Chỉ thị số 02/2004/CT-UB ngày 29/01/2004 Chấn chỉnh hoạt động vận tải khách liên tỉnh bằng ô tô (triển khai Chỉ thị 01/2004/CT-TTg) trên địa bàn tỉnh Quảng Bình (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 02/2004/CT-UB
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Quảng Bình
- Ngày ban hành: 29-01-2004
- Ngày có hiệu lực: 29-01-2004
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 30-12-2011
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 2892 ngày (7 năm 11 tháng 7 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 30-12-2011
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 02/2004/CT-UB | Đồng Hới, ngày 29 tháng 01 năm 2004 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC CHẤN CHỈNH HOẠT ĐỘNG VẬN TẢI KHÁCH LIÊN TỈNH BẰNG Ô TÔ
(Triển khai chỉ thị số 01/2004/CT-TTg ngày 02/01/2004 của Thủ Tướng Chính Phủ)
Trong thời gian qua việc thực hiện Luật Giao Thông đường bộ, Nghị định số 92/2002/NĐ-CP ngày 11/12/2001 của Chính phủ về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô, hoạt động vận tải bằng đường bộ nói chung, vận tải khách liên tỉnh bằng ô tô nói riêng đã có những chuyển biến tích cực, các doanh nghiệp vận tải khách đã đầu tư nhiều phương tiện mới, chất lượng tốt thay thế cho các phương tiện cũ, hỏng, hết niên hạn sử dụng và từng bước nâng cao chất lượng phục vụ hành khách, đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng cao của nhân dân trong và ngoài Tỉnh. Công tác quản lý nhà nước của các cấp các ngành đã có những chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, việc quản lý các phương tiện vận tải hành khách trên địa bàn thời gian qua chưa chặt chẽ, nhiều xe vận tải hành khách trên địa bàn chưa đăng ký tuyến vận chuyển hành khách, không có luồng tuyến cố định được phân công, không có sổ nhật trình chạy xe, không vào bến đón trả khách. Vẫn còn hiện tượng chèn ép dọc đường, xe chở quá tải, khách phải đứng ngồi chen chúc, bị lèn lẫn với hàng hóa gây dư luận bất bình trong xã hội. Hệ thống bến xe và công tác quản lý bến còn nhiều bất cập.
Nguyên nhân của những tồn tại trên là do công tác quản lý nhà nước về vận tải và trật tự an toàn giao thông của các ngành, đơn vị, địa phương chưa được chú trọng đúng mức, chưa tổ chức thực hiện đầy đủ chức năng quản lý nhà nước theo các quy định của pháp luật hiện hành, các lực lượng kiểm tra, kiểm soát chưa phối hợp hoạt động một cách chặt chẽ, thường xuyên và xử lý chưa nghiêm đối với hành vi vi phạm.
Để thực hiện nghiêm chỉnh chỉ thị số 01/2004/ CT-TTg ngày 02/01/2004 của Thủ tướng Chính Phủ nhằm duy trì và phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những tồn tại, nhanh chóng lập ra trật tự kỷ cương và tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực vận tải hành khách, đặc biệt là vận tải hành khách liên tỉnh bằng ô tô. UBND tỉnh chỉ thị các ngành, UBND các huyện, thị xã Đồng Hới tập trung chỉ đạo và thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:
1. Sở Giao thông Vận tải:
- Chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương trong việc tổ chức thực hiện các biện pháp đảm bảo vận tải an toàn:
Phối hợp với Công an tỉnh và UBND các huyện, thị xã nắm lại các phương tiện vận tải hành khách, chỉ đạo, hướng dẫn cho các chủ phương tiện thực hiện đăng ký kinh doanh vận tải hành khách theo Nghị định số 92/2002/NĐ-CP ngày 11/12/2001 của Chính phủ. Khẩn trương xây dựng phương án chấn chỉnh và lập lại trật tự trong vận tải hành khách liên tỉnh bằng ô tô. Phối hợp với Công an Tỉnh trong việc kiểm tra xử lý các trường hợp vi phạm.
Phối hợp với UBND các huyện, thị xã Đồng Hới, Khu QLĐB 4 khẩn trương hoàn thành việc cắm biển dừng, đỗ xe, đón trả khách trên các tuyến Quốc Lộ. Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong việc quy hoạch, quản lý các bến xe, trạm nghỉ.
Nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung kịp thời các văn bản quản lý vận tải khách liên tỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; tổ chức triển khai và kiểm tra việc thực hiện các văn bản này.
- Cũng cố, chấn chỉnh hoạt động của lực lượng thanh tra giao thông để làm tốt nhiệm vụ thanh tra, xử lý các vi phạm của doanh nghiệp vận tải, doanh nghiệp khai thác bến xe, lái xe, phụ xe. Thực hiện tốt công tác đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ, nghiêm cấm lưu hành trên đường những xe không đảm bảo chất lượng, hết niên hạn sử dụng. Kiên quyết xử lý nghiêm những cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ được giao hoặc có những hành vi tiêu cực.
- Bố trí mở các lớp đào tạo về quản lý vận tải hành khách, quy định về quản lý vận tải khách cho các đơn vị, cá nhân có nhu cầu, không ngừng nâng cao trình độ cho các đơn vị, cá nhân làm công tác vận tải khách, từng bước nâng cao chất lượng phục vụ khách.
Lập kế hoạch cụ thể trong việc thực hiện đảm bảo an toàn giao thông theo quy định của pháp luật.
2 - Công an tỉnh:
- Chỉ đạo lực lượng cảnh sát thường xuyên kiểm tra chặt chẽ hoạt động vận tải hành khách bằng ô tô, trong đó lưu ý kiểm tra việc chuyển chở vật liệu cháy, nổ trên xe, xe chạy không có sổ nhật trình hoặc không có biển hợp đồng, không có xác nhận đón trả khách tại bến, xe chở quá trọng tải cho phép, xe dừng đón trả khách, dừng lại các trạm nghỉ không đúng nơi quy định. Kiên quyết xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật các hành vi vi phạm các quy định về hoạt động vận tải nêu tại Nghị định số 15/2003/ NĐ-CP ngày 19/12/2003 của Chính phủ.
- Tổ chức kiểm tra việc thi hành nhiệm vụ của các lực lượng cảnh sát làm công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, kiên quyết xử lý nghiêm những cán bộ chiến sĩ cảnh sát không hoàn thành nhiệm vụ hoặc có hành vi tiêu cực.
- Phối hợp với ngành GTVT trong việc xây dựng và triển khai thực hiện phương án chấn chỉnh và lập lại trật tự trong vận tải khách liên tỉnh bằng ô tô.
3 - UBND các huyện, thị xã Đồng Hới:
Chỉ đạo và tiến hành mọi biện pháp cần thiết để lập lại trật tự kỷ cương, an toàn giao thông ở địa phương mình, phối hợp với các sở, ngành trong tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn pháp luật về trật tự an toàn giao thông, Lập kế hoạch cụ thể trong việc thực hiện đảm bảo an toàn giao thông theo quy định của Pháp luật. Chủ động phối hợp với các ngành GTVT, Công an tỉnh quản lý chặt chẽ số lượng vận tải hành khách có trên địa bàn, đặc biệt là phương tiện vận tải hành khách đường dài liên tỉnh. Hướng dẫn chủ phương tiện việc đăng ký kinh doanh vận tải hành khách theo Nghị định 92/2002/NĐ-CP ngày 11/12/2001 của Chính phủ.
- Phối hợp với các Sở Xây dựng, GTVT đề xuất quy hoạch hệ thống bến xe trên địa bàn tạo điều kiện thuận lợi phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân.
- Có biện pháp hữu hiệu trong việc tổ chức, quản lý, dịch vụ tại các trạm nghỉ, trạm đón trả khách trên tuyến vận tải hành khách thuộc địa bàn của địa phương mình quản lý hoạt động theo đúng quy định của Pháp luật.
- Thường xuyên kiểm tra và kiên quyết xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật các hành vi vi phạm quy định về quản lý hoạt động vận tải cũng như các cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ hoặc có hành vi tiêu cực trong quản lý vận tải khách liên tỉnh bằng ô tô trên địa bàn huyện, thị xã.
Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình yêu cầu các sở, Ban, ngành trong tỉnh và UBND các huyện, thị xã Đồng Hới, nghiêm túc thực hiện./.
Nơi nhận: | TM. UBND TỈNH QUẢNG BÌNH |