Chỉ thị số 09/2003/CT-BTC ngày 12/12/2003 Về bình ổn giá trong dịp Tết nguyên đán Giáp Thân do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 09/2003/CT-BTC
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Cơ quan ban hành: Bộ Tài chính
- Ngày ban hành: 12-12-2003
- Ngày có hiệu lực: 12-12-2003
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 08-08-2004
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 240 ngày (0 năm 8 tháng 0 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 08-08-2004
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 09/2003/CT-BTC | Hà Nội, ngày 12 tháng 12 năm 2003 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC BÌNH ỔN GIÁ TRONG DỊP TẾT NGUYÊN ĐÁN GIÁP THÂN
Để ổn định giá cả hàng hóa trong dịp Tết nguyên đán Giáp Thân, đồng thời để tránh việc tăng giá đột biến, góp phần bảo đảm cho nhân dân một cái Tết vui vẻ, phấn khởi, tiết kiệm, Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu Giám đốc Sở Tài chính, Cục trưởng Cục Thuế, Cục trưởng Cục Hải quan phối hợp với cơ quan quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai các công việc sau:
1. Tổ chức triển khai ngay việc nắm tình hình chuẩn bị lực lượng hàng hóa phục vụ Tết (lương thực, thực phẩm, bánh mứt kẹo, bia, rượu, quần áo, văn hóa phẩm và phương tiện đi lại...), báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để có biện pháp đảm bảo sản xuất, lưu thông thông suốt, bám sát thị trường tổ chức cung ứng hàng hóa, dịch vụ; có kế hoạch dự trữ hàng hóa thiết yếu để đảm bảo nhu cầu của nhân dân, không được để xảy ra đột biến giá cả vào dịp trước, trong và sau Tết nguyên đán, đặc biệt ở những vùng vừa qua bị thiên tai, vùng sâu, vùng xa và các thành phố lớn.
2. Giám đốc Sở Tài chính chịu trách nhiệm xây dựng phương án điều hành giá hàng hóa, dịch vụ (vui chơi, giải trí, vận tải,...) trình Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện.
- Phối hợp với các ngành có liên quan (quản lý thị trường, thuế, hải quan, công an...) kiểm tra việc niêm yết giá, phát hiện hàng giả, hàng trốn lậu thuế, xử lý kiên quyết các trường hợp sai phạm nhằm bảo vệ lợi ích người tiêu dùng.
- Phối hợp với Sở giao thông công chính và cơ quan quản lý thị trường kiểm tra tình hình thực hiện giá cước vận chuyển hành khách, giá trông giữ xe đạp, xe máy, ôtô... không để xảy ra tình trạng nâng giá tùy tiện.
- Bố trí cán bộ theo dõi diễn biến giá cả thị trường phát hiện kịp thời những hàng hóa, dịch vụ tăng giá đột biến, đề xuất biện pháp bình ổn giá trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố xem xét, quyết định; đồng thời báo cáo Bộ Tài chính.
3. Thành lập tổ kiểm tra và triển khai kiểm tra việc niêm yết giá theo đúng qui định tại điều 29 Pháp lệnh giá, không để các doanh nghiệp, cá nhân lợi dụng tăng giá tùy tiện trong dịp Tết làm thiệt hại đến lợi ích người tiêu dùng. Kiên quyết xử lý nghiêm những hành vi vi phạm hành chính về giá theo đúng quy định tại Nghị định số 44/2000/NĐ-CP ngày 01/9/2000 của Chính phủ.
4. Chế độ báo cáo giá thị trường trong dịp Tết nguyên đán quy định như sau:
- Từ ngày 15 tháng 12 năm 2003 đến trước Tết trong các Báo cáo thường kỳ của Sở Tài chính tỉnh, thành phố gửi về Bộ Tài chính (Cục Quản lý giá) phải bổ sung thêm nội dung về tình hình chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết và đánh giá khả năng cung ứng hàng hóa, thực hiện việc bình ổn giá tại địa phương, trước hết là các mặt hàng: gạo nếp, gạo tẻ ngon, thịt lợn, thịt gà, cá, thuốc lá, bánh mứt kẹo, thực phẩm chế biến (giò, bánh chưng, lạp xường...), hoa quả và giá một số dịch vụ như: may quần áo, trông giữ xe đạp, xe máy, ôtô, cước vận chuyển hành khách...
- Từ ngày15 tháng 1 năm 2004 (trừ những ngày nghỉ Tết) Sở Tài chính các tỉnh, thành phố: Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đồng Nai, Bà rịa-Vũng tàu tổ chức thường xuyên thu thập tình hình giá cả thị trường một số mặt hàng phục vụ Tết và thực hiện chế độ báo cáo nhanh mỗi ngày một lần về Bộ Tài chính (Cục Quản lý giá).
- Sau Tết nguyên đán (tức ngày 09 tháng 2 năm 2004), Sở Tài chính các tỉnh, thành phố có báo cáo tổng hợp đánh giá tình hình giá cả thị trường (trước, trong và sau Tết nguyên đán) gửi Bộ Tài chính (Cục Quản lý giá) để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Cục trưởng Cục Quản lý giá có trách nhiệm thường trực theo dõi tình hình biến động giá cả thị trường trong dịp Tết nguyên đán và kịp thời tổng hợp báo cáo Bộ trưởng Bộ Tài chính để xem xét chỉ đạo.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG |