Quyết định số 333/2004/QĐ-UB ngày 29/12/2004 Ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm tại thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2005-2010 do Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành (Tình trạng hiệu lực không xác định)
- Số hiệu văn bản: 333/2004/QĐ-UB
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Ngày ban hành: 29-12-2004
- Ngày có hiệu lực: 29-12-2004
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 21-05-2020
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 5622 ngày (15 năm 4 tháng 27 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 21-05-2020
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 333/2004/QĐ-UB | TP.Hồ Chí Minh, ngày 29 tháng 12 năm 2004 |
QUYẾT ĐỊNH
CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ VỀ BAN HÀNH KẾ HOẠCH THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH QUỐC GIA PHÒNG, CHỐNG TỘI PHẠM TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH GIAI ĐOẠN 2005 - 2010
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Chỉ thị số 37/2004/CT-TTg ngày 08 tháng 11 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 09/1998/NQ-CP và Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm của Chính phủ đến năm 2010;
Xét đề nghị của Giám đốc Công an thành phố tại Tờ trình số 60/TTr-CATP(PV11) ngày 14 tháng 12 năm 2004;
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch thực hiện Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm tại thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2005-2010.
Điều 2. Thủ trưởng các sở, ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận huyện căn cứ nhiệm vụ và tình hình thực tế của đơn vị, địa phương mình để xây dựng chương trình hành động thiết thực, cụ thể nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm tại thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2005 - 2010.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 4. Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Công an thành phố, Thủ trưởng các sở, ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận : | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
|
|
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH QUỐC GIA PHÒNG, CHỐNG TỘI PHẠM TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH GIAI ĐOẠN TỪ NĂM 2005 ĐẾN NĂM 2010
(Ban hành kèm theo quyết định số 333/2004/QĐ-UB ngày 29 tháng 12 năm 2004 của Ủy ban nhân dân thành phố)
Thực hiện Chỉ thị số 37/2004/CT-TTg ngày 08 tháng 11 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 09/1998/NQ-CP và Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm của Chính phủ từ nay đến năm 2010 và Chương trình hành động số 4388/UB-TH ngày 12 tháng 12 năm 2002 của Ủy ban nhân dân thành phố về triển khai thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 18 tháng 11 năm 2002 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2010.
Căn cứ vào đặc điểm tình hình phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động của các loại tội phạm tại thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban nhân dân thành phố đề ra Kế hoạch thực hiện chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm từ năm 2005 đến năm 2010 như sau :
I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU :
1. Tạo ra sự chuyển biến cơ bản về trật tự xã hội và giữ vững kỷ cương pháp luật để phát huy các thành tựu của chương trình mục tiêu 3 giảm, xây dựng môi trường sống lành mạnh tại cộng đồng dân cư, trong nhà trường, gia đình. Tôn trọng pháp luật, nâng cao ý thức trong cộng đồng, xây dựng phong cách sống và làm việc theo pháp luật.
2. Tổ chức triển khai thực hiện Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm với tinh thần quyết liệt hơn, hiệu quả hơn; gắn kết với các chương trình an sinh xã hội khác của thành phố; kết hợp nhuần nhuyễn giữa phòng và chống, lấy phòng ngừa và xây dựng là cơ bản.
3. Tiếp tục củng cố, phát huy hiệu quả của hệ thống chính trị trong phòng, chống tội phạm dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của các cấp ủy Đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền các cấp và sự tham mưu tích cực, nòng cốt của lực lượng công an.
4. Kiềm chế sự gia tăng của tội phạm và tiếp tục kéo giảm tội phạm so với năm trước. Tập trung tấn công mạnh và triệt phá các băng nhóm có tổ chức khi chúng mới hình thành và 6 loại tội phạm, đã xác định tại Chỉ thị số 03-CT/TU ngày 27 tháng 9 năm 2001 của Ban Thường vụ Thành ủy về tập trung thực hiện chương trình mục tiêu giảm tội phạm ở thành phố. Kiềm chế và làm giảm đáng kể các loại tội phạm : tham nhũng, buôn lậu và gian lận thương mại...
5. Phòng ngừa, ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tệ nạn mại dâm. Xóa triệt để tệ nạn mại dâm trong lứa tuổi vị thành niên, học sinh và sinh viên, xóa cơ bản tình trạng gái mại dâm hoạt động công khai trên đường phố, thực hiện tốt việc quy hoạch và thường xuyên kiểm tra để chấn chỉnh trật tự kỷ cương trong các ngành kinh doanh dịch vụ nhạy cảm dễ phát sinh tệ nạn xã hội.
II. BIỆN PHÁP ĐẤU TRANH :
1. Tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 10-CT/TU ngày 14 tháng 5 năm 2003 của Thành ủy về lãnh đạo, nâng cao chất lượng hiệu quả phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc; thực hiện có hiệu quả các nội dung ký kết liên tịch, chương trình hành động phòng, chống tội phạm giữa các ngành, Mặt trận và các đoàn thể. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, truyền thống, đạo đức, lối sống, tinh thần đoàn kết tương thân, tương ái, tình làng nghĩa xóm, lá lành đùm lá rách, các chuẩn mực trong quan hệ gia đình, làng xóm trong các giới, cộng đồng dân cư. Phát hiện giải quyết kịp thời những mâu thuẫn trong nội bộ gia đình, học sinh, thanh thiếu niên và trong nhân dân để phòng ngừa ngăn chặn hạn chế thấp nhất số vụ giết người, cố ý gây thương tích do nguyên nhân mâu thuẫn xã hội gây ra bộc phát. Tăng cường thông tin, phổ biến phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm để nhân dân nâng cao cảnh giác, đề ra các biện pháp tự phòng ngừa. Đưa nội dung phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội vào chương trình công tác của các tổ chức Đảng, đoàn thể, cơ quan, doanh nghiệp…; kết hợp cuộc vận động xây dựng gia đình văn hóa, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", củng cố thiết chế gia đình để chủ động phòng ngừa tội phạm, tệ nạn xã hội.
2. Nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở, nhất là nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, hiệu quả quản lý của chính quyền, sự phối hợp của các ngành, Mặt trận và các đoàn thể quần chúng ở phường, xã, thị trấn và vai trò tham mưu, nòng cốt của lực lượng công an trong công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội. Thường xuyên kiểm tra, củng cố, xây dựng lực lượng an ninh cơ sở và trật tự đô thị vững chắc; xây dựng phát triển lực lượng quần chúng “nòng cốt” làm chỗ dựa cho phong trào quần chúng bảo vệ an ninh tổ quốc ngày càng phát triển rộng khắp và mạnh mẽ. Tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong phòng, chống tội phạm, nhất là các mô hình nhân dân tự quản, tự phòng. Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, tạo điều kiện cho nhân dân tham gia phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội trở thành phong trào cách mạng mạnh mẽ, thực sự của nhân dân.
3. Tổ chức sơ kết việc thực hiện 4 đề án của Chương trình về “Phát động toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm; cảm hóa, giáo dục, cải tạo người phạm tội tại gia đình và cộng đồng dân cư. “Xây dựng và hoàn thiện pháp luật về phòng, chống tội phạm, tăng cường tuyên truyền giáo dục pháp luật và trách nhiệm công dân về bảo vệ an ninh trật tự”. “Đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm có tổ chức, tội phạm hình sự nguy hiểm và tội phạm có tính quốc tế”. “Đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm xâm hại trẻ em; tội phạm trong lứa tuổi chưa thành niên”. Qua đó, nghiên cứu điều chỉnh bổ sung các đề án chương trình để tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả, chủ động giải quyết những vấn đề bức xúc nổi lên về an ninh trật tự và nâng cao năng lực hoạt động phòng, chống tội phạm.
4. Nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý điều hành của các cấp, các ngành, đặc biệt trong các lĩnh vực như : đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản, xuất nhập khẩu, quản lý ngân sách ... Tăng cường thanh kiểm tra khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong thực hiện các cơ chế, chính sách trong quản lý kinh tế - xã hội, không để cho tội phạm lợi dụng hoạt động, hạn chế tối đa tệ tham nhũng tiêu cực. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về an ninh chính trị trên địa bàn, quản lý tốt nhân hộ khẩu; quản lý chặt chẽ đối tượng, địa bàn để chủ động phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn kịp thời các hoạt động của các loại tội phạm và tệ nạn xã hội. Quản lý chặt chẽ và có biện pháp giám sát, kiểm tra các hoạt động kinh doanh dịch vụ, nhà hàng, nhà trọ, khách sạn, karaoke, vũ trường… không để xảy ra hoạt động mại dâm trá hình dưới mọi hình thức.
5. Sử dụng đồng bộ các biện pháp để liên tục tấn công trấn áp mạnh và phòng ngừa để tiếp tục làm giảm triệt để 6 loại tội phạm được xác định tại Chỉ thị số 03-CT/TU ngày 27 tháng 9 năm 2001 của Ban Thường vụ về việc tập trung thực hiện chương trình mục tiêu giảm tội phạm ở thành phố. Nâng cao chất lượng công tác điều tra, truy tố và xét xử; xử lý kịp thời và nghiêm minh các loại tội phạm theo đúng pháp luật; thường xuyên tổ chức xét xử tại cộng đồng dân cư để phục vụ công tác tuyên truyền, răn đe tội phạm. Kết hợp chặt chẽ giữa các ngành chức năng để phòng ngừa, ngăn chặn, trấn áp, truy tố và xét xử các loại tội phạm tham nhũng, buôn lậu. Mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp các loại tội phạm, truy bắt đối tượng đang có lệnh truy nã; huy động sức mạnh tổng hợp, tập trung lực lượng đấu tranh chuyển hóa cơ bản tuyến, địa bàn, tụ điểm phức tạp về hình sự, ma túy và mại dâm để giải quyết hậu cai nghiện.
6. Tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng, chống tội phạm thực hiện có hiệu quả các hiệp định, hiệp ước tương trợ tư pháp về hình sự, hợp tác quốc tế trong phòng, chống tội phạm nhằm chủ động phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả các loại tội phạm xuyên quốc gia, có tính quốc tế, tội phạm khủng bố.
7. Rà soát và kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, Bộ, ngành, Hội đồng nhân dân sửa đổi bổ sung và hoàn thiện các văn bản pháp luật đáp ứng yêu cầu công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới.
8. Tăng cường và kiến nghị tăng cường về lực lượng, kinh phí và các trang thiết bị cần thiết để khắc phục tình trạng quá tải cho các cơ quan bảo vệ pháp luật, xây dựng các cơ quan bảo vệ pháp luật thật sự trong sạch, vững mạnh đảm bảo thực hiện có hiệu quả Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm của thành phố; đảm bảo đến năm 2005 hoàn thành thủ tục quy hoạch, giao đất và đến năm 2007 hoàn thành việc xây dựng nâng cấp đạt tiêu chuẩn các kho vật chứng và nhà tạm giữ của cả 2 cấp và 24 quận, huyện.
III. PHÂN CÔNG TRáCH NHIệM :
1. Công an thành phố :
- Là lực lượng nòng cốt trong đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, phối hợp đồng bộ, tập trung lực lượng đấu tranh và phòng ngừa để kéo giảm triệt để 6 loại tội phạm đã xác định tại Chỉ thị số 03-CT/TU của Thành ủy.
- Chủ trì, phối hợp với các ngành, ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể thành phố để sơ kết đề án 3 và nghiên cứu bổ sung tiếp tục thực hiện có hiệu quả các đề án của chương trình. Trên cơ sở kế hoạch điều tra khảo sát nguyên nhân của tội phạm hình sự, đề xuất các giải pháp phòng ngừa, nhất là tội phạm có nguyên nhân từ xã hội.
- Chỉ đạo công an các cấp tham mưu cho cấp ủy, Ủy ban nhân dân các quận huyện xây dựng, triển khai kế hoạch thực hiện chương trình mục tiêu “3 giảm” tại địa phương. Thực hiện tốt chức năng Thường trực Ban chỉ đạo Phòng chống tội phạm và ma túy thành phố trong công tác phối hợp, theo dõi, kiểm tra và báo cáo kết quả thực hiện.
2. Sở Văn hóa và Thông tin :
- Phối hợp với các ngành, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức và lối sống theo pháp luật của người dân, tiếp tục đẩy mạnh phong trào xây dựng gia đình văn hóa, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở".
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, Ủy ban nhân dân quận huyện tiếp tục tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố quy hoạch và kiểm tra việc thực hiện quy hoạch các ngành nghề kinh doanh nhạy cảm. Tăng cường kiểm tra xử lý các cơ sở kinh doanh, dịch vụ văn hóa vi phạm; phối hợp Công an thành phố kiên quyết bài trừ các văn hóa phẩm đồi trụy, bạo lực.
3. Sở Lao động-Thương binh và Xã hội :
- Chủ trì, phối hợp các cơ quan chức năng tổng kết kế hoạch thực hiện chương trình mục tiêu giảm tệ nạn mại dâm giai đoạn 2001 - 2005 để đề ra kế hoạch thực hiện đến năm 2010 và hàng năm.
- Phối hợp với Lực lượng Thanh niên xung phong và các sở, ngành, ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể thành phố tiếp tục triển khai có hiệu quả đề án tổ chức quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện, nâng cao hiệu quả công tác giáo dục, chữa bệnh, dạy nghề, tổ chức lao động sản xuất và phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ giúp hoàn lương và ổn định cuộc sống cho đối tượng mại dâm tại các trung tâm chữa bệnh.
- Phối hợp Công an thành phố, Sở Văn hóa và Thông tin đấu tranh chuyển hóa các tụ điểm hoạt động mại dâm, cơ sở kinh doanh dịch vụ vi phạm tệ nạn mại dâm.
4. Sở Y tế :
- Phối hợp với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Lực lượng Thanh niên xung phong thành phố nâng cao hiệu quả công tác chữa bệnh, điều trị cho đối tượng ma túy, mại dâm tại cơ sở chữa bệnh.
- Tổ chức tốt công tác quản lý việc sử dụng thuốc gây nghiện, các loại tiền chất về ma túy; tăng cường kiểm tra việc cấp phép và xử lý kịp thời các cơ sở phục hồi sức khỏe, kinh doanh mát-xa, tắm hơi.
5. Sở Giáo dục và đào tạo :
- Nghiên cứu đưa Chương trình quốc gia Phòng chống tội phạm vào chương trình giảng dạy chính khóa hoặc ngoại khóa của nhà trường (giáo dục công dân). Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng chống các loại tội phạm và tệ nạn xã hội trong sinh viên, học sinh.
- Phối hợp gia đình, đoàn thể tăng cường các biện pháp quản lý nhằm chủ động phòng ngừa thanh thiếu niên tụ tập, hình thành các băng nhóm cố ý gây thương tích, gây rối; ngăn chặn tệ nạn mại dâm, ma túy xâm nhập vào học đường.
- Tiếp tục phối hợp với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Lực lượng Thanh niên xung phong thành phố tổ chức dạy văn hóa, phổ cập tiểu học, trung học cho các học viên và người sau cai nghiện, các đối tượng mại dâm tại các trường, trung tâm.
6. Sở Tư pháp :
- Tổ chức sơ kết đề án 2 về "Xây dựng và hoàn thiện pháp luật về phòng chống tội phạm, tăng cường tuyên truyền giáo dục pháp luật và trách nhiệm công dân về bảo vệ an ninh trật tự" để tiếp tục thực hiện có hiệu quả đến năm 2010.
- Rà soát, tham mưu đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, Bộ, ngành, Hội đồng nhân dân thành phố xem xét sửa đổi bổ sung và hoàn thiện các văn bản pháp luật; xây dựng quy định của Ủy ban nhân dân thành phố về hoạt động của lực lượng dân phòng.
7. Sở Tài chính :
- Nghiên cứu đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt đảm bảo đủ kinh phí cho chương trình quốc gia phòng chống tội phạm tại thành phố giai đoạn 2005 - 2010; đảm bảo cấp đầy đủ và kịp thời, thanh quyết toán theo đúng quy định.
- Đề xuất kinh phí, phương tiện hoạt động, cơ sở vật chất cho các cơ quan bảo vệ pháp luật; nhất là kinh phí xây dựng kho vật chứng và nhà tạm giữ của 2 cấp và 24 quận huyện.
8. Sở Kế hoạch và đầu tư :
- Phối hợp Sở Thương mại, Sở Văn hóa và Thông tin xây dựng quy chế phối hợp giữa ngành chủ quản và chính quyền địa phương trong quản lý, kiểm tra hoạt động của các cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa - xã hội.
- Phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường hoàn thành quy hoạch, giao đất xây dựng kho vật chứng và nhà tạm giữ của lực lượng công an.
9. ủy ban Dân số gia đình và trẻ em :
- Phối hợp Công an thành phố tổ chức sơ kết đề án 4 về "Đấu tranh phòng, chống các loại tội xâm hại trẻ em, tội phạm trong lứa tuổi vị thành niên".
- Chủ trì phối hợp với các ngành chức năng, mặt trận, đoàn thể triển khai đồng bộ các biện pháp để chủ động phòng ngừa ngăn chặn tội phạm trong lứa tuổi vị thành niên.
10. Đề nghị ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố chủ trì phối hợp các ngành chức năng, các đoàn thể sơ kết đề án 1 về "Phát động toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm; cảm hóa, giáo dục, cải tạo người phạm tội tại gia đình và cộng đồng". Phối hợp với các đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội thành phố và với các sở, ngành, các cấp chính quyền trong công tác vận động nhân dân, hội viên, thành viên tích cực tham gia thực hiện Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm ở thành phố từ năm 2005 đến 2010.
11. Đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân thành phố, Tòa án nhân dân thành phố có kế hoạch phối hợp chặt chẽ với các cơ quan bảo vệ pháp luật của thành phố đẩy mạnh công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm một cách kịp thời và nghiêm minh, thực hiện tốt nghị quyết 08-NQ/TW ngày 02 tháng 01 năm 2002 của Bộ Chính trị về một số vấn đề trọng tâm công tác tư pháp.
12. Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận huyện, phường xã, thị trấn có trách nhiệm xây dựng các kế hoạch, đề án để thực hiện chương trình quốc gia phòng chống tội phạm tại địa phương. Nâng cao hiệu quả các biện pháp quản lý hành chính trong phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội ở địa phương. Hàng năm Ủy ban nhân dân quận huyện chủ động xây dựng bố trí ngân sách để thực hiện, đồng thời huy động đóng góp từ cộng đồng.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN :
1. Thủ trưởng các sở, ngành và Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo Phòng, chống tội phạm và ma túy các cấp. Xây dựng kế hoạch để thực hiện Chương trình phòng, chống tội phạm từ năm 2005 đến năm 2010 và kế hoạch năm 2005 ở đơn vị, địa phương mình. Kế hoạch gửi về Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Phòng, chống tội phạm và ma túy thành phố (Công an thành phố, số 268 Trần Hưng Đạo quận 1), chậm nhất 20 (hai mươi) ngày sau khi Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quyết định này.
2. Hàng tháng, quý, 6 tháng, năm các sở, ngành, Ủy ban nhân dân quận, huyện có báo cáo kết quả gửi về Thường trực Ban chỉ đạo Phòng, chống tội phạm và ma túy thành phố (Công an thành phố, số 268 Trần Hưng Đạo quận 1) để tổng hợp báo cáo Chính phủ, Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố.
3. Thường trực Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm và ma túy thành phố (Công an thành phố) có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn, tổng hợp tình hình và thường xuyên báo cáo Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố kết quả việc thực hiện Kế hoạch này./.
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ