Quyết định số 218/2005/QĐ-UBDT ngày 10/05/2005 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Về Kỷ niệm chương và Quy chế xét tặng Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp phát triển các Dân tộc" (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 218/2005/QĐ-UBDT
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Uỷ ban Dân tộc
- Ngày ban hành: 10-05-2005
- Ngày có hiệu lực: 11-06-2005
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 06-06-2008
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 1091 ngày (2 năm 12 tháng 1 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 06-06-2008
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
UỶ BAN DÂN TỘC | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 218/2005/QĐ-UBĐT | Hà Nội, ngày 10 tháng 05 năm 2005 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH KỶ NIỆM CHƯƠNG VÀ QUY CHẾ XÉT TẶNG KỶ NIỆM CHƯƠNG "VÌ SỰ NGHIỆP PHÁT TRIỂN CÁC DÂN TỘC"
BỘ TRƯỞNG CHỦ NHIỆM ỦY BAN DÂN TỘC
Căn cứ Luật Thi đua - Khen thưởng được Quốc hội Khóa XI thông qua ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị định số 51 /2003 /NĐ-CP ngày 16/5/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Dân tộc;
Theo đề nghị của Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Ủy ban Dân tộc,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành Kỷ niệm chương và Quy chế xét tặng Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp phát triển các Dân tộc" để ghi nhận công lao của cá nhân có nhiều thành tích đóng góp cho sự nghiệp phát triển các Dân tộc thiểu số Việt Nam.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và thay thế Quyết định số 130/2001/QĐ-UBDTMN ngày 20/7/2001 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc và Miền núi.
Điều 3. Các ông (bà): Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Ủy ban Dân tộc Chánh Văn phòng Ủy ban, Thủ trưởng các Vụ, đơn vị trực thuộc Ủy ban, Thủ trưởng Cơ quan làm công tác Dân tộc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| BỘ TRƯỞNG - CHỦ NHIỆM |
QUY CHẾ
XÉT TẶNG KỶ NIỆM CHƯƠNG "VÌ SỰ NGHIỆP PHÁT TRIỂN CÁC DÂN TỘC"
(Ban hành theo Quyết định Số/218/2005/QĐ-UBDT ngày 10/5/2005 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc)
Chương 1:
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp phát triển các Dân tộc" (gọi tắt là Kỷ niệm chương) là hình thức khen thưởng của Ủy ban Dân tộc thay thế cho Huy chương "Vì sự nghiệp phát triển Dân tộc và Miền núi" tặng cho cá nhân có thành tích đóng góp vào sự nghiệp phát triển các dân tộc thiểu số Việt Nam.
Kỷ niệm chương được tặng một lần, không có hình thức tuy tặng.
Điều 2. Ủy ban Dâu tộc xét tặng Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp phát triển các Dân tộc" vào dịp Kỷ niệm ngày thành lập cơ quan làm công tác Dân tộc (9/9) hàng năm và xét tặng đột xuất đối với những trường hợp đặc biệt.
Điều 3. Cá nhân có thành tích “Vì sự nghiệp phát triển các Dân tộc, được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc quyết định tặng phù hiệu Kỷ niệm chương, Giấy chứng nhận Kỷ niệm chương. Tùy theo đối tượng cụ thể, có thể kèm theo hình thức thưởng bằng hiện vật (hoặc bằng tiền) để động viên người được tặng Kỷ niệm chương.
Chương 2:
ĐỐI TƯỢNG VÀ TIÊU CHUẨN ĐƯỢC XÉT TẶNG KỶ NIỆM CHƯƠNG
Điều 4. Kỷ niệm chương được xét tặng cho các đối tượng sau:
1. Cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống cơ quan làm công tác dân tộc.
2. Người ngoài hệ thống cơ quan làm công tác dân tộc.
3. Người nước ngoài.
4. Những người sau đây không thuộc đối tượng xét tặng:
a) Người đang trong thời gian chịu kỷ luật từ khiển trách trở lên. Thời gian chịu kỷ luật không được tính liên tục để xét tặng Kỷ niệm chương.
b) Người là cán bộ công chức, viên chức nhà nước đã bị thôi việc do vi phạm kỷ luật.
Điều 5. Tiêu chuẩn xét tặng Kỷ niệm chương đối với cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống cơ quan làm công tác dân tộc:
1. Hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao không mắc sai phạm khuyết điểm.
2. Có thời gian công tác liên tục từ 10 năm trở lên trong hệ thống cơ quan làm công tác dân tộc.
3. Những trường hợp được cộng thêm và tính thời gian quy đổi:
a) Những trường hợp được cộng thêm.
- Mỗi lần đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, được tặng Bằng khen của Bộ trưởng được cộng thêm 1 năm.
- Mỗi lần đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp ngành, được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, được cộng thêm 2 năm.
- Người được tặng thưởng Huân chương lao động (hạng hai, hạng ba) được cộng thêm 3 năm.
b) Trường hợp quy đổi:
Là cán bộ, công chức hoặc sĩ quan, chiến sĩ thuộc lực lượng vũ trang nhân dân đã có thời gian công tác ở vùng dân tộc và miền núi trước khi chuyển ngành về công tác trong hệ thống cơ quan dân tộc thời gian công tác trên được tính quy đổi hệ số 0,5.
4. Những trường hợp sau không cần đủ số năm công tác như quy định tại khoản 2 của Điều này:
- Người được nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động.
- Người được Nhà nước tặng thưởng các loại Huân chương cao quý như: Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập, Huân chương Lao động hạng nhất.
Điều 6. Tiêu chuẩn xét tặng Kỷ niệm chương đối với người ngoài hệ thống cơ quan làm công tác dân tộc:
1. Là người dân tộc thiểu số được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Chiến sĩ thi đua Toàn quốc, Nhà giáo Nhân dân, Thầy thuốc Nhân dân, Nghệ sĩ Nhân dân.
2. Cán bộ, công chức, công dân Việt Nam được tập thể công nhận đã có thành tích xuất sắc, tiêu biểu, có hiệu quả đối với sự nghiệp phát triển các dân tộc thiểu số Việt Nam.
3. Người nước ngoài có đóng góp to lớn và có hiệu quả vào sự nghiệp phát triển các dân tộc thiểu số Việt Nam.
Chương 3:
QUY ĐỊNH VỀ HỒ SƠ, THỦ TỤC XÉT TẶNG KỶ NIỆM CHƯƠNG
Điều 7. Quy định xét tặng Kỷ niệm chương thực hiện theo trình tự sau:
1. Đối với địa phương:
- Cơ quan làm công tác Dân tộc tỉnh chủ trì phối hợp với các Sở, Ban, ngành, Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh lập hồ sơ, danh sách các đối tượng đủ tiêu chuẩn trình Hội đồng Thi đua - Khen thưởng hiệp y văn bản đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương
Các địa phương chưa thành lập cơ quan làm công tác Dân tộc tỉnh, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì, thực hiện việc đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương theo quy định trên.
2. Đối với các vụ, đơn vị thuộc Ủy ban Dận tộc:
- Thủ trưởng đơn vị xem xét, lập hồ sơ, danh sách các cán bộ, công chức, viên chức của đơn vị có đủ điều kiện, tiêu chuẩn đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương.
Đối với các cán bộ, công chức đã nghỉ hưu, Vụ Tổ chức Cán bộ lập hồ sơ, danh sách đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương.
3. Đối với các Bộ, ngành, Tổ chức chính trị, Tổ chức chính thị - xã hội ở Trung ương, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng của cơ quan lập hồ sơ, danh sách đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương.
4. Trường hợp cán bộ, công chức có đủ điều kiện để xét tặng Kỷ niệm chương, nhưng cơ quan, đơn vị cũ đã giải thể hoặc sáp nhập với đơn vị mới thì cơ quan, đơn vị mới kế thừa chức năng, nhiệm vụ của đơn vị cũ (hoặc cơ quan cấp trên của đơn vị cũ) lập hồ sơ, danh sách đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương.
5. Đối với người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài có quan hệ làm việc với cơ quan, tổ chức nào thì cơ quan, tổ chức đó lập hồ sơ, danh sách, thông qua Vụ Hợp tác Quốc tế Ủy ban Dân tộc đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương.
Điều 8. Hồ sơ xét tặng Kỷ niệm chương gồm có:
1. Văn bản đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương.
2. Biên bản họp của cơ quan, đơn vị đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương.
3. Danh sách trích ngang của từng đối tượng đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương (ghi rõ thời gian công tác, thành tích đóng góp vào sự ngiệp phát triển các dân tộc thị thực theo mẫu).
4. Hồ sơ của cơ quan, đơn vị đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương về thường trực Hội đồng Thi đua khen thưởng Uỷ ban Dân tộc trước ngày 30/6 hàng năm.
- Trường hợp đề nghị xét tặng đột xuất, Hội đồng Thi đua - khen thưởng cơ quan Uỷ ban Dân tộc báo cáo trực tiếp với bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc để xem xét, quyết định.
Chương 4:
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 9. Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Uỷ ban Dân tộc chịu trách nhiệm hướng dẫn việc thi hành Quy chế này.
Trong quá trình triển khai, thực hiện, nếu có vướng mắc hoặc phát hiện những quy định chưa phù hợp, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị có ý kiến bằng văn bản gửi về Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Ủy ban Dân tộc để nghiên cứu, báo cáo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc xem xét, quyết định.