Quyết định số 1523/2004/QĐ-UB ngày 15/11/2004 Ban hành Quy định mức thu, quản lý và sử dụng thuỷ lợi phí theo Nghị định 143/2003/NĐ-CP do Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam ban hành (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 1523/2004/QĐ-UB
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Hà Nam
- Ngày ban hành: 15-11-2004
- Ngày có hiệu lực: 01-01-2005
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 21-09-2009
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 1724 ngày (4 năm 8 tháng 24 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 21-09-2009
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1523/2004/QĐ-UB | Hà Nam, ngày 15 tháng 11 năm 2004 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH MỨC THU, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG THUỶ LỢI PHÍ THEO NGHỊ ĐỊNH SỐ 143/2003/NĐ-CP CỦA CHÍNH PHỦ
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ NAM
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND được Quốc hội thông qua ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị định 143/2003/NĐ-CP ngày 28/11/2003 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi;
Căn cứ Nghị định số 56/1996/NĐ-CP ngày 02/10/1996 của Chính phủ quy định về Doanh nghiệp nhà nước hoạt động công ích;
Căn cứ Thông tư số 90/TTLTNN-TC ngày 19/12/1997 của Liên Bộ Nông nghiệp – Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý tài chính đối với Doanh nghiệp nhà nước họat động công ích trong lĩnh vực khai thác công trình thủy lợi;
Sau khi được sự thống nhất của Ban thường vụ Tỉnh ủy tại phiên họp ngày 06/10/2004 về mức thu thủy lợi phí mới tại văn bản số 69TB/VPTU ngày 23/10/2004 của Văn phòng Tỉnh ủy Hà Nam;
Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp & PTNT, Sở Tài Chính;
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Ban hành kèm theo quyết định này Quy định về thu, quản lý và sử dụng thủy lợi phí theo Nghị định số 143/2003/NĐ-CP ngày 28/11/2003 của Chính phủ.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2005 và thay thế Quyết định số 1522/2002/QĐ-UB ngày 24/12/2002 của UBND tỉnh Hà Nam đã ban hành.
Điều 3. Chánh văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và PTNT, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã; các tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
Nơi nhận: | TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ NAM |
QUY ĐỊNH
VỀ MỨC THU, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG THUỶ LỢI PHÍ THEO NGHỊ ĐỊNH SỐ 143/2003/NĐ-CP CỦA CHÍNH PHỦ
(Ban hành kèm theo quyết định số 1523 /2004/QĐ-UB ngày 15 /11/2004 của UBND tỉnh Hà Nam).
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Thủy lợi phí (sau đay viết là TLP) là nguồn thu từ công tác tưới, tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp của các Công ty khai thác Công trình thủy lợi (sau đây viết là KTCTTL). Các HTX dịch vụ nông nghiệp, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh Hà Nam được hưởng lợi về nước từ công trình thủy lợi đều phải nộp thủy lợi phí theo quy định này.
Điều 2.
1. Quy định này quy định mức thu, quản lý và sử dụng Thủy lợi phí cho các doanh nghiệp KTCTTL. Việc thu thêm ngoài quy định này để chi cho quản lý, sửa chữa công trình thủy nông mặt ruộng do các HTX dịch vụ nông nghiệp, các tổ chức dùng nước đảm nhiệm theo Điều lệ HTX hoặc Quy chế hoạt động của tổ chức đã được Đại hội đại biểu xã viên hoặc Đại hội cổ đông thông qua.
2. Thủy lợi phí được tính bằng đồng Việt Nam trên đơn vị diện tích được tưới, tiêu từ công trình thuỷ lợi.
3. Thủy lợi phí do các Công ty KTCTTL trực tiếp thu. Nguồn thu Thủy lợi phí được đưa vào kế hoạch thu chi của Công ty theo quy định hiện hành.
Chương II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 3. Mức thu thủy lợi phí.
1. Diện tích thu thủy lợi phí tính theo diện tích phục vụ đã được ký kết hợp đồng và kết quả nghiệm thu.
2. Đối tượng và tỷ lệ thu
a) Đối với cây lúa: Thủy lợi phí được thu theo mức trung bình của Nghị định 143/2003/NĐ-CP ngày 28/11/2003 của Chính phủ cho từng biện pháp công trình cụ thể như sau:
Biện pháp công trình Vụ chiêm xuân Vụ mùa
- Tưới tiêu Chủ động 625.000 đồng/ha 575.000 đồng/ha
- Trường hợp tưới tiêu chủ động một phần thì thu bằng 60% của mức tưới tiêu chủ động.
- Trường hợp tạo nguồn nước tưới hoặc mở đường tiêu (gọi chung là tạo nguồn tưới tiêu) thì lấy bằng 50% của mức tưới tiêu chủ động.
b) Đối với những diện tích trồng rau màu (ngắn ngày) kể cả cây vụ đông và cây công nghiệp, cây ăn quả: Thu bằng 40% của mức thu tưới tiêu chủ động đối với cây lúa theo từng biện pháp công trình. Trong đó:
- Loại cây trồng trong khoảng thời gian từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau thì thu theo mức thu của cây lúa vụ chiêm xuân.
- Loại cây trồng trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 10 thì thu theo mức thu của cây lúa vụ mùa.
c) Đối với diện tích chuyển đổi từ đất sản xuất hai vụ lúa sang sản xuất đa canh theo mô hình Lúa - Cá quy định như sau:
- Diện tích có trồng lúa thì thu TLP theo mức của cây lúa.
- diện tích đã cấy lúa, sau khi thu hoạch lúa; thời gian còn lại trong năm thu theo nuôi trồng thủy sản với mức thu 48 đồng/m2 mặt nước.
d) Đối với diện tích ao, hồ, đầm được công trình thuỷ lợi cấp và tiêu nước để chuyên nuôi trồng thuỷ sản (thời gian từ 9 tháng trở lên/năm) mức thu tính trên diện tích mặt nước là 100 đồng/m2 (lấy diện tích được giao sử dụng đất làm căn cứ).
đ) Nuôi trồng thuỷ sản trên hệ thống công trình thuỷ nông (nuôi cá bè, ao đăng) thì thu bằng 8% giá trị sản lượng tính theo năng xuất nuôi trồng thuỷ sản thống kê bình quân toàn tỉnh của năm trước liền kề.
Việc nuôi cá bè, ao đăng trên hệ thống công trình thuỷ lợi, hộ nuôi cá nhất thiết phải làm thủ tục cấp phép trước khi nuôi. Nếu được cấp có thẩm quyền cho phép, hộ nuôi cá phải tuân theo các quy định của giấy phép (Sở Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn cụ thể thủ tục cấp phép theo quy định của Pháp luật).
e) Đối với vận tải thuỷ qua các cống, âu của hệ thống thuỷ nông được quy định như sau:
Mức thu một lần căn cứ vào tải trọng của phương tiện để thu:
- Thuyền, xà lan các loại thu 2000 đồng/tấn/lượt.
- Các loại bè thu 500 đồng/m2/lượt.
Nếu chủ phương tiện đăng ký không đúng trọng tải thì chủ cống, âu được quyền kiểm tra xác định mức trọng tải thực tế.
Điều 4. Mức chi cho công tác thu Thủy lợi phí hàng năm tuỳ theo kết quả thu: Thu đạt 90% kế hoạch trở lên được chi là 3,5%, thu đạt dưới 90% kế hoạch được chi là 3% số thực thu để chi cho người trực tiếp thu, công tác quản lý thu, các ngành có liên quan của các cấp, các ngành và được hạch toán trong kế hoạch tài chính của các doanh nghiệp hàng năm. Liên Sở Tài chính, Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn cụ thể mục chi này.
Điều 5. Việc quản lý, sử dụng Thủy lợi phí của các Công ty KTCTTL thực hiện theo thông tư 90/1997/TT-LT/TC-NN ngày 19/12/1997 của Liên Bộ Tài chính- Nông nghiệp.
Điều 6. Việc miễn giảm thủy lợi phí do thiên tai gây mất mùa thì HTX dịch vụ nông nghiệp, tổ chức, cá nhân bị thiệt hại cùng với Công ty KTCTTL báo cáo UBND xã, phường, thị trấn tổ chức kiểm tra, xác minh lập danh sách hộ, diện tích, xứ đồng báo cáo UBND huyện, thị xã. UBND huyện, thị xã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành gồm: Tài chính, Nông nghiệp, Thống kê tiến hành kiểm tra thực tế, lập biên bản tổng hợp trình UBND huyện, thị xã báo cáo UBND tỉnh. UBND tỉnh thành lập đoàn kiểm tra liên ngành tổ chức phúc tra điểm, Sở Tài chính phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tổng hợp trình UBND tỉnh quyết định miễn giảm theo các mức sau:
- Thiệt hại từ 25% đến dưới 30% sản lượng thì giảm 50% TLP.
- Thiệt hại từ 30% đến dưới 50% sản lượng thì giảm 70% TLP.
- Thiệt hại từ 50% sản lượng trở lên thì miễn TLP.
Chương III.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 7. Trách nhiệm của các cấp các ngành:
1. Các Công ty KTCTTL rà soát diện tích và mức độ phục vụ để tổ chức ký kết hợp đồng kinh tế với các HTX dịch vụ nông nghiệp, tổ chức, cá nhân dùng nước ngay từ đầu vụ. Nghiệm thu các diện tích đã được tưới tiêu, thanh lý hợp đồng cuối vụ, thu đúng, thu đủ theo quy định đã ban hành.
2. UBND huyện, thị xã tổ chức triển khai tới các xã, phường, thị trấn, các HTX dịch vụ nông nghiệp, hộ dùng nước; chỉ đạo các HTX DVNN rà soát lại diện tích và mức độ phục vụ, tính toán lại mức thu dịch vụ thuỷ nông, tổ chức đại hội đại biểu xã viên có nghị quyết thông qua để tổ chức thực hiện. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của người hưởng lợi về nước.
3. Sở Nông nghiệp &PTNT hướng dẫn,đôn đốc các Công ty thực hiện việc tưới, tiêu, thu thủy lợi phí và kiểm tra việc thực hiện chế độ sửa chữa Tài sản cố định ở cả 2 hạng mục sửa chữa lớn và sửa chữa thường xuyên.
4. Sở Tài chính hướng dẫn kiểm tra việc thu, chi tài chính đúng chế độ hiện hành.
5. Các Sở, ngành khác theo chức năng nhiệm vụ giúp đỡ các Doanh nghiệp, HTX dịch vụ nông nghiệp thực hiện quy định này.
Điều 8. Khen thưởng và xử lý vi phạm.
Tổ chức cá nhân nào có thành tích được xét khen thưởng theo luật định.
Tổ chức cá nhân nào vi phạm quy định này, tùy theo tính chất và mức độ vi phạm để xử lý theo pháp luật .
Trong quá trình thực hiện, có gì vướng mắc cần báo cáo UBND tỉnh xem xét giải quyết/.