cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 4301/2004/QĐ-UB ngày 20/12/2004 Quy chế quản lý giống cây trồng lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa thiên Huế (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 4301/2004/QĐ-UB
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế
  • Ngày ban hành: 20-12-2004
  • Ngày có hiệu lực: 01-01-2005
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 08-12-2008
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 1437 ngày (3 năm 11 tháng 12 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 08-12-2008
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 08-12-2008, Quyết định số 4301/2004/QĐ-UB ngày 20/12/2004 Quy chế quản lý giống cây trồng lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa thiên Huế (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 2869/QĐ-UBND ngày 08/12/2008 Công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Ủy ban Nhân dân Tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2000 đến ngày 31 tháng 12 năm 2007 hết hiệu lực pháp luật”. Xem thêm Lược đồ.

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4301/2004/QĐ-UB

Huế, ngày 20 tháng 12 năm 2004

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ GIỐNG CÂY TRỒNG LÂM NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

- Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

- Căn cứ Pháp lệnh Giống cây trồng đã được Chủ tịch nước công bố ngày 05/4/2004;

- Xét Tờ trình số 1386/NN.PTNT ngày 16 tháng 11 năm 2004 của Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT về việc đề nghị quyết định ban hành Quy chế Quản lý giống cây trồng lâm nghiệp,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành Quy chế Quản lý giống cây trồng lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Điều 2. Giao trách nhiệm cho Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo thực hiện Quy chế này.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2005.

Điều 4. Chánh Văn phòng UBND Tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Lâm nghiệp, Chủ tịch UBND các huyện và TP Huế, thủ trưởng các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này ./.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 4,
- Bộ NNPTNT, PHÓ. CHỦ TỊCH
- TVTU, TT. HĐND Tỉnh,
- CT và các PCT UBND Tỉnh,
- Sở Khoa học Công nghệ,
- Chi cục Kiểm lâm,
- VP: LĐ và CV NN,
- Lưu VT, KT, NN.

TM. UBND TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
KT/ CHỦ TỊCH




Nguyễn Ngọc Thiện

 

QUY CHẾ

QUẢN LÝ GIỐNG CÂY TRỒNG LÂM NGHIỆP TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
(Ban hành kèm theo quyết định số: 4301/2004/QĐ-UB ngày 20/12/2004 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế)

Căn cứ Pháp lệnh Giống cây trồng đã được Chủ tịch nước ký Lệnh số 03/2004/L/CTN ngày 05/4/2004 công bố, Uỷ ban Nhân dân tỉnh Thừa thiên Huế ban hành Quy chế Quản lý giống cây trồng lâm nghiệp trên địa bàn Tỉnh với các nội dung sau:

Chương I:

NHỮNG ĐIỀU KHOẢN CHUNG

Điều 1. Mục đích

Mục đích của việc ban hành Quy chế này là nhằm tăng cường việc quản lý Nhà nước về giống cây trồng lâm nghiệp, góp phần xây dựng rừng trồng có năng suất, chất lượng cao trên địa bàn của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

1.Giống cây lâm nghiệp: bao gồm hạt giống, các bộ phận của cây, cây con của các loài cây rừng

a) Hạt bao gồm quả nón, cụm quả, quả và hạt dùng vào việc sản xuất vật liệu trồng rừng.

b) Cây con sử dụng trồng rừng là cây con có nguồn gốc từ hạt giống, các thực liệu của cây hoặc cây tái sinh tự nhiên.

2. Vật liệu gốc (nguồn giống): Có các loại nguồn giống như sau:

Lâm phần xác định.

Lâm phần tuyển chọn.

Rừng giống chuyển hóa.

Rừng giống.

Vườn giống từ cây hạt (vườn giống hữu tính).

Vườn giống vô tính.

Ngân hàng dòng/vật liệu sinh dưỡng.

Cây mẹ, cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng.

3. Sản xuất: bao gồm tất cả các giai đoạn trong quá trình cho ra đời một đơn vị hạt giống, sự chuyển đổi từ đơn vị hạt giống và việc gieo ươm cây con từ hạt và các bộ phận của loài thực vật.

4. Kinh doanh: mô tả với cái nhìn về bán hoặc rao bán hàng, bán hoặc chuyển tới người khác/tổ chức/ công ty/doanh nghiệp bao gồm việc chuyển hàng trong khuôn khổ hợp đồng dịch vụ.

5. Nguồn giống là một quần thụ sinh trưởng tại một địa điểm mà từ đó giống được thu hái.

6. Lâm phần là một quần thể cây xác định có đủ sự thống nhất về thành phẩm loài.

7. Chất lượng di truyền là chất lượng di truyền của giống lâm nghiệp nói đến thành tố di truyền của vật liệu mà từ đó sẽ tạo ra biểu hiện ở hậu thế những tiềm năng sẵn có.

8. Chất lượng sinh lý là chất lượng sinh lý của giống lâm nghiệp nói đến kích cỡ, sức khỏe, khả năng phát triển, sức sống.

Điều 3. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng.

1. Phạm vi điều chỉnh: Quy chế này quy định về việc quản lý giống cây trồng lâm nghiệp bao gồm công nhận nguồn giống; công nhận đơn vị sản xuất và kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp; thu hái giống và cấp chứng chỉ nguồn gốc; sản xuất, kinh doanh và sử dụng giống cây trồng lâm nghiệp; gắn nhãn, lập hồ sơ và báo cáo; thanh tra và xử lý vi phạm.

2. Đối tượng áp dụng: Tất cả các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực giống cây trồng lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh phải tuân thủ các quy định trong bản Quy chế này.

Chương II:

CÔNG NHẬN NGUỒN GIỐNG

Điều 4. Các loại nguồn giống

1. Có 6 nguồn giống chính sau đây có thể được công nhận:

- Lâm phần tuyển chọn.

- Rừng giống chuyển hóa.

- Rừng giống.

- Vườn giống:

- Vườn giống hữu tính (vườn giống từ cây hạt).

- Vườn giống vô tính (vườn giống từ cây vô tính).

Nguồn giống cây mẹ, cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng

Ngân hàng dòng/vật liệu sinh dưỡng.

2. Các yêu cầu công nhận theo chí phí phân loại nguồn giống và phù hợp với tiêu chuẩn công nhận giống cây lâm nghiệp được ban hành tại Quyết định 188/QĐ-BNN-PTNT ngày 23/01/2003 của Bộ Nông nghiệp và PTNT.

3. Thẩm quyền công nhận nguồn giống: Cấp tỉnh công nhận các nguồn giống 1.1, 1.2, 1.3, 1.4, 1.5 (Bộ Nông nghiệp công nhận các nguồn giống 1.6).

Điều 5. Hội đồng công nhận nguồn giống cấp tỉnh.

1. UBND Tỉnh thành lập Hội đồng công nhận nguồn giống cấp tỉnh do Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT làm Chủ tịch Hội đồng và các thành viên là đại diện các cơ quan chức năng có liên quan thuộc Sở. Chủ tịch Hội đồng được thành lập tổ công tác giúp việc cho Hội đồng trong việc kiểm tra, đánh giá nguồn giống.

2. Chủ tịch Hội đồng có trách nhiệm công nhận nguồn giống cấp tỉnh và cấp giấy công nhận nguồn giống lâm nghiệp trong tỉnh.

Điều 6. Thủ tục công nhận nguồn giống.

1. Chủ nguồn giống làm đơn đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT xem xét công nhận nguồn giống. Sau khi nhận đơn đề nghị của chủ nguồn giống, Hội đồng công nhận nguồn giống cấp tỉnh thẩm định các tài liệu kỹ thuật và các nội dung có liên quan. Nếu nguồn giống đạt tiêu chuẩn, Chủ tịch Hội đồng cấp giấy công nhận nguồn giống đối với các nguồn giống thẩm quyền cấp tỉnh, hoặc đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT thẩm định, công nhận đối với các nguồn giống thuộc thẩm quyền của Bộ.

2. Hội đồng công nhận nguồn giống cấp tỉnh có trách nhiệm thông báo kết quả thẩm định cho chủ nguồn giống biết bằng văn bản trong thời gian không quá 30 ngày kể từ ngày nhận đơn.

Điều 7. Danh sách các nguồn giống được công nhận.

1. Vào quý I hàng năm, Chủ tịch Hội đồng công nhận nguồn giống cấp tỉnh – Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT công bố rộng rãi đến các bên liên quan trong tỉnh danh sách các nguồn giống được Tỉnh và Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận, hoặc đã bị hủy bỏ trên địa bàn tỉnh.

2. Hàng năm, Sở Nông nghiệp và PTNT báo cáo lên Bộ Nông nghiệp và PTNT thông tin về các nguồn giống được công nhận để Bộ cập nhật danh mục các nguồn giống quốc gia.

Điều 8. Thời gian hiệu lực và việc hủy bỏ giấy công nhận nguồn giống.

1. Việc công nhận nguồn giống chỉ có hiệu lực trong vòng 5 năm. Sau 5 năm, chủ nguồn giống đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT đánh giá lại nguồn giống theo quy định tại Điều 6.

2. Chủ tịch Hội đồng công nhận nguồn giống cấp tỉnh có quyền hủy bỏ công nhận nguồn giống vào bất kỳ thời điểm nào khi phát hiện nguồn giống có một trong các điều kiện sau:

2.1. Nguồn giống có nguy cơ tạp giao cao.

2.2. Nguồn giống không còn xác định được ranh giới rõ ràng.

2.3. Chất lượng nguồn giống giảm sút do cây mẹ già cỗi, do cháy rừng, sâu bệnh và các nguyên nhân khác.

2.4. Chất lượng nguồn giống thấp, không đạt yêu cầu qua kiểm tra thực tế.

Điều 9. Điều tra, tuyển chọn nguồn giống mới

Sở Nông nghiệp và PTNT có trách nhiệm chỉ đạo thực hiện công tác điều tra,tuyển chọn, thẩm định và thông qua Hội đồng công nhận nguồn giống cấp tỉnh để tiến hành thủ tục công nhận nguồn giống cây trồng lâm nghiệp mới.

Điều 10. Khảo nghiệm, sản xuất thử và công nhận nguồn giống mới

1. Tất cả các loại nguồn giống cây trồng lâm nghiệp mới chọn tạo hoặc mới nhập khẩu, trước khi đưa ra sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh đều phải qua khảo nghiệm hoặc sản xuất thử. Trình tự và thủ tục xin khảo nghiệm hoặc sản xuất thử phải tiến hành theo đúng quy định hiện hành của Bộ Nông nghiệp và PTNT về chọn, tạo, khảo nghiệm giống.

2. Các nguồn giống từ các vùng sinh thái khác du nhập vào tỉnh phải qua sản xuất thử, việc công nhận các nguồn giống này thực hiện theo phân cấp của Bộ Nông nghiệp và PTNT.

3. Tổ chức, cá nhân có nguồn giống mới được công nhận có quyền đăng ký với cơ quan chức năng để được công nhận bản quyền theo luật định.

Chương III:

SẢN XUẤT, KINH DOANH VÀ SỬ DỤNG GIỐNG CÂY TRỒNG LÂM NGHIỆP

Điều 11. Điều kiện sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp

1. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp phải có đủ các điều kiện sau đây:

1.1. Có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp;

1.2. Có trang bị cơ sở vật chất đầy đủ và cán bộ kỹ thuật có trình độ chuyên môn;

1.3. Có khả năng và sẵn sàng thực hiện việc lập hồ sơ thu hái, sản xuất, bảo quản, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp theo các quy định tại Chương 4 Quy chế này.

2. Hộ gia đình, cá nhân sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp không thuộc diện phải đăng ký kinh doanh, thì không phải thực hiện quy định tại Khoản 1 Điều 11 này nhưng phải đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng giống cây trồng và vệ sinh môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ và kiểm dịch thực vật.

3. Tổ chức, cá nhân kinh doanh giống lâm nghiệp khi có thay đổi sở hữu chủ, thay đổi địa chỉ, hoặc chấm dứt kinh doanh phải thông báo cho Sở Nông nghiệp và PTNT bằng văn bản trong vòng 3 tháng.

Điều 12. Sản xuất và kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp

1. Giống cây trồng lâm nghiệp được thu hái để phục vụ trồng rừng trên địa bàn tỉnh phải có nguồn gốc từ nguồn giống đã được công nhận.

2. Trong trường hợp không có nguồn giống được công nhận để thu hái giống, Sở Nông nghiệp và PTNT có thể xem xét cho phép thu hái, sản xuất và kinh doanh giống từ các nguồn giống chưa được công nhận để phục vụ cho trồng rừng trên địa bàn tỉnh và tiến hành cấp chứng chỉ nguồn gốc cho lô hạt giống.

3. Chỉ được sử dụng các lô hạt giống đã được cấp chứng chỉ gốc, đã được kiểm nghiệp hoặc các hom, cành được cắt từ các vườn nhân dòng đã được cấp giấy công nhận nguồn giống để gieo tạo sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp.

Điều 13. Sử dụng giống cây trồng lâm nghiệp

1. Các chương trình, dự án trồng rừng trên địa bàn tỉnh phải sử dụng giống cây trồng lâm nghiệp do các tổ chức, cá nhân đủ điều kiện sản xuất kinh doanh theo Quy định tại Điều 11.

2. Giống cây trồng lâm nghiệp sử dụng trong trồng rừng phải đáp ứng các yêu cầu về chất lượng sinh lý, theo các quy định của Bộ Nông nghiệp và PTNT .

Điều 14. Danh sách đơn vị kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp

Vào quý I hàng năm, Sở Nông nghiệp và PTNT công bố bản danh sách các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh. Danh sách này cũng thông báo các tổ chức, cá nhân đã chấm dứt kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp và được gửi tới các bên liên quan.

Chương IV:

THU HÁI GIỐNG VÀ CẤP CHỨNG CHỈ NGUỒN GỐC

Điều 15. Thu hái và kiểm nghiệm hạt giống

1. Khi thu hái từ các nguồn giống đã được công nhận đẻ sử dụng cho trồng rừng trên địa bàn tỉnh, chủ nguồn giống phải báo cáo bằng văn bản gửi tới Sở Nông nghiệp và PTNT ít nhất 1 tuần trước khi tiến hành thu hái.

2. Việc thu hái giống cây trồng lâm nghiệp từ các nguồn giống đã được công nhận để sử dụng vào các hoạt động trồng rừng trên địa bàn tỉnh phải tuân theo hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và PTNT.

3. Khi việc thu hái kết thúc, chủ nguồn giống phải thông báo cho Sở Nông nghiệp và PTNT về các thông tin thu hái.

4. Hạt giống trước khi gieo ươm hoặc xuất bán phải được kiểm nghiệm chất lượng, chỉ cho phép sử dụng các lô hạt giống đạt chất lượng theo quy định.

Điều 16. Chứng chỉ nguồn gốc lô giống

1. Sau khi nhận được thông báo kết quả thu hái của chủ nguồn giống, Sở Nông nghiệp và PTNT tiến hành kiểm tra kết quả kiểm nghiệm chất lượng để cấp chứng chỉ nguồn gốc.

2. Đối với các loại giống cây trồng lâm nghiệp dẫn nhập từ nơi khác về phải có chứng chỉ nguồn gốc do cơ quan có thẩm quyền của nơi cung cấp và phải được Sở Nông nghiệp và PTNT đồng ý.

Chương V:

GẮN NHÃN, LẬP HỒ SƠ VÀ BÁO CÁO

Điều 17. Gắn nhãn

1. Mỗi lô giống trong quá trình thu hái, chế biến, bảo quản, vận chuyển phải được để riêng biệt và gắn nhãn rõ ràng.

2. Trong quá trình bán và vận chuyển giống cây lâm nghiệp phải có bản sao giấy chứng chỉ nguồn gốc của lô giống đó.

Điều 18. Lập hồ sơ

Tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh phải lưu hồ sơ về việc thu hái, mua hàng, bảo quản, bán hàng và vận chuyển giống cây trồng lâm nghiệp. Hồ sơ được sử dụng cho từng lô giống, gồm các thông tin về mã số, chứng chỉ, nguồn gốc, số lượng, tên, địa chỉ người nhập kho và người nhận lô giống khi xuất kho. Tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh phải lưu giữ hồ sơ này trong thời gian tối thiểu là 5 năm.

Điều 19. Báo cáo

Vào quý I hàng năm, tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp báo cáo lên Sở Nông nghiệp và PTNT về tình hình kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp năm trước của đơn vị, cá nhân. Báo cáo đề cập từng lô giống bao gồm thông tin về số chứng chỉ nguồn giống, số lượng bán ra, tên và địa chỉ của khách hàng.

Chương VI:

THANH TRA KIỂM TRA

Điều 20. Những hành vi bị nghiêm cấm

1. Sản xuất, kinh doanh giống giả, giống cây trồng lâm nghiệp không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng theo quy định hiện hành.

2. Sản xuất, kinh doanh giống không có trong danh mục giống cây trồng lâm nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh.

3. Phá hoại, chiếm đoạt nguồn gen cây trồng lâm nghiệp, xuất khẩu trái phép nguồn gen cây lâm nghiệp quý hiếm.

4. Thí nghiệm sâu bệnh hại giống cây trồng ở nơi sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp.

5. Cản trở các hoạt động hợp pháp về nghiên cứu, chọn tạo, khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm dịch, sản xuất kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp.

6. Nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp có hại đến sức khỏe con người, môi trường, hệ sinh thái.

7. Công bố tiêu chuẩn, chất lượng, thông tin quảng cáo sai sự thật về giống cây lâm nghiệp.

8. Xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tác giả giống cây trồng lâm nghiệp.

Điều 21. Công tác thanh tra

1. Các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực giống cây trồng lâm nghiệp phải chịu sự thanh tra và giám sát của Sở Nông nghiệp và PTNT về việc thực hiện quy chế quản lý giống cây trồng lâm nghiệp.

2. Các đơn vị trồng rừng trên địa bàn tỉnh phải chịu sự thanh tra và giám sát của Sở Nông nghiệp và PTNT về nguồn giống cây trồng lâm nghiệp.

3. Thanh tra Sở Nông nghiệp và PTNT tiến hành thanh tra, giám sát việc thực hiện quy chế quản lý giống cây trồng lâm nghiệp.

Chương VII:

KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 22. Khen thưởng

Tổ chức, cá nhân nào có thành tích trong việc thực hiện quy chế quản lý giống cây trồng lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh sẽ được bình xét khen thưởng hàng năm.

Điều 23. Xử lý vi phạm

1. Trong quá trình thanh tra giám sát nếu phát hiện vi phạm của đơn vị sản xuất kinh doanh giống, Sở Nông nghiệp và PTNT căn cứ vào mức độ vi phạm để xử phạt hành chính theo tinh thần Nghị định của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng.

2. Trong trường hợp vi phạm được phát hiện trong quá trình thanh tra, giám sát về hoạt động trồng rừng, Sở Nông nghiệp và PTNT có thể đề nghị hoặc quyết định cắt, giảm hoặc thu hồi kinh phí đầu tư, hỗ trợ cho tổ chức, cá nhân vi phạm.

3. Đơn vị sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp phải chịu trách nhiệm trước người sử dụng và phải đền bù các thiệt hại cho người sử dụng do cung cấp giống kém phẩm chất và hồ sơ sai lệch gây ra. Những tranh chấp sẽ được tòa án dân sự giải quyết căn cứ vào những điều kiện của người sử dụng.

Chương VIII:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 24. Cơ quan có thẩm quyền

Sở Nông nghiệp và PTNT là cơ quan chuyên môn có trách nhiệm ban hành văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện quy chế này và chủ trì phối hợp với các Ban, ngành liên quan, UBND các huyện và thành phố Huế tổ chức hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Quy chế này và báo cáo kết quả thực hiện hàng năm cho UBND Tỉnh và Bộ Nông nghiệp và PTNT.

Những quy định trước đây trái với quy chế này đều được bãi bỏ.

Điều 25. Ngân sách

Ủy ban nhân dân Tỉnh dành ngân sách cho Sở Nông nghiệp và PTNT để hỗ trợ việc thực hiện quy chế này.

Điều 26. Hiệu lực thi hành

Quy chế này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2005./.