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP
Điều 4.Ngân hàng thương mại được mở sở giao dịch, chi nhánh, văn phòng đại diện khi có đủ các điều kiện sau:
1. Các điều kiện quy định tại khoản 1 điều 33 Luật các tổ chức tín dụng;
2. Có thời gian hoạt động tối thiểu là 1 năm (trừ trường hợp là sở giao dịch đặt tại trụ sở chính);
3. Số sở giao dịch, chi nhánh được mở tính theo công thức sau:
C - Co
n = -------------
20 tỷ
Trong đó: - n là số sở giao dịch, chi nhánh được mở (bao gồm cả số sở giao dịch, chi nhánh đã mở), chỉ tính số nguyên;
- C là số vốn điều lệ hiện có của ngân hàng thương mại tính bằng tỷ đồng;
- Co là mức vốn pháp định của ngân hàng thương mại cổ phần tối thiểu phải có theo quy định tại thời điểm xin mở sở giao dịch, chi nhánh tính bằng tỷ đồng;
- 20 tỷ đồng là số vốn phải tăng thêm để mở 1 sở giao dịch hoặc chi nhánh.
Quy định này không áp dụng đối với trường hợp ngân hàng thương mại mở văn phòng đại diện.
4. Được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (dưới đây gọi tắt là Ngân hàng Nhà nước) xếp loại A (đối với ngân hàng thương mại cổ phần) hoặc đánh giá đảm bảo điều kiện an toàn trong hoạt động ngân hàng (đối với ngân hàng thương mại nhà nước) trong năm trước năm mở sở giao dịch, chi nhánh, văn phòng đại diện; tỷ lệ nợ xấu (NPL) đến thời điểm mở sở giao dịch, chi nhánh, văn phòng đại diện dưới 5% tổng dư nợ.
5. Không bị xử phạt hành chính tổng cộng trên 05 triệu đồng về những vi phạm đối với các quy định về an toàn trong hoạt động ngân hàng trong thời gian 01 năm tính đến thời điểm mở sở giao dịch, chi nhánh, văn phòng đại diện.
6. Có Quy chế quản lý nội bộ về hoạt động sở giao dịch, chi nhánh theo quy định tại điều 3 Quy định này.
Điều 5.Để được mở sở giao dịch, chi nhánh, văn phòng đại diện, ngân hàng thương mại gửi Ngân hàng Nhà nước (Vụ các Ngân hàng và tổ chức tín dụng phi ngân hàng) 01 bộ hồ sơ, gồm:
1. Văn bản của Chủ tịch Hội đồng quản trị đề nghị mở sở giao dịch, chi nhánh, văn phòng đậi diện; trong đó nêu tóm tắt: sự cần thiết, tên gọi, địa điểm, nội dung, phạm vi hoạt động của sở giao dịch, chi nhánh, văn phòng đại diện, đồng thời khẳng định có đủ điều kiện theo quy định để mở sở giao dịch, chi nhánh, văn phòng đại diện;
2. Nghị quyết của Hội đồng quản trị về việc mở sở giao dịch, chi nhánh, văn phòng đại diện.
Điều 6.Trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày nhận được văn bản chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước, ngân hàng thương mại phải hoàn tất các thủ tục cần thiết theo quy định của pháp luật để đưa sở giao dịch, chi nhánh, văn phòng đại diện vào hoạt động. Trước khi sở giao dịch, chi nhánh, văn phòng đại diện được khai trương và đi vào hoạt động, ngân hàng thương mại phải đăng báo theo quy định của pháp luật; đồng thời có văn bản báo cáo gửi Ngân hàng Nhà nước (Vụ Các Ngân hàng và tổ chức tín dụng phi ngân hàng) kèm bản sao có công chứng đăng ký kinh doanh, văn bản xác nhận quyền sở hữu, hoặc quyền sử dụng hợp pháp trụ sở của sở giao dịch, chi nhánh, văn phòng đại diện.
Điều 7.Việc thay đổi địa điểm sở giao dịch, chi nhánh, văn phòng đại diện của ngân hàng thương mại phải được sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh, thành phố nơi ngân hàng thương mại đặt sở giao dịch, chi nhánh, văn phòng đại diện.
Điều 8.Sở giao dịch, chi nhánh của ngân hàng thương mại được mở phòng giao dịch, quỹ tiết kiệm, điểm giao dịch, tổ tín dụng theo quy định cụ thể như sau:
1. Phòng giao dịch, quỹ tiết kiệm, điểm giao dịch
a) Là bộ phận trực thuộc, hạch toán báo sổ và có con dấu riêng. Ngân hàng thương mại quy định cụ thể nội dung hoạt động (trong nội dung được phép hoạt động của sở giao dịch, chi nhánh ngân hàng thương mại), chức năng, nhiệm vụ, của phòng giao dịch, quỹ tiết kiệm, điểm giao dịch.
Quỹ tiết kiệm không thực hiện nghiệp vụ cho vay. Phòng giao dịch, điểm giao dịch được cho vay bằng các hình thức sau:
+ Cầm cố bằng sổ tiết kiệm của chính ngân hàng mình, trái phiếu Chính phủ và tín phiếu Kho bạc, mức cho vay tối đa theo uỷ quyền của sở giao dịch, chi nhánh quản lý phòng giao dịch, điểm giao dịch.
+ Các hình thức khác: mức cho vay đối với một (01) khách hàng do ngân hàng thương mại quy định nhưng tối đa không quá 500 triệu đồng.
b) Chỉ được mở tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi đặt sở giao dịch, chi nhánh hoặc tỉnh, thành phố có chung địa giới hành chính với tỉnh, thành phố nơi đặt sở giao dịch, chi nhánh của ngân hàng thương mại.
c) Phải đảm bảo an toàn trong giao dịch, kho quỹ và điều chuyển tiền, yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy.
2. Tổ tín dụng
a) Chỉ được mở tại tỉnh, thành phố có chung địa giới hành chính với tỉnh, thành phố nơi đặt sở giao dịch, chi nhánh của ngân hàng thương mại;
b) Chỉ được thực hiện việc nghiên cứu, tìm hiểu, giới thiệu khách hàng; tiếp nhận hồ sơ vay vốn, giải ngân và thu nợ theo hợp đồng tín dụng mà sở giao dịch, chi nhánh đã ký.
3. Sở giao dịch, chi nhánh của ngân hàng thương mại có trách nhiệm đăng ký với Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh, thành phố nơi mở phòng giao dịch, quỹ tiết kiệm, điểm giao dịch, tổ tín dụng theo Phụ lục số 1 (đính kèm).
Điều 9.Để được thành lập đơn vị sự nghiệp, ngân hàng thương mại gửi Ngân hàng Nhà nước (Vụ các Ngân hàng và tổ chức tín dụng phi ngân hàng) 01 bộ hồ sơ, gồm:
1. Văn bản của Chủ tịch Hội đồng quản trị đề nghị thành lập đơn vị sự nghiệp; trong đó nêu tóm tắt: sự cần thiết, tên gọi, địa điểm, nội dung, phạm vi hoạt động của đơn vị sự nghiệp phù hợp với hoạt động của ngân hàng thương mại;
2. Nghị quyết của Hội đồng quản trị về việc thành lập đơn vị sự nghiệp;
3. Đề án thành lập đơn vị sự nghiệp;
4. Điều lệ và Quy chế quản lý nội bộ đối với đơn vị sự nghiệp.
Trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày nhận được văn bản chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước, ngân hàng thương mại phải hoàn tất các thủ tục cần thiết theo quy định của pháp luật để đơn vị sự nghiệp hoạt động.
Mục 2: MỞ CHI NHÁNH, VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN Ở NƯỚC NGOÀI
Điều 10.Để được mở chi nhánh, văn phòng đại diện ở nước ngoài, ngân hàng thương mại gửi 01 bộ hồ sơ cho Ngân hàng Nhà nước (Vụ các Ngân hàng và tổ chức tín dụng phi ngân hàng) gồm:
1. Văn bản của Chủ tịch Hội đồng quản trị về việc mở chi nhánh, văn phòng đại diện ở nước ngoài, trong đó nêu tóm tắt: sự cần thiết, tên gọi, địa điểm dự kiến đặt trụ sở.
2. Nghị quyết của Hội đồng quản trị (đối với ngân hàng thương mại nhà nước), Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông (đối với ngân hàng thương mại cổ phần) về việc mở chi nhánh, văn phòng đại diện ở nước ngoài.
3. Đề án mở chi nhánh, văn phòng đại diện ở nước ngoài, trong đó nêu rõ sự cần thiết, tên gọi, địa điểm đặt trụ sở; dự kiến tổ chức bộ máy, nội dung và phạm vi hoạt động; kế hoạch hoạt động trong 3 năm đầu.
Mục 3: CHẤM DỨT HOẠT ĐỘNG CỦA SỞ GIAO DỊCH, CHI NHÁNH, VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN TRONG NƯỚC, ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP
Điều 11.Để chấm dứt hoạt động của sở giao dịch, chi nhánh, văn phòng đại diện trong nước, đơn vị sự nghiệp, ngân hàng thương mại gửi 01 bộ hồ sơ cho Ngân hàng Nhà nước (Vụ các Ngân hàng và tổ chức tín dụng phi ngân hàng) gồm:
1. Văn bản của Chủ tịch Hội đồng quản trị về việc chấm dứt hoạt động của sở giao dịch, chi nhánh, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp, trong đó nêu rõ lý do, tên và địa chỉ của sở giao dịch, chi nhánh, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp chấm dứt hoạt động.
2. Nghị quyết của Hội đồng quản trị về việc chấm dứt hoạt động của sở giao dịch, chi nhánh, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp.
3. Phương án xử lý khi chấm dứt hoạt động của sở giao dịch, chi nhánh, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp.
Điều 12.
1. Trong thời gian 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng quản trị của ngân hàng thương mại phải ra quyết định chấm dứt hoạt động của sở giao dịch, chi nhánh, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp.
2. Quyết định chấm dứt hoạt động phải có các nội dung chủ yếu sau đây:
a) Tên, địa chỉ của sở giao dịch, chi nhánh, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp được chấm dứt hoạt động;
b) Lý do chấm dứt hoạt động của sở giao dịch, chi nhánh, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp;
c) Ngày chấm dứt hoạt động;
d) Trách nhiệm của ngân hàng thương mại đối với các chủ nợ.
3. Quyết định chấm dứt hoạt động sở giao dịch, chi nhánh, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp của ngân hàng thương mại phải được gửi tới Ngân hàng Nhà nước (Vụ các Ngân hàng và tổ chức tín dụng phi ngân hàng; Thanh tra ngân hàng; Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh, thành phố nơi ngân hàng thương mại đặt sở giao dịch, chi nhánh, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp), tổ chức, cá nhân có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan; niêm yết công khai tại trụ sở chính của ngân hàng thương mại và địa điểm sở giao dịch, chi nhánh, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp chấm dứt hoạt động; đăng báo trung ương và địa phương theo quy định của pháp luật.
Điều 13. Ngân hàng thương mại có sở giao dịch, chi nhánh, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp chấm dứt hoạt động có trách nhiệm giải quyết các nghĩa vụ cho các chủ nợ và giải quyết các tồn tại khác có liên quan theo quy định của pháp luật.
Mục 4: TRÁCH NHIỆM CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
Điều 14.Trách nhiệm của Vụ các Ngân hàng và tổ chức tín dụng phi ngân hàng:
Trong thời hạn tối đa 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ của ngân hàng thương mại đề nghị mở, thành lập hoặc chấm dứt hoạt động của sở giao dịch, chi nhánh, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp, Vụ các Ngân hàng và tổ chức tín dụng phi ngân hàng có trách nhiệm lấy ý kiến các đơn vị có liên quan (Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh, thành phố, Thanh tra ngân hàng) và trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ký văn bản chấp thuận hoặc không chấp thuận cho ngân hàng thương mại:
1. Mở, thành lập hoặc chấm dứt hoạt động của sở giao dịch, chi nhánh, văn phòng đại diện trong nước, đơn vị sự nghiệp.
2. Mở chi nhánh, văn phòng đại diện ở nước ngoài.
Điều 15.Trách nhiệm của Thanh tra ngân hàng:
1. Trong thời hạn tối đa 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị của Vụ các Ngân hàng và tổ chức tín dụng phi ngân hàng, Thanh tra ngân hàng có ý kiến đánh giá về các điều kiện đảm bảo khi ngân hàng thương mại mở sở giao dịch, chi nhánh, văn phòng đại diện.
2. Sau 30 ngày kể từ ngày sở giao dịch, chi nhánh khai trương hoạt động, Thanh tra ngân hàng thực hiện kiểm tra đối với sở giao dịch, chi nhánh về việc tuân thủ theo quy định của Quy định này, quy định của pháp luật hiện hành và Quy chế quản lý nội bộ về hoạt động sở giao dịch, chi nhánh của ngân hàng thương mại.
Điều 16.Trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh, thành phố:
1. Nơi ngân hàng thương mại mở sở giao dịch, chi nhánh, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp:
a) Quản lý, giám sát việc tổ chức khai trương hoạt động, hoạt động và chấm dứt hoạt động sở giao dịch, chi nhánh, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp của ngân hàng thương mại trên địa bàn. Báo cáo những biến động bất thường về hoạt động của sở giao dịch, chi nhánh, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp của ngân hàng thương mại trên địa bàn để Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kịp thời xử lý;
b) Trong thời hạn tối đa 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị của Ngân hàng Nhà nước (Vụ các Ngân hàng và tổ chức tín dụng phi ngân hàng) về việc ngân hàng thương mại mở sở giao dịch, chi nhánh, văn phòng đại diện và chấm dứt hoạt động sở giao dịch, chi nhánh, văn phòng đại diện, có ý kiến gửi Ngân hàng Nhà nước (Vụ các Ngân hàng và tổ chức tín dụng phi ngân hàng) đề nghị chấp thuận hoặc không chấp thuận cho ngân hàng thương mại mở sở giao dịch, chi nhánh, văn phòng đại diện và chấm dứt hoạt động sở giao dịch, chi nhánh, văn phòng đại diện; trường hợp không chấp thuận phải nêu rõ lý do;
c) Trong thời hạn tối đa 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị của ngân hàng thương mại về việc chuyển địa điểm sở giao dịch, chi nhánh, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp, có ý kiến chấp thuận hoặc không chấp thuận cho ngân hàng thương mại chuyển địa điểm sở giao dịch, chi nhánh, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp; trường hợp không chấp thuận phải nêu rõ lý do;
d) Tham mưu cho Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về nhu cầu phát triển mạng lưới ngân hàng trên địa bàn.
2. Nơi ngân hàng thương mại cổ phần đặt trụ sở chính: Trong thời hạn tối đa 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị của Ngân hàng Nhà nước (Vụ các Ngân hàng và tổ chức tín dụng phi ngân hàng) về việc ngân hàng thương mại cổ phần mở, thành lập hoặc chấm dứt hoạt động của sở giao dịch, chi nhánh, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp, có ý kiến gửi Ngân hàng Nhà nước (Vụ các Ngân hàng và tổ chức tín dụng phi ngân hàng) đề nghị chấp thuận hoặc không chấp thuận cho ngân hàng thương mại mở, thành lập hoặc chấm dứt hoạt động của sở giao dịch, chi nhánh, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp; trường hợp không chấp thuận phải nêu rõ lý do.
Chương 3:
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 17.Trong thời hạn 01 năm kể từ ngày Quy định này có hiệu lực thi hành, các ngân hàng thương mại phải rà soát toàn bộ hệ thống sở giao dịch, chi nhánh, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp của đơn vị để tự điều chỉnh nhằm đảm bảo hoạt động theo đúng quy định của Quy định này.
Điều 18.Những ngân hàng thương mại hiện có số sở giao dịch, chi nhánh hiện có nhiều hơn số sở giao dịch, chi nhánh được phép mở theo quy định tại khoản 3 điều 4 Quy định này sẽ không được mở thêm sở giao dịch, chi nhánh mới.
Điều 19.Ngân hàng thương mại có hành vi vi phạm Quy định này, thì tuỳ tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Điều 20.Việc sửa đổi , bổ sung các điều, khoản trong Quy định này do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định.
PHỤ LỤC SỐ 1
NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI...... | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM ............, ngày tháng năm |
ĐĂNG KÝ
MỞ PHÒNG GIAO DỊCH
(quỹ tiết kiệm, điểm giao dịch, tổ tín dụng)
Kính gửi: Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh, thành phố........
(nơi NHTM mở phòng giao dịch, quỹ tiết kiệm, điểm giao dịch, tổ tín dụng)
Tên ngân hàng thương mại:
Giấy phép hoạt động số:
Địa điểm trụ sở chính:
Vốn điều lệ:
Đại diện pháp nhân: - Chức vụ:
Người được uỷ quyền đại diện pháp nhân: - Chức vụ:
Tên sở giao dịch, chi nhánh ngân hàng:
Địa điểm sở giao dịch, chi nhánh:
Người đại diện: - Chức vụ:
Đăng ký mở phòng giao dịch (quỹ tiết kiệm, điểm giao dịch, tổ tín dụng) như sau:
1- Tên phòng giao dịch (quỹ tiết kiệm, điểm giao dịch, tổ tín dụng):
2- Quyết định mở phòng giao dịch (quỹ tiết kiệm, điểm giao dịch) số:.../.... ngày..../..../.... của Chủ tịch Hội đồng quản trị (hoặc của người được uỷ quyền) hoặc Quyết định của Giám đốc sở giao dịch (chi nhánh) về việc mở tổ tín dụng
3- Địa điểm phòng giao dịch (quỹ tiết kiệm, điểm giao dịch, tổ tín dụng):
4- Người đại diện: - Chức vụ:
5- Nội dung hoạt động (đối với phòng giao dịch, quỹ tiết kiệm, điểm giao dịch):
Ngân hàng..........
Giám đốc sở giao dịch (chi nhánh)