Quyết định số 40/2005/QĐ-UBND ngày 18/04/2005 Ban hành Quy định phân cấp quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình do Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình ban hành (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 40/2005/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Thái Bình
- Ngày ban hành: 18-04-2005
- Ngày có hiệu lực: 28-04-2005
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 02-12-2013
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 3140 ngày (8 năm 7 tháng 10 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 02-12-2013
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 40/2005/QĐ-UBND | Thái Bình, ngày 18 tháng 4 năm 2005 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH PHÂN CẤP QUẢN LÝ DỰ ÁN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THÁI BÌNH
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07/02/2005 của Chính phủ về việc quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình;
Xét đề nghị của sở Xây dựng tại công văn số 78 XD/GĐ ngày 12/4/2005 về việc ban hành quy định phân cấp quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình;
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Ban hành kèm theo quyết định này bản “Quy định phân cấp quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình trên địa bàn tỉnh”.
Điều 2. Giao cho Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Sở, Ngành có liên quan, có văn bản hướng dẫn chi tiết việc tổ chức thực hiện phân cấp quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình theo đúng quy định này.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc sở Tài chính, Giám đốc Kho bạc nhà nước tỉnh, Giám đốc sở Xây dựng, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành và đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Quyết định này thay thế quyết định số 430/2001/QĐ-UB ngày 22/5/2001 của UBND tỉnh ban hành “Quy định về phân cấp quản lý đầu tư và xây dựng”
Quyết định có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký. ./.
Nơi nhận : | T/M ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
QUY ĐỊNH
PHÂN CẤP QUẢN LÝ DỰ ÁN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 40/2005/QĐ-UB ngày 18 tháng 4 năm 2005 của UBND tỉnh)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1: Nguyên tắc phân cấp quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình.
Phân định rõ trách nhiệm của UBND các cấp, các Sở, Ban ngành liên quan, các chủ đầu tư trong việc thực hiện công tác quản lý đầu tư và xây dựng bảo đảm đúng Luật xây dựng và chế độ chính sách hiện hành của Nhà nước, phù hợp với tình hình kinh tế xã hội của tỉnh, sử dụng các nguồn vốn đầu tư do Nhà nước quản lý đạt hiệu quả cao; chống thất thoát, lãng phí, thực hiện đầu tư và xây dựng theo quy hoạch, kế hoạch, bảo đảm chất lượng công trình, bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên và an ninh quốc phòng.
Điều 2: Đối tượng và phạm vi áp dụng của phân cấp quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình.
Văn bản này quy định trình tự, nội dung phân cấp quản lý các dự án quy hoạch, quản lý dự án đầu tư, thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán, công tác đấu thầu, công tác giải phóng mặt bằng, quản lý chất lượng, nghiệm thu công trình, thanh, quyết toán vốn đầu tư xây dựng của các dự án nhóm A,B,C thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn tín dụng do Nhà nước bảo lãnh, vốn tín dụng đầu tư, phát triển của Nhà nước.
Các nguồn vốn khác thực hiện theo quy định hiện hành của Nhà nước.
Chương II
PHÂN CẤP QUẢN LÝ
Điều 3: Thẩm quyền quản lý các dự án quy hoạch.
1- Sở Kế hoạch và Đầu tư: Chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước về quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, tổ chức lập các dự án quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, các vùng liên huyện, vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh trình UBND tỉnh phê duyệt.
2- Sở Xây dựng: Chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về quy hoạch xây dựng đô thị, nông thôn, hướng dẫn nội dung, trình tự lập thẩm định, quản lý các dự án quy hoạch xây dựng đô thị, nông thôn, các khu công nghiệp, khu kinh tế trọng điểm, thẩm định các dự án quy hoạch xây dựng trình UBND tỉnh phê duyệt. Soạn thảo các văn bản về quản lý hướng dẫn thực hiện quy hoạch xây dựng trình UBND tỉnh ban hành. Chủ trì và phối hợp với UBND các huyện, thành phố, các Sở ngành liên quan tổ chức kiểm tra việc quản lý, thực hiện các quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt. Lập kế hoạch quy hoạch hàng năm bao gồm kế hoạch khảo sát đo đạc để nghiên cứu quy hoạch, kế hoạch thiết kế hoặc điều chỉnh các đồ án quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết các thị trấn, thị tứ, các khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế trọng điểm trình UBND tỉnh phê duyệt.
3- Các Sở ngành : có trách nhiệm nghiên cứu tổ chức lập quy hoạch xây dựng của ngành, sau khi thống nhất với Sở Xây dựng bảo cáo UBND tỉnh phê duyệt, các Sở ngành có trách nhiệm quản lý và tổ chức thực hiện đúng quy hoạch được duyệt. Những quy hoạch xây dựng có liên quan đến các ngành khác, phải thống nhất với các ngành đó bằng văn bản trước khi trình UBND tỉnh phê duyệt.
Hàng năm căn cứ vào thực tế phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, các ngành điều chỉnh bổ sung quy hoạch cho phù hợp, lập kế hoạch vốn cho công tác quy hoạch xây dựng, gửi Sở Xây dựng và Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp báo cáo UBND tỉnh quyết định.
4- UBND các huyện, thành phố: Có trách nhiệm phối hợp với Sở Xây dựng và các Sở ngành có liên quan chỉ đạo việc xây dựng quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết thị trấn, thị tứ, quy hoạch làng nghề, xã nghề, các cụm công nghiệp, các khu kinh tế của huyện, thành phố trình các cơ quan có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt theo quyết định số 116/QĐ-UB ngày 13/12/2004 của UBND tỉnh về phân cấp quản lý quy hoạch xây dựng, tổ chức quản lý và thực hiện quy hoạch đã được phê duyệt, công bố công khai để nhân dân biết, thực hiện. Hàng năm lập kế hoạch khảo sát, thiết kế hoặc điều chỉnh đồ án quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết của huyện, thành phố gửi Sở Xây dựng và Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp trình UBND tỉnh phê duyệt.
Điều 4: Quản lý dự án đầu tư:
1- Đối với dự án đầu tư nhóm B, C thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do tỉnh quản lý, sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định phần thuyết minh, Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Giao thông Vận tải, Sở Công nghiệp và các sở chuyên ngành khác được UBND tỉnh giao nhiệm vụ thẩm định thiết kế cơ sở. Sở Kế hoạch và đầu tư chủ trì, có trách nhiệm tổng hợp ý kiến của các sở nêu trên về kết quả thẩm định thiết kế cơ sở và các ngành có liên quan đến nội dung thẩm định dự án, trình UBND tỉnh phê duyệt.
Đối với các dự án nhóm A trước khi quyết định đầu tư, UBND tỉnh tổ chức lấy ý kiến của các ngành chuyên môn để quyết định chủ trương đầu tư và báo cáo Thủ tướng Chính Phủ khi được Thủ tướng Chính Phủ cho phép mới quyết định đầu tư.
Các công trình sử dụng vốn ngân sách của tỉnh có mức đầu tư không quá 1 tỷ đồng, UBND tỉnh giao sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định phê duyệt. Sau khi phê duyệt sở Kế hoạch và Đầu tư gửi kết quả phê duyệt báo cáo UBND tỉnh và các ngành liên quan.
2- Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn được quyết định đầu tư các dự án trong phạm vi ngân sách của địa phương sau khi thông qua HĐND cùng cấp (bao gồm cả các khoản bổ sung từ ngân sách cấp trên) có mức vốn đầu tư không lớn hơn 2 tỷ đồng (đối với cấp huyện), không lớn hơn 3 tỷ đồng (đối với thành phố) và không lớn hơn 500 triệu đồng (đối với cấp xã, phường, thị trấn). Dự án đầu tư phải trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
3- Phân loại dự án đầu tư xây dựng công trình: Dự án đầu tư xây dựng công trình được phân làm 3 loại: nhóm A, nhóm B, nhóm C được quy định tại phụ lục I Nghị định 16/2005/NĐ-CP ngày 07/02/2005 của Chính phủ.
4- Lập dự án đầu tư xây dựng công trình.
a. Khi đầu tư xây dựng công trình, chủ đầu tư phải tổ chức lập dự án để làm rõ về sự cần thiết phải đầu tư và hiệu quả đầu tư công trình trừ những trường hợp sau:
- Công trình chỉ cần lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng (quy định tại khoản 1 điều 9 của quy định này).
- Các công trình xây dựng là nhà ở riêng lẻ của công dân quy định tại khoản 5 điều 35 Luật xây dựng.
b. Nội dung dự án bao gồm phần thuyết minh và thiết kế cơ sở.
Điều 5: Nội dung phần thuyết minh của dự án.
1- Sự cần thiết và mục tiêu đầu tư, đánh giá nhu cầu thị trường tiêu thụ sản phẩm đối với dự án sản xuất kinh doanh, hình thức đầu tư xây dựng công trình, địa điểm xây dựng, nhu cầu sử dụng đất, điều kiện cung cấp nguyên liệu, nhiên liệu và các yếu tố khác.
2- Quy mô và diện tích xây dựng công trình, các hạng mục công trình bao gồm công trình chính, công trình phụ và các công trình khác, phân tích lựa chọn phương án kỹ thuật công nghệ và công suất.
3- Các giải pháp thực hiện bao gồm:
a. Phương án giải phóng mặt bằng, tái định cư và phương án hỗ trợ xây dựng hạ tầng kỹ thuật (nếu có).
b. Các phương án thiết kế kiến trúc đối với công trình trong đô thị và công trình có yêu cầu kiến trúc.
c. Phương án khai thác dự án và sử dụng lao động.
d. Phân kỳ thực hiện, tiến độ thực hiện và hình thức quản lý.
4- Đánh giá tác động môi trường, các giải pháp phòng chống cháy nổ và các yêu cầu về an ninh quốc phòng.
5- Tổng mức đầu tư của dự án, khả năng về vốn, nguồn vốn và khả năng cấp vốn theo tiến độ, phương án hoàn trả vốn, các chỉ tiêu về tài chính, phân tích đánh giá hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội của dự án.
Điều 6: Nội dung thiết kế cơ sở của dự án.
1- Nội dung phần thiết kế cơ sở của dự án phải thể hiện được giải pháp thiết kế chủ yếu, bảo đảm đủ điều kiện để xác định tổng mức đầu tư và triển khai các bước thiết kế tiếp theo, bao gồm thuyết minh và các bản vẽ.
2- Thuyết minh thiết kế cơ sở được trình bầy riêng hoặc trình bầy trên các bản vẽ để diễn giải thiết kế với các nội dung chủ yếu sau:
a. Tóm tắt nhiệm vụ thiết kế, giới thiệu tóm tắt mối liên hệ của công trình với quy hoạch xây dựng tại khu vực, các số liệu về điều kiện tự nhiên, tải trọng và tác động, danh mục các quy chuẩn, tiêu chuẩn được áp dụng.
b. Thuyết minh công nghệ : giới thiệu tóm tắt phương án công nghệ và sơ đồ công nghệ; Danh mục thiết bị công nghệ với các thông số kỹ thuật chủ yếu liên quan đến thiết kế xây dựng.
c. Thuyết minh xây dựng:
- Khái quát về tổng mặt bằng: giới thiệu tóm tắt đặc điểm tổng mặt bằng, cao độ và toạ độ xây dựng; hệ thống hạ tầng kỹ thuật và các điểm đầu mối; Diện tích sử dụng đất, diện tích xây dựng, diện tích cây xanh, mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất, cao độ san nền và các nội dung cần thiết khác.
- Đối với công trình xây dựng theo tuyến : giới thiệu tóm tắt đặc điểm tuyến công trình, cao độ và toạ độ xây dựng, phương án xử lý các chướng ngại vật chính trên tuyến; hành lang bảo vệ tuyến và các đặc điểm khác của công trình nếu có;
- Đối với công trình có yêu cầu kiến trúc : giới thiệu tóm tắt mối liên hệ của công trình với quy hoạch xây dựng tại khu vực và các công trình lân cận; ý tưởng của phương án thiết kế kiến trúc; mầu sắc công trình, các giải pháp thiết kế phù hợp với điều kiện khí hậu, môi trường, văn hoá, xã hội tại khu vực xây dựng.
- Phần kỹ thuật: giới thiệu tóm tắt đặc điểm địa chất công trình, phương án gia cố nền móng, các kết cấu chịu lực chính, hệ thống kỹ thuật và hạ tầng kỹ thuật của công trình, san nền, đào đắp đất, danh mục các phần mềm sử dụng trong thiết kế;
- Giới thiệu tóm tắt phương án phòng chống cháy, nổ và bảo vệ môi trường;
- Dự tính khối lượng các công tác xây dựng, thiết bị để lập tổng mức đầu tư và thời gian xây dựng công trình.
3- Các bản vẽ thiết kế cơ sở bao gồm:
a. Bản vẽ công nghệ thể hiện sơ đồ dây chuyền công nghệ với các thông số kỹ thuật chủ yếu;
b. Bản vẽ xây dựng thể hiện các giải pháp về tổng mặt bằng, kiến trúc, kết cấu, hệ thống kỹ thuật và hạ tầng kỹ thuật công trình với các kích thước và khối lượng chủ yếu, các mốc giới, toạ độ và cao độ xây dựng.
c. Bản vẽ sơ đồ hệ thống phòng chống cháy, nổ,
4- Đối với các dự án đầu tư xây dựng công trình có mục đích sản xuất kinh doanh thì tuỳ theo tính chất, nội dung dự án có thể giảm bớt một số nội dung thiết kế cơ sở quy định tại khoản 2 điều này nhưng phải bảo đảm yêu cầu về quy hoạch, kiến trúc, xác định được tổng mức đầu tư và tính toán được hiệu quả đầu tư của dự án.
5- Số lượng thuyết minh và các bản vẽ của thiết kế cơ sở được lập tối thiểu là 09 bộ.
Điều 7: Hồ sơ trình duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình.
1- Chủ đầu tư có trách nhiệm gửi hồ sơ dự án đầu tư xây dựng công trình tới cơ quan quyết định đầu tư phê duyệt.
2- Hồ sơ dự án đầu tư xây dựng công trình bao gồm:
a. Tờ trình phê duyệt dự án theo mẫu phụ lục số 2.
b. Dự án bao gồm phần thuyết minh và thiết kế cơ sở, văn bản thẩm định của các ngành liên quan ( nếu có).
Điều 8: Thẩm quyền thẩm định thiết kế cơ sở:
1- Đối với các dự án đầu tư thuộc nhóm B,C của các cơ quan Nhà nước và các thành phần kinh tế xây dựng trên địa bàn tỉnh thực hiện theo quy định sau:
a. Sở Công nghiệp tổ chức thẩm định thiết kế cơ sở của các dự án đầu tư xây dựng công trình hầm mỏ, dầu khí, nhà máy điện, đường dây tải điện, trạm biến áp và các công trình công nghiệp chuyên ngành.
b. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức thẩm định thiết kế cơ sở của các dự án đầu tư xây dựng công trình thuỷ lợi, đê điều, trồng rừng.
c. Sở Giao thông Vận tải tổ chức thẩm định thiết kế cơ sở các dự án đầu tư công trình giao thông.
d. Sở Xây dựng tổ chức thẩm định thiết kế cơ sở các dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng, công nghiệp (trừ các công trình do sở Công nghiệp tổ chức thẩm định) và các dự án đầu tư xây dựng công trình khác do Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu.
e. Các công trình Bưu chính viễn thông, Khai thác tài nguyên, công trình bí mật quốc gia, quân sự, an ninh quốc phòng và chuyên ngành khác do các sở chuyên ngành thẩm định thiết kế cơ sở.
g. Phòng Hạ tầng kinh tế huyện, Phòng Quản lý đô thị thành phố tổ chức thẩm định thiết kế cơ sở các công trình xây dựng dự án nhóm C, thuộc nguồn vốn ngân sách huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn. Đối với các dự án công trình có kỹ thuật, công nghệ phức tạp, thiết bị đặc thù, trước khi thẩm định thiết kế cơ sở cần có sự thoả thuận bằng văn bản của sở chuyên ngành, sau khi thẩm định thiết kế cơ sở, gửi kết quả thẩm định về sở Xây dựng chuyên ngành để theo dõi kiểm tra khi cần thiết.
2- Thiết kế cơ sở của các dự án nhóm B, C có công trình xây dựng theo tuyến qua nhiều địa phương, do sở chuyên ngành được giao thẩm định và có trách nhiệm lấy ý kiến của cơ sở và địa phương có liên quan về quy hoạch xây dựng, tác động môi trường nơi có công trình xây dựng.
3- Hồ sơ thiết kế cơ sở của dự án phải thể hiện được giải pháp thiết kế chủ yếu bảo đảm đủ điều kiện lập tổng mức đầu tư và là căn cứ để triển khai các bước thiết kế tiếp theo.
4- Việc thẩm định các bước thiết kế tiếp theo ( gồm thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, dự toán công trình) do chủ đầu tư tự tổ chức thẩm định, phê duyệt. Nếu chủ đầu tư không đủ năng lực chuyên môn thì phải thuê tổ chức tư vấn có đủ tư cách pháp nhân, đủ năng lực, không trực tiếp thiết kế thẩm định để làm cơ sở phê duyệt. Việc thẩm định phê duyệt của chủ đầu tư không được trái với thiết kế cơ sở đã thẩm định, không được vượt tổng mức đầu tư đã được phê duyệt. Nội dung các bước thiết kế tiếp theo thực hiện theo Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07/02/2005 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình.
5 - Các dự án xây dựng công trình sử dụng các nguồn vốn khác :
- Các sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành thẩm định thiết kế cơ sở các dự án nhóm B, nhóm C thuộc chuyên ngành nằm trong khu công nghiệp tập trung, dự án nằm ven đường quốc lộ, tỉnh lộ.
- Phòng Công thương các huyện, Phòng Quản lý đô thị thành phố thẩm định thiết kế cơ sở của các dự án nhóm B và nhóm C trên địa bàn còn laị.
5- Thời gian thẩm định thiết kế cơ sở không quá 30 ngày làm việc đối với các dự án nhóm A, 15 ngày làm việc đối với các dự án nhóm B và 10 ngày làm việc đối với dự án nhóm C, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Thời gian thẩm định dự án, kể cả thời gian thẩm định thiết kế cơ sở không quá 60 ngày làm việc đối với dự án nhóm A, 30 ngày làm việc đối với dự án nhóm B, 20 ngày làm việc đối với dự án nhóm C, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Trường hợp đặc biệt thời gian thẩm định có thể dài hơn nhưng phải được người quyết định đầu tư cho phép.
Điều 9: Báo cáo kinh tế-kỹ thuật xây dựng công trình.
1- Khi đầu tư xây dựng các công trình sau đây chủ đầu tư không phải lập dự án mà chỉ lập Báo cáo kinh tế-kỹ thuật xây dựng để trình người quyết định đầu tư phê duyệt.
a. Công trình xây dựng cho mục đích tôn giáo.
b. Công trình cải tạo sửa chữa nâng cấp, xây dựng mới trụ sở cơ quan có tổng mức đầu tư dưới 3 tỷ đồng.
c. Các dự án hạ tầng xã hội có tổng mức đầu tư dưới 7 tỷ đồng sử dụng vốn ngân sách không nhằm mục đích kinh doanh, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, quy hoạch xây dựng đã có chủ trương đầu tư hoặc đã được bố trí trong kế hoạch đầu tư hàng năm.
2- Nội dung của Báo cáo kinh tế-kỹ thuật xây dựng công trình thực hiện theo quy định tại khoản 4 điều 35 Luật xây dựng.
3- Các công trình sử dụng vốn ngân sách của tỉnh có tổng mức đầu tư từ 500 triệu đồng đến 3 tỷ đồng đối với công trình cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới trụ sở, cơ quan và 7 tỷ đồng đối với dự án hạ tầng xã hội (theo khoản 1 điểm b, c điều này), sau khi được người quyết định đầu tư phê duyệt Báo cáo kinh tế kỹ thuật thì thiết kế bản vẽ thi công và dự toán do các sở chuyên ngành thẩm định, chủ đầu tư phê duyệt. Các công trình sử dụng vốn ngân sách của huyện và thành phố do Phòng Hạ tầng kinh tế huyện, Phòng Quản lý đô thị thành phố thẩm định theo quy định tại điểm g khoản 1 điều 8 của quy định này. Các công trình có tổng mức đầu tư dưới 500 triệu đồng, việc thẩm định thiết kế bản vẽ thi công và dự toán do chủ đầu tư tự tổ chức thẩm định và báo cáo người quyết định đầu tư trước khi phê duyệt.
Điều 10: Điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng công trình.
1- Dự án đầu tư công trình xây dựng đã được quyết định đầu tư chỉ được điều chỉnh khi có một trong các trường hợp sau:
a. Xuất hiện các yếu tố bất khả kháng do thiên tai như bão, lũ, lụt, lốc, động đất, lở đất…
b. Do biến động bất thường của giá cả nguyên vật liệu, do thay đổi tỷ giá, chính sách mới có quy định được thay đổi mặt bằng giá đầu tư xây dựng công trình .
c. Do những yếu tố mới xuất hiện đem lại hiệu quả kinh tế-xã hội cao hơn của dự án.
d. Khi quy hoạch xây dựng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, có ảnh hưởng trực tiếp đến dự án.
2- Chủ đầu tư chỉ được phép điều chỉnh dự án khi không làm thay đổi quy mô, mục tiêu đầu tư và không vượt tổng mức đầu tư nhưng vẫn bảo đảm chất lượng, an toàn mỹ quan công trình. Trường hợp phải điều chỉnh dự án mà làm thay đổi thiết kế cơ sở về kiến trúc, quy hoạch, quy mô, mục tiêu đầu tư ban đầu hoặc vượt tổng mức đầu tư đã được phê duyệt thì chủ đầu tư phải trình người quyết định đầu tư xem xét quyết định. Những nội dung thay đổi phải được thẩm định lại.
Điều 11: Hồ sơ thiết kế dự toán công trình
1- Tài liệu làm căn cứ thiết kế
a. Tài liệu khảo sát, khí tượng thuỷ văn và văn bản pháp lý khác.
b. Thiết kế cơ sở.
c. Danh mục quy chuẩn tiêu chuẩn xây dựng được áp dựng.
d. Quy định về kiến trúc, quy hoạch xây dựng.
2- Tài liệu thiết kế gồm: bản vẽ thiết kế, dự toán xây dựng công trình, biên bản nghiệm thu thiết kế, khảo sát, báo cáo thẩm tra ( nếu có).
3- Tổ chức, cá nhân thiết kế phải bàn giao hồ sơ thiết kế xây dựng công trình đủ số lượng không quá 7 bộ đối với thiết kế khảo sát, 8 bộ đối với thiết kế bản vẽ thi công.
4- Đối với những công trình đơn giản như tường rào, lớp học, trường học, trụ sở UBND xã, phường, thị trấn có thể sử dụng thiết kế mẫu do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành để triển khai thiết kế bản vẽ thi công.
Điều 12: Thẩm định phê duyệt thiết kế, dự toán, tổng dự toán xây dựng công trình.
a. Chủ đầu tư tự tổ chức việc thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, dự toán, tổng dự toán đối với những công trình phải lập dự án.
b. Trường hợp chủ đầu tư không đủ điều kiện, năng lực, thẩm định thì được phép thuê các tổ chức, cá nhân tư vấn có đủ tư cách pháp nhân, đủ năng lực, không trực tiếp thiết kế, thẩm định thiết kế dự toán công trình làm cơ sở cho việc phê duyệt.
c. Thiết kế bản vẽ thi công và dự toán công trình trước khi đưa ra thi công phải được thẩm định phê duyệt.
Điều 13: Công tác giải phóng mặt bằng.
1- Giao cho Bộ Chỉ huy quân sự Tỉnh chủ trì cùng UBND các huyện, thành phố xác định các vùng cần phải rà phá bom mìn để có phương án bảo đảm an toàn trong xây dựng.
2- Thành lập Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cấp huyện, thành phố. Hội đồng do lãnh đạo UBND huyện, thành phố làm chủ tịch và bao gồm các thành phần sau :
- Đại diện cơ quan Tài chính- Phó chủ tịch Hội đồng
- Chủ đầu tư - Uỷ viên thường trực
- Đại diện cơ quan Tài nguyên Môi trường - Uỷ viên
- Đại diện UBND xã, phường, thị trấn có đất bị thu hồi - Uỷ viên
- Đại diện những hộ bị thu hồi đất
Một số thành viên khác do chủ tịch hội đồng bồi thường hỗ trợ và tái định cư quyết định.
3- Thành lập Hội đồng thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.
- Giám đốc Sở Tài chính : Chủ tịch Hội đồng
- Đại diện Sở Tài nguyên môi trường: Uỷ viên
- Đại diện Sở Xây dựng: Uỷ viên
- Đại diện Sở chuyên ngành: Uỷ viên
- Đại diện một số ngành, địa phương, đơn vị liên quan đến dự án. ( do chủ tịch Hội đồng thẩm định mời tham dự).
4- Nội dung hoạt động, trách nhiệm quyền hạn của Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, Hội đồng thẩm định thực hiện theo điều 40, 41 Nghị định số 197/2004/NĐ-CP ngày 03/12/2004 của Chính phủ .
5- Đối với dự án có khối lượng đền bù lớn (dự án nhóm A và một số dự án nhóm B), có tính chất phức tạp, diện rộng, liên quan đến nhiều địa phương, đơn vị, thành lập Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cấp tỉnh. Thành phần Hội đồng do UBND tỉnh quyết định.
6- Công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi thu hồi đất phải được thực hiện theo Nghị định 197/2004/NĐ-CP ngày 03/12/2004 của Chính Phủ, Thông tư hướng dẫn số 116/2004/TT-BTC ngày 02/12/2004 của Bộ Tài chính và Quyết định số 20/2005/QĐ-UB ngày 29/2/2005 của UBND tỉnh
Điều 14: Giấy phép xây dựng công trình.
Trước khi khởi công xây dựng công trình, chủ đầu tư phải có giấy phép xây dựng, trừ các công trình được quy định tại điểm 1 điều 17 Nghị định 16/2005/NĐ-CP ngày 07/02/2005 của Chính Phủ. Hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng công trình về nhà đô thị, nhà nông thôn gia hạn giấy phép xây dựng được quy định tại điều 18, 19, 20 Nghị định 16/2005/NĐ-CP ngày 07/02/2005 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình.
Điều 15: Công tác đấu thầu:
1- Việc lựa chọn nhà thầu trong hoạt động xây dựng, nguyên tắc, trình tự, nội dung, hồ sơ đấu thầu được quy định tại điều 24, 25 Nghị định 16/2005/NĐ-CP ngày 07/02/2005 của Chính Phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình và Thông tư số 02/2005/TT-BXD ngày25/2/2005 của Bộ Xây dựng về hướng dẫn hợp đồng trong hoạt động xây dựng
2- Sở Kế hoạch và Đầu tư giúp UBND tỉnh thẩm định hồ sơ mời thầu, kết quả đấu thầu các dự án thuộc ngân sách của tỉnh quản lý trình UBND tỉnh phê duyệt.
3- Các dự án thuộc các huyện, thành phố quyết định đầu tư do phòng Tài chính Kế hoạch của huyện, thành phố thẩm định hồ sơ mời thầu, kết quả đấu thầu trình UBND huyện, thành phố phê duyệt.
4- Các dự án liên doanh, hợp đồng, hợp tác kinh doanh hoặc cổ phần thực hiện theo các văn bản pháp luật về đấu thầu có liên quan.
5- Các công trình sau đây phải được thi tuyển thiết kế kiến trúc: Trụ sở cơ quan nhà nước từ cấp huyện trở lên, các công trình văn hoá, thể thao, các công trình công cộng có quy mô cấp I, cấp đặc biệt, các công trình đặc thù như tượng đài, cầu vượt, sông, cầu cạn có quy mô lớn, Trung tâm phát thanh truyền hình, các công trình là biểu tượng truyền thống lịch sử văn hoá của địa phương. Quy định thi tuyển thiết kế kiến trúc thực hiện theo điều 26 Nghị định 16/2005/NĐ-CP ngày 07/02/2005 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình. Giao cho sở Xây dựng chủ trì phối hợp với các ngành có liên quan và các huyện, thành phố hướng dẫn việc tổ chức thi tuyển thiết kế kiến trúc.
6- Những dự án đã đấu thầu không được bổ sung, phát sinh khối lượng so với thiết kế cơ sở, tổng mức đầu tư đã được phê duyệt. Trường hợp đặc biệt theo yêu cầu phải thay đổi thiết kế, định mức đơn giá do Nhà nước quyết định phải được người quyết định đầu tư cho phép. Những nội dung thay đổi phải được thẩm định lại.
Điều 16: Quản lý thi công xây dựng công trình.
Quản lý thi công xây dựng công trình bao gồm quản lý chất lượng xây dựng, quản lý tiến độ xây dựng, quản lý môi trường xây dựng.
1- Về quản lý chất lượng được thực hiện theo các quy định tại Nghị định số 209/2004 NĐ-CP ngày 16/12/2004 của Chính Phủ.
2- Sở Xây dựng giúp UBND tỉnh thống nhất quản lý Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh, trực tiếp quản lý chất lượng công trình xây dựng dân dụng - công nghiệp và công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý chất lượng công trình thuỷ lợi đê điều, trồng rừng; Sở Giao thông Vận tải quản lý chất lượng công trình giao thông; Sở Công nghiệp quản lý chất lượng công trình hầm mỏ, nhà máy điện, đường dây tải điện, trạm biến áp, dầu khí và các công trình công nghiệp chuyên ngành; Các Sở chuyên ngành được UBND tỉnh giao nhiệm vụ có trách nhiệm quản lý chất lượng công trình của ngành được giao.
3- UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm quản lý chất lượng công trình xây dựng thuộc nguồn vốn ngân sách huyện, thành phố quản lý, UBND xã phường, thị trấn chịu trách nhiệm quản lý chất lượng các công trình vốn ngân sách xã, phường, thị trấn và vốn của nhân dân đóng góp.
- Các Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, trên cơ sở phân cấp quản lý xây dựng phải thường xuyên kiểm tra chất lượng công trình xây dựng, trình tự, nguyên tắc,và thủ tục xây dựng cơ bản đối với các công trình xây dựng thuộc ngành, địa phương được phân cấp quản lý chất lượng. Các chủ đầu tư phải có trách nhiệm báo cáo nội dung và theo yêu cầu của đoàn kiểm tra.
4- Sở Xây dựng có trách nhiệm tổng hợp báo cáo tình hình chất lượng các công trình xây dựng và giải quyết các sự cố công trình xây dựng trong tỉnh theo quy định hiện hành.
Các sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và chủ đầu tư có trách nhiệm báo cáo UBND tỉnh theo định kỳ 6 tháng và một năm về tình hình chất lượng công trình xây dựng do ngành, địa phương và đơn vị quản lý, đồng thời báo cáo về Sở Xây dựng để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và Bộ Xây dựng.
5- Việc quản lý tiến độ, khối lượng thi công, an toàn lao động trên công trường xây dựng, quản lý môi trường xây dựng thực hiện theo các điều 31, 32, 33, 34 Nghị định 16/2005/NĐ-CP ngày 07/02/2005 của Chính Phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình.
Điều 17: Tổ chức nghiệm thu công trình xây dựng.
Chủ đầu tư có trách nhiệm tổ chức nghiệm thu công trình xây dựng theo từng công việc xây dựng trong quá trình thi công, nghiệm thu bộ phận xây dựng, giai đoạn thi công công trình xây dựng, nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình và công trình để đưa vào sử dụng. Các hạng mục công trình và công trình hoàn thành xây dựng chỉ được phép đưa vào sử dụng khi được chủ đầu tư tổ chức nghiệm thu. Nội dung, trình tự nghiệm thu được thực hiện theo quy định của Nghị định 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004 của Chính phủ về quản lý chất lượng.
Điều 18: Quản lý chi phí dự án đầu tư XD công trình.
1- Chi phí dự án đầu tư xây dựng công trình của các dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước, vốn tín dụng do Nhà nước bảo lãnh, vốn đầu tư phát triển của doanh nghiệp Nhà nước phải được lập và quản lý theo định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí trong hoạt động xây dựng, hệ thống xây dựng và cơ chế chính sách có liên quan do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành. Đối với các dự án sử dụng nguồn vốn khác thực hiện theo quy định hiện hành của Nhà nước.
2- Sở Xây dựng chủ trì cùng với sở Tài chính xác định và thông báo giá vật liệu hàng tháng đến chân công trình, cùng với các sở, ngành có liên quan lập đơn giá xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh, trình UBND tỉnh ban hành.
Điều 19: Việc tạm ứng và thanh toán vốn đầu tư xây dựng công trình được thực hiện theo điều 41, 42 Nghị định 16/2005/NĐ-CP ngày 07/02/2005 của Chính Phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình.
Điều 20: Quyết toán vốn đầu tư xây dựng công trình.
1- Chủ đầu tư có trách nhiệm thực hiện quyết toán vốn đầu tư xây dựng công trình ngay sau khi công trình hoàn thành đưa vào sử dụng. Dự án có nhiều hạng mục, khi hoàn thành đưa vào sử dụng hạng mục nào, chủ đầu tư phải báo cáo quyết toán trình cơ quan có thẩm quyền thẩm tra quyết toán hạng mục đó, khi toàn bộ dự án hoàn thành, chủ đầu tư lập tổng quyết toán trình người quyết định đầu tư phê duyệt quyết toán.
2- Thẩm tra phê duyệt quyết toán vốn đầu tư.
+ Sở Tài chính chủ trì thẩm tra quyết toán vốn đầu tư xây dựng trình UBND tỉnh phê duyệt đối với các dự án do UBND tỉnh quyết định đầu tư và được phê duyệt quyết toán có mức vốn không lớn hơn 1 tỷ đồng, sau khi phê duyệt sở Tài chính báo cáo UBND tỉnh.
+ Phòng tài chính kế hoạch các huyện, thành phố chủ trì thẩm tra quyết toán trình UBND huyện, thành phố phê duyệt đối với các dự án do huyện, thành phố quyết định đầu tư.
+ Các dự án sử dụng ngân sách xã, phường, thị trấn do UBND xã, phường, thị trấn quyết định đầu tư do Ban tài chính xã, phường, thị trấn thẩm tra, UBND xã, phường, thị trấn phê duyệt và tổng hợp báo cáo Phòng Tài chính - Kế hoạch của huyện, thành phố.
+ Các dự án sử dụng nguồn vốn do nhân dân tự đóng góp, Ban tài chính xã, phường, thị trấn giúp UBND xã, phường, thị trấn thẩm tra theo quy định của Nghị định số 24/NĐ-CP ngày 16/4/1999 của Chính Phủ và báo cáo UBND huyện, thành phố.
+ Các dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn khác, người quyết định đầu tư là người phê duyệt quyết toán vốn đầu tư, việc quyết toán thực hiện theo quy định hiện hành và hướng dẫn của Bộ tài chính.
3- Chủ đầu tư chịu trách nhiệm lập hồ sơ quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chậm nhất 12 tháng đối với dự án nhóm A, 9 tháng đối với dự án nhóm B, 6 tháng đối với dự án nhóm C kể từ khi công trình hoàn thành đưa vào sử dụng.
Chương III
THANH TRA- KIỂM TRA - XỬ LÝ VI PHẠM
Điều 21: Thanh tra, kiểm tra.
Sở Xây dựng, sở Kế hoạch và Đầu tư, sở Tài chính căn cứ vào chức năng nhiệm vụ kiểm tra việc thực hiện công tác phân cấp quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình thuộc lĩnh vực được phân công trong phạm vi toàn tỉnh.
Các sở ngành, UBND các huyện, thành phố kiểm tra việc thực hiện công tác phân cấp quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình thuộc ngành và địa phương quản lý.
Điều 22: Xử lý vi phạm.
Các cơ quan Nhà nước, các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về phân cấp quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình trong quy định này, tuỳ theo mức độ vi phạm bị xử lý kỷ luật, phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Pháp luật.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 23: UBND tỉnh giao cho sở Xây dựng chủ trì phối hợp với các sở, ngành có liên quan hướng dẫn nội dung cụ thể của quy định này (Đặc biệt đối với các dự án, các công trình, hạng mục công trình dở dang, chuyển tiếp thuộc năm kế hoạch 2005) để triển khai thực hiện.
Điều 24: Giám đốc các Sở, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, Thủ trưởng các ban, ngành, đơn vị liên quan và căn cứ vào chức năng nhiệm vụ được giao có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện quy định này.
Điều 25: Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có vướng mắc cần phải bổ sung, các sở, ngành, các địa phương báo cáo với Uỷ ban nhân dân tỉnh để xem xét, điều chỉnh kịp thời./.