cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Chỉ thị số 40/2002/CT-UB ngày 19/12/2002 Về công tác quốc phòng địa phương năm 2003 do tỉnh An Giang ban hành (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 40/2002/CT-UB
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh An Giang
  • Ngày ban hành: 19-12-2002
  • Ngày có hiệu lực: 19-12-2002
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 15-04-2014
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 4135 ngày (11 năm 4 tháng )
  • Ngày hết hiệu lực: 15-04-2014
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 15-04-2014, Chỉ thị số 40/2002/CT-UB ngày 19/12/2002 Về công tác quốc phòng địa phương năm 2003 do tỉnh An Giang ban hành (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 538/QĐ-UBND ngày 15/04/2014 Công bố kết quả rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang ban hành từ ngày 01/01/1977-31/12/2013”. Xem thêm Lược đồ.

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số :40/2002/CT-UB

Long Xuyên, ngày 19 tháng 12 năm 2002

 

CHỈ THỊ

VỀ CÔNG TÁC QUỐC PHÒNG ĐỊA PHƯƠNG NĂM 2003

Thời gian qua, cùng với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận đoàn thể các cấp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xã, hội, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của các tầng lớp nhân dân, công tác quốc phòng địa phương ở tỉnh nhà đã được tăng cường thêm một bước, góp phần tích cực vào việc giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Để tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác quốc phòng trong thời gian tới, Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành trong tỉnh thực hiện tốt những việc sau :

1- Tăng cường công tác tuyên truyền, xây dựng nhận thức và nâng cao ý thức về công tác quốc phòng trong toàn bộ hệ thống chính trị và trong các tầng lớp nhân dân; nêu cao tinh thần cảnh giác trước mọi âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch hòng thực hiện chiến lược "diễn biến hòa bình"; tích cực tham gia xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân ngày càng vững chắc tại từng địa bàn cơ sở, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Các chương trình, đề án xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội phải gắn chặt với nhiệm vụ bảo vệ quốc phòng-an ninh; phát huy sức mạnh tại chỗ của thế trận khu vực phòng thủ ở từng địa phương, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quốc phòng-an ninh trong mọi tình huống.

2- Quán triệt sâu sắc nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Chính quyền các cấp phối hợp chặt chẽ với các lực lượng vũ trang làm tốt công tác quản lý địa bàn, nắm chắc diễn biến hoạt động của các đối tượng chính trị, các tổ chức phản động, đặc biệt chú trọng các khu vực trọng điểm để có biện pháp xử lý kịp thời. Ngăn chặn có hiệu quả các hoạt động xâm nhập vào nội địa để phá hoại. Từng địa bàn cơ sở phải tăng cường quản lý chặt chẽ các đối tượng cực đoan lợi dụng tôn giáo, dân tộc kích động gây mất an ninh chính trị-trật tự an toàn xã hội. Làm tốt việc phòng chống, ngăn chặn các loại tội phạm và tệ nạn xã hội tại từng địa bàn dân cư.

3- UBND các huyện, thị xã, thành phố, xã, phường, thị trấn có kế hoạch xây dựng cơ quan quân sự theo hướng qui hoạch ổn định lâu dài; tập trung củng cố, nâng cao chất lượng tổng hợp của lực lượng vũ trang địa phương (bao gồm bộ đội địa phương, dân quân tự vệ và lực lượng dự bị động viên) vững mạnh toàn diện về chính trị, tư tưởng và tổ chức, làm tốt vai trò nòng cốt trong khu vực phòng thủ tỉnh, huyện thị.

Năm 2003 tập trung thực hiện tốt việc xây dựng lực lượng ở xã điểm và các xã biên giới không có đồn biên phòng trên địa bàn xã.

4- Cơ quan quân sự các cấp phối hợp với các ngành hữu quan thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu cho cấp ủy, chính quyền về công tác quốc phòng địa phương; thực hiện tốt kế hoạch xây dựng, huấn luyện và tổ chức lực lượng dân quân tự vệ năm 2003 tại các địa bàn dân cư và tại các cơ quan, đơn vị theo qui định của Pháp lệnh dân quân tự vệ hiện hành. Tiếp tục củng cố Ban chỉ huy quân sự xã; tăng cường cán bộ chỉ huy quân sự ở một số xã, phường, thị trấn trọng điểm.

Thực hiện tốt việc đăng ký, phân loại chuyên nghiệp quân sự; bố trí nguồn động viên đối với quân nhân mới xuất ngũ, quân nhân dự bị hạng II. Có kế hoạch đào tạo chuyên môn kỹ thuật để chủ động bố trí chuyên nghiệp quân sự. Làm tốt chính sách giải ngạch quân nhân dự bị hết hạn phục vụ theo luật định. Tổ chức đăng ký, quản lý tốt phương tiện động viên của nền kinh tế quốc dân cho công tác quốc phòng địa phương.

Hoàn thành chỉ tiêu tuyển quân, giao quân năm 2003; kịp thời giải quyết các trường hợp khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ quân sự; tập trung giáo dục quân nhân đào ngũ, đưa trở lại đơn vị để tiếp tục thực hiện nghĩa vụ quân sự. Gắn công tác tuyển quân với công tác động viên bảo đảm nguồn động viên cho quân đội.

Thực hiện tốt yêu cầu tuyển sinh quân sự, đào tạo nguồn cán bộ cho lực lượng vũ trang địa phương.

5- Tiếp tục thực hiện Nghị định số 15/2001/NĐ-CP ngày 01/5/2001 của Chính phủ về giáo dục quốc phòng trong hệ thống các nhà trường; đưa nội dung giáo dục quốc phòng thành môn học chính khóa ở các bậc đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, trung học phổ thông, các trường dạy nghề, Trường chính trị Tôn Đức Thắng.

Thực hiện việc bồi dưỡng kiến thức quốc phòng cho cán bộ chủ chốt các cấp theo qui định phân cấp của Bộ Quốc phòng.

6- UBND các cấp quan tâm tốt hơn việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của lực lượng vũ trang, thực hiện tốt các chế độ chính sách đối với lực lượng vũ trang, chính sách hậu phương quân đội theo các qui định của Nhà nước.

Việc thu chi Quỹ quốc phòng-an ninh phải đảm bảo công bằng, chặt chẽ, đúng mục đích.

Tiếp tục thực hiện tốt phong trào "đền ơn đáp nghĩa", phụng dưỡng các Bà mẹ VN anh hùng, chăm sóc các đối tượng có công với nước. Giúp đỡ, tạo điều kiện về công ăn việc làm cho cán bộ, quân nhân phục viên, xuất ngũ ổn định cuộc sống; đồng thời, phát huy truyền thống "bộ đội Cụ Hồ", tích cực góp phần xây dựng quê hương về mọi mặt sau khi phục viên, xuất ngũ.

Các cơ quan thông tin đại chúng thường xuyên tuyên truyền, phản ánh các hoạt động liên quan đến công tác quốc phòng địa phương, kịp thời biểu dương người tốt việc tốt, những tập thể, cá nhân điển hình trong phong trào quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân; phê phán các biểu hiện tiêu cực, vi phạm các qui định của Nhà nước về công tác quốc phòng-an ninh, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội...

7- Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh chủ trì phối hợp với các ngành hữu quan có kế hoạch triển khai, hướng dẫn tổ chức thực hiện tốt công tác quốc phòng địa phương năm 2003 theo tinh thần Chỉ thị nầy và theo dõi kết quả thực hiện, định kỳ báo cáo UBND tỉnh.-

 

 

Nơi nhận :
- TTTU,HĐND,UBND,UBMT tỉnh "b/c"
- Các Sở,Ban ngành,đoànt hể,DNNN tỉnh
- UBND các huyện, thị, thành phố
- Chánh, Phó VP, P.Tổng hợp
- Lưu.

CHỦ TỊCH UBND TỈNH AN GIANG




Nguyễn Minh Nhị