cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Chỉ thị số 27/2003/CT-UB ngày 27/08/2003 Về quản lý tiền mặt của các đơn vị hành chính sự nghiệp do tỉnh An Giang ban hành (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 27/2003/CT-UB
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh An Giang
  • Ngày ban hành: 27-08-2003
  • Ngày có hiệu lực: 27-08-2003
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 15-04-2014
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 3884 ngày (10 năm 7 tháng 24 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 15-04-2014
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 15-04-2014, Chỉ thị số 27/2003/CT-UB ngày 27/08/2003 Về quản lý tiền mặt của các đơn vị hành chính sự nghiệp do tỉnh An Giang ban hành (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 538/QĐ-UBND ngày 15/04/2014 Công bố kết quả rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang ban hành từ ngày 01/01/1977-31/12/2013”. Xem thêm Lược đồ.

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số : 27/2003/CT.UB

Long Xuyên, ngày 27 tháng 8 năm 2003

 

CHỈ THỊ

VỀ QUẢN LÝ TIỀN MẶT CỦA CÁC ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH SỰ NGHIỆP

Trong thời gian qua, có nhiều đơn vị địa phương chấp hành nghiêm túc việc sử dụng và quản lý tài chính ngân sách theo đúng luật định; tuy nhiên cũng còn không ít sở, ngành, địa phương, Thủ trưởng cơ quan chưa thật sự quan tâm trong việc điều hành và quản lý thu chi tài chính đơn vị một cách đúng mức theo quy định nhà nước, còn tùy tiện để tồn quỹ tiền mặt tại đơn vị và cấp trực thuộc vượt định mức cho phép: tồn quỹ nhiều, chi sai mục đích, nhiều nguồn thu chưa được báo cáo thường xuyên và không đầy đủ cho ngành tài chính, mở sổ sách - kế toán theo dõi các khoản thu chưa đúng qui định, dẫn đến một số nơi đã xảy ra thất thoát ngân quỹ nhà nước,… Đây là điều rất nguy hại và tiêu cực trong sử dụng tài chính.

Nhằm chấn chỉnh triệt để việc chi tiêu tiền thuộc ngân sách nhà nước thật chặt chẽ, rõ ràng và công khai minh bạch.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban ngành, đoàn thể và Chủ tịch UBND huyện, thị, thành phố thực hiện tốt các việc sau:

1. Tăng cường quản lý quỹ tiền mặt và thực hiện định mức tồn quỹ tiền mặt tại đơn vị theo hướng dẫn của Sở Tài chính Vật giá (công văn số 127/CV.TCVG ngày 12/3/1999 và số 959/CV.TCVG ngày 05/10/1999).

Những đơn vị có yêu cầu định mức cao hơn qui định tạm thời của 2 văn bản nói trên, đơn vị phải làm việc và phải được sự chấp thuận bằng văn bản của Giám đốc Sở Tài chính Vật giá trên nguyên tắc đảm bảo thanh toán thông thoáng và an toàn về quỹ tiền mặt.

2. Trong tháng 9/2003, Sở Tài chính Vật giá phối hợp Kho bạc Nhà nước tỉnh tổ chức rà soát, kiểm tra công tác quản lý quỹ tiền mặt và tồn quỹ tại các đơn vị dự toán cấp tỉnh, nhất là đối với các đơn vị sự nghiệp có thu. Qua đó, đánh giá cho được những đơn vị làm tốt, những đơn vị làm chưa tốt để uốn nắn kịp thời; phát hiện và xử lý những vướng mắc tại đơn vị. Kết quả kiểm tra báo cáo UBND tỉnh tháng 10/2003.

3. Nhằm khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt, kiểm soát thu chi trong quá trình luân chuyển đồng tiền từ cơ quan này chuyển qua đơn vị kia, Sở Tài chính Vật giá chủ trì phối hợp Kho bạc Nhà nước và Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh có văn bản hướng dẫn các đơn vị mua sắm tài sản, thanh toán các dịch vụ công cộng từ nguồn kinh phí ngân sách nhà nước thông qua hình thức chuyển khoản, hạn chế mức thấp nhất và tiến tới không còn thanh toán dùng tiền mặt.

4. Thủ trưởng các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước phải tăng cường hơn nữa công tác chỉ đạo về báo cáo tài chính, kiểm quỹ định kỳ, đối chiếu sổ sách kế toán và tồn quỹ, nhắc nhở nộp tiền vào kho bạc đúng hướng dẫn của cơ quan tài chính, việc tuyển chọn nhân viên kế toán có nghiệp vụ chuyên môn tương xứng và thủ quỹ phải đảm bảo tiêu chuẩn đạo đức. Nghiêm cấm các khoản thu để ngoài sổ sách kế toán, không báo cáo với cơ quan tài chính. Đồng thời quan tâm hơn nữa đến công tác đào tạo cán bộ kế toán và thủ quỹ, nơi nào phụ trách kế toán chưa đủ trình độ phải được đào tạo lại hoặc bố trí người thay thế.

5. Giao Sở Tài chính Vật giá rà soát lại đội ngũ kế toán và có kế hoạch tập huấn, đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn, nhằm trong thời gian tới giúp cho các đơn vị - địa phương thực hiện tốt công tác hạch toán kế toán và quản lý tài chính đi vào nề nếp.

Kho bạc Nhà nước tỉnh và Cục Thuế tăng cường công tác kiểm tra việc nộp vào ngân sách các khoản thu phí và lệ phí đúng qui định, các đơn vị chậm nộp cần phải được nhắc nhở, uốn nắn thường xuyên; phối hợp Sở Tài chính Vật giá tăng cường công tác quản lý tiền mặt của các đơn vị dự toán.

6. Chủ tịch UBND huyện, thị xã và thành phố chỉ đạo phòng Tài chính kế hoạch và Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn tăng cường kiểm tra việc sử dụng quỹ tiền mặt các đơn vị do mình quản lý đúng qui định.

7. Đơn vị - địa phương nào để tồn quỹ vượt qui định hoặc để xảy ra thất thoát công quỹ nhà nước, Thủ trưởng - đơn vị đó phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.

 

 

Nơi nhận:
- Các sở ban ngành, đoàn thể
- UBND huyện, thị, thành
- TT. TU, TT.HĐND , UBND tỉnh  ()
- KBNN, Cục Thuế, NHNN tỉnh
- Lãnh đạo văn phòng
- Các phòng, Trung tâm thuộc VP
- Lưu,

CHỦ TỊCH UBND TỈNH AN GIANG




Nguyễn Minh Nhị