Chỉ thị số 03/2003/CT-NHNN ngày 21/05/2003 Về tín dụng ngân hàng phục vụ nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của doanh nghiệp do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 03/2003/CT-NHNN
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Cơ quan ban hành: Ngân hàng Nhà nước
- Ngày ban hành: 21-05-2003
- Ngày có hiệu lực: 29-06-2003
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 20-10-2012
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 3401 ngày (9 năm 3 tháng 26 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 20-10-2012
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 03/2003/CT-NHNN | Hà Nội, ngày 21 tháng 5 năm 2003 |
CHỈ THỊ
VỀ TÍN DỤNG NGÂN HÀNG PHỤC VỤ NÂNG CAO HIỆU QUẢ VÀ SỨC CẠNH TRANH CỦA DOANH NGHIỆP
Ngày 4 tháng 4 năm 2003, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 08/2003/CT-TTg về nâng cao hiệu quả và sức canh tranh của doanh nghiệp. Thực hiện Điểm 5 Chỉ thị này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại thực hiện một số việc sau đây:
1. Thực hiện đồng bộ các giải pháp huy động vốn: đẩy mạnh việc huy động vốn trung và dài hạn ở trong nước; khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn dài hạn của các tổ chức tài chính quốc tế tài trợ cho Dự án đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, Dự án Tài chính nông thôn, Dự án Tài chính doanh nghiệp nông thôn, Khoản vay chương trình cải cách doanh nghiệp nhà nước và quản trị công ty để đầu tư cho các dự án của doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm hàng hoá có chất lượng cao, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Đồng thời, các ngân hàng thương mại có biện pháp chủ động tích cực thu hồi các khoản nợ, nhất là xử lý thu hồi nợ quá hạn, nợ tồn đọng một cách có hiệu quả để tăng cường nguồn vốn cho vay.
2. Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tiếp cận một cách thuận lợi với vốn tín dụng ngân hàng để đầu tư sản xuất, đổi mới công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực theo hướng: cải tiến quy trình, đơn giản hoá thủ tục, hồ sơ cho vay, rút ngắn thời gian giải quyết cho vay nhưng đảm bảo thực hiện đúng các quy định của pháp luật; niêm yết công khai và tiếp cận trực tiếp với doanh nghiệp để hướng dẫn về điều kiện cho vay, quy trình, thủ tục vay vốn, thời gian tối đa giải quyết món vay và kịp thời thẩm định, quyết định cho vay đối với các nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp đáp ứng các điều kiện cho vay. Những trường hợp không cho vay được, ngân hàng thương mại phải thông báo rõ cho doanh nghiệp bằng văn bản.
3. Chủ động nguồn vốn đáp ứng nhu cầu đầu tư sản xuất, đổi mới công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực của doanh nghiệp với lãi suất phù hợp, không phân biệt loại hình doanh nghiệp là kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể hay kinh tế tư nhân, nếu các doanh nghiệp, hợp tác xã này đáp ứng được các điều kiện cho vay theo cơ chế cho vay và bảo đảm tiền vay hiện hành.
4. Chú trọng cho các doanh nghiệp vay vốn đầu tư xây dựng, mua sắm, cải tiến dây chuyền máy móc thiết bị phục vụ cho việc nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh ngay trong từng loại sản phẩm, nhất là các sản phẩm có lợi thế về sản xuất, có thị trường tiêu thụ và những sản phẩm thuộc nhóm hàng nằm trong lộ trình hội nhập với các nước trong khu vực. Đối với các doanh nghiệp có dự án sản xuất các sản phẩm hàng hoá có chất lượng cao, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, thì các ngân hàng thương mại ưu tiên bố trí nguồn vốn trung và dài hạn để các doanh nghiệp này vay vốn với thời hạn phù hợp với thời gian thu hồi vốn đầu tư của dự án.
5. Xem xét cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế vay vốn được áp dụng biện pháp bảo đảm tiền vay bằng tài sản hình thành từ vốn vay, hoặc được cho vay không có bảo đảm bằng tài sản như sau:
a. Cho vay bảo đảm bằng tài sản hình thành từ vốn vay áp dụng đối với các trường hợp cho vay ngắn hạn, trung và dài hạn theo quy định tại Nghị định số 85/2002/NĐ-CP ngày 25/10/2002 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung Nghị định số 178/1999/NĐ-CP ngày 29/12/1999 của Chính phủ về bảo đảm tiền vay của các tổ chức tín dụng và các văn bản hướng dẫn có liên quan của Ngân hàng Nhà nước.
b. Cho vay không có bảo đảm bằng tài sản theo quy định tại Nghị định số 178/1999/NĐ-CP Nghị định số 85/2002/NĐ-CP điểm 13 Mục III Nghị quyết số 02/2003/NQ-CP ngày 17/01/2003 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn có liên quan của Ngân hàng Nhà nước.
6. Thực hiện góp vốn với các Quỹ bảo lãnh tín dụng để thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo quy định tại Quyết định số 193/2001/QĐ-TTg ngày 20/12/2001 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 06/2003/TT-NHNN ngày 10/4/2003 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước để tạo điều kiện mở rộng cho vay đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã.
7. Chú trọng công tác giáo dục và đào tạo cán bộ, nhất là đào tạo cán bộ tín dụng để nắm chắc các quy định của cơ chế tín dụng hiện hành, nâng cao khả năng thẩm định khoản vay, đảm bảo giải ngân vốn vay phù hợp với nhu cầu và tiến độ thực hiện các dự án đầu tư sản xuất, đổi mới công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực của các doanh nghiệp, đồng thời làm tốt công tác tư vấn cho các doanh nghiệp trong việc vay vốn và sử dụng vốn vay có hiệu quả, đảm bảo khả năng trả nợ đầy đủ, đúng thời hạn.
8. Tổ chức thực hiện
a. Chỉ thị này có hiệu lực sau mười lăm ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
b. Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc (Giám đốc) các ngân hàng thương mại có trách nhiệm thi hành Chỉ thị này.
| Lê Đức Thuý (Đã ký)
|