Quyết định số 31/2005/QĐ-UB ngày 25/04/2005 Về Quy định bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh ĐắkLắk (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 31/2005/QĐ-UB
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Đắk Lắk
- Ngày ban hành: 25-04-2005
- Ngày có hiệu lực: 10-05-2005
- Ngày bị sửa đổi, bổ sung lần 1: 15-09-2005
- Ngày bị sửa đổi, bổ sung lần 2: 14-07-2006
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 01-02-2010
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 1728 ngày (4 năm 8 tháng 28 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 01-02-2010
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 31/2005/QĐ-UB | Buôn Ma Thuột, ngày 25 tháng 04 năm 2005 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ BỒI THƯỜNG, HỖ TRỢ VÀ TÁI ĐỊNH CƯ KHI NHÀ NƯỚC THU HỒI ĐẤT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮKLẮK
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐẮKLẮK
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND được Quốc hội thông qua ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Đất đai ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị định số: 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ “Về thi hành Luật Đất đai”;
Căn cứ Nghị định số: 197/2004/NĐ-CP ngày 03/12/2004 của Chính phủ “Về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất”, Thông tư số: 116/2004/TT-BTC ngày 07/12/2004 của Bộ Tài chính “Hướng dẫn thực hiện Nghị định số: 197/2004/NĐ-CP ngày 03/12/2004 của Chính phủ về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất”;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính tại Tờ trình số: 328/TC-TT ngày 07 tháng 04 năm 2005,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này: Quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh ĐắkLắk.
Điều 2. Giám đốc các Sở: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Nông nghiệp và phát triển nông thôn có trách nhiệm kiểm tra và hướng dẫn việc thực hiện quyết định này.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành thuộc tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Buôn Ma Thuột, các Chủ đầu tư, các tổ chức và cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số: 634/1999/QĐ-UB ngày 29/03/1999 của UBND tỉnh ĐắkLắk ban hành quy định về việc đền bù thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất theo Nghị định số 22/1998/NĐ-CP ngày 24/04/1998 của Chính phủ, Quyết định số: 2937/2000/QĐ-UB ngày 07/11/2000 của UBND tỉnh về việc ban hành tỷ lệ định mức chi phí phục vụ công tác đền bù, thiệt hai, giải phóng mặt bằng, Quyết định số: 103/2003/QĐ-UB ngày 25/09/2003 của UBND tỉnh về phân cấp phê duyệt phương án đền bù, thiệt hại, giải phóng mặt bằng khi Nhà nước thu hồi đất.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐẮKLẮK |
QUY ĐỊNH
VỀ BỒI THƯỜNG, HỖ TRỢ VÀ TÁI ĐỊNH CƯ KHI NHÀ NƯỚC THU HỒI ĐẤT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮKLẮK
(Ban hành kèm theo Quyết định số 31/2005/QĐ-UB ngày 25/4/2005 của UBND tỉnh ĐắkLắk)
Chương 1.
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi áp dụng quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh
Việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh phải thực hiện theo các quy định của Luật Đất đai năm 2003, Nghị định số: 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai, Nghị định số: 197/2004/NĐ-CP ngày 03/12/2004 của Chính phủ (sau đây gọi tắt là Nghị định 197/CP) về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, Thông tư số: 116/2004/TT-BTC ngày 07/12/2004 của Bộ Tài chính (sau đây gọi tắt là Thông tư 116/BTC) hướng dẫn thực hiện Nghị định số: 197/2004/NĐ-CP ngày 03/12/2004 của Chính phủ về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất và các quy định cụ thể tại Quyết định này.
Điều 2. Nội dung quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất:
1. Chế độ cụ thể để thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.
2. Thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện Phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.
Chương 2.
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 3. Điều kiện để được bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất:
Người bị thu hồi đất nếu đảm bảo các điều kiện được quy định tại Điều 8 Nghị định 197/CP thì được bồi thường về đất; Trường hợp đất có nguồn gốc do các tổ chức (các cơ quan thuộc lực lượng vũ trang từ cấp tỉnh trở lên, cơ quan hành chính cấp tỉnh, các doanh nghiệp nhà nước, hợp tác xã) được Nhà nước giao đất để quản lý, sử dụng nhưng đã giao đất cho các cá nhân làm nhà ở, hiện đang sử dụng hoặc đã sang nhượng lại cho người khác từ trước ngày 15/10/1993, nay được UBND xã, phường, thị trấn xác nhận không có tranh chấp thì được bồi thường về đất, loại đất được bồi thường căn cứ vào mục đích sử dụng đất trong văn bản giao đất của các tổ chức tại thời điểm giao đất và không vượt hạn mức do UBND tỉnh quy định đối với từng loại đất, trường hợp là đất ở thì phần vượt hạn mức được coi là đất nông nghiệp để thực hiện bồi thường.
Điều 4. Bồi thường, hỗ trợ đối với đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân.
1. Đất nông nghiệp nằm xen kẽ trong khu dân cư, đất vườn ao liền kề với đất ở trong khu dân cư, ngoài việc được bồi thường theo giá đất nông nghiệp cùng mục đích sử dụng còn được hỗ trợ bằng tiền. Mức hỗ trợ cụ thể như sau: Phần diện tích bằng hoặc nhỏ hơn hạn mức đất ở do UBND tỉnh quy định được hỗ trợ bằng 50%; phần vượt hạn mức đất ở do UBND tỉnh quy định đến 1.000m2 được hỗ trợ bằng 30%; phần lớn hơn 1.000m2 được hỗ trợ bằng 20% giá đất ở liền kề.
2. Hộ gia đình là cán bộ, công nhân viên của nông, lâm trường quốc doanh đang làm việc hoặc đã nghỉ hưu, nghỉ mất sức lao động, thôi việc được hưởng trợ cấp nhận giao khoán đất sử dụng vào mục đích nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản (không bao gồm đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ), đang trực tiếp sản xuất; Hộ gia đình, cá nhân nhận khoán đang trực tiếp sản xuất và có nguồn sống chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp (có xác nhận của UBND cấp xã nơi đăng ký thường trú hoặc canh tác) khi Nhà nước thu hồi đất không được bồi thường về đất nhưng được bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại và được hỗ trợ bằng tiền tính theo diện tích thực tế bị thu hồi nhưng không vượt hạn mức giao đất nông nghiệp do UBND tỉnh quy định. Mức hỗ trợ cụ thể như sau:
2.1. Đất nhận khoán là đất nông nghiệp được hỗ trợ 20% so với giá đất nông nghiệp cùng hạng.
2.2. Đất nhận khoán là đất có mặt nước nuôi trồng thủy sản được hỗ trợ 10% so với giá đất nuôi trồng thủy sản có điều kiện tương đương.
2.3. Đất nhận khoán là đất lâm nghiệp được hỗ trợ 10% so với giá đất lâm nghiệp cùng nhóm đất.
Chi phí đầu tư vào đất được căn cứ vào khối lượng công việc và đơn giá tại địa phương tại thời điểm cải tạo đất để xác định; Chi phí đầu tư vào đất còn lại là tổng chi phí đầu tư vào đất trừ đi chi phí đã phân bổ vào giá trị sản phẩm thu hoạch hoặc giá trị dịch vụ đã tiêu thụ (nếu có). Khi có chi phí đầu tư vào đất phải bồi thường, tổ chức thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư xác định cụ thể, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Điều 5. Bồi thường đối với đất thuộc hành lang an toàn khi xây dựng công trình có hành lang bảo vệ an toàn.
Khi Nhà nước không thu hồi đất để xây dựng công trình có hành lang bảo vệ an toàn, phần diện tích đất nằm trong phạm vi hành lang an toàn không thay đổi mục đích sử dụng đất nhưng làm hạn chế khả năng sử dụng của đất thì được bồi thường bằng tiền theo mức thiệt hại thực tế. Mức bồi thường bằng 70% mức giá được xác định bằng diện tích đất bị hạn chế sử dụng nhân với chênh lệch giá giữa giá đất tại thời điểm trước trừ giá đất tại thời điểm sau khi có quyết định thu hồi.
Điều 6. Bồi thường, hỗ trợ đối với nhà, công trình xây dựng trên đất.
1. Bồi thường, hỗ trợ đối với nhà, công trình xây dựng trên đất thực hiện theo quy định tại Điều 18, 19, 20 Nghị định số: 197/CP, Điểm 1, 2, 3 Phần III Thông tư 116/BTC. Trường hợp công trình là nhà, lán tạm (không dùng để ở, sinh hoạt hàng ngày), vật kiến trúc xây dựng trên đất nông nghiệp có đủ điều kiện được bồi thường về đất, trực tiếp phục vụ cho sản xuất nông nghiệp thì được bồi thường, hoặc hỗ trợ chi phí tháo dỡ, lắp dựng lại. Đối với nhà, vật kiến trúc xây dựng trên đất đủ điều kiện được bồi thường nhưng trái với mục đích sử dụng đất; Công trình xây dựng trước ngày 01/07/2004 trên đất không được bồi thường về đất theo quy định tại Điểm c Khoản 2 Điều 20 Nghị định 197/CP; Công trình xây dựng trên đất lấn chiếm thì không được bồi thường, tùy từng trường hợp, tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trình UBND tỉnh mức hỗ trợ đối với từng trường hợp cụ thể.
2. Đối với nhà, công trình xây dựng không phải nhà ở, công trình phục vụ sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân (quy định tại Điểm 2 Điều 19 Nghị định 197/CP), mức bồi thường được tính thêm một khoản 10% theo giá trị hiện có của nhà, công trình nhưng tối đa không lớn hơn 100% giá trị xây dựng mới của nhà, công trình có tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương với nhà, công trình bị thiệt hại.
Điều 7. Bồi thường chi phí tự cải tạo, sửa chữa, nâng cấp nhà ở thuộc sở hữu nhà nước.
Người đang sử dụng nhà ở thuộc sở hữu nhà nước (nhà thuê hoặc nhà do tổ chức tự quản) nằm trong phạm vi thu hồi đất phải tháo dỡ thì không được bồi thường đối với diện tích nhà ở thuộc sở hữu nhà nước và diện tích cơi nới trái phép nhưng được bồi thường chi phí tự cải tạo, sửa chữa, nâng cấp hợp pháp. Phần diện tích tự cải tạo, sửa chữa, nâng cấp được coi là hợp pháp khi được cơ quan ra quyết định phân nhà (bao gồm cả đơn vị cho thuê nhà), cơ quan quản lý nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước cho phép. Mức bồi thường căn cứ theo giá trị còn lại của chi phí tự cải tạo, sửa chữa, nâng cấp nhà ở. Chi phí cải tạo, sửa chữa, nâng cấp tính theo đơn giá xây dựng cơ bản tại địa phương, khối lượng công việc do tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư xác định trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Điều 8. Bồi thường về di chuyển mồ mả:
Bồi thường về di chuyển mồ mả được xác định theo mức giá do UBND tỉnh ban hành theo quy định tại điều 22 Nghị định 197/CP; Trường hợp mức giá do UBND tỉnh ban hành chưa phù hợp với thực tế, tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trình UBND tỉnh quyết định đối với từng trường hợp cụ thể.
Điều 9. Bồi thường đối với công trình văn hóa, di tích lịch sử, nhà thờ, đình, chùa, am, miếu.
Bồi thường đối với công trình văn hóa, di tích lịch sử, nhà thờ, đình, chùa, am, miếu do địa phương quản lý do UBND tỉnh quyết định đối với từng trường hợp cụ thể.
Điều 10. Bồi thường đối với cây trồng.
Việc thực hiện bồi thường cây trồng thực hiện theo quy định tại Điều 24 Nghị định 197/CP, Mục 5 Phần III Thông tư 116/BTC và quy định đối với một số trường hợp cụ thể sau:
1. Đối với cây trồng lâu năm nếu trồng sau thời điểm có Thông báo quy hoạch hoặc Quyết định thu hồi đất của cơ quan có thẩm quyền thì không được bồi thường.
2. Đối với cây trồng hàng năm được bồi thường nếu thời gian sinh trưởng của cây trồng nhỏ hơn thời gian từ khi có Thông báo quy hoạch hoặc Quyết định thu hồi đất của cơ quan có thẩm quyền đến khi thực hiện thu hồi đất (trường hợp từ khi gieo trồng đến khi thực hiện thu hồi đất chưa được 50% thời gian sinh trưởng thì được hỗ trợ 50% mức giá do UBND tỉnh ban hành), nếu thời gian sinh trưởng lớn hơn thì không được bồi thường, hỗ trợ.
Điều 11. Chính sách hỗ trợ khác
1. Hộ gia đình khi Nhà nước thu hồi đất phải di chuyển chỗ ở thì được hỗ trợ chi phí di chuyển, nếu di chuyển trong tỉnh được hỗ trợ 2.000.000 đồng, di chuyển sang tỉnh khác được hỗ trợ 4.000.000 đồng cho một hộ.
2. Người sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất ở, không còn chỗ ở khác, trong thời gian chờ tạo lập chỗ ở mới (bao gồm bố trí và không bố trí tái định cư) thì được hỗ trợ tiền thuê nhà với thời gian tối đa không quá 04 tháng, với mức tối đa 500.000 đồng cho một hộ mỗi tháng (đối với các hộ ở 13 phương thuộc thành phố Buôn Ma Thuột), 300.000 đồng một hộ mỗi tháng (đối với các hộ ở các xã, thị trấn còn lại), thời gian tính từ lúc thực hiện thu hồi đất.
3. Hỗ trợ ổn định cuộc sống và ổn định sản xuất theo mức 150.000 đồng một nhân khẩu mỗi tháng cho các đối tượng được quy định tại Khoản 1 Điều 28, Điều 30 Nghị định 197/CP, thu hồi đất ở, phải giải tỏa nhà và di chuyển chỗ ở (nếu là đối tượng thuê nhà không thuộc sở hữu Nhà nước được quy định tại Điều 30 Nghị định 197/CP thì số tháng được hỗ trợ là 03 tháng, trường hợp khi Nhà nước thu hồi đất mà phải giải tỏa nhà và di chuyển chỗ ở thì được hỗ trợ 6 tháng) kể cả được bồi thường hoặc không được bồi thường về đất.
4. Hỗ trợ chuyển đổi nghề và tạo việc làm theo Điều 29 Nghị định 197/CP theo mức 2.000.000 đồng cho một người trong độ tuổi lao động nhưng không quá 55 tuổi đối với nam, 50 tuổi đối với nữ, số lao động được hỗ trợ chuyển đổi nghề và tạo việc làm căn cứ theo số lao động trong độ tuổi hiện có nhưng không quá 03 người trong một hộ và chỉ được thực hiện khi nhà nước không bố trí đất tái định canh và người lao động có nhu cầu chuyển đổi nghề và tạo việc làm. Khi thu hồi đất, nếu người bị thu hồi đất có nhu cầu học chuyển đổi nghề thì phải đăng ký với tổ chức thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư và UBND xã, phường, thị trấn. UBND xã, phường, thị trấn có trách nhiệm đăng ký với cơ sở dạy nghề để người lao động học nghề trong thời gian sớm nhất. Kinh phí hỗ trợ chuyển đổi nghề và tạo việc làm được quản lý tập trung tại Kho bạc Nhà nước, khi người lao động đã học xong nghề tại các cơ sở dạy nghề của tỉnh thì tổ chức thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư chi trả tiền cho người lao động căn cứ vào biên lai đóng học phí (với mức tối đa 2.000.000 đồng cho mỗi lao động).
5. Mức hỗ trợ khi thu hồi đất công ích của xã, phường, thị trấn, nếu là đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp tính bằng 50% giá đất được UBND tỉnh quy định cho đất ở liền kề, nếu là đất nông nghiệp, đất khác được tính bằng giá đất cùng loại liền kề với đất công ích của xã, phường, thị trấn.
6. Trường hợp các hộ gia đình tự nguyện di dời theo đúng kế hoạch của Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thông báo và tài sản là nhà cửa, vật kiến trúc bị tháo dỡ có giá trị bồi thường từ 50.000.000 đồng trở lên thì được hỗ trợ thêm 2.000.000 đồng cho một hộ.
7. Hỗ trợ cho hộ gia đình là thương binh, gia đình Liệt sỹ, gia đình có công với Cách mạng được cơ quan có thẩm quyền xác nhận, hộ đói nghèo đã được cấp sổ phải di chuyển chỗ ở do bị thu hồi đất: 1.500.000 đồng cho một hộ.
8. Hỗ trợ tối đa 1.000.000 đồng cho một hộ tại khu tái định cư để các hộ mua giống, vật nuôi cho vụ sản xuất nông nghiệp đầu tiên. Mức hỗ trợ cụ thể căn cứ vào số lượng giống, vật nuôi tại khu tái định cư của vụ sản xuất nông nghiệp đầu tiên và có xác nhận của UBND cấp xã nơi tổ chức sản xuất nông nghiệp.
9. Mức hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất của tổ chức, hộ sản xuất kinh doanh có đăng ký kinh doanh căn cứ theo quy định tại Khoản 2 Điều 28 Nghị định 197/CP. UBND tỉnh quyết định hỗ trợ cho từng trường hợp cụ thể theo đề nghị của Hội đồng thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của tỉnh.
Điều 12. Về tái định cư, thực hiện theo quy định tại Nghị định 197/CP và Thông tư số 116/BTC.
Điều 13. Kinh phí thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.
Nguồn kinh phí để chi cho việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo Quy định này do Chủ đầu tư đảm bảo và được hạch toán vào mục riêng trong tổng vốn đầu tư của công trình, trường hợp chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư được trừ vào tiền sử dụng đất phải nộp thì thực hiện theo quy định.
Chương 3.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 14. Tổ chức thực hiện chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ.
Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư huyện, thành phố Buôn Ma Thuột được thành lập theo quy định tại Điều 39 Nghị định 197/CP chịu trách nhiệm thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; Trường hợp thu hồi đất sau quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được công bố mà chưa có dự án đầu tư do Tổ chức phát triển quỹ đất của tỉnh thực hiện. Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư huyện, thành phố Buôn Ma Thuột, Tổ chức phát triển quỹ đất của tỉnh được phép mở Tài khoản tại Kho bạc Nhà nước để giao dịch. Chủ Đầu tư có trách nhiệm chuyển kinh phí cho Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, Tổ chức phát triển quỹ đất của tỉnh để chi trả cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất. Sau khi chi trả xong, Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, Tổ chức phát triển quỹ đất có trách nhiệm hoàn trả chứng từ để Chủ đầu tư thanh quyết toán theo quy định.
Điều 15. Thẩm định Phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.
Hội đồng thẩm định Phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư do Giám đốc Sở Tài chính làm Chủ tịch Hội đồng, thành viên Hội đồng gồm Giám đốc Sở: Xây dựng, Sở Tài nguyên & Môi trường và Sở Nông nghiệp & phát triển nông thôn. Hội đồng thẩm định chịu trách nhiệm thẩm định Phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư do Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư huyện, thành phố, Tổ chức phát triển quỹ đất của tỉnh trình đối với các Phương án thuộc khoản 1 Điều 16 dưới đây. Giúp việc cho Hội đồng thẩm định có Tổ Chuyên viên gồm Đại diện các cơ quan có trong Hội đồng thẩm định. Trụ sở làm việc của Hội đồng và Tổ Chuyên viên đặt tại Sở Tài chính, kinh phí hoạt động của Hội đồng và Tổ Chuyên viên do Ngân sách tỉnh chi trả.
Điều 16. Phê duyệt Phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.
Việc phê duyệt Phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư được quy định như sau:
1. UBND tỉnh phê duyệt các Phương án không thuộc Khoản 2, 3 dưới đây.
2. UBND huyện phê duyệt Phương án có giá trị từ 500 triệu đồng trở xuống, việc thu hồi đất chỉ ở trong một huyện và Phương án do Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư huyện lập (đối với tất cả các dự án đầu tư trên địa bàn).
3. UBND thành phố Buôn Ma Thuột phê duyệt Phương án có giá trị từ 01 tỷ đồng trở xuống, việc thu hồi đất chỉ ở trong địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột và Phương án do Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thành phố lập (đối với tất cả các dự án đầu tư trên địa bàn).
Điều 17. Giải tỏa mặt bằng, cưỡng chế thi hành Quyết định thu hồi đất.
1. Chủ đầu tư có trách nhiệm giải tỏa mặt bằng, chi phí thực hiện giải tỏa do Chủ đầu tư chịu; Trường hợp người bị thu hồi đất tự nguyện thực hiện giải tỏa mặt bằng thì người bị thu hồi đất có quyền tự tháo dỡ công trình cần giải tỏa, Chủ đầu tư có trách nhiệm hỗ trợ một phần kinh phí theo thỏa thuận với người bị thu hồi đất.
2. Giao cho UBND huyện, thành phố Buôn Ma Thuột ra Quyết định cưỡng chế và tổ chức thực hiện cưỡng chế đối với trường hợp đất do UBND tỉnh ra Quyết định thu hồi, chi phí thực hiện cưỡng chế thực hiện theo quy định.
Điều 18. Chi phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.
Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư huyện, thành phố, Tổ chức phát triển quỹ đất lập dự toán chi phí cho công tác thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Việc phê duyệt dự toán quy định như sau: Phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư do UBND tỉnh phê duyệt thì chi phí này do Sở Tài chính thẩm tra và phê duyệt, Phương án do UBND huyện, thành phố phê duyệt thì Phòng Tài chính Kế hoạch của huyện thẩm tra, phê duyệt. Mức chi phí để tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo quy định sau:
TT | Giá trị của phương án | Công trình giao thông, thủy lợi, thủy điện | Công trình khác |
1 | Đến 500 triệu đồng | 2,0% tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ | 1,5% tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ |
2 | Từ trên 500 triệu đồng 1 tỷ đồng | 10 triệu + (tổng kinh phí trị bồi thường, hỗ trợ - 500 triệu) x 1,5% | 7,5 triệu + (tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ - 500 triệu) x 1,0% |
3 | Trên 01 tỷ đồng | 17,5 triệu + (tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ - 1 tỷ) x 0,5% | 12,5 triệu + (tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ - 1 tỷ) x 0,5% |
Nội dung chi thực hiện theo quy định tại Nghị định 197/CP, Thông tư số: 116/BTC; Mức trích trên là tỷ lệ tối đa, trường hợp chi không hết thì phải nộp Ngân sách Nhà nước.