Quyết định số 41/2004/QĐ-UB ngày 27/07/2004 Ban hành Quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội trên địa bàn tỉnh Tiền Giang do Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang ban hành (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 41/2004/QĐ-UB
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Tiền Giang
- Ngày ban hành: 27-07-2004
- Ngày có hiệu lực: 27-07-2004
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 29-08-2010
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 2224 ngày (6 năm 1 tháng 4 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 29-08-2010
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 41/2004/QĐ-UB | Mỹ Tho, ngày 27 tháng 07 năm 2004 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ TỔ CHỨC, HOẠT ĐỘNG VÀ QUẢN LÝ HỘI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TIỀN GIANG
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TIỀN GIANG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XI thông qua ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị định số 88/2003/NĐ-CP ngày 30/7/2003 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội;
Căn cứ Thông tư số 01/2004/TT-BNV ngày 15/01/2004 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 88/2003/NĐ-CP ngày 30/7/2003 của Chính phủ;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, thủ trưởng các sở, ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã Gò Công và thành phố Mỹ Tho chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TIỀN GIANG |
QUY ĐỊNH
VỀ TỔ CHỨC, HOẠT ĐỘNG VÀ QUẢN LÝ HỘI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TIỀN GIANG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 41/2004/QĐ-UB ngày 27 / 7 /2004)
Chương I
QUI ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi, đối tượng áp dụng.
Các hội, liên hiệp hội, tổng hội, liên đoàn, hiệp hội, câu lạc bộ và hội có tên gọi khác (sau đây gọi chung là hội) có tư cách pháp nhân, có con dấu, tài khoản riêng, có phạm vi hoạt động trong tỉnh, trong huyện, thị xã Gò Công, thành phố Mỹ Tho (sau đây gọi chung là huyện), trong xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là xã), liên huyện, liên xã.
Điều 2. Thành lập và nguyên tắc tổ chức, hoạt động của hội.
Các hội thành lập và hoạt động trên địa bàn tỉnh Tiền Giang thực hiện theo quy định tại Nghị định số 88/2003/NĐ-CP ngày 30/7/2003 của Chính phủ, Thông tư số 01/2004/TT-BNV ngày 15/01/2004 của Bộ Nội vụ, các văn bản của Nhà nước có liên quan và các quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh về tổ chức, hoạt động và quản lý hội.
Điều 3. Phân cấp quản lý hội.
1 - Giám đốc Sở Nội vụ giúp Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý về tổ chức, hoạt động đối với các hội hoạt động trên địa bàn tỉnh.
2 - Thủ trưởng các sở, ngành tỉnh (sau đây gọi chung là sở) quản lý tổ chức, hoạt động của các hội hoạt động trên lĩnh vực sở quản lý.
3 - Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện quản lý tổ chức, hoạt động của các hội có phạm vi hoạt động trong huyện, trong xã.
Chương II
THẨM QUYỀN CHO PHÉP THÀNH LẬP VÀ CÔNG NHẬN BAN CHẤP HÀNH HỘI
Điều 4. Thẩm quyền cho phép thành lập hội.
1 - Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cho phép thành lập đối với hội có phạm vi hoạt động trong tỉnh, liên huyện, trong huyện.
2 - Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ủy quyền cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện cho phép thành lập, sau khi có thoả thuận bằng văn bản của Giám đốc Sở Nội vụ, đối với hội có phạm vi hoạt động trong xã, liên xã.
Điều 5. Công nhận Ban Chấp hành.
1 - Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định công nhận Ban Chấp hành đối với hội có phạm vi hoạt động trong tỉnh, liên huyện.
2 - Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định công nhận Ban Chấp hành các hội có phạm vi hoạt động trong huyện, trong xã, liên xã.
Chương III
HỒ SƠ XIN PHÉP THÀNH LẬP HỘI
Điều 6. Đối với Hội được thành lập theo hệ thống tổ chức từ Trung ương đến tỉnh, huyện, xã; hồ sơ xin phép thành lập gồm:
1 - Đơn xin phép thành lập hội do Trưởng Ban Ban Vận động thành lập Hội ký.
2 - Điều lệ của Hội đã được phê duyệt.
3 - Dự thảo Quy chế hoạt động của Hội (nếu có).
4 - Dự kiến phương hướng hoạt động.
5 - Quyết định công nhận Ban vận động thành lập hội của cơ quan có thẩm quyền.
6 - Sơ yếu lý lịch người đứng đầu Ban vận động thành lập hội có xác nhận của Ủy ban nhân dân hoặc Trưởng Công an cấp xã nơi cư trú.
7 - Các văn bản xác định về trụ sở và tài sản hợp pháp của hội.
Điều 7. Đối với hội được thành lập không có hệ thống từ Trung ương đến tỉnh, huyện, xã hoặc tử tỉnh đến huyện, xã, hồ sơ xin phép thành lập hội gồm:
1 - Đơn xin phép thành lập hội do Trưởng ban Ban Vận động thành lập Hội ký.
2 - Dự thảo Điều lệ.
3 - Dự kiến phương hướng hoạt động.
4 - Quyết định công nhận Ban Vận động thành lập hội của cơ quan có thẩm quyền.
5 - Sơ yếu lý lịch của người đứng đầu Ban vận động thành lập hội có xác nhận Ủy ban nhân dân hoặc Trưởng Công an cấp xã nơi cư trú.
6 - Các văn bản xác định về trụ sở và tài sản hợp pháp của hội.
Chương IV
NGHĨA VỤ CỦA HỘI
Điều 8. Đại hội nhiệm kỳ.
Trước khi tổ chức đại hội nhiệm kỳ 30 ngày, Ban lãnh đạo hội phải có văn bản báo cáo:
1 - Ủy ban nhân dân tỉnh (thông qua Sở Nội vụ) và sở quản lý ngành, lĩnh vực hội đang hoạt động, đối với các hội có phạm vi hoạt động trong tỉnh, liên huyện.
2 - Ủy ban nhân dân huyện và Sở Nội vụ, đối với hội có phạm vi hoạt động trong huyện, liên xã.
3 - Ủy ban nhân dân huyện, đối với hội có phạm vi hoạt động trong xã.
Điều 9. Báo cáo tình hình tổ chức, hoạt động của hội.
Định kỳ 6 tháng, 1 năm, Ban lãnh đạo hội phải báo cáo tình hình tổ chức, hoạt động của hội chậm nhất vào ngày 01/6 và 01/12 hàng năm. Báo cáo gửi về:
1 - Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Nội vụ) và Sở quản lý ngành, lĩnh vực hội hoạt động, đối với các hội có phạm vi hoạt động trong tỉnh, liên huyện.
2 - Ủy ban nhân dân huyện, đối với các hội có phạm vi hoạt động trong huyện, trong xã, liên xã.
Chương V
BIÊN CHẾ VÀ KINH PHÍ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI
Điều 10. Cán bộ chuyên trách tại cơ quan thường trực của hội.
1 - Số lượng cán bộ chuyên trách làm việc tại cơ quan thường trực của hội do hội quyết định. Tiền lương và các chế độ chính sách khác của cán bộ chuyên trách hội thực hiện theo quy định của hội, do nguồn kinh phí của hội chi trả.
2 - Đối với các hội đã được Ủy ban nhân dân tỉnh, huyện giao biên chế và cử cán bộ trong biên chế nhà nước làm việc tại cơ quan thường trực của hội, khi có người nghỉ hưu, nghỉ việc, chuyển công tác hội thì không được tuyển dụng mới để thay thế. Riêng các chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch hội (và tương đương) khi nghỉ việc, nghỉ hưu, chuyển công tác… sẽ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép thành lập hội xem xét quyết định việc bố trí cán bộ trong biên chế nhà nước thay thế.
Điều 11. Kinh phí hoạt động của hội.
1 - Kinh phí hoạt động của các hội do các hội tự đảm bảo theo quy định của pháp luật.
2 - Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét hỗ trợ kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước cho các hội có những hoạt động gắn với nhiệm vụ của Nhà nước theo các nguyên tắc quy định tại khoản 2, Điều 2 Quyết định số 21/2003/QĐ-TTg ngày 29/01/2003 của Thủ tướng Chính phủ.
Chương VI
TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC
Điều 12. Nhiệm vụ quản lý nhà nước của sở đối với hội hoạt động thuộc lĩnh vực do sở, ngành quản lý.
1 - Tham gia bằng văn bản về việc cho phép thành lập; chia tách, sáp nhập; hợp nhất; giải thể và phê duyệt Điều lệ hoặc Quy chế hoạt động của hội; công nhận Ban vận động thành lập hội.
2 - Hướng dẫn, tạo điều kiện cho hội tham gia các hoạt động thuộc ngành, lĩnh vực quản lý của sở theo quy định của pháp luật; tổ chức lấy ý kiến của hội để hoàn thiện các quy định quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực do sở quản lý.
3 - Kiểm tra việc thực hiện các quy định quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực đối với hội; xử lý hoặc kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh xử lý các vi phạm của hội theo quy định của pháp luật.
4 - Định kỳ 6 tháng và hàng năm báo cáo với Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Nội vụ) về tình hình tổ chức, hoạt động của các hội hoạt động trên lĩnh vực sở quản lý.
Điều 13. Nhiệm vụ quản lý nhà nước của Ủy ban nhân dân cấp huyện đối với hội hoạt động trong phạm vi huyện, xã, liên xã.
1 - Thực hiện thẩm quyền theo quy định tại khoản 2, Điều 4 và khoản 2, Điều 5 Quy định này và quản lý nhà nước về tổ chức, hoạt động của hội.
2 - Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về hội, kiểm tra việc thực hiện Điều lệ hội.
3 - Xem xét hỗ trợ đối với các hội có phạm vi hoạt động tại địa phương.
4 - Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc quản lý hội.
5 - Tham gia ý kiến bằng văn bản về việc cho phép thành lập; chia tách; sáp nhập; hợp nhất; giải thể và phê duyệt Điều lệ đối với các hội có phạm vi hoạt động trong huyện, trong xã, liên xã.
6 - Định kỳ 6 tháng và hàng năm tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Nội vụ) về tình hình tổ chức và quản lý hội ở địa phương.
Điều 14. Sở Nội vụ:
1 - Lấy ý kiến bằng văn bản của sở, ngành về lĩnh vực mà hội hoạt động đối với hội có phạm vi hoạt động trong tỉnh, liên huyện hoặc Ủy ban nhân dân huyện đối với hội hoạt động trong huyện để làm cơ sở thẩm định trình Ủy ban nhân dân tỉnh cho phép thành lập; chia tách; hợp nhất; đổi tên; giải thể và phê duyệt Điều lệ.
2 - Chủ trì và phối hợp với các sở, ngành tỉnh tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về hội; kiểm tra việc thực hiện Điều lệ hội đối với các hội.
3 - Tổng hợp tình hình tổ chức, hoạt động và quản lý hội trong tỉnh báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Nội vụ.
Chương VII
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 15. Hiệu lực thi hành.
1 - Quy định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
2 - Quy định này thay thế Công văn số 240/CV-UB ngày 5/8/1989 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang về việc quản lý tổ chức và hoạt động của các hội quần chúng.
3 - Hội được thành lập không đúng thẩm quyền theo quy định của Chỉ thị số 01/CT ngày 05/01/1989 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) phải lập hồ sơ xin phép thành lập lại.
Điều 16. Trách nhiệm thi hành.
1 - Sở Nội vụ chịu trách nhiệm hướng dẫn và theo dõi việc thực hiện quy định này.
2 - Thủ trưởng các sở, ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện chịu trách nhiệm thi hành Quy định này./.