cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Chỉ thị số 32/2002/CT.UB ngày 23/09/2002 Về huy động học sinh đến trường do tỉnh An Giang ban hành (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 32/2002/CT.UB
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh An Giang
  • Ngày ban hành: 23-09-2002
  • Ngày có hiệu lực: 23-09-2002
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 29-05-2006
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 1344 ngày (3 năm 8 tháng 9 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 29-05-2006
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 29-05-2006, Chỉ thị số 32/2002/CT.UB ngày 23/09/2002 Về huy động học sinh đến trường do tỉnh An Giang ban hành (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Chỉ thị số 06/2006/CT-UBND ngày 19/05/2006 Tăng cường công tác huy động học sinh đến trường, lớp và hạn chế tình trạng học sinh bỏ học do tỉnh An Giang ban hành (Văn bản hết hiệu lực)”. Xem thêm Lược đồ.

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số : 32/2002/CT.UB

Long Xuyên, ngày 23 tháng 9 năm 2002

 

 CHỈ THỊ

V/V HUY ĐỘNG HỌC SINH ĐẾN TRƯỜNG

Thực hiện kế hoạch hàng năm, ngành Giáo dục – Đào tạo đã phối hợp với chính quyền địa phương các cấp tập trung thực hiện và đã có nhiều nổ lực trong công tác vận động “ngày toàn dân đưa trẻ em đến trường”. Tuy nhiên, so với kế hoạch năm học, tình hình huy động học sinh ra lớp ở các bậc học còn thấp, chưa đạt và năm học sau giảm hơn năm học trước, nhất là bậc tiểu học và cấp trung học cơ sở.

Để việc huy động học sinh ra lớp từ năm học 2002 – 2003 đạt kế hoạch, thực hiện có hiệu quả yêu cầu phổ cập tiểu học đúng độ tuổi và đảm bảo khả năng phổ cập trung học cơ sở vào năm 2008, Uy ban nhân dân tỉnh chỉ thị :

1. Uy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh hơn nữa cuộc vận động, tuyên truyền “ngày toàn dân đưa trẻ em đến trường”, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của các cấp các ngành, các tổ chức đoàn thể và phụ huynh học sinh, cùng với ngành Gíao dục – Đào tạo quyết tâm huy động học sinh đến trường, đảm bảo chỉ tiêu huy động học sinh hàng năm đã cam kết giữa các địa phương và ngành Giáo dục – Đào tạo.

- Chính quyền địa phương chịu trách nhiệm chính trong công tác vận động các em học sinh chưa đến trường từ ngày 05/9 mỗi năm. Trên cơ sở thực tế các đối tượng chưa đến trường ở thời điểm nầy, chính quyền tổ chức vận động bảo đảm chỉ tiêu kế hoạch được giao, trong đó đặc biệt phải chú ý vận động hết trẻ 6 tuổi vào lớp 1, học sinh tốt nghiệp tiểu học vào lớp 6 và vận động từ 75 à 80% học sinh bỏ học các năm học trước trở lại trường.

- Sau khai giảng, định kỳ hàng tuần UBND các cấp thường xuyên theo dõi tình hình duy trì sĩ số học sinh, căn cứ báo cáo của trường để có kế hoạch tiếp tục vận động học sinh ra lớp. Tổ chức công khai hóa, các đối tượng CMHS còn trì trệ, cố tình ngăn cản việc học tập của con em, nhằm đấu tranh với những người chưa có nhận thức tốt về quyền và nghĩa vụ học tập.

- Các Ban, Ngành, Đoàn thể cấp huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm vận động trên từng địa bàn xã, phường, thị trấn. Các Ngành, Đoàn thể cấp xã chịu trách nhiệm vận động gắn trực tiếp với từng khối lớp, từng đơn vị trường học hoặc từng khóm, ấp cụ thể.

- Uy ban nhân dân cấp huyện, thị xã, thành phố và cấp xã, phường, thị trấn phải thực hiện việc sơ tổng kết thường xuyên, có kết hợp báo về trên trong nội dung báo cáo định kỳ …

2. Ngành Giáo dục – Đào tạo chịu trách nhiệm chính trong công tác huy động học sinh trước, trong những ngày tựu trường đến ngày 05/9, duy trì sĩ số học sinh trong năm học bảo đảm theo chỉ tiêu quy định. Tham mưu với chính quyền, đoàn thể địa phương vận động học sinh đến trường giai đoạn từ sau ngày khai giảng năm học mới.

- Các đơn vị trường học điều tra, cập nhật bổ sung nắm chắc đối tượng học sinh trong độ tuổi chưa đến trường, học sinh bỏ học các năm trước, học sinh lên lớp, ở lại, kiên quyết vận động cho được học sinh ra lớp ; không để sót bất kỳ trường hợp nào.

- Sau ngày khai giảng, hàng ngày, rà soát cập nhật danh sách học sinh chưa đến trường để tiếp tục có biện pháp thích hợp vận động đạt kết quả. Đối với những học sinh đã bỏ học, các đơn vị phải nắm chắc danh sách và hoàn cảnh của đối tượng nầy, chủ động báo cáo với các cấp chính quyền và phối hợp đoàn thể, tổ chức xã hội bằng những biện pháp tích cực nhất, vận động các em trở lại trường.

3. Sở Giáo dục – Đào tạo có trách nhiệm hướng dẫn về quy trình quản lý học sinh, quy định cụ thể về các tiêu chuẩn khen thưởng, kỷ luật đối với công tác duy trì sĩ số học sinh trong năm học. Riêng những đơn vị trường học nước ngập sâu, học sinh phải nghỉ học do lũ lụt, UBND tỉnh giao Sở GDĐT có hướng dẫn cụ thể việc tổ chức huy động học sinh, giảng dạy phù hợp, giúp các em được thuận lợi trong quá trình học tập ; bảo đảm hiệu quả đào tạo ngày càng vững chắc và nhất là hạ thấp tỉ lệ lưu ban bỏ học.

4. Các cơ quan thông tấn, báo chí tiếp tục tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng nhân dân về Luật Giáo dục, Luật PCGDTH … Kịp thời đưa tin tuyên truyền, giới thiệu các tập thể và cá nhân điển hình kể cả gương tốt và chưa tốt trong cuộc vận động, nhất là các Đài truyền thanh địa phương, hàng ngày trong thời gian huy động học sinh đến trường, phải trực tiếp phản ánh những đối tượng chậm ra lớp hoặc có biểu hiện trì trệ, tiêu cực trong lĩnh vực nầy.

5. Thời gian tổ chức thực hiện cuộc vận động kể từ năm học 2002 – 2003. Sở GDĐT chịu trách nhiệm theo dõi kiểm tra, đôn đốc và có báo cáo về UBND tỉnh theo quy định.

Để đảm bảo số lượng và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác Giáo dục – Đào tạo tỉnh nhà, yêu cầu Giám đốc Sở GDĐT, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và thủ trưởng các cơ quan thông tin báo chí thực hiện tốt Chỉ thị nầy.

 

 

Nơi nhận :
- TT.TU, HĐND, UBND
- UBND huyện, thị, TP             
- Các Sở, Ngành có liên quan
- Phòng VH - XH
- Lưu.

PHÓ CHỦ TỊCH




Đặng Hoài Dũng