Chỉ thị số 02/2004/CT-BTS ngày 29/03/2004 Về công tác phòng, chống lụt, bão giảm nhẹ thiên tai, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện nghề cá do Bộ trưởng Bộ Thủy sản ban hành (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 02/2004/CT-BTS
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Cơ quan ban hành: Bộ Thuỷ sản
- Ngày ban hành: 29-03-2004
- Ngày có hiệu lực: 27-04-2004
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 20-05-2005
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 388 ngày (1 năm 0 tháng 23 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 20-05-2005
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
BỘ THUỶ SẢN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 02/2004/CT-BTS | Hà Nội , ngày 29 tháng 03 năm 2004 |
CHỈ THỊ
VỀ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG LỤT, BÃO GIẢM NHẸ THIÊN TAI, ĐẢM BẢO AN TOÀN CHO NGƯỜI VÀ PHƯƠNG TIỆN NGHỀ CÁ
Những năm vừa qua do ảnh hưởng của sự biến động toàn cầu, thời tiết nước ta có nhiều diễn biến phức tạp; bão, lũ, lụt đã xảy ra ở nhiều nơi trên phạm vi cả nước; tai nạn tàu thuyền nghề cá trên biển tuy có giảm nhiều so với những năm trước đây, nhưng ở một số địa phương do việc phòng, chống chưa tốt nhất là đối với các tàu thuyền nhỏ nên tàu vẫn bị chìm khi gặp thiên tai, gió mùa đông bắc, lũ, áp thấp nhiệt đới gây nhiều thiệt hại về người và tài sản.
Để chủ động phòng, chống lụt, bão, giảm nhẹ thiên tai, đối phó kịp thời với mọi tình huống, hạn chế thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra trong năm 2004; Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản Chỉ thị giám đốc các sở Thuỷ sản, sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có quản lý thuỷ sản (sau đây gọi chung là các sở Thuỷ sản), Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ thực hiện tốt các việc sau đây:
1. Tổ chức tổng kết đánh giá, rút kinh nghiệm công tác phòng, chống lụt, bão, tìm kiếm cứu nạn và khắc phục hậu quả thiên tai năm 2003 để làm cơ sở xây dựng kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn năm 2004 có hiệu quả sát với tình hình thực tế của địa phương, đơn vị.
2. Củng cố, kiện toàn Ban chỉ huy phòng, chống lụt, bão, tìm kiếm cứu nạn các cấp, bảo đảm thống nhất từ Trung ương đến các địa phương, đơn vị. Tổ chức tập huấn, diễn tập các phương án phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn để nâng cao nhận thức và trách nhiệm cho nhân dân chủ động đối phó với mọi tình huống thiên tai xảy ra. Đối với những địa phương, đơn vị trong khu vực thường xuyên xảy ra bão, lũ, thủ trưởng đơn vị trực tiếp làm trưởng Ban chỉ huy phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn.
3. Quán triệt và tổ chức thực hiện có hiệu quả phương châm "4 tại chỗ" (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện tại chỗ; hậu cần tại chỗ); các sở Thuỷ sản phải có kế hoạch phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, chỉ đạo triển khai kịp thời, đồng bộ để phát huy sức mạnh tổng hợp, chủ động trong công tác phòng, tránh và đối phó với các tình huống bất lợi nhất khi có bão, lũ và triều cường cùng xảy ra, hạn chế đến mức thấp nhất về người và tài sản của nhân dân và Nhà nước.
4. Các sở Thuỷ sản tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc công tác bảo đảm an toàn cho người và phương tiện nghề cá hoạt động trên biển, trên sông, tại các nơi neo đậu tránh, trú bão và các khu vực nuôi trồng thuỷ sản, chỉ đạo việc quy hoạch phát triển nuôi trồng thuỷ sản phù hợp với tình hình bão, lũ để đảm bảo sản xuất bền vững và hạn chế thiệt hại khi có thiên tai xảy ra.
5. Trong mùa mưa, bão, bảo đảm mạng lưới thông tin, liên lạc, hệ thống cảnh báo, dự báo hoạt động thông suốt trong mọi tình huống; thực hiện nghiêm túc chế độ trực ban, chủ động xử lý, giải quyết các tình huống thiên tai xảy ra, báo cáo kịp thời tình hình diễn biến của bão, lũ về Thường trực Ban chỉ huy phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn Bộ để tổng hợp và có sự chỉ đạo thống nhất trong toàn Ngành.
6. Các sở Thuỷ sản ven biển xây dựng kế hoạch, phương án đối phó với tình huống bất lợi khi có lũ, bão và triều cường cùng xảy ra; phương án di dời dân ở vùng trũng, vùng cửa sông, ven biển và các vùng sạt lở nguy hiểm đến nơi an toàn; phương án cứu hộ, cứu nạn khi thiên tai xảy ra, chủ động phòng, tránh để giảm nhẹ thiệt hại, từng bước thích nghi, ổn định cuộc sống và phát triển sản xuất trong điều kiện thiên tai thường xuyên xảy ra.
7. Các sở Thuỷ sản vùng thường xuyên bị lũ, lụt; xây dựng kế hoạch, phương án và biện pháp đối phó có hiệu quả với lũ, lụt lớn kéo dài trong nhiều ngày; kế hoạch bảo vệ sản xuất, các công trình và cơ sở hạ tầng cho các vùng nuôi trồng thuỷ sản hạn chế thiệt hại.
8. Cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản chủ trì phối hợp với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tăng cường công tác quản lý tàu thuyền hoạt động trên sông, trên biển; hướng dẫn, tổ chức chỉ đạo các Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản kiểm tra việc trang bị phao cứu sinh và thiết bị an toàn trên các phương tiện nghề cá. Có biện pháp bắt buộc tàu thuyền đi biển phải có đủ phao cứu sinh và trang thiết bị an toàn theo quy định. Không cho tàu thuyền ra biển sản xuất khi có bão, áp thấp nhiệt đới đang hoạt động trong khu vực.
9. Các Vụ, Cục, Thanh tra, Văn phòng Bộ và các đơn vị trực thuộc Bộ theo chức năng nhiệm vụ tăng cường công tác kiểm tra chỉ đạo, hướng dẫn các sở Thuỷ sản triển khai thực hiện các dự án, công trình phục vụ công tác phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn đúng tiến độ, cùng với địa phương nhanh chóng khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, ổn định đời sống nhân dân, khôi phục và phát triển sản xuất.
10. Ban chỉ huy phòng, chống lụt, bão và phối hợp tìm kiếm cứu nạn Bộ Thuỷ sản xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm tra, chỉ đạo, đôn đốc các sở Thuỷ sản và các đơn vị trực thuộc Bộ triển khai thực hiện các nội dung nêu trên, trước ngày 30/6/2004 phải hoàn thành mọi việc chuẩn bị cho công tác phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn năm 2004.
Thủ trưởng các Vụ, Cục, Thanh tra, Văn phòng Bộ, giám đốc các sở Thuỷ sản, thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp với các cơ quan có liên quan triển khai, thực hiện nghiêm túc chỉ thị này./.
| BỘ TRƯỞNG |