Quyết định số 163/2004/QĐ-TTg ngày 08/09/2004 của Thủ tướng Chính phủ Về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ xuất khẩu lao động (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 163/2004/QĐ-TTg
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Ngày ban hành: 08-09-2004
- Ngày có hiệu lực: 29-09-2004
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 25-09-2007
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 1091 ngày (2 năm 12 tháng 1 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 25-09-2007
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 163/2004/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 08 tháng 9 năm 2004 |
QUYẾT ĐỊNH
CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 163/2004/QĐ-TTG NGÀY 08 THÁNG 9 NĂM 2004 VỀ VIỆC THÀNH LẬP, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG QUỸ HỖ TRỢ XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Nghị định số 81/2003/NĐ-CP ngày 17 tháng 7 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Bộ luật Lao động về người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Thành lập Quỹ hỗ trợ xuất khẩu lao động thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, để thực hiện việc phát triển thị trường lao động ngoài nước; nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của lao động Việt Nam trên thị trường lao động quốc tế; hỗ trợ rủi ro cho người lao động và doanh nghiệp trong hoạt động xuất khẩu lao động.
Quỹ hỗ trợ xuất khẩu lao động hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, được miễn nộp thuế, hạch toán độc lập, có tư cách pháp nhân và được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước Trung ương.
Điều 2. Quỹ hỗ trợ xuất khẩu lao động được hình thành từ các nguồn:
1. Ngân sách nhà nước cấp ban đầu.
2. Đóng góp 1% từ doanh thu phí dịch vụ của các doanh nghiệp xuất khẩu lao động theo quy định tại khoản 2 Điều 23 Nghị định số 81/2003/NĐ-CP ngày 17 tháng 7 năm 2003 của Chính phủ.
3. Các nguồn thu hợp pháp khác (lãi tiền gửi; tiền tài trợ của các tổ chức, cá nhân; tiền đặt cọc còn lại của người lao động vi phạm hợp đồng, sau khi thanh lý phải nộp ngân sách nhà nước...).
4. Ngân sách nhà nước cấp bổ sung hàng năm theo kế hoạch được duyệt.
5. Ngân sách cấp bổ sung trong các trường hợp đặc biệt theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
6. Số dư Quỹ của năm trước được chuyển sang năm sau sử dụng.
Điều 3. Quỹ hỗ trợ xuất khẩu lao động được sử dụng để :
1. Hỗ trợ chi phí cho khai thác, phát triển, mở thị trường lao động mới.
2. Hỗ trợ việc đào tạo nâng cao chất lượng nguồn lao động : bao gồm việc hỗ trợ đào tạo đối với những ngành nghề yêu cầu cao về tay nghề, ngoại ngữ; hỗ trợ cho người lao động thuộc diện đối tượng chính sách, người có công và những người thuộc đối tượng chính sách xã hội.
3. Hỗ trợ cho người lao động và doanh nghiệp để giải quyết rủi ro trong hoạt động xuất khẩu lao động.
4. Thưởng cho các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức và cá nhân có thành tích trong hoạt động xuất khẩu lao động theo quy định hiện hành.
5. Chi cho công tác tuyên truyền quảng cáo hoạt động xuất khẩu lao động.
6. Hỗ trợ một phần kinh phí cho việc tổ chức, quản lý hoạt động của Quỹ.
7. Hỗ trợ khác theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Điều 4. Tổ chức quản lý Quỹ hỗ trợ xuất khẩu lao động.
1. Bộ máy điều hành Quỹ hỗ trợ xuất khẩu lao động là Ban điều hành Quỹ.
2. Ban điều hành Quỹ do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quyết định gồm đại diện cấp Vụ của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính và một số chuyên viên giúp việc.
3. Ban Điều hành Quỹ có nhiệm vụ :
- Quản lý Quỹ và thực hiện việc hỗ trợ theo đúng mục đích, đúng nội dung, đối tượng và Quy chế quản lý tài chính của Quỹ.
- Lập kế hoạch thu, dự toán chi hàng năm của Quỹ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Đề nghị Bộ Tài chính cấp bổ sung kinh phí hàng năm cho Quỹ theo kế hoạch được duyệt.
- Trình Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phê duyệt quyết toán hàng năm của Quỹ.
4. Trách nhiệm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội :
- Quyết định thành lập và ban hành Quy chế hoạt động của Ban điều hành Quỹ.
- Thống nhất với Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ cấp bổ sung kinh phí cho Quỹ trong trường hợp đặc biệt.
- Kiểm tra, giám sát hoạt động của Ban điều hành Quỹ, đảm bảo việc hỗ trợ theo đúng đối tượng, nội dung, quy trình chặt chẽ, thống nhất.
- Phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan tổ chức xét khen thưởng theo quy định hiện hành.
5. Trách nhiệm của Bộ Tài chính :
Chủ trì ban hành Quy chế tài chính về quản lý, sử dụng Quỹ theo quy định.
- Trình Thủ tướng Chính phủ cấp bổ sung kinh phí ban đầu trong năm 2004 và kinh phí hàng năm cho Quỹ.
- Kiểm tra, giám sát hoạt động của Quỹ theo đúng Quy chế tài chính về quản lý, sử dụng Quỹ.
Điều 5. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Điều 6. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
| Phan Văn Khải (Đã ký) |