cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 2512/2004/QĐ-UB ngày 17/08/2004 Ban hành Đề án Luân chuyển giáo viên vùng khó do Tỉnh Quảng Trị ban hành (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 2512/2004/QĐ-UB
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh Quảng Trị
  • Ngày ban hành: 17-08-2004
  • Ngày có hiệu lực: 17-08-2004
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 19-11-2007
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 1189 ngày (3 năm 3 tháng 4 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 19-11-2007
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 19-11-2007, Quyết định số 2512/2004/QĐ-UB ngày 17/08/2004 Ban hành Đề án Luân chuyển giáo viên vùng khó do Tỉnh Quảng Trị ban hành (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 2385/QĐ-UBND ngày 19/11/2007 Về danh mục văn bản quy phạm pháp luật của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị từ ngày 01 tháng 01 năm 2004 đến ngày 31 tháng 12 năm 2006 hết hiệu lực pháp luật”. Xem thêm Lược đồ.

UBND TỈNH QUẢNG TRỊ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2512/2004/QĐ-UB

Đông Hà, ngày 17 tháng 8 năm 2004

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH ĐỀ ÁN LUÂN CHUYỂN GIÁO VIÊN VÙNG KHÓ

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG TRỊ

- Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND, ngày 26/11/2003;

- Căn cứ Nghị định số 35/2001/NĐ-CP ngày 09/7/2001 của Chính phủ về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;

- Căn cứ Thông tư liên tịch số 03/2001/TTLT-BLĐTBXH - BTC - UBDTMN ngày 18/01/2001 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Bộ Tài chính - Ủy ban Dân tộc và Miền núi (nay là Uỷ ban Dân tộc) về việc hướng dẫn chế độ phụ cấp khu vực;

- Xét đề nghị của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo và Giám đốc Sở Nội vụ,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án Luân chuyển cán bộ, giáo viên công tác ở vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (sau đây gọi tắt là Đề án Luân chuyển giáo viên vùng khó).

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:  
- Như điều 2
- Bộ GD-ĐT, Bộ Nội vụ,
- TVTU,TTHĐND tỉnh
- CT, Các PCT UBND tỉnh
- Cục Kiểm tra VBQPPL (Bộ TP)
- Các PVP,
- Lưu VT, VX, NC

TM/ UBND TỈNH QUẢNG TRỊ
CHỦ TỊCH




Lê Hữu Phúc

 

ĐỀ ÁN

LUÂN CHUYỂN GIÁO VIÊN VÙNG KHÓ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2512 /2004/QĐ-UB, ngày 17/8/2004 của UBND tỉnh)

Trong những năm qua số lượng giáo viên được tuyển dụng tăng đáng kể, tuy chưa đáp ứng đủ nhu cầu biên chế song đã giải quyết được tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng của những năm trước đây. Do yêu cầu phát triển về quy mô trường, lớp ở vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (gọi tắt là vùng khó) nói chung và của 2 huyện miền núi nói riêng ngày càng cao và nguyện vọng muốn trở về công tác ở các vùng thuận lợi của hầu hết cán bộ, giáo viên vùng khó nên có sự chênh lệch số lượng, chất lượng cán bộ, giáo viên giữa các vùng.

- Ở bậc Tiểu học: hiện tại chỉ có 2 huyện miền núi thiếu giáo viên dạy các môn văn hóa (Hướng Hóa thiếu 28 giáo viên, Đakrông thiếu 34 giáo viên); các huyện, thị xã khác chỉ thiếu giáo viên dạy Nhạc, Họa,Thể dục.

- Ở bậc THCS: ở Hướng Hóa và Đakrông còn thiếu khoảng 100 giáo viên.

- Ở ngành học Mầm non: theo tinh thần quyết định 161/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thì số biên chế giáo viên mầm non hàng năm được phân bổ chủ yếu cho các xã miền núi, tuy vậy vẫn có một số trường hợp công tác lâu năm ở vùng đặc biệt khó khăn cần được xem xét chuyển vùng.

Nhu cầu chuyển công tác của cán bộ, giáo viên trong năm học 2002-2003 như sau:

- Ở Hướng Hóa có 41 người xin chuyển nội huyện nhưng chỉ giải quyết được 9 người; có 16 người xin chuyển ngoại huyện nhưng cũng chỉ giải quyết được 9 người.

- Ở Đakrông có 21 người xin chuyển ngoại huyện nhưng chỉ giải quyết được 7 người.

Theo thống kê của Phòng GD-ĐT Hướng Hóa số cán bộ, giáo viên đang công tác ở vùng khó với thời gian 5 năm trở lên đối với nam có 142 người, trong đó có 61 người ở vùng bản; nữ 3 năm trở lên có 354 người, trong đó có 40 người ở vùng bản và hầu hết những người này đều có nguyện vọng chuyển công tác về vùng thuận lợi.

I. Phạm vi và đối tượng

1- Phạm vi:

- Đề án này áp dụng cho việc điều động cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong biên chế nhà nước (sau đây gọi tắt là cán bộ, giáo viên) của ngành GD-ĐT Quảng Trị công tác lâu năm ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đến công tác ở vùng thuận lợi và luân chuyển cán bộ, giáo viên từ vùng thuận lợi đến làm nghĩa vụ ở vùng khó.

2- Đối tượng:

a/ Cán bộ, giáo viên có thời gian công tác ở vùng khó (vùng có hệ số phụ cấp khu vực theo qui định của Nhà nước) đủ 5 năm trở lên đối với nam, 3

năm trở lên đối với nữ; hoàn thành nhiệm vụ được giao và có nguyện vọng thì được xét chuyển đến vùng thuận lợi (không phải là vùng khó); không xét những người đang trong thời gian bị kỷ luật và những người có đơn tình nguyện công tác lâu dài ở vùng khó.

b/ Tất cả cán bộ, giáo viên đang công tác ở vùng thuận lợi và mới được tuyển vào ngành Giáo dục - Đào tạo đều phải có nghĩa vụ đến công tác tại vùng khó, trừ các đối tượng sau:

- Nam quá 45 tuổi, nữ quá 35 tuổi;

- Diện chính sách ưu tiên (như qui định ở điểm b/ mục 1/ IV);

- Phụ nữ nuôi con nhỏ dưới 3 tuổi;

- Đã có thời gian công tác ở vùng khó 5 năm trở lên đối với nam, 3 năm trở lên đối với nữ;

- Có vợ (hoặc chồng) đang công tác tại vùng khó;

- Hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (người trực tiếp chăm sóc bố, mẹ già yếu; bản thân hoặc vợ, chồng, con ốm đau dài ngày; vv...) phải được hội đồng xem xét cụ thể.

II. Mục tiêu của Đề án

Cán bộ, giáo viên công tác lâu năm ở vùng khó và hoàn thành nhiệm vụ thì được xét để chuyển công tác đến vùng thuận lợi và đồng thời luân chuyển cán bộ, giáo viên đến công tác ở vùng khó thay thế cho CB, GV chuyển đi và để điều hòa số lượng, chất lượng đội ngũ trong phạm vi toàn tỉnh nhằm thực hiện sự công bằng xã hội và đề cao trách nhiệm của cán bộ, giáo viên ngành Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị.

III. Nguyên tắc chung của Đề án

Việc xét luân chuyển cán bộ, giáo viên phải đảm bảo nguyên tắc công khai, khách quan, công bằng, đúng qui trình và đúng đối tượng. Mọi cán bộ, giáo viên của ngành GD-ĐT Quảng Trị đều phải có trách nhiệm và nghĩa vụ đối với sự phát triển của giáo dục vùng khó.

IV. Nội dung luân chuyển giáo viên vùng khó

1/ Thuyên chuyển cán bộ, giáo viên từ vùng khó đến vùng thuận lợi

1.1/ Điểm xét thuyên chuyển:

Hiện nay, số lượng cán bộ, giáo viên có thời gian công tác ở vùng khó đủ 5 năm trở lên đối với nam, 3 năm trở lên đối với nữ và có nguyện vọng chuyển đến nơi thuận lợi đông nên thời gian công tác ở vùng khó cũng như các chế độ ưu tiên, khuyến khích được lượng hóa thành điểm để xét thuyên chuyển.

a/ Điểm thời gian công tác vùng khó:

Lấy số năm công tác ở vùng khó nhân với hệ số khu vực và qui đổi mỗi năm bằng 1 điểm. Đối với nữ điểm thời gian công tác vùng khó được cộng thêm: 2 x (hệ số khu vực).

Hệ số khu vực được qui định dựa trên cơ sở hệ số phụ cấp khu vực tại Thông tư liên tịch số 03/2001 ngày 18/01/2001/TTLT- BLĐTBXH-BTC-UBDTMN của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội- Bộ Tài chính - Ủy ban Dân tộc và Miền núi:

Khu vực có hệ số phụ cấp 0,1: Lấy hệ số khu vực bằng 1,1;

Khu vực có hệ số phụ cấp 0,2: Lấy hệ số khu vực bằng 1,2;

Khu vực có hệ số phụ cấp 0,3: Lấy hệ số khu vực bằng 1,3;

Khu vực có hệ số phụ cấp 0,4: Lấy hệ số khu vực bằng 1,4;

Khu vực có hệ số phụ cấp 0,5: Lấy hệ số khu vực bằng 1,5;

Khu vực có hệ số phụ cấp 0,7: Lấy hệ số khu vực bằng 1,7;

Khu vực có hệ số phụ cấp 1,0: Lấy hệ số khu vực bằng 2,0;

b/ Điểm ưu tiên diện chính sách

- Anh hùng Lao động, Anh hùng LLVT: 2 điểm;

- Bản thân là thương binh hoặc con liệt sĩ: 2 điểm;

- Con thương binh, bệnh binh và người hưởng chính sách như thương binh loại 1, loại 2 (tỷ lệ thương tật 61% trở lên): 1,5 điểm;

- Con thương binh, bệnh binh và người hưởng chính sách như thương binh loại 3, loại 4 (tỷ lệ thương tật 21% trở lên): 1 điểm;

- Con Anh hùng, con của Bà mẹ VN Anh hùng: 1 điểm;

- Những người đã hoàn thành nghiã vụ quân sự trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân: 1 điểm

c/ Điểm khuyến khích thành tích công tác

- Mỗi năm đạt chiến sĩ thi đua cấp tỉnh hoặc giáo viên giỏi cấp tỉnh: 2,0 điểm

- Mỗi năm đạt chiến sĩ thi đua hoặc giáo viên giỏi cấp huyện, ngành: 1,5 điểm

- Mỗi năm đạt giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh:  1,5 điểm

- Mỗi năm đạt giáo viên dạy giỏi cấp huyện:  0,5 điểm

(chỉ tính những năm công tác ở vùng khó và chỉ lấy thành tích cao nhất trong mỗi năm)

Điểm xét thuyên chuyển = ( Điểm thời gian công tác vùng khó + Điểm ưu tiên diện chính sách + Điểm khuyến khích thành tích công tác)

Ví dụ: Giáo viên A công tác 12 năm ở vùng có hệ số phụ cấp 0,5; là con thương binh loại 2; giáo viên dạy giỏi huyện 01 năm thì điểm xét thuyên chuyển bằng tổng của 3 loại điểm sau:

- Điểm thời gian công tác: 12 x 1,5 = 18 điểm (nếu GV A là nam )

(12 x 1,5) +(2 x1,5) = 21 điểm (nếu GV A là nữ )

- Điểm ưu tiên (con TB loại 2): 1,5 điểm

- Điểm khuyến khích (GV dạy giỏi huyện): 0,5 điểm

1.2/ Phương thức xét luân chuyển

Hàng năm căn cứ vào danh sách CB-GV được đề nghị chuyển công tác từ vùng khó đến vùng thuận lợi, Hội đồng xét luân chuyển giáo viên vùng khó tỉnh trình UBND tỉnh quyết định số lượng và danh sách cán bộ, giáo viên được chuyển từ vùng khó đến vùng thuận lợi theo thứ tự điểm từ cao xuống thấp.

Nếu những người có số điểm để xét luân chuyển bằng nhau thì ưu tiên xét những người có tuổi đời lớn hơn trước.

Những trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn hoặc có những thành tích đặc biệt xuất sắc sẽ được đưa ra hội đồng xem xét để quyết định.

1.3/ Nơi chuyển đến

Nơi chuyển đến của giáo viên vùng khó được xem xét theo thứ tự sau: - Nơi ở và công tác của vợ hoặc chồng;

- Chuyển về quê (nơi đang ở của bố, mẹ, gia đình);

- Chuyển về nơi khác có điều kiện thuận lợi hơn vùng khó.

2/ Luân chuyển cán bộ, giáo viên từ vùng thuận lợi đến vùng khó

a/ Cán bộ, giáo viên từ vùng khó chuyển đến huyện, thị xã nào thì huyện, thị xã đó phải có trách nhiệm luân chuyển cán bộ, giáo viên để thay thế. Đối với các đơn vị trực thuộc Sở GD-ĐT thì Sở GD-ĐT có trách nhiệm luân chuyển thay thế.

b/ Sau khi hoàn thành nghĩa vụ công tác ở vùng khó (nam 5 năm, nữ 3 năm) cán bộ, giáo viên được các cấp quản lý chuyển về nơi công tác ban đầu hoặc xét chuyển về nơi có điều kiện thuận lợi hơn theo nguyện vọng của CB,GV.

c/ Cán bộ, giáo viên đến công tác tại các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng chế độ qui định tại Nghị định số 35/2001/NĐ-CP ngày 09/7/2001 của Chính phủ;

V. Tổ chức thực hiện:

1/ Hàng năm vào đầu tháng 5, UBND các huyện, thị xã có nhiệm vụ lập danh sách CB,GV đề nghị được chuyển công tác từ vùng khó đến vùng thuận lợi (theo mẫu chung) gửi Sở Nội vụ 01 bản, Sở GD-ĐT 01 bản; các đơn vị trực thuộc Sở GD - ĐT lập danh sách CB,GV đề nghị được chuyển công tác từ vùng khó đến vùng thuận lợi gửi Sở GD-ĐT.

2/ UBND tỉnh thành lập Hội đồng xét luân chuyển cán bộ, giáo viên vùng khó; Thành phần của Hội đồng gồm:

- Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Chủ tịch Hội đồng;

- Giám đốc Sở GD-ĐT làm Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng;

- Giám đốc Sở Nội vụ làm Phó Chủ tịch Hội đồng;

- Một số cán bộ của các ngành liên quan làm Thành viên Hội đồng.

- Cơ quan thường trực giúp việc cho Hội đồng đặt tại Sở GD-ĐT.

Hội đồng có nhiệm vụ tham mưu cho UBND tỉnh quyết định số lượng và danh sách cán bộ, giáo viên được chuyển từ vùng khó đến vùng thuận lợi và giao chỉ tiêu số lượng cán bộ, giáo viên chuyển từ vùng thuận lợi đến vùng khó cho các huyện, thị xã và Sở Giáo dục và Đào tạo.

Thời gian thực hiện: hoàn thành vào cuối tháng 5 hàng năm.

3/ Căn cứ chỉ tiêu được UBND tỉnh giao, UBND các huyện, thị xã xét và lập danh sách cán bộ, giáo viên đề nghị chuyển từ vùng thuận lợi đến vùng khó gửi Sở Nội vụ trước ngày 30/7 hàng năm; các đơn vị trực thuộc Sở GD-ĐT xét và lập danh sách cán bộ, giáo viên đề nghị chuyển từ vùng thuận lợi đến vùng khó gửi Sở GD-ĐT trước ngày 30/7 hàng năm.

4/ Giám đốc Sở Nội vụ có trách nhiệm quyết định điều động luân chuyển cán bộ, giáo viên khối trực thuộc huyện, thị xã theo qui định hiện hành trước ngày 31/8 hàng năm.

Giám đốc Sở GD-ĐT có trách nhiệm quyết định điều động luân chuyển cán bộ, giáo viên ở các đơn vị trực thuộc Sở trước ngày 31/8 hàng năm.

5/ UBND các huyện, thị xã tổ chức xây dựng Đề án luân chuyển giáo viên vùng khó của địa phương mình để thực hiện việc luân chuyển cán bộ giáo viên phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Trong quá trình thực hiện Đề án này nếu có những vấn đề chưa phù hợp thì các ngành, các địa phương, các đơn vị liên quan phản ánh về UBND tỉnh (qua Sở GD-ĐT) để sửa đổi, bổ sung kịp thời theo đúng quy định của pháp luật và thực tiễn địa phương./.