cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Chỉ thị số 05/2003/CT-NHNN ngày 09/09/2003 Về tăng cường và nâng cao chất lượng hoạt động thông tin tín dụng do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 05/2003/CT-NHNN
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Cơ quan ban hành: Ngân hàng Nhà nước
  • Ngày ban hành: 09-09-2003
  • Ngày có hiệu lực: 27-09-2003
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 20-10-2012
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 3311 ngày (9 năm 26 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 20-10-2012
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 20-10-2012, Chỉ thị số 05/2003/CT-NHNN ngày 09/09/2003 Về tăng cường và nâng cao chất lượng hoạt động thông tin tín dụng do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Thông tư số 25/2012/TT-NHNN ngày 06/09/2012 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật”. Xem thêm Lược đồ.

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 05/2003/CT-NHNN

Hà Nội, ngày 09 tháng 9 năm 2003

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG VÀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HOẠT ĐỘNG THÔNG TIN TÍN DỤNG

Thực hiện Quy chế hoạt động Thông tin tín dụng ban hành kèm theo Quyết định số 415/1999/QĐ-NHNN23 ngày 18 tháng 11 năm 1999 và Quy chế quản lý, cung cấp và khai thác sử dụng Thông tin tín dụng điện tử ban hành kèm theo Quyết định số 987/2001/QĐ-NHNN ngày 02 tháng 8 năm 2001 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, thời gian qua hoạt động Thông tin tín dụng đã đi vào nề nếp và đạt được những thành công đáng kể.

Đến nay, tại kho dữ liệu Trung tâm Thông tin tín dụng (CIC) đã lưu giữ được gần 300 nghìn hồ sơ khách hàng có quan hệ tín dụng với các Tổ chức tín dụng, với tổng dư nợ theo dõi được khoảng 240 nghìn tỷ đồng. Bình quân hàng tháng Trung tâm Thông tin tín dụng và Phòng thông tin tín dụng ngân hàng nhà nước chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh đã cung cấp cho các Tổ chức tín dụng, Chi nhánh tổ chức tín dụng trên 3000 lượt bản trả lời tin. Qua đó đã tạo thêm một kênh thông tin phục vụ nhiệm vụ quản lý của Ngân hàng Nhà nuớc và hỗ trợ các Tổ chức Tín dụng ngăn ngừa, hạn chế rủi ro trong kinh doanh, góp phần đảm bảo an toàn và ổn định hệ thống ngân hàng.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động Thông tin tín dụng tại một số đơn vị trong hệ thống Ngân hàng còn chưa tốt, như chưa báo cáo thông tin một cách đầy đủ, chính xác kịp thời, lãnh đạo một số chi nhánh Tổ chức tín dụng chưa thực sự quan tâm thường xuyên, chưa tìm hiểu thông tin trước khi cho vay. Để tăng cường và nâng cao chất lượng hoạt động thông tin tín dụng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cấp bách của Ngân hàng Nhà nước và các Tổ chức tín dụng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chỉ thị các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước, các Tổ chức tín dụng cần thực hiện tốt các việc sau:

1. Các Tổ chức tín dụng cần phải nhận thức đúng việc báo cáo và khai thác sử dụng Thông tin tín dụng là nghĩa vụ và quyền lợi của các Tổ chức tín dụng nhằm phục vụ mục tiêu quản lý Nhà nước và đảm bảo hiệu quả kinh doanh của các Ngân hàng, ngăn ngừa và hạn chế rủi ro tín dụng. Các Tổ chức tín dụng phải thường xuyên cập nhật thông tin khách hàng có quan hệ tín dụng với mình và báo cáo đầy đủ, chính xác, kịp thời cho Trung tâm Thông tin tín dụng Ngân hàng Nhà nước theo quy định, đồng thời cần phải đẩy mạnh khai thác sử dụng thông tin từ CIC để có thêm thông tin phục vụ hoạt động tín dụng.

Các Tổ chức tín dụng cần ổn định cán bộ nắm vững nghề nghiệp Thông tin tín dụng, trường hợp luân chuyển phải đào tạo, bổ sung kịp thời, không để gián đoạn, ách tắc thông tin.

Các Tổ chức tín dụng khẩn trương hoàn thiện công nghệ, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu báo cáo và khai thác Thông tin tín dụng, đảm bảo thông tin nhanh chóng, kịp thời, đầy đủ.

2. Trung tâm Thông tin tín dụng nhanh chóng nâng cao công nghệ mới, nghiên cứu tạo ra nhiều sản phẩm thông tin, đẩy mạnh việc cung cấp thông tin qua Web – CIC đảm bảo thuận lợi, dễ dàng, nhanh chóng, khẩn chương thống nhất và hoàn thiện chương trình phần mềm nghiệp vụ Thông tin tín dụng. Đi sâu phân tích, đánh giá xếp loại tín dụng doanh nghiệp, kịp thời dự báo và cảnh báo nhằm hạn chế rủi ro và nâng cao chất lượng thông tin tín dụng.

3. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Trung tâm Thông tin tín dụng cần phối hợp chặt chẽ trong việc đôn đốc các Tổ chức tín dụng cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin, chủ động khai thác các nguồn thông tin liên quan đến doanh nghiệp ở trong và ngoài ngành nhằm đa dạng và nâng cao chất lượng kho dữ liệu thông tin.

4. Thanh tra Ngân hàng Nhà nước cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành báo cáo thông tin của các Tổ chức tín dụng.

Thủ trưởng các Vụ, Cục và các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Tổng Giám đốc (Giám đốc) các Tổ chức tín dụng chịu trách nhiệm nghiên cứu, quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này. Trong quá trình thực hiện, nếu có phát sinh vướng mắc, các đơn vị báo cáo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét, giải quyết.

Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

 

 

Lê Đức Thuý

(Đã ký)