cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 110/2005/QĐ-TTg ngày 16/05/2005 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Kế hoạch "dự trữ lưu thông thuốc quốc gia phục vụ công tác phòng bệnh, chữa bệnh cho nhân dân" (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 110/2005/QĐ-TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Ngày ban hành: 16-05-2005
  • Ngày có hiệu lực: 09-06-2005
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 03-01-2020
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 5321 ngày (14 năm 7 tháng 1 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 03-01-2020
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 03-01-2020, Quyết định số 110/2005/QĐ-TTg ngày 16/05/2005 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Kế hoạch "dự trữ lưu thông thuốc quốc gia phục vụ công tác phòng bệnh, chữa bệnh cho nhân dân" (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 01/2020/QĐ-TTg ngày 03/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ Về bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật”. Xem thêm Lược đồ.

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 110/2005/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 16 tháng 5 năm 2005

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH "DỰ TRỮ LƯU THÔNG THUỐC QUỐC GIA PHỤC VỤ CÔNG TÁC PHÒNG BỆNH, CHỮA BỆNH CHO NHÂN DÂN"

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Bảo vệ sức khoẻ nhân dân ngày 30 tháng 7 năm 1989;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ trưởng Bộ Tài chính tại tờ trình số 2829/TTr-YT-TC ngày 15 tháng 4 năm 2005,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch "dự trữ lưu thông thuốc quốc gia phục vụ công tác phòng bệnh, chữa bệnh cho nhân dân" với những nội dung chủ yếu sau đây:

1. Mục tiêu:

a) Mục tiêu tổng quát:

Chủ động dự trữ thuốc, bảo đảm luôn luôn có một số lượng thuốc dự trữ lưu thông với chất lượng tốt, giá cả hợp lý để cung ứng cho công tác phòng bệnh, chữa bệnh; bảo đảm nhu cầu chăm sóc sức khoẻ nhân dân.

b) Mục tiêu cụ thể:

- Dự trữ một số thuốc chủ yếu và thuốc chuyên khoa đặc trị bảo đảm nhu cầu sử dụng tại cơ sở khám, chữa bệnh nhà nước.

- Dự trữ thuốc thiết yếu và thuốc biệt dược nhằm cân bằng cung - cầu, góp phần bình ổn giá thuốc trên thị trường.

2. Nội dung dự trữ lưu thông thuốc:

a) Nguyên tắc chung:

Nhà nước hỗ trợ tài chính cho một số doanh nghiệp nhà nước có đủ điều kiện theo quy định của Bộ Y tế được chỉ định làm nhiệm vụ sản xuất, phân phối dược phẩm để bảo đảm luôn có một cơ số thuốc dự trữ lưu thông theo danh mục quy định của Bộ Y tế. Thuốc dự trữ lưu thông được quyết định sử dụng trong trường hợp cần thiết, cung ứng kịp thời cho cơ sở khám, chữa bệnh nhà nước hoặc góp phần bình ổn thị trường thuốc, không để xảy ra đột biến giá.

b) Danh mục thuốc dự trữ lưu thông:

Bộ trưởng Bộ Y tế xác định cụ thể danh mục thuốc thành phẩm và số lượng thuốc cần thiết để đưa vào dự trữ lưu thông đáp ứng hai mục tiêu nêu trên, theo các tiêu chí sau:

- Thuốc thiết yếu, thuốc chữa các bệnh chủ yếu, nhiều người mắc phải và phục vụ cấp cứu, phòng, chống dịch bệnh mà nguồn cung cấp hiện chưa bảo đảm cung cấp ổn định.

- Thuốc có nhu cầu sử dụng lớn trong cơ sở khám, chữa bệnh nhà nước nhưng khả năng đáp ứng còn nhiều hạn chế.

- Một số thuốc chuyên khoa, đặc trị và thuốc không có thuốc khác thay thế hoặc thuốc có ít số đăng ký đang bị ràng buộc bởi các thông lệ phân phối độc quyền trên thế giới.

- Thuốc hay có biến động về giá, nhất là những loại thuốc có biến động giá do nguyên nhân khách quan.

- Danh mục này có thể được điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thị trường trong từng thời gian cụ thể.

c) Kinh phí cho dự trữ lưu thông thuốc:

Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính tính toán cụ thể chủng loại, số lượng thuốc và kinh phí để mua cơ số thuốc thuộc Danh mục thuốc dự trữ lưu thông cho nhu cầu sử dụng trong thời gian 45 ngày. Trước mắt cần dự trữ khoảng 330 tỷ VND.

d) Cơ chế tài chính trong dự trữ lưu thông thuốc:

- Các doanh nghiệp được giao nhiệm vụ dự trữ lưu thông thuốc được vay tiền ngân hàng để mua thuốc dự trữ lưu thông theo yêu cầu.

- Ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất vốn vay ngân hàng để mua cơ số thuốc dự trữ lưu thông tương ứng với số kinh phí được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

- Ngân sách nhà nước hỗ trợ một lần kinh phí để nâng cấp, cải tạo, mở rộng kho, đầu tư công nghệ thông tin và mua trang thiết bị bảo quản thuốc dự trữ lưu thông. Bộ Y tế xây dựng dự án cụ thể trình Thủ tướng Chính phủ sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

- Các doanh nghiệp làm nhiệm vụ dự trữ lưu thông thuốc phải thực hiện theo quy định về pháp luật thuế hiện hành.

- Bộ trưởng Bộ Y tế quy định nguyên tắc để xác định giá mua, giá bán thuốc dự trữ lưu thông sau khi thống nhất với Bộ Tài chính trong những trường hợp sau đây:

+ Cung ứng cho bệnh viện nhà nước khi thiếu thuốc điều trị.

+ Bán thuốc ra thị trường tự do để bình ổn giá thị trường.

- Cơ chế bù giá: Bộ trưởng Bộ Y tế thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ quyết định xuất thuốc dự trữ lưu thông để bình ổn thị trường, khi giá bán thấp hơn giá vốn thì được xem xét cấp bù chênh lệch giá từ ngân sách nhà nước.

đ) Cơ chế hoạt động mua, bán, bảo quản, luân chuyển, cung ứng trong dự trữ lưu thông:

- Các doanh nghiệp được giao nhiệm vụ dự trữ lưu thông thuốc có quyền chủ động trong việc mua, bán, bảo quản và luân chuyển thuốc dự trữ lưu thông nhưng phải đảm bảo thực hiện đúng danh mục, chủng loại, số lượng, chất lượng, hạn dùng theo quy định của Bộ Y tế; đồng thời phải luôn luôn bảo đảm đủ cơ số thuốc tồn kho bằng 100% mức dự trữ lưu thông được duyệt ngoài mức dự trữ lưu thông phục vụ kinh doanh của doanh nghiệp để đáp ứng nhu cầu điều trị và bình ổn thị trường thuốc khi cần thiết.

- Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định các trường hợp: bán thuốc cho các cơ sở khám, chữa bệnh nhà nước khi thiếu thuốc; bán thuốc ra thị trường để góp phần bình ổn thị trường khi có biến động giá; bán thuốc thuộc Danh mục thuốc dự trữ lưu thông cho các cơ sở khám, chữa bệnh nhà nước khi cần luân chuyển hạn dùng của thuốc.

- Các cơ sở khám, chữa bệnh nhà nước phải sử dụng quỹ kinh phí mua thuốc từ nguồn ngân sách nhà nước, nguồn bảo hiểm y tế để mua thuốc thuộc Danh mục thuốc dự trữ lưu thông theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Y tế. Đối với các cơ sở khám, chữa bệnh nhà nước thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc do Bộ, ngành khác quản lý, Bộ trưởng Bộ Y tế ra quyết định sau khi đã thống nhất với Chủ tịch

Uỷ bannhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc Bộ trưởng Bộ chủ quản.

3. Tiến độ thực hiện:

a) Giai đoạn năm 2005 - 2006:

- Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định việc lựa chọn ba doanh nghiệp Dược nhà nước có đủ điều kiện ở ba khu vực Bắc - Trung - Nam mua thuốc thành phẩm để thực hiện dự trữ lưu thông thuốc. Giai đoạn này tập trung vào việc dự trữ các thuốc cần cho nhu cầu điều trị và đang bị các công ty nước ngoài độc quyền phân phối. Cải tạo, nâng cấp hoặc mở rộng hệ thống kho của các doanh nghiệp được chọn để đáp ứng yêu cầu dự trữ thuốc.

- Bộ Y tế chỉ đạo các doanh nghiệp nhập khẩu các thuốc generic tương ứng, nhập khẩu song song thuốc thay thế các thuốc biệt dược độc quyền để tránh tình trạng thiếu thuốc giả tạo, góp phần quân bình cung cầu trên thị trường.

- Kết hợp hình thức dự trữ lưu thông thuốc với các biện pháp hành chính, bảo đảm bình ổn thị trường thuốc, không để giá thuốc tăng đột biến gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

b) Giai đoạn năm 2006 - 2010:

- Phát triển ngành công nghiệp dược trong nước theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, chuyển thế bị động trong cung ứng thuốc sang thế chủ động trên cơ sở tự sản xuất trong nước, giảm dần và tiến tới mục tiêu không lệ thuộc vào nước ngoài cả về số lượng, chủng loại và giá cả đối với thuốc thành phẩm và nguyên liệu làm thuốc.

- Quy hoạch, hiện đại hoá, nâng cao năng lực tài chính và đầu tư đồng bộ cho hệ thống lưu thông - phân phối và cung ứng thuốc đủ mạnh, từng bước giảm dần, tiến tới không dùng ngân sách nhà nước để điều tiết thị trường dược phẩm.

Điều 2. Phân công thực hiện:

1. Giao cho Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan ban hành Quy chế quản lý thuốc dự trữ lưu thông, xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch dự trữ lưu thông thuốc sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và chịu trách nhiệm về hiệu quả của kế hoạch.

2. Bộ Tài chính cân đối ngân sách hàng năm, có kế hoạch hỗ trợ lãi vay vốn ngân hàng cho dự trữ lưu thông thuốc và bù chênh lệch khi giá bán thấp hơn giá vốn trong trường hợp xuất thuốc dự trữ lưu thông để bình ổn thị trường.

3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính bố trí ngân sách hỗ trợ để nâng cấp, cải tạo, mở rộng kho, đầu tư công nghệ thông tin và mua trang thiết bị bảo quản thuốc dự trữ lưu thông theo quyết định đã được phê duyệt của cấp có thẩm quyền.

4. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có trách nhiệm chỉ đạo các ngân hàng thương mại bố trí đủ nguồn vốn vay cho công tác dự trữ lưu thông thuốc.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Phan Văn Khải

(Đã ký)