cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 142/2004/QĐ-UB ngày 22/10/2004 Về Quy chế tổ chức và hoạt động của Đội Dân phòng do Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương ban hành

  • Số hiệu văn bản: 142/2004/QĐ-UB
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh Bình Dương
  • Ngày ban hành: 22-10-2004
  • Ngày có hiệu lực: 22-10-2004
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 01-02-2021
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 5946 ngày (16 năm 3 tháng 16 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 01-02-2021
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 01-02-2021, Quyết định số 142/2004/QĐ-UB ngày 22/10/2004 Về Quy chế tổ chức và hoạt động của Đội Dân phòng do Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương ban hành bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 01/2021/QĐ-UBND ngày 22/01/2021 Quy định về tổ chức và hoạt động của Đội Dân phòng ở cấp xã trên địa bàn tỉnh Bình Dương”. Xem thêm Lược đồ.

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 142/2004/QĐ-UB

Bình Dương, ngày 22 tháng 10 năm 2004

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA ĐỘI DÂN PHÒNG.

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

- Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

- Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 16/12/2003;

- Căn cứ Nghị quyết số 09/1998/NQ-CP ngày 31/7/1998 của Chính phủ, V/v tăng cường công tác phòng chống tội phạm trong tình hình mới;

- Xét tờ trình của Giám đốc Công an tỉnh tại công văn số:72/PV11(PV28) ngày 06/9/2004, về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Đội dân phòng.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy chế tổ chức và hoạt động của Đội Dân phòng” (bao gồm 4 Chương, 15 Điều).

Điều 2: Ông Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân tỉnh, Thủ trưởng các sở, ban, ngành có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã Thủ Dầu Một chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này, kể từ ngày ký./.

 

 

 

Nơi nhận:
-Văn phòng CP, Bộ tư pháp
-Bộ Công an, Bộ nội vụ.
-TT.Tỉnh ủy, HĐND tỉnh
-Đoàn ĐBQH tỉnh
-CT, PCT.UBND tỉnh.
-Công an tỉnh,BCH Quân sự tỉnh.
-Sở Nội vụ,Sở Tài chính. 
-Sở Tư pháp, Sở KHĐT.
-UBND các huyện, thị.
-LĐ.VP, V,Hương, TH.
-Lưu.

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Nguyễn Hoàng Sơn

 

QUY CHẾ

TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA ĐỘI DÂN PHÒNG
(ban hành kèm theo Quyết định số 142/2004/QĐ-UB, ngày 22/10/2004 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

Chương I:

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1: Đội Dân phòng là tổ chức quần chúng tại xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) có nhiệm vụ trực tiếp và phối hợp cùng lực lượng Công an, Quân sự, các Ban, Ngành, đoàn thể, tổ chức quần chúng cấp xã tham gia giải quyết tình hình an ninh trật tự và tổ chức vận động quần chúng nhân dân giữ gìn và bảo đảm trật tự an toàn xã hội tại địa bàn cấp xã.

Đội Dân phòng được thành lập theo yêu cầu của từng địa phương; việc thành lập Đội Dân phòng được thực hiện theo đơn vị hành chính cấp xã và do Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định trên cơ sở đề nghị của Công an cùng cấp.

Điều 2: Những người tham gia Đội Dân phòng phải có đủ các tiêu chuẩn sau đây:

- Là công dân Việt Nam, có hộ khẩu thường trú tại địa bàn xã; từ đủ 18 tuổi trở lên đến dưới 45 tuổi; có sức khỏe để hòan thành công việc được giao.

- Có lý lịch rỏ ràng, tự nguyện tham gia và nhiệt tình công tác, được quần chúng nhân dân tại nơi cư trú tính nhiệm và được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại nơi cư trú giới thiệu vào Đội Dân phòng.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 3:

1. Mỗi đơn vị hành chính cấp xã được thành lập 01 (một) Đội Dân phòng, tùy theo yêu cầu nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự tại địa bàn, có thể thành lập các Tổ Dân phòng trực thuộc Đội; cơ cấu tổ chức, số lượng Đội viên Đội Dân phòng do Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định.

2. Đội Dân phòng có 01 (một) Đội trưởng và từ 02 (hai) đến 03 (ba) Đội phó; Đội trưởng, Đội phó Đội Dân phòng do chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định bổ nhiệm theo đề nghị của Công an cấp xã.

Đội viên Đội dân phòng do Đội trưởng thông qua Công an xã lựa chọn (theo sự giới thiệu của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tại nơi cư trú) và đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định công nhận.

3. Trang phục, giấy chứng nhận Đội viên Đội Dân phòng, công cụ hỗ trợ của Đội dân phòng được thực hiện theo hướng dẫn của Công an tỉnh.

4. Ủy ban nhân dân cấp xã căn cứ điều kiện thực tế của địa phương quyết định nơi làm việc của Đội Dân phòng cho phù hợp, nhằm bảo đảm hoạt động của Đội Dân phòng tại địa bàn đạt hiệu quả.

Điều 4: Đội Dân phòng có nhiệm vụ sau đây:

1. Tổ chức tuần tra, kiểm soát để phát hiện và ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật tại địa bàn xã; việc tuần tra, kiểm soát phải theo sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân và hướng dẫn của Công an cấp xã. Trong quá trình tuần tra, kiểm soát, nếu phát hiện có sự việc và tình hình vi phạm pháp luật phải kịp thời báo cáo với Công an cấp xã để được hướng dẫn biện pháp giải quyết.

2. Tham gia bảo vệ hiện trường các vụ án, các vụ tai nạn, tổ chức việc cấp cứu nạn nhân, phòng chống dịch bệnh, hỏa hoạn, thiên tai bão lụt; bảo vệ trật tự nơi công cộng, nơi hội họp và thực hiện các nhiệm vụ khác theo sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân và hướng dẫn của Công an cấp xã.

3. Tham gia vận động quần chúng nhân dân ở cơ sở chấp hành tốt các Chủ trương, Chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; động viên mọi người đấu tranh gìn giữ an ninh trật tự và tích cực tham gia phòng chống tội phạm; các tệ nạn xã hội trên địa bàn xã.

Điều 5: Trong khi thi hành công vụ; Đội Dân phòng có quyền hạn sau đây:

1. Bắt giữ, tước vũ khí và tạm giữ tang vật người phạm tội quả tang, người đang có lệnh truy nã, người có lệnh truy tìm hành chính đang lẫn trốn trên địa bàn xã và dẫn giải ngay về trụ sở Công an xã giải quyết.

2. Yêu cầu mọi người chấp hành các quy định về bảo vệ trật tự công cộng; dẫn giải người có hành vi vi phạm pháp luật về trụ sở Công an cấp xã để giải quyết.

3. Được trang bị công cụ hỗ trợ theo hướng dẫn của Công an tỉnh.

Điều 6:

1. Đội Dân phòng làm việc theo nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Kinh phí hoạt động của Đội Dân phòng, do Ủy ban nhân dân cấp xã chi từ nguồn thu ngân sách của xã và quỹ An ninh quốc phòng của xã.

2. Đội trưởng Đội Dân phòng là người có nhiệm vụ trực tiếp tổ chức, điều hành hoạt động của Đội và chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân và Công an cấp xã trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình.

3. Đội phó Đội Dân phòng là người trực tiếp giúp việc cho Đội trưởng để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn chung của Đội; trực tiếp phụ trách các Tổ Dân phòng theo sự phân công của Đội trưởng và chịu trách nhiệm trước Đội trưởng về phần việc được phân công.

4. Định kỳ hàng tháng, 6 tháng, một năm báo cáo Ủy ban nhân dân cấp xã về kết quả công tác của Đội theo sự hướng dẫn của Công an xã.

5. Các Đội viên Đội Dân phòng thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công cụ thể của Đội trưởng, Đội phó.

Điều 7:

1. Hàng tuần vào ngày thứ sáu, Đội trưởng có trách nhiệm tổ chức họp đánh giá kết quả công tác trong tuần và đề ra kế hoạch, phổ biến công tác tới các Đội phó, Đội viên cho tuần sau. Công an xã phải cử người dự các cuộc họp của đội dân phòng để nắm tình hình và chỉ đạo kịp thời.

2. Hàng tháng, Đội trưởng tổ chức kiểm điểm đánh giá kết quả hoạt động trong tháng và đề ra công tác của tháng tiếp theo; báo cáo với Ủy ban nhân dân và Công an cấp xã bằng văn bản. Trường hợp cần xin ý kiến chỉ đạo của Ủy ban nhân dân hoặc Công an xã trong quá trình triển khai công tác thì Đội trưởng là người trực tiếp báo cáo; nếu Đội trưởng vắng mặt thì ủy quyền Đội phó thực hiện nhiệm vụ này.

3. Đối với những công việc quan trọng cần lấy ý kiến của tập thể Đội trưởng có trách nhiệm đưa ra tập thể Đội thảo luận và biểu quyết. Việc biểu quyết được thực hiện theo nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số; trong trường hợp việc biểu quyết có một nữa Đội viên tán thành ngang nhau thì thực hiện theo bên có ý kiên quyết định của Đội trưởng. Trường hợp còn có vướng mắc thì Đội trưởng trực tiếp báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Ủy ban nhân dân hoặc của Công an cấp xã trước khi quyết định thực hiện.

Điều 8: Đội Dân phòng chịu sự chỉ đạo, điều hành của Ủy ban nhân dân và hướng dẫn nghiệp vụ của Công an cấp xã. Đội dân phòng được tổ chức học tập, bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác bảo vệ an ninh trật tự theo Kế hoạch của Công an tỉnh. Việc bồi dưỡng nghiệp vụ được thực hiện thường xuyên hàng năm và được cấp giấy chứng nhận đã tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn về nghiệp vụ.

Điều 9:

1. Đội Dân phòng được phép hoạt động kinh doanh theo quy định của pháp luật và phù hợp với thực tế địa phương. Khuyến khích các hoạt động dịch vụ của Đội Dân phòng như bốc vác, giữ xe, bảo vệ trật tự … Hoạt động thu chi tài chính của Đội Dân phòng được thực hiện theo hướng dẫn và kiểm tra của bộ phận tài chính cấp xã.

2. Đội Dân phòng được Ủy ban nhân dân cấp xã hỗ trợ một phần kinh phí từ quỹ an ninh quốc phòng của xã để hoạt động, mua bảo hiểm thân thể hoặc bảo hiểm y tế; mức hỗ trợ từ quỹ an ninh quốc phòng của xã không quá 5% (năm phần trăm) tổng thu của quỹ.

Điều 10: Nghiêm cấm những hành vi sau đây:

1. Đội Dân phòng vào kiểm tra nhà dân khi không có lực lượng Công an xã (Cảnh sát khu vực, Công an phụ trách xã, Công an xã), trừ trường hợp phát hiện hành vi vi phạm pháp luật quả tang, đang truy bắt người phạm tội quả tang, người có lệnh truy nã đang lẫn trốn hoặc người có lệnh truy tìm hành chính.

2. Uống rượu, bia hoặc dùng các chất kích thích khác trong khi thi hành công vụ; phát ngôn hoặc có hành vi xử sự thiếu văn hóa, thiếu lễ độ với nhân dân.

3. Các việc khác mà pháp luật nghiêm cấm.

Điều 11: Những người tham gia Đội Dân phòng được miễn nghĩa vụ lao động công ích tại địa phương.

Chương III

KHEN THƯỞNG VÀ KỶ LUẬT

Điều 12: Tập thể, cá nhân Đội Dân phòng có thành tích thì được xét khen thưởng theo quy định hiện hành; trường hợp bị thương tích hoặc hy sinh trong khi thi hành công vụ thì được xét hưởng chế độ chính sách theo quy định của Nhà nước.

Điều 13: Đội trưởng, Đội phó và các Đội viên Đội Dân phòng có hành vi vi phạm pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật, tước giấy chứng nhận Đội viên, xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 14:

1. Những Đội Dân phòng được thành lập trước khi ban hành Quy chế này thì vẫn tiếp tục hoạt động. Uỷ ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm rà soát, xem xét để có quyết định giữ nguyên, sửa đổi hoặc thành lập Đội Dân phòng mới phù hợp với Quy chế này.

2. Đối với những Đội Dân phòng được thành lập sau khi Quy chế này có hiệu lực thì phải bảo đảm trình tự thủ tục theo quy định tại Điều 1 Quy chế này.

Điều 15: Quá trình thực hiện, nếu cần bổ sung, điều chỉnh hoặc thay đổi thì Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện để tổng hợp và báo cáo Công an tỉnh có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.

Những quy định trước đây có liên quan đến tổ chức và hoạt động của Đội Dân phòng trái với Quy chế này đều bãi bỏ.