Quyết định số 985/TCHQ/QĐ-KTTT ngày 16/09/2004 Về quy chế xử lý thông tin trong hệ thống GTT22 tại cơ quan Tổng cục Hải quan (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 985/TCHQ/QĐ-KTTT
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Tổng cục Hải quan
- Ngày ban hành: 16-09-2004
- Ngày có hiệu lực: 16-09-2004
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 14-12-2011
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 2645 ngày (7 năm 3 tháng 0 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 14-12-2011
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 985/TCHQ/QĐ-KTTT | Hà Nội, ngày 16 tháng 9 năm 2004 |
QUYẾT ĐỊNH
V/V BAN HÀNH QUY CHẾ XỬ LÝ THÔNG TIN TRONG HỆ THỐNG GTT2 TẠI CƠ QUAN TỔNG CỤC HẢI QUAN
TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC HẢI QUAN
- Căn cứ Nghị định số 96/2002/NĐ-CP ngày 19 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của Tổng cục Hải quan;
- Căn cứ Thông tư số 118/2003/TT/BTC ngày 08 tháng 12 năm 2003 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 60/2002/NĐ-CP;
- Căn cứ quy chế ban hành kèm theo quyết định 1795/QĐ/TCHQ/KTTT ngày 31 tháng 12 năm 2003 năm 2003 của tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan về việc thu thập, cập nhật, khai thác, và sử dụng hệ thống thông tin dữ liệu giá tính thuế.
- Căn cứ tình hình thực tế hoạt động của hệ thống GTT22 tại cơ quan Tổng cục Hải quan
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Ban hành kèm theo quyết định này quy chế xử lý thông tin trong hệ thống GTT22 tại cơ quan Tổng cục Hải quan.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Vụ trưởng Vụ Kiểm tra thu thuế xuất nhập khẩu; Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và Thống kê Hải quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
| KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC HẢI QUAN |
QUY CHẾ
XỬ LÝ THÔNG TIN TRONG HỆ THỐNG GTT22 TẠI CƠ QUAN TỔNG CỤC HẢI QUAN
(ban hành kèm theo Quyết định số 985/TCHQ/QĐ/KTTT ngày 16 tháng 9 năm 2004 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan)
I. Quy định chung:
Nguồn thông tin dữ liệu giá tính thuế từ các địa phương truyền về cơ quan Tổng cục phải được cập nhật đầy đủ, chính xác, kịp thời; Các nguồn thông tin khác về giá được tổ chức thu thập khai thác để bổ sung cho nguồn thông tin từ địa phương truyền về.
- Nguồn thông tin dữ liệu giá tính thuế được khai thác và sử dụng trong nội bộ ngành Hải quan để phục vụ cho công tác xác định giá tính thuế đối với hàng hoá nhập khẩu. Người khai thác thông tin phải tuyệt đối bảo mật các thông tin trong quá trình thực thi công việc, việc cung cấp các thông tin cho người khác phải được sự đồng ý của lãnh đạo từ cấp Vụ trở lên.
- Việc cập nhật, khai thác, xử lý, chia sẻ nguồn thông tin dữ liệu giá tính thuế phải tuân thủ theo các văn bản quy định hiện hành về giá tính thuế.
- Các công chức sử dụng hệ thống GTT22 phải nắm vững và sử dụng thành thạo hệ thống, tuân thủ các quy định về an toàn sử dụng mạng, có trách nhiệm quản lý máy tính cá nhân đảm bảo hoạt động đều đặn, thông suốt.
II. Quy định cụ thể:
1. Việc nhận thông tin giá từ các địa phương:
- Cục Công nghệ thông tin và Thống kê Hải quan chịu trách nhiệm nhận dữ liệu thông tin giá do các địa phương truyền về Tổng cục hàng ngày và cập nhập vào hệ thống. Theo dõi và đôn đốc các địa phương truyền, nhận dữ liệu giá đầy đủ, kịp thời. Hướng dẫn xử lý các vướng mắc về kỹ thuật trong quá trình truyền, nhận. Trường hợp phát hiện có địa phương nào không thực hiện được việc truyền, nhận dữ liệu do vướng mắc về nghiệp vụ thì thông báo cho Vụ Kiểm tra thu thuế xuất nhập khẩu để phối hợp hướng dẫn, xử lý.
- Vụ Kiểm tra thu thuế xuất nhập khẩu chịu trách nhiệm kiểm tra việc truyền dữ liệu thông tin giá hàng ngày của các địa phương, thông qua việc kiểm tra các dữ liệu có trong hệ thống, bao gồm cả các dữ liệu của các Cục Hải quan địa phương và của các Chi cục Hải quan địa phương; Kịp thời nhắc nhở hoặc có công văn chấn chỉnh những Cục Hải quan địa phương không truyền dữ liệu theo đúng quy định. Trường hợp nếu phát hiện Cục Hải quan địa phương nào 2 ngày không truyền nhận dữ liệu do sự cố về mặt kỹ thuật phải thông báo cho Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan biết để có biện pháp xử lý kịp thời.
2. Việc thu thập, cập nhật thông tin từ các nguồn khác vào hệ thống GTT22
a. Cập nhật thông tin từ các nguồn khác:
Các công chức được phân công thu thập thông tin về giá hàng hoá nhập khẩu từ các nguồn: Từ các nước, các Tổ chức quốc tế, mạng Internet, sách báo, tạp chí, giá bán thị trường nội địa, từ cơ quan thuế nội địa, các nguồn khác… phải chủ động có kế hoạch thu thập và khai thác thông tin. Định kỳ hàng tháng (30 ngày) có báo cáo cho lãnh đạo Vụ KTTTXNK những thông tin về giá hàng nhập khẩu thu thập được theo các tiêu chí đã quy định tại mục “Nhập thông tin từ các nguồn khác” trong hệ thống GTT22 và chịu trách nhiệm về các thông tin thu thập được. Chủ động đôn đốc các địa phương thu thập và cập nhật các nguồn thông tin nói trên.
Trên cơ sở các thông tin có được, thực hiện chọn lọc, phân tích mức giá theo các tiêu chí quy định tại mục “nhập thông tin từ các nguồn khác” trong hệ thống GTT22, trình lãnh đạo để đưa vào hệ thống GTT22 sử dụng.
Khi thông tin đã được lãnh đạo phê duyệt, công chức phải chủ động cập nhật thông tin đã được phê duyệt vào hệ thống thông tin giá ở phần GTT22 mục “nhập thông tin” - “nhập thông tin từ các nguồn khác”.
b. Cập nhật thông tin về xử lý khiếu nại tại Tổng cục:
Các công chức được phân công giải quyết khiếu nại, một ngày sau khi lãnh đạo duyệt kết quả xử lý khiếu nại, phải nhập thông tin mức giá từ kết quả đó vào hệ thống GTT22 ở mục “khiếu nại” - “giải quyết khiếu nại”.
3. Việc kiểm tra thông tin trong hệ thống và chia sẻ cho các đơn vị đó liên quan sử dụng.
a. Việc kiểm tra thông tin giá tính thuế trong hệ thống:
a1. Tất cả các công chức làm công tác giá tại Vụ KTTTXNK hàng ngày phải thực hiện việc kiểm tra thông tin giá trong hệ thống GTT22 và báo cáo lãnh đạo Vụ kết quả kiểm tra. Việc kiểm tra thông tin giá tính thuế trong GTT22 nhằm mục đích chọn lọc ra các mức giá nghi ngờ để tạm thời không chia sẻ thông tin này cho các đơn vị liên quan sử dụng.
a2. Trên cơ sở các chương hàng hoá được phân công quản lý giá, thực hiện việc kiểm tra như sau:
Tra cứu trong GTT22, phần “Kiểm tra giá” - “Tra cứu giá mặt hàng đã nhập khẩu”. Trong mục “mã hàng”, “tên hàng” chọn chương hàng hoá được phân công quản lý giá, chọn “ngày đăng ký” để giới hạn thời gian kiểm tra, nhấn mục “tìm” để hiện thị các mặt hàng cần kiểm tra giá. Thực hiện kiểm tra các nội dung sau:
* Kiểm tra việc cập nhật thông tin trong mục “xem tờ khai trị giá” và mục “xem thông tin chi tiết”, bao gồm:
- Kiểm tra đối tượng áp dụng tờ khai trị giá căn cứ vào cột xuất xứ và loại hình kinh doanh để đối chiếu.
- Kiểm tra việc thực hiện nhập các thông tin trên tờ khai trị giá tại mục “xem tờ khai trị giá”.
- Kiểm tra việc thực hiện nhập các thông tin chi tiết của hàng hoá tại mục “xem thông tin chi tiết hàng hoá” để kiểm tra việc nhập các thông tin qua các khâu: Khai báo, kiểm hoá, xác định giá, điều chỉnh giá.
Căn cứ kết quả kiểm tra, nếu việc cập nhật thông tin không đầy đủ thì nhắc nhở kịp thời hoặc có văn bản chấn chỉnh nếu tình trạng cập nhật không đúng tiếp tục xảy ra.
* Kiểm tra thông tin giá tính thuế của Cục Hải quan địa phương truyền về. Phân tích đánh giá mức độ tin cậy của các mức giá, trên cơ sở so sánh các mức giá của cùng mặt hàng, hàng hoá giống hệt, hàng hoá tương tự, cùng xuất xứ, cùng nước xuất khẩu, cùng điều kiện mua bán… để chọn lọc ra các mức giá quá thấp hoặc quá cao. Tiến hành kiểm tra nội dung trên tờ khai trị giá ở mục “xem tờ khai trị giá” và kiểm tra chi tiết ở mục “xem thông tin chi tiết” để so sánh, đối chiếu các thông tin chi tiết về hàng hoá của các mặt hàng này, đồng thời tra cứu thông tin giá tại các mục “Tra cứu giá trong bảng giá tối thiểu”, mục “Tra cứu thông tin giá từ các nguồn khác” lọc ra các mức giá có nghi ngờ.
Nội dung này thực hiện cụ thể như sau:
- Kiểm tra thông tin giá tính thuế từ các cục Hải quan địa phương truyền về (chú ý các lô hàng đã được Cục Hải quan địa phương phân loại nghi ngờ tại tiêu chí độ tin cậy để tập trung kiểm tra, so sánh).
- So sánh các mức giá của cùng một mặt hàng để phân loại các lô hàng có độ tin cậy cao và độ tin cậy thấp. Các tiêu chí thường dùng để so sánh được thực hiện ngay trên màn hình tra cứu bao gồm:
+ Thông tin hàng hoá: Mã số, tên hàng, xuất xứ, phương pháp áp giá, độ tin cậy, ngày đăng ký tờ khai…
+ Trường hợp cần so sánh mặt hàng cụ thể giống hệt thì chuyển vào mục “mô tả thông tin chi tiết” để tra cứu và so sánh mặt hàng theo Model, chủng loại, ký mã hiệu, năm sản xuất…
+ Để tham khảo thêm các thông tin khác có liên quan khi so sánh có thể tra cứu thông tin giá tại các mục: “Tra cứu bảng giá tối thiểu” hoặc “Tra cứu thông tin giá từ các nguồn khác”.
- Tra cứu thông tin về kết quả phúc tập giá, kết quả kiểm tra giá tại cấp Chi cục, cấp Cục ở phần “Kiểm tra giá”, mục “tra cứu thông tin phúc tập giá” và mục “tra cứu thông tin kiểm tra giá” để xem xét đánh giá tổng thể lô hàng.
- Trên cơ sở kết quả so sánh, tra cứu ở phần trên để phân loại các lô hàng có mức giá nghi ngờ (mức giá quá thấp) báo cáo Lãnh đạo (có kèm theo ý kiến về lý do nghi ngờ) và đánh dấu nghi ngờ trị giá lô hàng bằng phím F2 trên chương trình GTT22 để phân biệt với các lô hàng bình thường khác tạm thời không truyền các mức giá này cho các đơn vị Hải quan cấp dưới sử dụng trong thời gian còn xác minh, làm rõ.
- Thực hiện kết xuất những lô hàng có mức giá nghi ngờ ra chương trình EXCEL, sử dụng mục “Kết xuất ra EXCEL” tại màn hình tra cứu, và bổ sung thêm cột “cơ sở nghi ngờ” tại chương trình EXCEL để ghi chép rõ lý do nghi ngờ.
- Lập báo cáo những lô hàng nghi ngờ để yêu cầu Cục Hải quan địa phương tiến hành tham vấn hoặc đề nghị kiểm tra sau thông quan, trình lãnh đạo phê duyệt. Sau khi lãnh đạo phê duyệt thì có công văn yêu cầu Hải quan địa phương tham vấn hoặc chuyển báo cáo đến Cục Kiểm tra sau thông quan để xác minh làm rõ theo chỉ đạo của lãnh đạo và chuyển cho công chức làm nhiệm vụ truyền thông tin trong hệ thống GTT22 để biết không truyền các thông tin này. (Báo cáo được lập tại chương trình EXCEL bao gồm các cột sau: Số Tờ khai XNK, mã hàng hoá, Tên hàng, đơn giá, số lượng, đơn vị tính, xuất xứ, đơn vị hải quan mở tờ khai, phương pháp áp giá, cơ sở nghi ngờ).
b. Việc chia sẻ thông tin cho các đơn vị có liên quan sử dụng:
Công chức được phân công truyền dữ liệu cho các đơn vị liên quan sử dụng phải thực hiện việc truyền dữ liệu vào cuối mỗi ngày và mở sổ theo dõi việc truyền dữ liệu.
Việc truyền dữ liệu bao gồm: Thông tin về hàng hoá do Tổng cục nhận từ các địa phương; Thông tin về khiếu nại đã được xử lý tại Tổng cục (nếu có), Các thông tin khác khi có yêu cầu của lãnh đạo và được thực hiện như sau:
Thực hiện kết xuất thông tin trong phần GTT22, mục “Tổng hợp số liệu”. Đối với thông tin về khiếu nại và thông tin từ các nguồn khác thực hiện kết xuất thông tin trong mục” Kết xuất thông tin chuyển Hải quan cấp dưới”. Đối với thông tin về hàng hoá, thực hiện kết xuất trong mục “Kết xuất dữ liệu chia sẻ cho Hải quan cấp dưới”. Khi kết xuất thông tin về hàng hoá, thực hiện lọc thông tin chia sẻ phải loại trừ các mức giá nghi ngờ không chia sẻ do các công chức kiểm tra giá đã thông báo (nêu ở điểm a mục này) và đã đánh dấu nghi ngờ bằng phím F2.
Yêu cầu các công chức làm công tác khai thác và sử dụng hệ thống thông tin dữ liệu về giá tính thuế tại cơ quan Tổng cục Hải quan phải thực hiện đầy đủ các quy định trên. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc thì báo cáo Lãnh đạo để xử lý kịp thời.